Australia: Chính trường “rung lắc” vì chuyện quốc tịch

Thứ Năm, 02/11/2017, 13:46
Vụ lùm xùm về chuyện chính khách mang quốc tịch nước ngoài tại Australia cuối cùng đã đi đến đoạn kết: Các chính khách nào mang quốc tịch nước ngoài, dù có biết hay không biết trước cũng đều không có tư cách tiếp tục làm nghị sĩ trong Quốc hội vì quy định của Hiến pháp Australia không cho phép.

Câu chuyện hai quốc tịch kéo dài hơn 2 tháng qua tại đất nước chuột túi đã có kết quả cuối cùng vào chiều ngày 27-10, với việc Tòa án Cấp cao ra phán quyết 6 nghị sĩ thuộc hai đảng National và Liberal National trong liên minh cầm quyền đều không đủ tư cách làm nghị sĩ. 6 nghị sĩ bao gồm Phó Thủ tướng Barnaby Joyce thuộc đảng National, các Thượng nghị sĩ Matt Canavan (đảng Liberal National), Malcolm Roberts (One Nation), Fiona Nash (National), Nick Xenophon (Nick Xenophon Team), Larissa Waters (Greens).

Riêng Thượng nghị sĩ Scott Ludlam (Greens) đến từ bang Western Australia đã tự giác từ chức nghị sĩ sau khi phát hiện mình không đủ tư cách theo hiến định vì còn giữ quốc tịch New Zealand. Tất cả họ được công luận Australia gọi là “Thất quốc tịch” (7 người trong vụ việc quốc tịch).

Phán quyết của Tòa án Cấp cao là bước diễn biến quá lớn của một câu chuyện lùm xùm lúc đầu tưởng không có gì đáng nói, một vụ việc nhỏ của một số người, trong đó có Phó Thủ tướng Joyce, nổ ra cách đây hơn 2 tháng. Ban đầu, ngay sau khi phát hiện mình vẫn còn quốc tịch New Zealand do thừa hưởng từ người cha (là công dân New Zealand khi sinh ra ông tại Australia), Joyce ngỡ rằng chỉ cần mình từ bỏ quốc tịch ấy thì mọi chuyện sẽ ổn. Cho nên ông đã làm thủ tục từ bỏ quốc tịch đó và nộp đơn yêu cầu Tòa án Cấp cao Australia xem xét và phán quyết xem trường hợp thừa kế quốc tịch từ cha mẹ như ông có vi phạm hiến pháp hay không.

Theo quy định tại Phần 44 của Hiến pháp Australia, những người mang quốc tịch các nước khác không được phép ứng cử vào quốc hội. Theo các chuyên gia luật, ban đầu hiến pháp quy định những người ngoài khối Thịnh vượng chung bị cấm, nhưng về sau này đã thu hẹp lại phạm vi quốc gia.

Vụ việc hai quốc tịch của Phó Thủ tướng Joyce từng gây nên một vụ xích mích nhỏ giữa hai nước láng giềng Australia và New Zealand, trong đó Chính phủ Australia cáo buộc Công đảng New Zealand và Australia câu kết với nhau gây ra vụ lùm xùm nhằm làm mất uy tín và làm mất ghế của liên minh cầm quyền.

Sau khi vụ việc của ông Joyce xảy ra, đã có thêm một loạt nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái khác nhau cũng mang hai quốc tịch. Họ bị buộc phải thôi chức ngay lập tức để chờ phán quyết của tòa án. Riêng trường hợp Phó Thủ tướng Joyce là biệt lệ, được tại vị cho đến khi có phán quyết của tòa án.

Ông Barnaby Joyce hy vọng sẽ giành lại ghế nghị sĩ sau cuộc bầu cử bổ sung tháng 12 tới.

Các nghị sĩ lâm vào tình trạng hai quốc tịch cũng giống như Joyce, nghĩa là thừa hưởng quốc tịch từ cha hoặc mẹ, nhưng một số người có hoàn cảnh rất khác Joyce. Có người sinh ra ở nước ngoài, nhưng sau khi đến Australia, họ cứ tưởng là mình không còn quốc tịch nước ngoài đó nữa.

Chẳng hạn như ông Xenophon, mang quốc tịch Anh từ người cha một cách kỳ lạ: cha ông rời Síp - vốn là thuộc địa của Anh, mọi công dân đều mang quốc tịch Anh - trước khi đảo quốc này giành độc lập từ thực dân Anh. Còn nghị sĩ Nash thì không hề hay biết mình thừa hưởng quốc tịch từ người cha gốc Scotland mà bà hầu như chưa từng gặp mặt.

Do việc 7 nghị sĩ từ chức và bị buộc thôi chức nghị sĩ nên các ghế nghị sĩ bỏ trống, do đó Quốc hội Australia buộc phải tổ chức cuộc bầu cử bổ sung tại các bang có nghị sĩ mất ghế. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2-12 tới. Hầu hết các nghị sĩ bị mất ghế đều đã từ bỏ quốc tịch nước ngoài và đủ tư cách tái ứng cử. Thủ tướng Australia tự tin tuyên bố ông hy vọng ông Joyce sẽ giành chiến thắng khi ra ứng cử lại ghế nghị sĩ của mình.

Từ chuyện nhỏ dẫn đến chuyện lớn, và hiện nay vụ việc đa quốc tịch đang làm cho chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull bỗng dưng chao đảo. Ngay hôm 27-10, Thủ tướng Turnbull đã lên đường đi thăm Israel và ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop kiêm quyền xử lý công việc thay thủ tướng.

Mặc dù ông Turnbull đã cố trấn an dư luận rằng chính phủ của ông vẫn “bình yên”, vì mọi việc đã được bà Bishop đảm trách, và cho dù một số nghị sĩ của đảng, trong đó bao gồm ông Joyce, mất ghế theo luật định, liên minh cầm quyền vẫn tiếp tục nắm đa số và mọi hoạt động vẫn tiếp diễn. Thế nhưng, giới quan sát và bình luận thì không tin như thế.

Có vẻ như những gì ông Turnbull nói để tự trấn an mình là chính. Liên minh cầm quyền của ông Turnbull chỉ nắm thế đa số mong manh 1 ghế, đó là Joyce, vì vậy một khi Joyce bị đình chỉ tư cách nghị sĩ, thế đa số mong manh ấy cũng mất luôn. Cho nên, điều khả dĩ hiện nay đối với liên minh cầm quyền là hy vọng Joyce sẽ vượt qua cuộc bầu cử bổ sung sắp tới.

Cơ hội tái đắc cử ghế nghị sĩ của ông Joyce là khá cao sau khi đối thủ nặng ký của ông, Tony Windsor, đã từ chối tham gia cuộc đua. Nhưng Joyce vẫn chưa chắc chắn sẽ giành chiến thắng, vì vẫn còn những thách thức khác. Clive Bean, giáo sư chính trị học tại Đại học Công nghệ Queensland cho rằng cử tri đi bỏ phiếu tại các cuộc bầu cử bổ sung có cách suy nghĩ rất khác. Họ có thể muốn thông qua lá phiếu để “gửi một thông điệp” nào đó cho chính phủ nhằm phản ánh “tình trạng hài lòng” của họ đối với chính phủ, do đó có thể sẽ làm Joyce mất một số phiếu bầu.

Ngoài ra, vẫn còn những thách thức pháp lý mà Joyce có thể sẽ gặp phải. Đó là sau khi tòa án phán quyết ông không đủ tư cách làm nghị sĩ do mang quốc tịch nước ngoài, có nghĩa là ông không đủ tư cách ứng cử nghị sĩ ngay từ đầu. Vì vậy các quyết định, hành vi của ông trong thời gian giữ ghế nghị sĩ vừa qua cũng có thể sẽ bị xét lại và tuyên vô giá trị.

An Châu (tổng hợp)
.
.