Bà Angela Merkel: Hào quang hay thử thách

Thứ Ba, 07/11/2017, 16:51
Mặc dù giành thắng lợi (với 33% tỷ lệ ủng hộ) trong cuộc bầu cử quốc hội, song Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Angela Merkel vẫn chưa thành lập được chính phủ.

Giới phân tích cho rằng tiến trình này sẽ gai góc và có thể kéo dài, bởi lẽ 2 đảng nhỏ gồm đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh mà Liên minh CDU/CSU vừa khởi động đàm phán, hiện có quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề từ thuế, năng lượng cho tới các vấn đề liên quan tới châu Âu. Đó là chưa kể bà Merkel đang đứng trước những thách thức liên quan đến công việc nội bộ, xã hội, ngoại giao trong bối cảnh sự ổn định của Đức và châu Âu đang bị đe dọa.

Tiến trình thành lập chính phủ

Kết quả cuộc bầu cử ngày 24-9 là điều không bất ngờ khi Liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel vẫn giữ vị thế là chính đảng lớn nhất trong Quốc hội liên bang Đức khóa 19. Tuy nhiên, 3 điều được coi là bất ngờ và chưa từng có trong các cuộc tổng tuyển cử ở Đức từ năm 1949 đến nay là: Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) lần đầu tiên đạt tỷ lệ ủng hộ thấp nhất từ trước đến nay (20,4%); lần đầu tiên một đảng cực hữu - Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với 12,6%, mới được thành lập cách đây hơn 4 năm - bước chân vào Quốc hội liên bang với tư cách là đảng lớn thứ 3 trong cơ quan lập pháp; Quốc hội Đức lần đầu tiên có tới 7 đảng phái có đại diện.

Dưới hào quang thắng lợi, chắc chắn Thủ tướng Merkel sẽ vẫn là người đứng đầu dẫn dắt một chính phủ liên minh trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Song điều được dư luận quan tâm là quyết định của CDU/CSU tiến hành đàm phán thành lập chính phủ với FDP và đảng Xanh ở cấp quốc gia là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Đức. Vì liên minh này giống với màu sắc của quốc kỳ Jamaica, nên được gọi là “Liên minh Jamaica”.

Giới phân tích cho rằng mức độ khó khăn trong tiến trình đàm phán thành lập nội các trước tiên nằm ở chỗ 3 đảng này thuộc cánh tả, trung hữu và cánh hữu trong hệ thống chính đảng; làm cho FDP và đảng Xanh ở cùng một mái nhà là sự việc rất khó khăn; Hơn nữa giữa CDU và CSU cũng có bất đồng ý kiến về các mặt như chính sách người tị nạn, chính sách khí hậu... Vì vậy, tuy nói đây là cuộc đàm phán của 3 đảng, nhưng thực tế lại là cuộc đọ sức của 4 đảng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt nhiều thách thức trong nhiệm kỳ 4.

CDU/CSU, FDP và đảng Xanh cũng có bất đồng nghiêm trọng về chính sách châu Âu, chính sách người tị nạn, trên lĩnh vực khí hậu và bảo vệ môi trường. Chính sách đối với người tị nạn là đề tài khiến cho các đảng luôn căng thẳng nhất: Một là giữa CDU và CSU không thể đạt được sự thống nhất trong vấn đề phân bổ hạn ngạch người di cư. Do kết quả của CSU trong cuộc bầu cử lần này không tốt, chỉ giành được 6,2% số phiếu bầu, xem xét từ góc độ phát triển bản thân, CSU có thể sẽ không nhượng bộ trong vấn đề này.

Cho dù CDU của Merkel có thể có sự nhượng bộ nào đó, đảng Xanh cũng không đáp ứng. Trong vấn đề khí hậu, đảng Xanh yêu cầu đến năm 2030 ngừng nhà máy nhiệt điện than đá, hơn nữa trong cùng năm này ngừng sử dụng động cơ đốt trong ở xe ô tô mới, còn FDP thì cho rằng trong 13 năm ngừng sử dụng nhà máy nhiệt điện than đá và động cơ đốt trong là mục tiêu khó đạt được.

Luật pháp Đức không có quy định rõ ràng đối với tiến trình đàm phán thành lập nội các. Ngoài ra, còn tồn tại khả năng đàm phán thành lập nội các thất bại, tạo thành chính phủ thiểu số và bầu cử lại. Mặc dù vậy, những người có thái độ lạc quan đối với tiến trình đàm phán thành lập chính phủ, cho rằng các đảng phái sẽ đạt được thỏa hiệp và nhận thức chung và thời điểm trước hoặc sau Noel.

Những thách thức phía trước

Trong 12 năm cầm quyền, bà Merkel đã duy trì được sự ổn định của Đức và châu Âu, được gọi là “nhà lãnh đạo của thế giới phương Tây”. Tuy nhiên, kết quả bầu cử, tình hình thành lập nội các, cũng như những khó khăn trong công việc nội bộ, xã hội và ngoại giao mà Đức phải đối diện hiện nay, có thể làm giảm uy tín của Merkel, làm cho nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư của bà chứa đầy thách thức.

Thứ nhất là áp lực và thách thức của chính trị trong nước. Hình thức thành lập nội các nhiều đảng của chính phủ mới sẽ làm cho 3 chính đảng thuộc cánh tả, trung hữu và cánh hữu cùng tham gia quá trình quyết sách, ở mức độ nhất định đã tăng thêm sự tham gia của dân chủ, nhưng lại làm giảm hiệu quả của quyết sách, tăng thêm mức độ khó khăn để đạt được nhận thức chung.

Điều đáng chú ý là “Liên minh Jamaica” chưa từng xuất hiện trong chính phủ liên bang, năng lực cầm quyền chung của liên minh này vẫn phải chờ kiểm chứng. Còn SPD được coi là đảng đối lập lớn nhất, sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Quốc hội Liên bang Đức. Ủy ban Ngân sách phụ trách và giám sát chi tiêu của liên bang, và quyết định đầu tư bao nhiêu vào lĩnh vực nào, đồng thời việc hỗ trợ tài chính cho sự ổn định của Eurozone cũng do ủy ban này phê duyệt.

Trách nhiệm mà Đức cần phải đảm nhận trên vũ đài quốc tế, cũng như việc Đức phải hy sinh lợi ích trong nước để thúc đẩy nhất thể hóa châu Âu trong tương lai, đều sẽ trở thành nhân tố gây ra sự bất mãn của người dân đối với chính phủ. Việc bà Merkel tiếp tục đảm nhận nhiệm kỳ lần này đã có rất nhiều tranh cãi, tuy pháp luật Đức không có giới hạn đối với nhiệm kỳ của thủ tướng, nhưng các chuyên gia nghiên cứu của nhiều chính đảng vẫn dự đoán bà Merkel cũng chỉ có thể cầm quyền nhiều nhất thêm nhiệm kỳ 4 năm. Và không có người kế thừa sự nghiệp trong thời đại “hậu Merkel”.

Trong bối cảnh nhất thể hóa châu Âu đối diện với khó khăn, Anh rời khỏi EU, địa vị và vai trò của Đức ở châu Âu là không phải hoài nghi. Mối quan hệ trong nội bộ EU có nhiều nhân tố kiềm chế lẫn nhau. Trong phạm vi của EU, tuy rủi ro chủ nghĩa dân túy xuất hiện đầu năm 2017 giảm xuống, nhưng các vấn đề thực tế cần phải được giải quyết, như vấn đề thương mại, nợ công, dân số, thất nghiệp của thanh niên, chủ nghĩa khủng bố, người di cư và vấn đề quốc phòng.

Bầu cử Italy chưa được tổ chức vẫn là nhân tố không ổn định tiềm tàng, ngoài ra, gần đây thái độ tẩy chay của Chính phủ Hungary và Chính phủ Ba Lan đối với EU cũng làm cho quan hệ trong nội bộ EU ở trạng thái căng thẳng và luôn thay đổi.

Bào Trân (tổng hợp)
.
.