Bà Park Geun-hye đắc cử Tổng thống Hàn Quốc
Bà Park Geun-hye vừa đắc cử, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của xứ sở kim chi nhờ vào một nội dung quan trọng trong chương trình tranh cử: giảm tầm ảnh hưởng của các chaebol.
Giảm bớt sức ảnh hưởng của các “chaebol”
Với tỉ lệ phiếu 51,6%, dường như chiến thắng của bà Park cho thấy cử tri Hàn Quốc thích sự ổn định mà bà Park có thể sẽ mang lại trong bối cảnh của Hàn Quốc hiện nay. Hàn Quốc - một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới - đang phải đối mặt với những vấn đề mới như tăng trưởng chậm lại trong khi chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bà Park không dành chiến thắng vì bà là nữ giới mà vì xuất thân của bà. Mặc dù đã ban hành những luật lệ hà khắc, bỏ tù nhiều người bị cho là đã giúp đỡ CHDCND Triều Tiên, cấm đoán cả các ban nhạc rock và cấm mặc váy ngắn, nhưng cha bà vẫn được nhiều người nhớ đến khi đem lại những tiến bộ cho kinh tế Hàn Quốc. Do đó, quá trình lãnh đạo của bà Park vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha và một trong những vấn đề nổi cộm nhất chính là vai trò của các chaebol (các tập đoàn tư nhân khổng lồ) đang thống trị nền kinh tế Hàn Quốc.
Chaebol chính là sản phẩm được xây dựng nên với sự ủng hộ của cha bà. Đây cũng chính là động lực tăng trưởng của Hàn Quốc trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, người ta ngày càng muốn lập lại thế cân bằng giữa chaebol và các bộ phận còn lại của nền kinh tế bởi tình trạng chênh lệch quá lớn cả về mặt cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu xã hội.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, chaebol là vấn đề nóng trong các chiến dịch tranh cử. Bà Park nói, nếu đắc cử sẽ đưa ra những điều luật chặt chẽ trừng trị những ông chủ phạm tội và cả gia đình của họ. Các chaebol cũng sẽ bị hạn chế trong hoạt động kinh doanh và đầu tư.
Giảm tầm ảnh hưởng của các chaebol không phải là điều gì mới mẻ ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, lần này, có vẻ như Hàn Quốc sẽ hành động rất quyết liệt. Trong khi người dân Hàn Quốc tự hào vì có Tập đoàn điện tử Samsung - một trong những chaebol hùng mạnh nhất Hàn Quốc - họ cũng lo lắng về quyền lực không chính thức mà các tập đoàn này có được trên sân nhà.
Theo số liệu mới nhất, các chaebol đang tham gia vào 2/3 trong số 76 ngành kinh doanh ở Hàn Quốc. Các lĩnh vực mới rất đa dạng, phủ sóng từ sản xuất pizza cho đến túi xách. Trong thập niên vừa qua, số lượng các công ty có liên quan đến 10 chaebol lớn nhất Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi, lên gần 600 doanh nghiệp. Từ tháng 1 đến tháng 6/2012, lợi nhuận hoạt động của 10 tập đoàn này chiếm tới hơn 70% tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hàn Quốc.
Tuy nhiên, một số người cũng cho rằng chính điều này đã khiến tình trạng mất cân bằng tăng lên trong bối cảnh dân số đang ngày càng bị già hóa và nền kinh tế suy sụp. Do đó, thách thức trước mắt của bà Park sẽ là đảm bảo sự "dân chủ trong kinh tế".
Trước đó, đối thủ của bà Park là Moon Jae-in (thuộc đảng Dân chủ thống nhất) đã miêu tả Hàn Quốc là "khu rừng kinh tế" trong đó các tập đoàn lớn đang được hưởng những "đặc quyền không công bằng". Ông Moon không có ý định phá vỡ những tập đoàn này, nhưng mong muốn ngăn chặn những hành động gây nguy hại đến các doanh nghiệp nhỏ.
Một đối thủ khác, Ahn Cheol-soo (ứng cử viên độc lập, người sáng lập công ty phần mềm lớn nhất Hàn Quốc) lại buộc tội các chaebol đã đánh cắp sáng kiến của các doanh nghiệp nhỏ, khiến họ đình đốn. Chiến dịch của ông Ahn nhận được sự ủng hộ của Jang Ha-sung, hiệu trưởng một trường đại học hàng đầu Hàn Quốc. Ông Jang có thể được coi là người đi tiên phong trong việc thúc đẩy quản lý các chaebol tốt hơn. Hồi năm 2001, ông đã giúp doanh nghiệp nhỏ lần đầu tiên chiến thắng trong vụ kiện trước đại gia Samsung.
Trong khi đó, các chaebol đang "im hơi lặng tiếng" và hy vọng rằng cơn thịnh nộ sẽ đi qua. Những người ủng hộ chaebol cho rằng, dù mọi người có phản đối đến đâu, hầu hết trong số họ vẫn muốn con cái làm việc tại các tập đoàn này khi chúng lớn lên. Họ cũng cho rằng chaebol đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đến nỗi tấn công vào chaebol cũng có nghĩa là tấn công vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, chaebol yếu đi có thể là điều mà nền kinh tế đang cần. Theo OECD, trong một số lĩnh vực, đặc biệt là ngành dịch vụ, các tập đoàn lớn đang hoạt động rất thiếu hiệu quả và không hề có công tác nghiên cứu và phát triển. Nguyên nhân là do chiến lược phát triển của Hàn Quốc tập trung vào sản xuất, chăm chăm lấy hết vốn, nhân tài và các nguồn lực khác.
Hoạt động kinh doanh mập mờ của các ông chủ chaebol cũng là điều đáng lo ngại. Đầu tháng 12/2012, Ủy ban Công bằng thương mại Hàn Quốc đã phạt 3 công ty có liên quan đến Tập đoàn bán lẻ Shinsegae với số tiền phạt lên đến 4 tỉ won (tương đương 3,7 triệu USD). Shinsegae là một tập đoàn bán lẻ có liên quan đến Samsung.
Vụ việc liên quan đến Kim Seung-youn, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha, cũng là một ví dụ điển hình. Ông Kim bị buộc tội đánh các nhân viên quầy bar bằng một thanh sắt sau khi họ tham gia ẩu đả với con trai mình. Ông này nhanh chóng được tha sau đó. Tuy nhiên, vào tháng 8/2012, Kim Seung-youn lại bị buộc tội một lần nữa nhưng lần này là vì tội tham ô. Đây là trường hợp hiếm hoi khi chủ tịch của một chaebol bị bắt.
Người dân hy vọng Bà Park Geun-hye sẽ mang lại luồng gió mới cho Hàn Quốc. |
Những thách thức khác của bà Park Geun-hye
Theo đánh giá của giới phân tích, khi ngồi vào cương vị tổng thống thứ 18 của Hàn Quốc, ngoài vấn đề kinh tế như trên, bà Park Geun-hye sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa khác. Về đối nội, chính quyền mới có kế hoạch xúc tiến xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Jeju, cải thiện năng lực của lực lượng cảnh sát biển, chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp quản quyền chỉ huy thời chiến từ Mỹ vào năm 2015 và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.
Ngoài ra, để hiện thực hóa mô hình kinh tế mới, chính quyền của bà lên kế hoạch thành lập Bộ Khoa học và Sáng tạo để hỗ trợ công cuộc cải cách và tạo thêm việc làm. Bà Park cũng cam kết sẽ giải quyết thỏa đáng các vấn đề nổi cộm trong xã hội dân sự Hàn Quốc hiện nay như tình trạng quá tải giáo dục, nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ, nguy cơ mất việc làm trong nhóm lao động trên 40 tuổi và tình trạng người già bị bỏ rơi.
Về cơ cấu chính phủ mới, tân Tổng thống Hàn Quốc cam kết tôn trọng quyền lựa chọn các thành viên của Thủ tướng. Ngoài ra, nữ Tổng thống Hàn Quốc cũng sẽ xem xét khả năng sửa đổi Hiến pháp theo hướng rút ngắn thời gian nắm quyền một nhiệm kỳ xuống còn 4 năm so với 5 năm hiện nay.
Trong vấn đề Triều Tiên, bà Park dự kiến thực thi chính sách tiếp cận linh hoạt, kết hợp răn đe với can dự. Theo bà, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chỉ có thể đạt được trên cơ sở nỗ lực chung của hai phía. Riêng Hàn Quốc, chính phủ mới sẽ duy trì chính sách mở cửa để cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng, nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo, tái tổ chức hoạt động đoàn tụ các gia đình ly tán và tăng cường trao đổi thương mại liên Triều, trong đó có kế hoạch mở rộng khu công nghiệp chung Kaesong.
Trong quan hệ với các nước khác, bà Park Geun-hye cam kết duy trì chính sách ngoại giao cân bằng với các nước, chú trọng nâng mức quan hệ với quốc gia láng giềng Trung Quốc và ưu tiên tăng cường liên minh với Mỹ. Hàn Quốc cũng sẽ cân nhắc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương với Mỹ khi điều kiện cho phép.
Bà Park Geun-Hye gặp gỡ Chủ tịch Kim Jong-Il tại Bình Nhưỡng, năm 2002. |
Thân thế và sự nghiệp nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc
Tân nữ Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye, không phải là một nhân vật xa lạ trong giới chính trị Hàn Quốc từ 4 thập niên qua.
Bà Park Geun-hye sinh ngày 2/2/1952, tại Daegu, có một em trai và một em gái. Bà theo đạo Phật và chưa bao giờ lập gia đình. Tốt nghiệp kỹ sư điện Đại học Sogang, bà tiếp tục học thêm tại Đại học Grenoble, Pháp, nhưng phải bỏ dở trở về nước khi mẹ mất và sau đó chỉ nhận được bằng tiến sĩ danh dự Đại học Văn hóa Đài Loan và các đại học khác trong nước.
Bà đắc cử đại biểu Quốc hội năm 1998 và tái đắc cử ba nhiệm kỳ liên tiếp sau đó cho tới tháng 4/2012. Bà tham gia đảng Đại Dân tộc (GNP), tới năm 2011 đổi tên thành Saenuri và từ khi được bầu làm chủ tịch, bà đã lãnh đạo đảng này thành công trong nhiều kỳ bầu cử khó khăn. Trong cuộc vận động tranh cử năm 2006, bà bị một kẻ tấn công bằng dao, làm đứt một đường dài 11 cm trên mặt, phải giải phẫu trong nhiều giờ và khâu 60 mũi.
Năm 2008, bà không thành công trong dự định tranh cử tổng thống vì đảng Đại Dân tộc chọn ông Lee Myung-bak với một số phiếu chỉ hơn bà Park Geun-hye rất ít.
Từ năm 2009, bà bắt đầu hướng tới các vấn đề xã hội nhiều hơn. Bà được coi là một chính trị gia có lập trường cứng rắn không thỏa hiệp và bị những người đối lập phê phán là "con gái nhà độc tài". Nhưng bà được dân chúng ủng hộ vì vào lúc tình hình kinh tế khó khăn, bởi hy vọng bà có thể đem lại cho Hàn Quốc một sinh lực mới