Bà Yingluck bỏ trốn: Thái Lan và nguy cơ khủng hoảng chính trị

Thứ Tư, 30/08/2017, 17:39
Chính trường Thái Lan đã trở nên ồn ào trước thềm phiên xét xử cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người bị cáo buộc vô trách nhiệm và sai phạm trong chương trình trợ cấp giá gạo.

Tuy nhiên, ngày 25-8, thời điểm Tòa án Tối cao dự định ra phán quyết về vụ việc, bà Yingluck đã khiến tất cả bất ngờ khi không hề xuất hiện tại phiên tòa, với lý do bị bệnh, dẫn tới việc Tòa án Tối cao phải ban hành lệnh bắt giữ vì lo sợ bà có hành vi bỏ trốn.

Thông tin bà đã bỏ trốn khỏi đất nước trước khi diễn ra phiên tòa càng làm dấy lên những đồn đoán về một thỏa thuận giữa bà và chính quyền quân sự cho sự ra đi được coi là “có lợi cả hai bên”.

Nguy cơ rơi vào khủng hoảng chính trị

Bà Yingluck, nhà lãnh đạo bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2014, có thể sẽ đối mặt với bản án 10 năm tù giam nếu bị kết án thiếu trách nhiệm gây thiệt hại trong chính sách trợ giá gạo theo chương trình trị giá 26 tỷ USD của chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay bà vẫn phủ nhận cáo buộc và cho rằng phiên tòa kéo dài 2 năm thực chất có động cơ chính trị.

Giới phân tích cho rằng phán quyết của tòa có thể sẽ khơi lại những mâu thuẫn nghiêm trọng từng kích động các vụ đụng độ bạo lực trong suốt thập kỷ qua giữa những người ủng hộ chế độ quân chủ tại thành thị với các tầng lớp nhân dân ở nông thôn ủng hộ cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck. Các đồng minh của ông Thaksin đã giành chiến thắng trong 5 cuộc bầu cử gần đây, và đều bị lật đổ bởi tòa án hoặc quân đội.

Giám đốc phụ trách nghiên cứu Paul Chambers của Viện Các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai cho rằng phán quyết đối với bà Yingluck, dù “có tội” hay “vô tội” cũng đều sẽ kích động bên này hay bên khác trong chính trường Thái Lan, vốn bị chia rẽ nghiêm trọng”.

Trước ngày tòa ấn định phiên xét xử, bà Yingluck đã kêu gọi những người ủng hộ không tập trung về khu vực tòa án, trong khi chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha tăng cường công tác an ninh đề phòng bất ổn. Ban đầu, tòa dự kiến ngày 25-8 sẽ xét xử cả bà Yingluck và ông Boonsong Teriyapirom, từng là Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ của bà. Tuy nhiên, nhiều người dân Thái Lan phản đối việc xét xử bà Yingluck. Khi tài khoản ngân hàng của bà bị đóng băng trong vài tháng gần đây, một làn sóng bất bình đã bùng phát.

Bà Yingluck cảm ơn những người ủng hộ tại trụ sở đảng Pheu Thai vào ngày 4-7-2011.

Ông Win Udomrachtavanich, Chủ tịch Tập đoàn an ninh KTB (Thái Lan), có trụ sở tại Bangkok, cho rằng: “Kết luận trắng án (đối với bà Yingluck) sẽ hóa giải mọi lo ngại về nguy cơ nảy sinh bạo lực... Nhưng nếu bà Yingluck bị tuyên là có tội, chắc chắn nguy cơ bất ổn chính trị sẽ gia tăng. Rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra”.

Thậm chí, giới phân tích nhận định nếu bà Yingluck bị tuyên có tội, cơ hội dành cho đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử tới sẽ bị thu hẹp đáng kể. Trong trường hợp bà trắng án, Pheu Thai sẽ có được một lực đẩy mới trong các cuộc bầu cử vào năm tới, điều mà chắc chắn chính phủ quân sự đương nhiệm không hề mong muốn”.

Giới tướng lĩnh Thái Lan trong 3 năm lên nắm quyền sau hàng loạt bất ổn chính trị, với cam kết khôi phục ổn định. Việc bản hiến pháp mới được thông qua hồi tháng 4-2017 đã mở ra cơ hội để đất nước Đông Nam Á này quay trở lại lộ trình dân chủ vào năm 2018, dù ngày bầu cử chính thức vẫn chưa được ấn định. Tuy nhiên, nhiều người rất hoài nghi về “tương lai” dân chủ của Thái Lan.

Thỏa thuận ngầm?

Mặc dù tòa án phát lệnh bắt khẩn cấp cựu Thủ tướng Yingluck để đề phòng trường hợp bà bỏ trốn. Tuy nhiên, dư luận cho rằng bà đã rời khỏi đất nước từ trước khi phiên tòa cuối cùng dự kiến diễn ra và lý do để bà Yingluck không xuất hiện tại phiên tòa có thể là do bà đã biết trước số phận của mình. Nếu bị buộc tội theo đúng những cáo buộc đã có, bà có thể phải nhận mức án lên tới 10 năm tù giam.

Giới phân tích đặt ra nhiều câu hỏi về đích đến của cựu lãnh đạo từng được lòng dân này, sau thông tin bà đã trốn khỏi Thái Lan. Có nguồn tin cho rằng cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hiện đang ở Dubai, và có thể sẽ tìm cách xin tị nạn tại Anh. Trước đó, bà Yingluck đã đi máy bay riêng từ Thái lan tới Singapore, và sau đó tới thẳng Dubai, nơi anh trai bà đang sống.

Ông Thaksin, từng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Manchester City, có nhiều tài sản ở London và dành khá nhiều thời gian ở thành phố này. Mạng lưới chính trị của gia đình Shinawatra tỏ ra khá kín tiếng và điều này càng làm gia tăng đồn đoán về việc bà Yingluck đã rời khỏi đất nước với một thỏa thuận ngầm cùng giới tướng lĩnh.

Giới phân tích cho rằng bà Yingluck, vốn bị giới an ninh Thái Lan giám sát rất chặt chẽ, nhiều khả năng đã có được thỏa thuận để rời khỏi đất nước. Theo nhận định, quyết định chạy trốn giúp bà tránh khỏi việc bị bắt giam bởi chính quyền quân sự và tránh được nguy cơ bùng phát làn sóng bạo lực ủng hộ gia đình Shinawatra. Nếu bà Yingluck bị bắt, những gì bà phải chịu đựng có thể sẽ khiến những người ủng hộ bà tức giận và kích động.

Trong khi đó, giới tướng lĩnh quân sự đang tìm mọi cách để tránh gây bất ổn với mong muốn trụ vững trên chính trường Thái Lan. Một số ý kiến cho rằng nhiều khả năng giới chức an ninh và một số nhân vật có quyền đã cùng nhau hợp lực để giúp bà Yingluck rời khỏi Thái Lan, dù tòa án phát lệnh cấm bà ra nước ngoài. Như vậy, việc bà Yingluck ra đi là một “lựa chọn đôi bên cùng có lợi”, cho cả chính bà và giới tướng lĩnh.

Sự ra đi của bà Yingluck không chỉ được xem là một chiến thắng đối với giới tướng lĩnh, mà sự “bỏ trốn” của bà được xem là tạm trấn an những người không ưa của gia đình Shinawatra tại tầng lớp thượng lưu và trung lưu, những người coi đó là mối đe dọa hàng đầu đối với vị thế của mình.

Mặc dù vậy, một số quan điểm nhìn nhận khả năng này ở góc độ tiêu cực hơn khi cho rằng nếu cựu Thủ tướng Thái Lan được các quan chức trong chính quyền giúp bỏ trốn thì đó “là một vết nứt nghiêm trọng trong hệ thống tư pháp, hủy hoại uy tín của an ninh nước nhà”.

Con đường hướng tới hòa bình và hòa giải của Thái Lan nhiều khả năng sẽ còn trắc trở hơn nữa, cho dù bà Yingluck không còn ở đây.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.