“Bà đầm thép” tại thủ đô kim cương của nước Nga

Thứ Sáu, 05/04/2019, 14:28
Sardana Avksentyeva hiện đang được hâm mộ rộng rãi trên toàn quốc khi bà đã hạ lệnh cấm tổ chức các bữa tiệc xa hoa và bán thanh lý những “xế hộp công” đắt tiền. Chắc chắn là nhiều người không ưa, nhưng nữ thị trưởng 48 tuổi không hề nao núng khi bà tự phát động cuộc chiến chống lãng phí bằng cách sử dụng Thời báo Siberia để mời cả thế giới cùng ghé thăm một trong những thành phố kỳ thú nhất trên hành tinh.

Yakutsk (thủ phủ của vùng Yakutia và cũng còn có tên gọi khác là Cộng hòa Sakha) là nơi có nhiệt độ siêu khắc nghiệt: -60°C, hiện đang có số đông du khách nước ngoài từ nhiều quốc gia khác nhau đang muốn ghé chân tới để thử cái lạnh kinh khủng đó.

Tân Thị trưởng của Yakutsk

Làm thế nào con người có thể sống ở ngưỡng nhiệt độ như thế, ngay tại thành phố có 282.000 dân được xây dựng trên lớp băng vĩnh cửu? Chỉ cách thủ đô Moscow độ 6 giờ bay về hướng đông (hoặc 3 giờ bay về hướng bắc từ thành phố Vladivostok) để khám phá một xứ cực lạnh nhưng được tiếp đón thật nồng ấm.

Mặc trang phục của Cộng hòa Sakha, nữ thị trưởng Avksentyeva nhấn mạnh: “Những ai chưa từng đến Yakutia, đồng nghĩa sẽ không thấy cả thế giới!”. Ngoài cái rét cắt da cắt thịt, Yakutsk còn là nơi tồn tại những viên kim cương quý giá và trang sức bạc hiện diện khắp nơi, những hương vị ẩm thực không đâu có, và trên hết là nền văn hóa rực rỡ và phong phú của người Yakut bản địa.

Tại Yakutsk, người ta thấy nữ thị trưởng nghiêm trang trong văn phòng làm việc của mình, nơi mà vào tháng 9 năm ngoái, bà Avksentyeva đã trải qua kỳ bầu cử khắc nghiệt nhất ở Nga.

Tân thị trưởng rực rỡ màu sắc đã không đến từ Đảng nước Nga thống nhất (URP) và bà cam kết sẽ dùng cây chổi của mình để cắt giảm những khoản ngân sách chi tiêu vô tội vạ và chuyển dòng tiền này vào những dự án thiết thực, như cung cấp một lượng lớn những trạm dừng xe buýt được sưởi ấm.

Thị trưởng thành phố Yakutsk, bà Sardana Avksentyeva. Ảnh nguồn: Thời báo Siberia.

Trong một bài đăng mới đây trên Instagram, bà Sardana Avksentyeva đã trưng ra bức ảnh chụp 2 chiếc Mercedes và Toyota đang thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Yakutsk.

Bà Avksentyeva hứa: “Những gì quý vị nhìn thấy trong bức ảnh này, sẽ được bán trước tiên. Số tiền từ việc bán những chiếc xe này với ước tính là 104.000 USD sẽ được tái sử dụng cho những thứ tốt hơn”. Khi hứa như thế, khuôn mặt của bà Avksentyeva nghiêm nghị hơn, chính phẩm chất ấy đã khiến bà được gắn biệt danh “Bà đầm thép” – một cách ví von mà trước đây được dành cho nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Bà thị trưởng Avksentyeva phân bua: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi dư luận không tin rằng tôi sẽ giữ lời hứa trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Tôi sẽ hoàn thành triệt để những gì mà mình đã hứa với các cử tri. Giờ đây chúng tôi đang tạo ra những quy mô giá trị mới. Nếu tôi không hoàn thành trọng trách của mình, cử tri sẽ triệu hồi và hạ bệ tôi mấy hồi. Yakutsk là một thành phố nhỏ, và người dân biết rõ về nhau”.

“Khắc tinh” của nạn tham nhũng

Nhiệm vụ của tân thị trưởng Sardana Avksentyeva không chỉ đơn thuần là bán vài chiếc xe công. Theo một động thái khác, bà đã hủy buổi trình diễn thời trang lông thú ngốn 12.000 USD tiền ngân sách của Yakutsk, một sự kiện của nhà thiết kế tài danh Moscow-Irina Krutikova. Theo các nhà phê bình thì trong sự kiện lễ hội thường niên mang tên “Mùa đông bắt đầu ở Yakutia” là sự kiện mà người dân ở Yakutsk có thể mua những sản phẩm thời trang cao cấp.

Bà Avksentyeva cũng đã hủy một buổi độc tấu ba-lê do ngân sách thành phố Yakutsk chi trả và dùng số tiền đó cho các chương trình nghệ thuật của trẻ em. Một nhà thầu thi công đường đã bị “trảm” sau khi một đoạn clip tố cáo cảnh các công nhân của nhà thầu này đã cẩu thả không chịu dọn tuyết trên đường hoặc vá các “ổ gà” mà chỉ đơn giản là đổ nhựa đường lên trên. Chất lượng đường sá – do chúng chỉ được xây dựng trên mặt băng vĩnh cửu – là nỗi quan tâm lớn nhất của bà Avksentyeva. Nữ thị trưởng than thở: “Ai đến Yakutsk đều chú ý tới điều kiện đường sá. Quả là không tốt chút nào”.

Tháng trước, người dân Yakutsk nhìn thấy sự từ chức của người đứng đầu văn phòng hành chính của thành phố, ông Maksim Artemiev, khi ông này dính dáng đến việc tổ chức tiệc năm mới hoành tráng giành cho các quan chức, bữa tiệc được cho là hiện diện nhiều món sơn hào hải vị với giá chóng mặt: 12.000 USD. Sự việc đến tai thị trưởng Avksentyeva khiến bà bất đồng với cơ chế chi tiêu quan liêu này.

Trước dư luận về vụ việc của ông Maksim Artemiev, thị trưởng Avksentyeva phát biểu: “Nếu người đứng đầu mà không “chịu” hiểu về những yêu cầu căn bản, những hạn chế như tôi đã nhắc trước đó thì rõ ràng chúng ta không cùng con đường để đi rồi”. Các ưu tiên của thị trưởng Avksentyeva là những biện pháp cụ thể nhằm cải thiện cuộc sống ở thành phố Yakutsk, những hành động thiết thực hơn là những ngôn từ sáo rỗng. Một sự mở rộng các trạm dừng xe buýt “thoải mái và ấm áp” là hứa hẹn đầu tiên.

Trong cái rét lạnh căm căm, các trạm dừng xe buýt là rất cần thiết, một số cơ sở này sẽ bao gồm các cửa hàng và quán cà phê, giúp hành khách đỡ vất vả khi phải đợi xe buýt lâu. Từ những khoản tiền thu được từ chống tham nhũng, bà Avksentyeva đã áp dụng cho việc giảm giá dịch vụ giao thông vận tải công cộng từ 30 rúp xuống 28 rúp, đồng nghĩa giá vé xe buýt hiện tại chỉ còn 42 xu Mỹ.

Thị trưởng Avksentyeva quả quyết: “Nhiệm vụ chính của tôi là biến thành phố Yakutsk trở nên sạch sẽ và thoải mái hơn”. Bà Avksentyeva cũng ưu tiên doanh nghiệp cùng tham gia xã hội hóa đầu tư cho thành phố. Ví dụ, trạm chờ xe buýt ở Yakutsk hiện đang được các công ty tư nhân hợp tác với thành phố để dựng nên. Nữ thị trưởng cho biết: “Việc của tôi là phối hợp công-tư hợp lý. Cũng không quá khó!”.

Thị trưởng Avksentyeva đã áp dụng những kinh nghiệm từ chính phủ để tham gia vào khối doanh nghiệp cả trong ngành công nghiệp kim cương và phục vụ hàng không.

Những đại dự án

Gần đây thị trưởng Sardana Avksentyeva đã đến thăm một nông trại – nguồn cung cấp lương thực chính cho cả thành phố Yakutsk, nơi chỉ có đúng 3 tháng mùa hè là có thể trồng trọt được. Bà Avksentyeva đang hướng đến một tương lai tự cung tự cấp hiệu quả. Hiện tại, những cách tiếp cận mới mẻ của bà Avksentyeva đang được dư luận gần xa trên khắp nước Nga không ngớt lời khen ngợi. Nền chính trị Nga cho đến nay vẫn do nam giới thống trị, vì vậy bà Avksentyeva quyết tâm làm việc bằng họ hoặc giỏi hơn các đấng mày râu.

Một nhà lập pháp gần đây đã viết: “Tôi thích thảo luận với bà Avksentyeva. Một “bà đầm thép” thực sự quyền lực!”. Một ưu tiên dài hạn của thành phố Yakutsk là kết nối với tuyến đường sắt Siberia. Mặc dù được thành lập từ năm 1632, nhưng thành phố Yakutsk chưa từng kết nối với tuyến đường sắt Nga, người dân nơi đây đang thấp thỏm hy vọng về một tuyến đường sắt mới sẽ kết nối Nizhny Bestyakh (từ Yakutsk vượt sông Lena) đến tuyến đường sắt Baikal-Amur và tạo ra trục đường sắt liên Siberia.

Để có thể phát triển vượt xa Yakutsk, giới chức thành phố này đang nghĩ đến việc xây cầu vượt sông Lena hoặc đào đường hầm xuyên qua lớp băng vĩnh cửu như lời bà Thị trưởng Avksentyeva xuýt xoa: “Đắt lắm!”. Hiện tại, người dân Yakutsk phải lái xe vượt sông đóng băng vào mùa đông, hoặc đi phà vào mùa hè.

Sau khi khai trương thành công tuyến đường sắt nối kết giữa đất liền Nga và bán đảo Krym, thị trưởng Sardana Avksentyeva đang khá lạc quan về một tuyến đường vượt Siberia mới, một đại dự án đã lên kế hoạch trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, vẫn phải có tiền hỗ trợ từ Moscow mới làm được.

Thị trưởng Avksentyeva hy vọng: “Tôi mong trong vòng 5, 7 năm tới, chúng tôi sẽ có một cây cầu mới”. Nếu có cầu mới thì đồng nghĩa hoạt động du lịch cũng sẽ bùng nổ ở Yakutsk. Yakutsk đã có sẵn vài khách sạn khang trang và một lượng kha khá các cơ sở lưu trú khác. Bà thị trưởng Avksentyeva cũng thừa nhận: “Cơ sở hạ tầng ở đây cũng chưa phát triển lắm”.

Những viên kim cương tuyệt đẹp được khai thác và gia công ở Yakutsk. Ảnh nguồn: Thời báo Siberia.

Bản thân cũng là người mê đi du lịch, cách đây không lâu, hai vợ chồng bà Avksentyeva cũng dành một tháng rưỡi thăm thú New Zealand. Bà thị trưởng kể: “Chúng tôi không cần đặt vé qua công ty du lịch. Thích thì đi thôi!”. Xét trên khía cạnh truyền thống, tại nhiều vùng trên đất Nga, việc người dân ra nước ngoài du lịch không dễ dàng, nhưng ngày nay có vẻ như tình hình dễ thở hơn.

Bà Avksentyeva giải thích: “Tôi muốn người dân Yakutsk thoải mái đi du lịch nước ngoài. Cái khó ở đây là quá lạnh. Mùa đông lạnh khủng khiếp. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới sự an toàn của du khách. Mặt khác, lạnh lẽo cũng có thể đem ra làm du lịch. Chúng tôi hiểu rằng phát triển ngành công nghiệp du lịch sẽ có đóng góp lớn cho nền kinh tế của thành phố”.

Thật dễ hiểu khi nhìn về Yakutsk như là một thỏi nam châm thu hút đông du khách tới cả vùng Yakutia – một vùng rộng bát ngát và chỉ nhỏ hơn so với tiểu lục địa Ấn Độ, hoặc lớn gấp 4,5 lần diện tích tiểu bang Texas (Mỹ).

Tiền mua kim cương xịn ở Yakutsk cũng giúp du khách tiết kiệm được cả đống tiền nếu họ mua nó ở Tây Âu hay Bắc Mỹ. Gần văn phòng làm việc của bà thị trưởng Avksentyeva là Kierge (một trong số nhiều hiệu kim hoàn ở trung tâm Yakutsk), đây là nhà bán lẻ các sản phẩm kim cương thượng hạng đã được gia công hoàn hảo nhưng có giá rẻ hơn so với các hiệu buôn kim cương khác trên thế giới. Tùy theo nhu cầu của khách mua kim cương mà các bậc nghệ nhân sẽ tính phí hoa hồng cao hay thấp.

Yakutsk cũng là nơi diễn ra các hoạt động phục hồi những loài thú thời tiền sử quay trở lại thời hiện đại, đáng chú ý là loài voi ma mút. Tại đây, các nhà khoa học đã tiến hành thu thập những bộ xương ma mút, sư tử hang động, tê giác len cũng như những loài ngựa đã biến mất từ lâu, tất cả nằm nguyên vẹn trong băng hà. Ở Yakutsk có Bảo tàng voi ma mút, nơi sẽ làm du khách tròn mắt vì ngạc nhiên. Một số du khách ví von rằng họ như lạc vào Công viên kỷ Jura khi tham quan nơi đây.

Thú vị không kém, đó là trong những năm gần đây loài bò rừng đã quay trở lại vùng Yakutia nơi mà từng có thời gian chúng kiếm ăn từng đàn lớn. Thị trưởng Sardana Avksentyeva bật mí: “Nếu đã mang bò rừng quay trở lại, thì xá gì không làm tiếp với voi ma mút? Thế giới đang làm việc với các nhà khoa học của chúng tôi về công tác nhân bản giống loài này”.

Về phía bắc của thành phố Yakutsk là Công viên Thế Canh Tân (Pleistocene), một lớp địa mạo trượt của Bắc Cực, nơi đã phục hồi lại các hệ động thực vật từ thời mà loài voi ma mút còn có mặt trên hành tinh. Nếu nhân bản có thể tái phục hồi loài ma mút thì nơi đây sẽ là thiên đường du lịch lớn nhất thế giới, nơi du khách sẽ tận mắt nhìn thấy một loài thú sống từ cách đây 5.000 năm. Đang tồn tại ở Yakutsk là Vương quốc băng vĩnh cửu, đó là một mê cung các hành lang nằm sâu trong băng đá, nơi đang giữ các kỳ quan.

Du khách tìm tới Yakutsk có thể tự mình chinh phục các dạng thức giải trí như săn bắn, câu cá, đi bộ tại một trong những khu bảo tồn thế giới hoang dã lớn nhất thế giới. Yakutsk cũng có nhiều món ăn khiến du khách say mê như nhiều loại cá có thể ăn tươi và nấu chín, hay thịt ngựa Yakut được chế biến theo nhiều kiểu lạ thường.

Trong video quảng bá về tiềm năng du lịch của thành phố Yakutsk, bà thị trưởng Sardana Avksentyeva hân hoan gọi mời: “Chúng tôi đang sống ở Yakutia – khu vực lớn nhất của nước Nga. Chúng tôi kính mời quý khách ghé xem nền văn hóa, khám phá ẩm thực với các sản phẩm hữu cơ và chiêm ngưỡng tuyệt cảnh thiên nhiên nơi đây”.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.