Bắc Cực - địa danh tranh giành giữa Nga và phương Tây

Thứ Ba, 14/08/2007, 17:00
Mỹ và phương Tây đã phản ứng khá gay gắt trước việc một đoàn thám hiểm từ Nga cắm tượng trưng quốc kỳ của mình dưới đáy biển Bắc Cực.

Cuộc cạnh tranh giữa Nga và phương Tây lại chuyển sang một địa bàn mới là khu vực thềm lục địa lạnh giá ở Bắc Cực. Đây có thể là điểm khởi đầu cho một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng mới đối với nguồn tài nguyên phong phú của lục địa băng giá này...

Vì sao Bắc Cực lạnh giá lại trở thành điểm nóng?

“Tôi không biết họ đã đặt cái gì dưới đáy đại dương – một lá cờ kim loại, cao su hay vải. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, cũng không thể cho phép người Nga có cơ sở pháp lý tại khu vực thềm lục địa này” – đó là tuyên bố của phát ngôn viên Tom Casey của Bộ Ngoại giao Mỹ, khi bình luận về chuyến thám hiểm Artika-2007” của các nhà khoa học Nga.

Phản ứng của Bộ trưởng Ngoại giao Peter MacKay của Canada còn có phần gay gắt hơn: “Đây không còn là thời điểm thế kỷ XV. Không thể cứ đi khắp thế giới, cắm cờ và sau đó tuyên bố: “Đây là lãnh thổ của chúng tôi”.

Trước thái độ phản ứng của phương Tây, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov của Nga đã có tuyên bố giải thích rõ ràng về quan điểm của mình: “Tôi rất lấy làm ngạc nhiên trước những tuyên bố của các đồng nghiệp từ Canada... Chuyến thám hiểm trên hoàn toàn là chuyện quyền lợi của nước Nga. Nó chứng minh thềm lục địa của chúng tôi kéo dài tới cực bắc”.

Theo phía Nga, các mạch núi ngầm Mendeleev và Lomonosov dưới biển chính là phần kế tiếp của lục địa Á - Âu, do đó nó là một phần của thềm lục địa thuộc chủ quyền nước Nga.

Trong khi Công ước của LHQ về biển vào năm 1982 đã cho phép Nga có quyền sở hữu 1,2 triệu km2 dưới đáy đại dương. Cũng theo ông Lavrov, một trong những mục tiêu hàng đầu của chuyến thám hiểm này là chứng minh chủ quyền của Nga tại một phần thềm lục địa Bắc Cực.

Nguyên nhân về sự quan tâm đặc biệt của Nga tại khu vực này, cũng như phản ứng của phương Tây tất nhiên không chỉ xuất phát từ mục đích khoa học.

Theo dữ liệu của Cơ quan Địa chất Mỹ, vùng đáy biển tại Bắc Cực hiện đang tồn trữ khoảng 25% trữ lượng dầu và khí gas trên toàn thế giới, chưa kể tới số lượng phong phú các loại mỏ kim cương, vàng, platinum, thiếc, mangan, nikel và chì v.v...

Ngoài ra, theo dự báo của các chuyên gia, do tình trạng khí hậu trái đất ấm dần lên, một phần đáng kể mặt biển Bắc Cực sẽ bị tan băng, tạo điều kiện dễ dàng hơn nhiều cho việc khai thác và vận chuyển các tài nguyên khoáng sản.

 Từ năm 2001, Nga đã đệ đơn lên Ủy ban LHQ về các ranh giới thềm lục địa nhưng đã bị bác bỏ do “thiếu bằng chứng”. Chính vì vậy, cuộc thám hiểm Artika-2007 có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tìm kiếm các bằng chứng giúp khẳng định chủ quyền của Nga tại một phần thềm lục địa Bắc Cực.

Đó cũng là một trọng tâm trong chính sách biến Nga thành một “siêu cường năng lượng” trên thế giới.

Phản ứng của phương Tây

Ngay từ ngày 26/7, các thành viên trong đoàn thám hiểm Artika-2007 đã phát hiện máy bay do thám của Mỹ liên tục quần đảo phía trên chiếc tàu Đô đốc Fedorov của họ.

Chẳng bao lâu, một đoàn thám hiểm đại dương của Viện Nghiên cứu Woods-Hole (Massachusets) cũng đã có mặt tại Bắc Cực. Đến ngày 6/8, chiếc tàu phá băng quân sự Healy thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã có mặt tại khu vực này.

Theo tuyên bố của phát ngôn viên Tom Casey, Mỹ vào thời điểm hiện tại chưa thể ngăn cản các kế hoạch của Nga, cũng như đưa ra các yêu cầu riêng về quyền lãnh thổ của mình tại thềm lục địa Bắc Cực.

Nguyên nhân là Quốc hội nước này vẫn chưa phê chuẩn công ước LHQ năm 1982, đồng nghĩa với việc Mỹ chưa là thành viên của Ủy ban Phân định ranh giới thềm lục địa. Tuy nhiên, Casey cũng cam kết, “các thủ tục này sẽ được tiến hành một cách nhanh nhất, ngay sau kỳ nghỉ hè của Thượng viện”.

Phản ứng của Canada, đất nước vẫn tự cho là một “quốc gia của vùng cực”, được đánh giá là gay gắt nhất. “Canada không có sự lựa chọn nào khác để có thể bảo vệ chủ quyền của mình tại Bắc Cực – đó là tuyên bố mới đây của Thủ tướng Stephen Harper sau quyết định mua một loạt tàu chiến mới để đảm trách việc tuần tiễu tại khu vực thềm lục địa Bắc Cực – Đây là một vùng lãnh thổ có tiềm năng đặc biệt quan trọng đối với tương lai của chúng ta”.

Theo các nhà quan sát, phản ứng của Canada không chỉ bắt nguồn từ những tài nguyên thiên nhiên tại Bắc Cực. Vấn đề là với xu hướng băng tan như hiện nay, tuyến đường hàng hải qua các hòn đảo của Canada sẽ nhanh chóng nổi lên với vai trò rất quan trọng.

Hiện nay, các con tàu để đi từ châu Âu sang châu Á qua kênh đào Panama cần phải trải qua một lộ trình khoảng 23.000km, trong khi lối đi qua khu vực thềm lục địa Bắc Cực (nếu tan băng) sẽ giúp giảm bớt lộ trình xuống còn 16.000km.

Thông tin mới nhận được cho biết, Canada dự tính sẽ chi thêm khoảng 7 tỉ USD nữa để đóng mới 8 tàu tuần tiễu tại khu vực này.

Trong tương lai gần, cuộc cạnh tranh chủ quyền tại Bắc Cực giữa Nga, Mỹ và Canada chắc chắn sẽ còn quyết liệt hơn, nhất là khi một số quốc gia khác như Đan Mạch, Na Uy (cũng có lãnh hải giáp với Bắc Cực) cũng bày tỏ tham vọng về vùng băng giá này.

Không chỉ có các chính trị gia mà giới khoa học trên thế giới cũng bày tỏ sự lo ngại về cuộc chạy đua trên. Theo họ, các hoạt động khai thác khoáng sản tại vùng biển Bắc Cực chỉ có tác hại thúc đẩy nhanh hơn quá trình tan băng ở khu vực này, dẫn tới một thảm họa môi trường do nước biển dâng cao mà con người có thể phải hứng chịu trong một thời gian không xa

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.