Bãi bỏ DACA - ông Trump lại vấp phải những rào cản pháp lý

Thứ Ba, 12/09/2017, 10:46
Dư luận và giới học giả quốc tế nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump là người “khó đoán định” quả không sai. Bởi lẽ mỗi quyết định của ông đều luôn gây bất ngờ, khó đoán, thậm chí “tiền hậu bất nhất.

Tuyên bố hủy bỏ Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cảnh vào Mỹ khi còn nhỏ (DACA) vừa ban  hành của ông chủ Nhà Trắng lại vấp phải sự phản ứng của cơ quan lập pháp và người dân Mỹ.

Một quyết định gây phản ứng dữ dội

Ngày 5-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định bãi bỏ DACA bất chấp những lời kêu gọi của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ngay sau khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions thông báo quyết định của Tổng thống, làn sóng biểu tình đã rộ lên tại nhiều nơi trong cả nước. Và cũng giống nhiều quyết định trước đây, chủ trương của ông Donald Trump đã vấp phải những rào cản pháp lý ngay lập tức.

Chỉ 2 ngày sau khi thông báo, 15 tiểu bang của Mỹ cùng đặc khu Columbia đã đệ đơn kiện quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ bãi bỏ chương trình DACA.

Trong đơn kiện nộp lên tòa án liên bang New York ngày 6/9, tổng chưởng lý 15 bang cùng khu vực quận Columbia cáo buộc chính quyền của Tổng thống Trump có hành vi phân biệt đối xử với những người nhập cư gốc Mexico, chiếm 78% số người được DACA bảo trợ, vi phạm nguyên tắc xét xử công bằng được quy định trong Hiến pháp Mỹ cũng như gây thiệt hại cho cư dân, các thể chế và nền kinh tế của các bang này.

Cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều người dân, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có tuyên bố gay gắt, cho rằng quyết định của chính quyền đương kim Tổng thống Donald Trump là "tàn nhẫn" và "sai trái".

Theo ông Obama, “Cho dù người Mỹ có quan ngại hay phàn nàn thế nào về người nhập cư, nhưng nhìn một cách tổng thể cũng không nên đe dọa tương lai của nhóm người trẻ này, những người hiện diện tại đây không phải lỗi của họ, những người không đề ra mối đe dọa nào, không tước đoạt bất kỳ thứ gì từ chúng ta cả”. Đây là một quyết định mang tính chính trị và là một câu hỏi về mặt đạo đức. 

Biểu tình phản đối việc chấm dứt DACA của chính quyền Tổng thống Trump.

Từ “Thung lũng Silicon”, các ý kiến phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới vốn tuyển dụng nhiều người thuộc diện được hưởng ưu tiên từ DACA cũng gay gắt không kém. Những "đại gia" công nghệ của Mỹ như Apple, Facebook, Microsoft hay Google lâu nay phản đối các chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump vì những công ty này phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động trẻ đến từ nhiều nước, đã kêu gọi Quốc hội hành động với ưu tiên là bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi.

Nhiều đối tác của Tổng thống Trump và chính khách đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại rằng chính sách này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và đi ngược lại các giá trị mà lâu nay nước Mỹ theo đuổi.

Các nước khu vực Mỹ Latinh như Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras - những nước có số lượng lớn công dân thuộc diện được DACA bảo trợ cũng lên tiếng, tuyên bố sẽ vận động hành lang để các nhà lập pháp Mỹ bảo vệ những người nhập cư đến Mỹ từ nhỏ.

Chính phủ Mexico thậm chí khẳng định sẵn sàng tiếp nhận các đối tượng bị Mỹ trục xuất, tạo điều kiện để họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Ngoài 625.000 công dân Mexico đang được DACA bảo hộ, El Salvador, Guatemala và Honduras cũng có hàng chục nghìn công dân được bảo hộ theo chương trình này.

Việc bãi bỏ DACA có thể làm phức tạp hơn nữa hệ thống nhập cư của Mỹ vốn đang rất cần cải cách lập pháp, đặc biệt một giải pháp khả thi, vĩnh viễn cho những cá nhân đã vào Mỹ một cách bất hợp pháp khi còn là trẻ nhỏ và chắc chắn giải pháp đó phải đến từ Quốc hội.

Mặc dù ông Trump đã đưa việc trục xuất người nhập cư trái phép làm trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và đã đẩy mạnh những vụ trục xuất kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm nay, tuy nhiên, giới doanh nghiệp nói rằng người nhập cư góp phần quan trọng vào nền kinh tế và chấm dứt chương trình này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và doanh thu thuế.

Cuộc chiến dai dẳng

Nói vậy cũng không phải không có phe ủng hộ quyết định của Tổng thống, Trước vụ kiện này, Bộ Tư pháp Mỹ ngay lập tức liên tiếng bảo vệ ông Donald Trump, cho rằng DACA cần phải bị hủy bỏ vì được thực hiện theo chỉ thị của cựu Tổng thống Obama chứ không qua Quốc hội.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cũng ủng hộ động thái của ông Trump khi cho rằng Tổng thống đã hành động đúng đắn và đã cho Quốc hội thời gian để tìm kiếm sự thỏa hiệp.

Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của Tổng thống Obama trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những đối tượng đến Mỹ bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi. Chương trình này cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất.

Trong 5 năm qua, khoảng 800.000 được đưa tới Mỹ khi chưa thành niên đã tham gia chương trình này để tránh bị trục xuất. Tuy nhiên, giấc mơ đổi đời trên đất Mỹ đã bị khép lại bằng quyết định ngày 5-9 của Tổng thống Donald Trump và để cho Quốc hội Mỹ 6 tháng bàn thảo nhằm nghiên cứu dự luật thay thế.

Giới quan sát cho rằng đây là một quyết định khôn khéo của Tổng thống Donald Trump, có thể giúp ông giành được sự ủng hộ và lật ngược thế cờ so với sắc lệnh cấm nhập cư trước đây. Bởi lẽ bằng cách thiết lập thời hạn 6 tháng để Quốc hội ra quyết định về việc có chấm dứt DACA hay không và kéo dài ảnh hưởng của chương trình này trong 2 năm tới cho đến khi giấy phép lao động của những người theo chế độ này hết hạn, Tổng thống Donald Trump đã đặt tất cả áp lực lên các nghị sĩ.

Điều này sẽ khiến cho việc ủng hộ kéo dài chương trình DACA trong Quốc hội trở nên khó khăn hơn. Tại Hạ viện, các nghị sĩ sẽ phải thông qua việc phản đối những người nhập cư này. Tại Thượng viện cũng cần ít nhất 60 phiếu bầu mới có thể phản đối việc chấm dứt DACA.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.