Bài trắc nghiệm khó

Thứ Tư, 09/01/2019, 14:59
Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần từ ngày 22-12-2018 do bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và Quốc hội về kinh phí xây dựng tường biên giới với Mexico vẫn chưa được giải quyết. Kết quả là hàng trăm nghìn nhân viên không được trả lương, nhiều cơ quan liên bang bị ảnh hưởng, còn người dân trên toàn nước Mỹ tỏ ra lo lắng và bất bình.

Tình trạng đóng cửa một phần chính phủ đã bước sang tuần thứ ba, có khả năng còn kéo dài và trở thành lần đóng cửa chính phủ dài thứ ba trong lịch sử. Đây là “bài trắc nghiệm khó” cho khả năng điều hành chính phủ của ông Trump, cho kỹ năng thương lượng cũng như đoàn kết nội bộ nước Mỹ.

Tại sao phải đóng cửa?

Ở Mỹ, ngân sách hằng năm của chính phủ phải được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua rồi tổng thống ký ban hành thì mới bắt đầu được giải ngân. Đây là cơ chế tam quyền phân lập vốn là một trong những trụ cột của thể chế chính trị Mỹ. Chính phủ Mỹ phải đóng cửa khi Quốc hội không thể thông qua ngân sách cho các hoạt động của chính phủ trước khi năm ngân sách kết thúc, hoặc khi tổng thống phản đối một phần hay tất cả dự luật về ngân sách mà Quốc hội đã thông qua. Cơ chế này đã tồn tại từ năm 1976, tuy nhiên việc đóng cửa chính phủ thường không kéo dài, chỉ khoảng vài ngày.

Năm 2013, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa 17 ngày vì bất đồng chính trị liên quan tới dự luật chăm sóc sức khỏe Obamacare. Năm 1996, Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton đóng cửa 21 ngày do bất đồng xung quanh chương trình bảo hiểm y tế Medicare.

Lần đóng cửa hiện nay là lần thứ ba trong vòng 13 tháng của chính phủ liên bang dưới sự điều hành của Tổng thống Trump. Lần đóng cửa đầu tiên diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 20-1-2018, khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bất đồng về đối tượng mở rộng trong đạo luật DACA (Tạm hoãn thi hành việc trục xuất những người đến Mỹ từ khi còn nhỏ).

Lần thứ hai vào ngày 9-2-2018 nhưng chỉ kéo dài 9 tiếng đồng hồ sau khi Quốc hội đạt được sự đồng thuận về tăng mức nợ trần, qua đó giúp tăng ngân sách cho Bộ Quốc phòng và đồng ý tranh luận về vấn đề DACA trong tương lai gần.

Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ bất đồng khiến chính phủ tê liệt.

Nguyên nhân khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa lần này là do căng thẳng giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD xây bức tường biên giới với Mexico. Tổng thống Trump từ chối ký vào dự thảo ngân sách mà không bao gồm khoản tiền dành cho việc xây dựng bức tường biên giới, trong khi đó đảng Dân chủ tuyên bố họ không bỏ phiếu cho một dự thảo ngân sách như vậy.

Thực ra Hạ viện khi đảng Cộng hòa chiếm đa số đã cho thông qua một dự luật cấp ngân sách cho bức tường biên giới, tuy nhiên dự luật này không qua được “ải” Thượng viện. Ngay sau khi trở lại nắm Hạ viện, phe Dân chủ đã dễ dàng thông qua dự luật ngân sách nhằm mở cửa lại 1/4 chính phủ, vốn đã rơi vào trạng thái "sống thực vật” từ ngày 22-12. Tuy nhiên, dự luật này tuyệt nhiên không bao gồm số tiền hơn 5 tỉ USD mà ông Trump muốn cho bức tường biên giới.

Trong khi ông Trump cho rằng bức tường là cần thiết, ông nói: "Chúng ta đang nói về an ninh quốc gia chứ không phải chúng ta đang chơi game. Biên giới phía nam là một khu vực vô cùng nguy hiểm và có thể là nguyên nhân dẫn đến những thảm họa kinh hoàng", ám chỉ tới tình trạng nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu ma túy và buôn bán người. Tuy nhiên, đảng Dân chủ gọi bức tường là "lãng phí", "vô ích" và "phi đạo đức".

Khoản tiền 5,7 tỷ USD nếu nằm trong tổng ngân sách của Chính phủ Mỹ thì không hề lớn nhưng lại mang tính chất biểu tượng quan trọng đối với Tổng thống Trump. Việc phải rút lại đề xuất này sẽ được xem là thất bại nặng nề của cả đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump trước đảng Dân chủ. Trong trường hợp không thông qua được gói chi tiêu trên, ông Trump sẽ chịu nhiều chỉ trích và đây không phải là điều mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn.

Gọi là đóng cửa song thực tế không phải toàn bộ chính phủ ngừng hoạt động. Kết cấu chính quyền Mỹ chia làm chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Mỗi bang trên thực tế gần giống một quốc gia độc lập, có quốc hội, tòa án, cơ quan hành pháp, pháp luật và đặc biệt là ngân sách riêng. Do đó, hoạt động của chính quyền tiểu bang không bị ảnh hưởng.

Khi xác định cơ quan, dịch vụ nào của chính quyền liên bang phải đóng cửa, pháp luật Mỹ chia chúng ra làm loại “thiết yếu” và “không thiết yếu”. Trong khi tất cả những nhân viên thuộc các đơn vị “không thiết yếu” sẽ phải nghỉ việc tạm thời (khoảng 380.000 nhân viên), các cơ quan được xếp loại “thiết yếu” sẽ tiếp tục làm việc.

Đồng thời, những nhân viên còn lại của chính quyền liên bang tiếp tục làm việc (khoảng 420.000 người) sẽ không được nhận lương tới khi Quốc hội và tổng thống nhất trí về một ngân sách mới.

Hiện tại, các nhân viên của Bộ Ngoại giao, Bộ Vận tải, Bộ An ninh nội địa, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và nhiều cơ quan khác đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc chính phủ bị đóng cửa. Những nhân viên thực sự cần thiết của các cơ quan này vẫn tiếp tục làm việc song không được trả lương. Các công viên, sở thú quốc gia phần lớn bị đóng cửa. Những tòa án phụ trách xét xử các vấn đề nhập cư hiện cũng không hoạt động.

Cơ quan an ninh vận tải (TSA) và các tòa án liên bang vẫn hoạt động, mặc dù vậy nhiều hoạt động của các cơ quan này bị hạn chế. Chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicare và trợ cấp y tế Medicaid không bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ đóng cửa. Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 vẫn diễn ra bởi cuộc điều tra này không phụ thuộc vào nguồn tài trợ do Quốc hội quyết định.

Những ảnh hưởng

Trong thời gian chờ đợi, khoảng 25% cơ quan trong chính phủ liên bang sẽ không có kinh phí hoạt động. Nhiều nhân viên buộc phải nghỉ việc hoặc làm việc mà không được trả lương. Liên đoàn lao động, đại diện cho khoảng 400.000 người làm công ăn lương, ngày 31-12 vừa qua đã đệ đơn kiện chống lại chính quyền của Tổng thống Donald Trump với cáo buộc chính quyền vi phạm Đạo luật Các tiêu chuẩn lao động công bằng vì không trả lương cho nhân viên kể từ ngày 22-12-2018.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý công viên quốc gia Mỹ đã tạm dừng nhiều dịch vụ, trong đó có nhà vệ sinh công cộng, hoạt động dọn dẹp rác thải, bảo trì các tuyến đường và trung tâm hỗ trợ. Rác thải cũng bắt đầu chất cao thành đống ở bên ngoài nhiều địa danh, kể cả quanh Nhà Trắng và Công viên quốc gia National Mall ở trung tâm thủ đô Washington.

Việc đóng cửa chính phủ cũng ảnh hưởng đến 62 tòa án xử lý tình trạng nhập cư của Mỹ. Hàng trăm thẩm phán tạm thời phải nghỉ việc và chỉ những trường hợp người nhập cư đang bị giam giữ mới được xét xử.

Việc chính phủ đóng cửa làm dấy lên nhiều lo ngại trên toàn nước Mỹ về sự gián đoạn các chương trình phúc lợi. Hiệp hội Hỗ trợ phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh (WIC), vốn cung cấp lương thực và giáo dục cho các bà mẹ mang thai có thu nhập thấp hay trẻ em nghèo đã ban thành tuyên bố hối thúc các nhà lập pháp Mỹ sớm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ trước khi các cơ quan liên bang cạn kiệt ngân quỹ.

Một nhân viên cầm tấm biển “Hãy làm việc của các ngài để tôi có thể làm việc của tôi”.

Về mặt kinh tế, một số nhà phân tích ước tính, đợt đóng cửa lần này gây thiệt hại 6 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ, một món tiền còn lớn hơn cả ngân sách mà Tổng thống Trump đòi có được để xây bức tường ở đường biên giới với Mexico.

Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang tìm cách đổ lỗi cho nhau về tình trạng chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, người dân Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Trump nhiều hơn là phe Dân chủ ở Quốc hội về việc này. Theo một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện, 50% cho rằng chính ông Trump là người chịu trách nhiệm, trong khi 32% quy trách nhiệm cho đảng Dân chủ. Ngoài ra, 7% số người được hỏi đổ lỗi cho các thành viên Cộng hòa ở Quốc hội.

Hồi đầu tháng 12, ông Trump đã nói rằng ông “tự hào khi đóng cửa chính phủ” vì tranh cãi về bức tường biên giới. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ bị đóng cửa một phần, ông lại tìm cách đổ lỗi cho phe Dân chủ.

Trong lúc cả ông Trump và phe Dân chủ cáo buộc lẫn nhau là nguyên nhân khiến chính phủ đóng cửa thì nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân là do hệ thống tam quyền phân lập của Mỹ. Hệ thống này với mô hình “cân bằng và kiểm soát” giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp đã hoạt động quá hiệu quả khiến tổng thống Mỹ không thể tự ý xây dựng bức tường như ông muốn, nhưng cũng đồng thời đóng cửa chính phủ liên bang khi các bất đồng về ngân sách giữa tổng thống và quốc hội không thể được giải quyết.

Lối thoát nào cho tình trạng hiện nay?

Có hai cách để chấm dứt tình trạng đóng cửa hiện nay: Hoặc các bên tranh cãi phải đồng ý về một khoản ngân sách tổng thể, hoặc phải thông qua các khoản ngân sách từng phần để có thêm thời gian đàm phán về gói ngân sách mới. Ngày 6-12 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã cho thông qua một dự luật ngân sách như vậy để kéo dài thời gian đàm phán đến ngày 21-12.

Trong một dấu hiệu thể hiện sự thỏa hiệp, ngày 6-1, Nhà Trắng cho biết các cuộc đàm phán về việc mở cửa trở lại chính phủ liên bang có thể dẫn tới một thỏa thuận mà theo đó Tổng thống Trump sẽ rút lại yêu cầu trước đây của ông rằng bức tường mà ông đề xuất xây dựng dọc biên giới phía Nam nước Mỹ phải là một bức tường bằng bê tông. Dấu hiệu nhượng bộ nói trên được đưa ra vài ngày sau khi ông Trump đánh tín hiệu rằng bức tường này có thể được làm bằng thép thay vì bằng bê tông.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của chương trình "Gặp gỡ báo chí" của Đài NBC, Mick Mulvaney - quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng - cho biết Tổng thống Trump đã cân nhắc chấp thuận khoản ngân quỹ để dựng hàng rào thép ở khu vực biên giới phía Nam, dù nguyên thủ Mỹ từng cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ cho xây bức tường bằng bê tông.

Mick Mylvaney, cũng là người lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng, nói thêm rằng các cuộc đàm phán giữa nhân viên của ông và các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ hiện tập trung vào các yêu cầu kỹ thuật sau khi hai bên gặp nhau sáng 5-1.

Trong cuộc phỏng vấn trên, Mick Mulvaney cũng bác bỏ các nhận định từ một số thành viên đảng Cộng hòa rằng các động cơ chính trị đã cản trở Tổng thống Trump nhượng bộ. Tuần trước, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham nói rằng nhóm ủng hộ Trump sẽ từ bỏ tổng thống nếu ông không xây bức tường biên giới này.

Trước đó, phát biểu với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng ngày 6-1, ông Trump đã nhắc lại lời đe dọa của ông rằng nếu cảm thấy không hài lòng với các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong vài ngày tới, ông có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và ra lệnh cho quân đội xây dựng một bức tường mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng cho biết ông sẵn sàng chấp nhận phương án dựng một hàng rào thép gai thay vì xây một bức tường bằng bê tông.

 Phe Dân chủ cũng đã phát tín hiệu rằng họ có thể chấp nhận một thỏa thuận mà theo đó không xây bức tường bằng bê tông, nhưng họ sẽ cấp tiền để dựng một hàng rào bằng thép. Mặc dù vậy, chắc chắn phe Dân chủ cũng sẽ yêu cầu tổng thống phải có những nhượng bộ khác, chẳng hạn bảo vệ những trẻ em nhập cư được đưa tới Mỹ hoặc thay đổi các điều khoản về chi tiêu.

Mặc dù đã có những nhượng bộ nhất định, song việc nguyên thủ Mỹ tuyên bố ông sẽ không giảm số tiền mà ông yêu cầu (hơn 5 tỷ USD) để bảo vệ an ninh biên giới sẽ tiếp tục là rào cản lớn để hai bên đi tới thống nhất chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ một phần như hiện nay.

Vân Khánh
.
.