Bất đồng về chương trình hạt nhân trong giới lãnh đạo Iran

Thứ Ba, 15/03/2011, 15:15
Một đánh giá mật của tình báo quốc gia Mỹ kết luận: giới lãnh đạo Iran đang lâm vào tình trạng bất đồng lớn về vấn đề liệu có nên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân trong tình hình bị quốc tế gia tăng cấm vận hay không?

Tehran có khả năng tiến hành trở lại cuộc nghiên cứu vũ khí hạt nhân đồng thời mở rộng chương trình làm giàu uranium - trái với đánh giá gây tranh cãi năm 2007 cho rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Iran đã ngưng lại vào năm 2003. Nhưng điều đó không hẳn có nghĩa là Iran đã phát triển trở lại chương trình hạt nhân để chế tạo một quả bom.

Đánh giá tình báo trên được đưa ra khi những người phản kháng ở Tehran rầm rộ gây sức ép đến giới lãnh đạo Iran, giữa làn sóng biểu tình chống chính quyền đang lan rộng khắp vùng Trung Đông. Như thêm dầu vào lửa, Israel tuyên bố hôm 16/2/2011 rằng, việc triển khai một tàu chiến Iran đến Syria thông qua Kênh đào Suez là một hành động "khiêu khích" mà Nhà nước Do Thái không thể không nhận ra.

Theo quan điểm của Mỹ, ít nhất vài lãnh đạo Iran đang lo ngại tình trạng nền kinh tế gặp bất ổn một phần do những biện pháp trừng phạt quốc tế có thể khích động người dân nổi dậy chống chế độ, sau khi Tehran cắt giảm đáng kể những khoản tiền trợ cấp cho xăng dầu, điện và lương thực vào tháng 12/2010.

Những kết luận tình báo như thế càng củng cố thêm quyết tâm thắt chặt hơn nữa những biện pháp trừng phạt đối với Iran của chính quyền Obama. Nhà Trắng không bình luận gì về đánh giá tình báo mới này. Nhiều quan chức Mỹ nhận định rằng, sự đàn áp thẳng tay đối với những người biểu tình ở Tehran trong giữa tháng 2 này là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Iran đang hết sức lo lắng về thế đứng vững chắc của chế độ sau sự sụp đổ của một số lãnh đạo cầm quyền trong thời gian dài ở Tunisia và Ai Cập.

Trong tháng 1/2011, các quan chức cao cấp Israel nói, Tehran có lẽ phải mất ít nhất 4 năm để có thể sản xuất một quả bom hạt nhân do gặp nhiều khó khăn về công nghệ. Chẳng bao lâu sau, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, Washington tin rằng, chương trình hạt nhân của Iran đang đối mặt với những vấn đề về "kỹ thuật" đang gia tăng.

Trong một đánh giá riêng trình lên Ủy ban Tình báo Thượng viện, Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper kết luận: Mỹ tin Iran có khả năng sản xuất đủ uranium làm giàu cao (HEU) để sản xuất một quả bom không phải ngay bây giờ mà "trong vài năm tới".

Rõ ràng là chương trình cấm vận quốc tế đã làm hạn chế được khả năng thu thập vật liệu thô của Iran để sản xuất một quả bom nguyên tử. Đồng thời Iran cũng khó mà có được sợi carbon và thép siêu bền - hai thành phần quan trọng để làm ra cỗ máy dùng để sản xuất uranium làm giàu. Chương trình hạt nhân của Iran cũng bị chậm đi do những vấn đề trong hệ thống máy tính dùng để vận hành thiết bị làm giàu uranium. Tehran cũng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai những cỗ máy ly tâm cao cấp giúp thúc đẩy nhanh tiến trình sản xuất HEU cần cho một quả bom.

Nhà máy năng lượng hạt nhân của Iran ở Bushehr, cách thủ đô Tehran hơn 1.000km về phía nam.

Theo báo cáo mới đây của David Albright, chuyên gia về chương trình hạt nhân Iran và là người đứng đầu Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS), cuộc tấn công của sâu máy tính Stuxnet vào cuối năm 2009 hay đầu năm 2010 đã phá hủy khoảng 1.000 máy ly tâm của Iran trong số 9.000 thiết bị ở cơ sở làm giàu uranium chính của nước này.

Ông nói trong báo cáo: "Hiệu quả của cuộc tấn công này thật ngoạn mục. Nó đã làm cho người Iran hết sức khốn đốn. Họ không chắc đã biết được cái gì đã gây ra sự hỏng hóc, làm chậm trễ thêm nỗ lực tăng tốc của cơ sở đồng thời tác động tiêu cực đến sự cung cấp những máy ly tâm mới để thay thế những thiết bị đã bị phá hỏng".

Trước Quốc hội Mỹ, ông Clapper nói, cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Iran đang có nhiều sự lựa chọn và "mặc dù vậy, chúng tôi cũng chưa biết được liệu Iran cuối cùng có quyết định tiếp tục sản xuất vũ khí hạt  nhân hay không". Trong khi đó Iran cứ khăng khăng phủ nhận việc họ đang tìm kiếm vũ khí hạt nhân, đồng thời bác bỏ tuyên bố của Mỹ cho rằng Tehran tài trợ cho khủng bố.

Các quan chức Mỹ cũng kết tội Iran đang theo đuổi chương trình tên lửa gây hấn, trong đó bao gồm những tên lửa xuyên lục địa. Còn chính quyền Obama tuyên bố sẽ không cho phép Iran trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, song không hề nói sẽ làm những gì để ngăn chặn Tehran theo đuổi tham vọng của họ

Thanh Phong (tổng hợp)
.
.