Bầu cử Mỹ 2020: Nóng phiên tranh luận trực tiếp đầu tiên
Đây cũng là cuộc tranh luận bầu cử đầu tiên ở Mỹ trong thời kỳ đại dịch hoành hành và cũng là lần đầu tiên hai ứng cử viên đối đầu trực tiếp. Có thông tin cho rằng cả hai ứng cử viên đều sử dụng những phương pháp riêng để chuẩn bị cho cuộc tranh luận. Lại cũng có bình luận hoài nghi về rốt cuộc ý nghĩa thực tế của cuộc tranh luận trên truyền hình mà người Mỹ luôn thích thú theo dõi là gì. Kể từ những năm 1960 và 1970 đến nay, bên chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận chưa chắc có thể trở thành tổng thống.
Cuộc tranh luận trên truyền hình của các ứng cử viên giờ đây được cho là mang tính trình diễn nhiều hơn. |
Tập trung vào những chủ đề lớn
Các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ xuất hiện sớm nhất vào năm 1960. Khi đó, Mỹ lần đầu tiên trên truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận giữa ứng cử viên đảng Dân chủ John F.Kennedy và ứng cử viên đảng Cộng hòa Richard Nixon. Kể từ năm 1976, việc ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tiến hành các cuộc tranh luận trên truyền hình xoay quanh các chủ đề gây tranh cãi nhất trước cuộc bầu cử đã thành thông lệ.
Cuộc tranh luận có thời lượng 90 phút và xoay quanh 6 chủ đề, mỗi chủ đề 15 phút. Người dẫn chương trình là Chris Wallace của kênh truyền hình Fox New. Lý do tiết lộ trước các chủ đề là để khuyến khích hai ứng viên đi sâu thảo luận vào các vấn đề then chốt mà đất nước đang phải đối diện. Các chủ đề tranh luận cũng có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy theo sự thay đổi của tình hình.
Trước hết, đây là cuộc tranh luận đầu tiên của chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ trong thời kỳ đại dịch. Đại dịch COVID-19 bất ngờ xảy ra không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người Mỹ và sinh kế của hàng triệu người khác mà còn khiến cuộc bầu cử tổng thống trở nên phức tạp hơn. Đây là chủ đề được quan tâm và bàn luận nóng bỏng nhất hiện nay.
Thứ hai, do tác động của dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ suy thoái nhanh chóng, thị trường chứng khoán nhiều lần ngừng giao dịch, kế hoạch tái khởi động nền kinh tế mà chính quyền Tổng thống Trump vội vàng đưa ra đã gây nhiều tranh cãi. Mọi người rất muốn biết liệu chính quyền ông Trump sẽ có những biện pháp nào để đưa nền kinh tế Mỹ phục hồi theo lộ trình chữ V.
Thứ ba, cuối tháng 5, sự kiện George Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi bị cảnh sát da trắng ghì cổ đến chết đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối đòi bình đẳng sắc tộc trên khắp nước Mỹ. Sau hơn 100 ngày, làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc và phản đối các hành động thực thi pháp luật bạo lực của cảnh sát vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại ở nhiều nơi trên nước Mỹ.
Cuối cùng, vừa qua, chiếc ghế thẩm phán Tòa án Tối cao bị trống do bà Ruth Bader Ginsburg đột ngột qua đời đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi về tương lai của Tòa án Tối cao. Dư luận cho rằng phe bảo thủ có thể tạo ra cục diện áp đảo đa số 6-3 (6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán cấp tiến). Triển vọng này không những đang khuyến khích hai đảng trong Quốc hội Mỹ gấp rút hành động mà còn khiến chủ đề Tòa án Tối cao vốn ít được quan tâm này nhanh chóng trở thành một trong những tâm điểm của cuộc bầu cử.
Dẫn dắt cử tri tới "màn trình diễn"?
Theo tờ Atlantic của Mỹ, sự qua đời của vị thẩm phán đã gây ra một cuộc tranh luận về tương lai của Tòa án Tối cao. Cả ông Trump và ông Biden đều luôn cố gắng xác định quan điểm của cử tri về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 này. Ông Trump muốn đặt tiêu điểm vào tương lai của Tòa án Tối cao để đoàn kết đảng Công hòa và khích lệ các cử tri của đảng này. Ông Biden thì muốn biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu dân ý về đương kim tổng thống và công tác phòng chống dịch thất bại của ông, cũng như chính sách bảo hiểm y tế. Ông Biden cho rằng các vấn đề của Tòa án Tối cao sẽ chuyển hướng sự chú ý của mọi người.
Theo kết quả thăm dò mới nhất của trang mạng RealClearPolitics, ông Biden đang dẫn trước ông Trump với lợi thế hơn 2 điểm phần trăm ở bang Ohio. Còn nhớ hồi giữa tháng 9-2016, cũng tại Ohio, ông Trump đã dẫn trước bà Hillary Clinton tới 5 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò của Bloomberg. Và kể từ năm 1964 đến nay, ai giành chiến thắng ở bang Texas là giành chiến thắng trên cả nước đã trở thành một quy luật thần bí. Điều khiến ông Trump phải lo lắng và khó chịu hơn là tính đến ngày 31-8, quỹ tranh cử của ông Biden cũng đã nhiều hơn của ông Trump.
Cũng có nhiều quan điểm cho rằng sự hứng thú của người dân Mỹ đối với cuộc tranh luận trên truyền hình đang giảm xuống. Trong cuộc thăm dò chung do Công ty National Broadcasting và tờ nhật báo Phố Wall phối hợp thực hiện, 44% số người được hỏi cho rằng cuộc tranh luận không quan trọng đối với lá phiếu của họ. 18% và 11% số người được hỏi lần lượt cho rằng "rất quan trọng" và "tương đối quan trọng".
Điều quan trọng hơn là cuộc tranh luận trên truyền hình không thể phản ánh chính xác tình hình bầu cử thực tế. Kể từ cuộc tranh luận trong vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ vào năm 2019, ông Biden đã bị đối thủ áp đảo trong các cuộc tranh luận. Ông chỉ tham gia một cuộc tranh luận trong 11 năm qua và các đối thủ của ông đều là những nhân vật có tài hùng biện. Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra trong suốt 10 vòng tranh luận của cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ dường như khác xa với tình hình thực tế của chiến dịch tranh cử.
Nhiều người cho rằng, cuộc tranh luận trên truyền hình của các ứng cử viên giờ đây mang tính trình diễn nhiều hơn là bộc lộ bản chất thật diễn biến của cuộc chạy đua.