Bầu cử Mỹ: Sức “nóng” giữa nhiệm kỳ

Thứ Hai, 29/10/2018, 15:35
Những ngày qua, một loạt vụ bom thư được phát hiện, có địa chỉ người nhận là các ứng cử viên, cho thấy sức “nóng” của đợt bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ của nước Mỹ lần này.

Theo đó, ngày 6-11 tới, người dân Mỹ sẽ bầu chọn 435 đại biểu Hạ viện và kéo dài hoặc thay mới 1/3 số Thượng nghị sĩ. Kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ quyết định chính đảng nào sẽ nắm quyền kiểm soát lưỡng viện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống và áp đặt điều kiện cho chương trình nghị sự lập pháp, ngân sách chính phủ và chức năng kiểm soát nhánh hành pháp của nước Mỹ.

Những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump trên phố.

“Làn sóng Dân chủ”?

Một trong những chỉ số then chốt để hiểu cuộc bỏ phiếu này là việc có tới 68% cử tri Mỹ sẽ bầu cho đảng Cộng hòa hay Dân chủ tùy theo năng lực kiểm soát Quốc hội của họ. Theo cuộc thăm dò ý kiến của Viện Gallup, 60% cử tri coi cuộc bầu cử này là một dạng bỏ phiếu tín nhiệm đối với Tổng thống Donald Trump.

Nói cách khác, trên chính trường Mỹ, yếu tố đối nội có tính quyết định vượt trội so với yếu tố đối ngoại, như vẫn từng diễn ra trong quá khứ, trừ một số thời điểm lịch sử đặc thù.

Theo dự đoán, sẽ có một “làn sóng Dân chủ” quét qua phe Cộng hòa tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát lưỡng viện thì họ có thể hạn chế hành động của chính quyền Tổng thống Donald Trump và dẫn dắt chương trình nghị sự lập pháp.

Nếu giành được đa số tại Thượng viện, họ có thể hạn chế việc bổ nhiệm thành viên nội các và Tòa án Tối cao. Còn nếu như để có được một cuộc điều trần dẫn tới phế truất tổng thống, phải cần tới 2/3 phiếu ủng hộ của các Thượng nghị sĩ.

Điều đó có nghĩa là ngay cả trong trường hợp đảng Dân chủ có thắng tất cả các ghế ở Thượng viện lần này (một điều gần như không thể diễn ra), thì họ vẫn cần tới các Thượng nghị sĩ của chính đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại ông Trump.

Những bối cảnh giả định này, cùng sự háo hức hơn thường lệ dành cho một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, là những đặc điểm của bối cảnh chính trị Mỹ hiện tại, với tình hình cụ thể là cách cầm quyền của ông Trump đang dấy lên cuộc tranh luận chính trị trong nội bộ nước Mỹ.

Và trong cuộc tranh luận này, không ít người đã bày tỏ thái độ quan tâm nhiều hơn tới các yếu tố quốc tế, vốn không thể tách rời khẩu hiệu tranh cử và cầm quyền của ông Trump: “Nước Mỹ trước tiên”.

Những người ủng hộ đảng Dân chủ Mỹ trong một cuộc tập trung.

Những gương mặt thay thế

Cuộc bầu cử lần này được cho là sẽ có tác động lớn tới quan hệ đối ngoại của Mỹ khi sẽ có thay đổi trong Ủy ban Đối ngoại của cả Thượng viện và Hạ viện, trong cả chính sách an ninh nội địa. Điều này sẽ tác động tới quan hệ của “chú Sam” với Mỹ Latinh và Caribe.

Trong trường hợp đảng Cộng hòa duy trì được đa số tại Thượng viện, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của cơ quan này sẽ được thay thế, rất có thể là James Risch (bang Idaho), người từng tự tuyên bố mình là một trong những thành viên “bảo thủ nhất” của Quốc hội Mỹ.

Lựa chọn khả thi thứ hai có thể là Marco Rubio (bang Florida). Và nếu trở thành thực tế, nó sẽ củng cố các chính sách bảo thủ của Washington đối với Mỹ Latinh. Tuy nhiên, nếu quyết định ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 thì cương vị này sẽ không thuận tiện cho ông Rubio.

Còn nếu đảng Dân chủ nắm được Thượng viện, chức danh này sẽ rơi vào một trong các Thượng nghị sĩ Bob Menéndez (bang New Jersey) và Benjamin Cardin (bang Maryland). Cả hai người này đều có quan điểm cứng rắn đối với Mỹ Latinh. Ngoài ra, Menéndez có cách tiếp cận khá thù địch với Nga và điều này có thể va chạm trực tiếp với lập trường của Chính phủ Mỹ. Còn ông Benjamin, cùng ông Rubio, chính là tác giả của Luật Cardin áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Venezuela.

Đối với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, hiện đang do Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ed Royce (bang California) làm Chủ tịch thì các ứng cử viên phía Cộng hòa gồm có Michael McCaul (bang Texas), Steve Chabot (bang Ohio) và Chiris Smith (bang New Jersey). Trong đó, ông McCaul hiện là đương kim Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia của Hạ viện, được biết tới rộng rãi với cuộc đấu tranh “chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực” là người có nhiều khả năng nhất.

Ứng cử viên đảng Dân chủ hàng đầu cho vị trí này là Eliot Engel (bang New York), người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn chống Iran và chủ nghĩa thực dụng trung dung. Đối với Mỹ Latinh, ông Engel chống lại chính sách nhập cư của Tổng thống Trump khi khẳng định rằng thay vì giới hạn nhập cư, Mỹ cần nỗ lực giảm thiểu tình trạng buôn bán ma túy, tăng cường an ninh, hợp tác kinh tế và giúp đỡ giải quyết khủng hoảng kinh tế trong khu vực.

Trong trường hợp trúng cử vị trí này, nhiều khả năng ông Engel sẽ gây sức ép thúc đẩy các cuộc điều tra về “sự can thiệp của Nga” vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức sau cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ.

Dấu hiệu của thay đổi

Kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này được cho là có thể tác động mạnh tới việc thông qua phiên bản mới của Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), được biết đến dưới cái tên mới là USMCA. Một chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện hay Cộng hòa tại Thượng viện đều sẽ gây khó khăn cho kế hoạch của ông Trump.

Thêm nữa, chủ trương “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump vốn dẫn tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể chịu số phận tương tự tại một Hạ viện mới với đa số thành viên thuộc đảng Dân chủ.

Một điều được cho là “sự đứt gãy” trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà chính quyền của ông Trump thực hiện có thể sẽ vấp phải khó khăn nếu phe Dân chủ thắng cử tại Hạ viện. Giới tham mưu chính sách gắn với bộ phận thủ cựu trong bộ máy nhà nước, thường được gọi là “chính quyền ngầm” (deep state) vốn đang bất đồng quan điểm với tổng thống, sẽ được củng cố và tìm thấy đồng minh mới tại Hạ viện để ngăn cản những sáng kiến của tổng thống trong lĩnh vực đối ngoại. Điều này có thể ảnh hưởng trước hết tới quan hệ với Nga và phong trào vận động việc tiếp cận và giảm bớt căng thẳng với CHDCND Triều Tiên.

Cái gọi là “sự nghiệp bảo vệ nền dân chủ” có thể tiếp tục theo hình thức các biện pháp trừng phạt kinh tế và sức ép ngoại giao nhưng thành phần hiếu chiến sẽ có ít không gian hành động hơn trong một số vấn đề then chốt với tương quan lực lượng mới. Điều này không có nghĩa là một sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà là sự xuất hiện của những rào cản thể chế lớn hơn đối với chương trình nghị sự của ông.

Chỉ có điều, nó phải là một chương trình nghị sự định trước, chứ không phải những định hướng mà ông Donald Trump cùng những cố vấn thân cận và các ngoại trưởng luân phiên của ông vạch ra trong tiến trình diễn biến của sự việc - điều mà đã có không ít người cho rằng đó là “tính cách đặc trưng” của vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ chờ đợi kết quả bầu cử ngày 6-11 này để gây sức ép đòi Quốc hội thông qua cải cách nhập cư của ông, với nhận định rằng những sắc lệnh chống nhập cư đã không được cơ quan lập pháp này ủng hộ. Cần biết rằng chính sách nhập cư của Mỹ có tác động đặc biệt tới kinh tế, chính trị và đời sống thường nhật của những người đến từ các nước Trung Mỹ.

Sức nóng từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lưỡng viện Mỹ.

Hồi tháng 2-2018, Quốc hội Mỹ đã phản đối một dự án cải cách tư pháp mà Nhà Trắng đưa ra, bao gồm ngân sách 25 tỷ USD để củng cố đường biến giới. Dự án này chỉ nhận được 39 phiếu thuận tại Thượng viện. Sau đó, cơ quan này đã thông qua ngân sách cho phần còn lại của năm tài khóa 2018 nhưng không đồng ý cấp cho ông Trump nguồn tài chính mà ông yêu cầu cho kế hoạch cải cách nhập cư của mình.

Ngoài ra, những tranh cãi nội bộ và nhân tố Nga cũng là những yếu tố có thể được dự đoán sau kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ kỳ này. Phe Cộng hòa nhấn mạnh vào việc Thượng viện đã phê chuẩn việc bổ nhiệm Brett Kavanaugh làm thành viên trọn đời mới của Tòa án Tối cao, trong khi ông này còn đang dính líu tới một vụ bê bối khá nghiêm trọng. Động thái này đã ghi một chiến thắng then chốt cho Tổng thống Donald Trump chỉ một tháng trước bầu cử.

Mặt khác, việc Thượng nghị sĩ John McCain qua đời cũng có thể coi là một “lợi thế” với ông Trump. Ông John McCain là một trong những tiếng nói có sức nặng trong đảng Cộng hòa đối lập với ông Trump và thậm chí có khả năng cạnh tranh vai trò lãnh đạo với vị Tổng thống tỷ phú ở mức độ nhất định. Những diễn biến này cùng với sự ủng hộ yếu ớt của đảng Cộng hòa đối với các sáng kiến nhập cư của ông Trump là nét chính trong tranh cãi nội bộ đảng.

Về phía đảng Dân chủ, hiện đang nổi lên “hiệu ứng Sanders”, khi mà sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, phái tiến bộ trong đảng này đã có những bước tiến đáng kể, cả trong những dự án như “Bảo hiểm y tế toàn dân” lẫn trong các cuộc bầu cử cơ sở. Sự tham gia rộng rãi hơn của phụ nữ, thanh niên và người nhập cư đang gây sức ép lên giới tham mưu trong đảng này.

Các chiến dịch tranh cử của họ tập trung vào các vấn đề như bản sắc và tính đa dạng nhưng cũng có những đòi hỏi buộc phải đánh thuế cao hơn đối với người giàu, bảo vệ tốt hơn phụ nữ và người nhập cư, cũng như yêu cầu phải có một thay đổi căn bản trong việc quản lý ma túy và hệ thống tư pháp cũng như trại giam. Những yêu cầu này trùng khớp với một vài điểm được đề ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Bernie Sanders, đối thủ chính của Tổng thống Donald Trump vào năm 2020.

Việc chỉ ra Nga như là kẻ thù của nước Mỹ do bị cho là đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sẽ là điều chẳng bao giờ được chứng minh một cách thuyết phục. Nhưng việc hướng mũi tên về phía quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương là cách để đánh lạc hướng dư luận vào các vấn đề chính trị và kinh tế nội bộ của nước Mỹ, hiện đang gây ra những rạn nứt trong nội bộ 2 chính đảng, căng thẳng giữa các cơ quan chính phủ và Nhà Trắng...

Tóm lại, về chính sách đối ngoại, nếu phe Dân chủ giành đa số, một số chính sách theo đường lối cứng rắn sẽ bị hạn chế. Còn ngược lại, nó sẽ được củng cố, đặc biệt là nếu phe Cộng hòa vẫn duy trì được đa số trong cả Thượng viện và Marco Rubio và Bob Menéndez cùng có mặt trong Ủy ban Đối ngoại của cơ quan này. Cho tới nay, những định hướng xuất phát từ Nhà Trắng không được hoan nghênh lắm tại Hạ viện, thậm chí bị chính thành viên đảng cầm quyền phản bác.

Một sự thay đổi lực lượng tại Hạ viện theo hướng nghiêng về đảng Cộng hòa có thể mở đường cho một sự điều chỉnh tình thế này, mang lại sự ủng hộ lớn hơn cho Tổng thống Donald Trump khi các thành viên thuộc cánh cấp tiến trong đảng Cộng hòa của ông được bầu chọn, điều mà nếu trở thành hiện thực, sẽ gây ra thêm nhiều bất trắc và căng thẳng trong mối quan hệ của Mỹ với Mỹ Latinh, đặc biệt là với các chính phủ không phải là đồng minh.

Mai Khuê (tổng hợp)
.
.