Bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ Mỹ: Tổng thống đang là “hòn đá chính trị”
Cuộc bầu cử được đánh giá là khá căng thẳng, với hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tranh nhau quyền kiểm soát Thượng viện. Sự bất mãn của cử tri đối với Tổng thống Barack Obama và mong muốn thay đổi của cử tri đang tạo ra một áp lực cực lớn đè nặng lên các ứng viên đảng Dân chủ.
Báo chí Mỹ trong ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử đã đồng loạt đưa ra những thông tin nổi bật về tình hình vận động cử tri của các ứng viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các kết quả thăm dò ý kiến cử tri trước bầu cử do các báo tổng hợp đều cho thấy ứng viên đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế. Nhưng chiều hướng chung là sự ủng hộ của cử tri dành cho các ứng viên hai đảng đang thu hẹp dần.
Điều này được kênh truyền hình NBC đúc kết rằng, các ứng viên đảng Cộng hòa đang có cơ hội giành ưu thế trước các ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát Quốc hội, nhưng việc biến các ưu thế về thăm dò cử tri thành tỉ lệ phiếu cụ thể là điều không dễ làm.
Ở phía đảng Dân chủ, sự thất thế trước đảng Cộng hòa đang được quy trách nhiệm cho Tổng thống Barack Obama. Phân tích kết quả thăm dò cử tri của giới nghiên cứu cho thấy tâm trạng cử tri đi bỏ phiếu lần này có nhiều điều đáng quan tâm, trong đó đáng chú ý có đến 25% cử tri cho biết mình đi bỏ phiếu là để phản đối ông Obama, 19% nói bỏ phiếu để phản đối các nghị sĩ đảng Dân chủ.
Các báo Mỹ lý giải, tỉ lệ ủng hộ của cử tri giành cho ông Obama đã sa sút đáng kể so với thởi điểm ông tái đắc cử cách đây 2 năm, khi đó có đến 54% cử tri ủng hộ ông mặc dù đã có nhiều tiếng nói phản ứng một số chính sách đối nội lẫn đối ngoại của ông. Thậm chí, Tổng thống Obama còn đang trở thành vấn đề mà các ứng viên đảng Dân chủ đang tìm cách né tránh khi vận động tranh cử tại các bang trọng yếu vì không muốn bị ảnh hưởng.
Những cuộc vận động cử tri tại các buổi tiệc tối hay phát biểu trên các diễn đàn cử tri của Tổng thống Obama đã biến thành những cuộc phản đối ồn ào của cử tri tham dự. Cử tri đã nhiều lần cắt ngang lời phát biểu của ông để phản đối ông về các chính sách như nhập cư, y tế,…
Tờ Washington Post ra ngày 3/11 nhận xét như sau: Hành trình của ông Obama từ một "người hùng" trong ánh hào quang chiến thắng của đảng Dân chủ trở thành "hòn đá" chính trị đang đè nặng lên vai các ứng viên đảng Dân chủ là câu chuyện của nhiệm kỳ II đầy bất trắc, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng liên tục, cả trong lẫn ngoài nước, mà vị Tổng thống của nước Mỹ hầu như không kiểm soát nổi. Tình trạng bị động, xử lý kém trong các cuộc khủng hoảng đó đang khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn về tính hiệu quả, quyết tâm và năng lực lãnh đạo chung của Tổng thống cả trong nước lẫn trên thế giới.
Một số vấn đề đang được giới nghiên cứu mổ xẻ xung quanh sự sa sút đáng ngạc nhiên của Tổng thống Obama trong nửa nhiệm kỳ II vừa qua. Người ta phân tích, Tổng thống Obama bước sang nhiệm kỳ II đang bị "căng cứng" bởi quá nhiều việc cần làm cho chương trình xây dựng "di sản" như việc ký kết một thỏa thuận tài chính, cải cách quản lý nhập cư và chương trình hành động chống biến đổi khí hậu.
Nhiều người đã bất mãn với việc Chính phủ Mỹ triển khai các chính sách đó theo cách mình muốn mà không quan tâm nhiều đến những người chịu tác động trực tiếp bởi các chính sách đó. Đối với các vấn đề trong chính sách đối ngoại, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq, cuộc khủng hoảng tại Syria, tình hình dịch Ebola,… là những vấn đề chính làm nên sự thất bại của ông Obama.
Lynn Vavreck, chuyên gia về chính trị tại Washington đưa ra nhận xét rằng, vào các kỳ bầu cử tổng thống, các thông tin tốt về kinh tế có thể giúp Tổng thống tái đắc cử, nhưng ở các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, các thông tin kinh tế tốt chưa chắc giúp đảng của Tổng thống giành chiến thắng mà chính bản thân Tổng thống mới là vấn đề quyết định kết quả bầu cử.
Vavreck phân tích: Điều trái khoáy chính là ở chỗ, cử tri quan tâm nhất đến các vấn đề kinh tế, đời sống thiết thực trong nước, ở địa phương, nhưng những thông tin tràn ngập về các cuộc "khủng hoảng" đã khiến cử tri mất tập trung, không còn để ý đến những kết quả khả quan về kinh tế.
Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như lạ lùng là phe Cộng hòa lại chiến thắng phe Dân chủ sau một chiến dịch nói về những chủ đề của cánh tả. Sự quan tâm của các chủ đề này có lẽ là yếu tố duy nhất ngăn cản chiến thắng của phe Cộng hòa trở thành một cơn sóng thần. Trong bối cảnh đó, hiện nay người ta đang chứng kiến một quang cảnh lạ lùng khi Karl Rove (quân sư của cựu Tổng thống George W. Bush) và nhiều ứng viên Cộng hòa khác công kích phe Dân chủ về nỗ lực giảm bớt chi tiêu của Nhà nước.
Ủy ban Cộng hòa Quốc gia đã phát đi một thông cáo chê trách nghị sĩ Dân chủ John Barrow của bang Georgia đã ủng hộ một biện pháp tăng tuổi nghỉ hưu đến 69 tuổi, đồng thời chỉ trích ông ta đã phê chuẩn chính sách an sinh xã hội Obamacare vì sẽ làm giảm ngân sách Medicare (bảo hiểm y tế) đến hàng trăm tỉ USD. Trong lúc đó phe Cộng hòa cáo buộc Barrow đã tài trợ cho việc "phá thai bằng tiền thuế của người dân" và hoang phí ngân quỹ công.
Tất nhiên không chỉ có phe Cộng hòa chộp lấy cơ hội giẫm chân lên các chủ đề của phe đối lập nếu điều đó có thể có lợi về mặt chính trị. Cho rằng một số ứng cử viên Dân chủ ủng hộ quan điểm của phe đối lập, tùy viên báo chí Daniel Scarpinato của Ủy ban Cộng hòa Quốc gia đã gửi cho tờ "Huffington Post" bản tin của 12 ứng viên tranh cử để chứng minh. Ứng viên Dân chủ John Lewis ở Montana khen ngợi sự ủng hộ của Hiệp hội Súng Quốc gia và chỉ trích đối thủ Cộng hòa khi ông này đề nghị siết chặt việc sở hữu vũ khí.
Một ứng viên khác cho biết ứng viên Dân chủ Nick Rahall chống lại Cơ quan Bảo vệ môi trường. Scarpinato cũng nhắc rằng những ứng viên Dân chủ tranh cử tại các khu vực có đa số ứng viên Cộng hòa đã không ngần ngại lên án "cuộc chiến than đá" do chính phủ đề ra hoặc kêu gọi giảm thuế.
Phe Cộng hòa cố lôi cuốn sự chú ý của các nữ cử tri trong lĩnh vực y tế, vấn đề mà phe Dân chủ thường có lợi thế. Cory Gardner, Thom Tillis, Mike McFadden cùng nhiều ứng viên Cộng hòa khác lớn tiếng ủng hộ viên thuốc ngừa thai tương lai cho dù đó chỉ là mong muốn đơn thuần vì quyết định thuộc thẩm quyền của Cơ quan Kiểm soát Dược và Thực phẩm. Khi được hỏi về vấn đề phá thai, ứng viên Bob Beauprez tuyên bố rằng ông ta "tôn trọng sự chọn lựa và quyền của các phụ nữ trong vấn đề này". Thế nhưng trong sự nghiệp của mình, ông ta luôn cương quyết chống phá thai.
Đảng Dân chủ vẫn còn một số lợi thế trong vận động tranh cử, nhưng việc vận động hỗ trợ của nhà Clinton và sự ủng hộ tại các bang "ruột" của đảng Dân chủ vẫn còn khá mạnh. Với tỉ lệ thăm dò cử tri khít khao như đã công bố, Phó Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng điều đó không nói lên được khả năng đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng