Bầu cử Tổng thống Cộng hòa dân chủ Congo: Sự trở lại của Bemba
Ngày 8-8, Ủy ban Bầu cử quốc gia DRC đã phê duyệt hồ sơ ứng cử của các ứng cử viên và đã loại một số người, trong đó có đương kim Tổng thống Joseph Kabila. Sự trở lại của ông Bemba hứa hẹn sẽ tạo nên sinh khí mới cho đời sống chính trị, cùng những “sóng gió” chính trị có thể xảy ra.
Đương kim Tổng thống Joseph Kabila (nắm quyền từ năm 2001 đến nay) bị loại do Hiến pháp DRC quy định ông không được làm tổng thống quá 2 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ 2 của ông Kabila đã kết thúc từ năm 2016 nhưng trong hiến pháp có một quy định cho phép ông tại vị cho đến khi bầu được người kế vị.
Cùng bị loại còn có ông Moise Katumbi, một doanh nhân giàu có hiện đang lưu vong ở nước ngoài. Ông Katumbi cũng không phải là người xa lạ ở Kinshasa. Ông được bầu làm nghị sĩ vào năm 2006 và tỉnh trưởng tỉnh Katanga vào tháng 1-2007.
Năm 2015, ông Katumbi từ chức tỉnh trưởng và Chủ tịch đảng Nhân dân tái thiết và dân chủ (PPRD). 1 năm sau, ông bị kết tội “bán một con ngựa không thuộc sở hữu của mình” và bị tuyên án 36 tháng tù. Dư luận cho rằng đây là một hành động triệt hạ đối thủ của Tổng thống Kabila nhằm củng cố quyền lực, triệt tiêu mối đe dọa tiềm ẩn tranh giành chức vị tổng thống của mình.
Bản thân Katumbi cũng bác bỏ cáo buộc và tự nguyện lưu vong ra nước ngoài để tránh bị bắt. Tháng 1-2018, ông tuyên bố ra ứng cử tổng thống. Tuy nhiên, đơn xin trở về nước để tham gia ứng cử của Katumbi đã bị tòa án bác vào ngày 8-8.
Thay thế cho Kabila là một chính khách còn ít người biết đến, cựu Bộ trưởng Nội vụ Emmanuel Ramazani Shadary. Mặc dù Shadary chưa tạo được mấy ấn tượng trong dân chúng nhưng vốn là người trung thành với Tổng thống Kabila nên được tổng thống đứng sau hậu thuẫn.
Đương kim Tổng thống DRC Joseph Kabila. |
Trong khi đó, lực lượng đối lập hiện đang trong tình trạng chia rẽ, không hoàn toàn thống nhất, khiến cho cuộc đua trở nên gay cấn. Phía đối lập hiện chỉ còn ông Bemba là người duy nhất đứng ra tranh cử nhưng các lãnh đạo đối lập, như Katumbi và Felix Tshisekedi, lại chưa chấp nhận đứng sau ủng hộ ông Bemba. Trong tình thế như vậy, ông Bemba buộc phải dựa vào uy tín và ảnh hưởng của cá nhân mình để vận động tranh cử đối chọi với ông Shadary.
So với ông Shadary, ông Bemba có phần nhỉnh hơn, được cử tri biết đến và ủng hộ nhiều hơn. Về mặt đối ngoại, ông Bemba cũng được phương Tây chấp nhận hơn là người của Tổng thống Kabila.
Năm nay 56 tuổi, ông Jean-Pierre Bemba xuất thân trong gia đình doanh nhân nhưng bản thân lại tham gia lực lượng phiến quân chống chính phủ. Trước khi tham gia chính quyền, ông Bemba từng là thành viên sáng lập Phong trào Giải phóng Congo (MLC). Cuộc nổi dậy chống chính quyền độc tài Joseph-Désiré Mobutu bùng phát từ năm 1996, Laurent-Désiré Kabila (bố của đương kim Tổng thống Joseph Kabila) lật đổ nhà độc tài Mobutu và lên làm tổng thống.
Vốn là người cũ của nhà độc tài Mobutu, ông Bemba cùng các chiến hữu lập ra MLC và tiến hành Cuộc chiến Congo lần thứ hai (1998-2003). Sự khốc liệt của cuộc chiến đã khiến cho hơn 4 triệu người thiệt mạng, đất nước Congo rơi vào cảnh tàn phá nghiêm trọng.
Trong tình cảnh đó, một trong những cận vệ của ông Kabila đã nổi dậy, ám sát ông với hy vọng chấm dứt tình trạng khó khăn. Joseph Kabila lên thay cha lãnh đạo đất nước nhưng nội chiến vẫn tiếp diễn, đã lôi kéo nhiều quốc gia trong khu vực tham gia, có nguy cơ lan rộng thành cuộc chiến toàn châu lục.
Đến năm 2003, các quốc gia tham gia cuộc chiến đã thống nhất đình chiến và các lực lượng ngoại quốc rút hết khỏi DRC. Một chính phủ lâm thời được thành lập. Ông Bemba được bầu làm Phó Tổng thống chính phủ lâm thời DRC giai đoạn 2003-2006.
Ông Bemba được giới phân tích đánh giá là một “trùm chiến tranh” có máu mặt ở DRC. Sau Cuộc chiến Congo lần thứ hai, ông Bemba vẫn duy trì lực lượng vũ trang MLC một thời gian. Năm 2002, lính MLC đã được phái sang nước láng giềng Cộng hòa Trung Phi để hỗ trợ chính phủ nước này đánh bật một cuộc đảo chính quân sự và sau đó là cuộc nội chiến kéo dài 5 tháng.
Sau cuộc nội chiến Trung Phi, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế lên tiếng tố cáo các binh sĩ MLC do ông Bemba phái sang Trung Phi đã gây ra nhiều tội ác chiến tranh, không chỉ giết hại thành phần đảo chính mà còn gây thiệt hại nặng nề cho dân thường. Các tổ chức đã lên án ông Bemba phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Sau cuộc bạo loạn tháng 3-2007 vì vụ mưu sát bất thành nhắm vào mình, ông Bemba rời khỏi DRC để sống lưu vong. Tuy nhiên, sự dính líu với lực lượng MLC và những tội ác do lực lượng này gây ra năm 2002 đã khiến ông Bemba vướng vòng lao lý. Tháng 5-2007, công tố viên Luis Moreno-Ocampo của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quyết định mở cuộc điều tra về những cáo buộc nêu trên.
Cuộc điều tra sau đó đã cho ra những kết quả ban đầu làm cơ sở để ICC đưa ra quyết định ông Bemba phải chịu trách nhiệm cá nhân về những tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người xảy ra tại Cộng hòa Trung Phi năm 2002.
Ngày 24-5-2008, ông Bemba bị bắt khi đang lui tới một khu vực gần Brussels, Bỉ. Tháng 12-2009, ICC ra phán quyết ông Bemba phải bị tạm giam chờ xét xử. Và trong phiên tòa ngày 21-6-2016, ông bị tuyên án 18 năm tù giam cho những tội danh đã nêu. Ông Bemba bác bỏ các cáo buộc, cho rằng việc bắt giam và kết tội ông có động cơ chính trị không trong sáng.
Ngày 28-9-2016, ông Bemba làm đơn kháng cáo mức án 18 năm tù mà mình bị tuyên lên ICC. Tháng 5-2017, ông tiếp tục kháng cáo tội “mua chuộc nhân chứng”. Sau 2 lần kháng cáo của ông, các thẩm phán ICC đã nghiêm túc xem xét lại các chứng cứ, nhân chứng buộc tội ông và ngày 8-6-2018, ICC ra phán quyết huy bỏ bản án 18 năm tù đối với ông Bemba, trả tự do ngay lập tức. Ngày 1-8-2018, ứng cử viên Tổng thống Bemba quay trở về DRC sau 11 năm phải lưu vong và ngồi tù ở The Hague.
Giới phân tích đánh giá, với sự trở lại của ông Bemba, cuộc đua ở DRC đang hứa hẹn sẽ hết sức gay cấn. Đó sẽ là một phiên bản tái đấu giữa hai ông Kabila và Bemba từng diễn ra cách đây hơn 10 năm. Lần này, ông Bemba đang nắm trong tay cơ hội để phục thù “hậu duệ” của đối thủ cũ.