Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Đằng sau việc ông Bernie Sanders dừng “cuộc chơi”

Thứ Tư, 22/04/2020, 10:49
Cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ đến nay đã trở nên đơn giản hơn sau khi ứng cử viên Bernie Sanders tuyên bố dừng chiến dịch, đồng thời dành sự ủng hộ cho đối thủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Cuộc đua phức tạp thật sự vừa mới bắt đầu.

Cuộc chơi dang dở

Từ nhà riêng ở bang Vermont, ông Bernie Sanders phát video trực tiếp trên mạng xã hội Twitter vào ngày 9-4 thông báo chính thức rằng ông đã dừng cuộc vận đông tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ 2. Trong video, ông Sanders nói rằng ông không muốn tiếp tục một chiến dịch tranh cử mà mình chắc chắn không thể thắng, trong khi nhiều người Mỹ vẫn đang tất bật với cuộc chiến chống COVID-19.

Trong giai đoạn cuối trước khi tuyên bố rút lui, ông Sanders đã biến chiến dịch tranh cử của mình thành cuộc vận động chống COVID-19. Sau nhiều ngày tham vấn... vợ và các cố vấn thân cận, ông đi đến quyết định dừng cuộc chơi.

Ông Bernie Sanders tuyên bố dừng cuộc đua.

Ông Sanders cho biết, tuy dừng chiến dịch vận động nhưng ông vẫn chưa rút lui khỏi cuộc đua mà vẫn tiếp tục duy trì tên mình trong danh sách ứng cử viên và trên lá phiếu cử tri. Mục đích của ông Sanders là để ông có thể tiếp tục đưa phong trào xã hội của mình vào đời sống chính trị, đặc biệt là lôi kéo đảng Dân chủ đi theo hướng thiên tả của ông.

Những người am hiểu ông Sanders cho rằng việc tham gia cuộc bầu cử năm nay không phải chỉ nhằm tranh giành tấm vé đề cử chính thức của đảng Dân chủ ra tranh cử trong tháng 11 tới mà quan trọng là ông muốn nhân cuộc bầu cử này để thúc đẩy một phong trào xã hội thiên tả, trong đó vận động cho công bằng xã hội, quyền lợi công dân và tầng lớp yếu thế trong xã hội, bảo vệ môi trường,...

Từ đầu tháng 3-2020, sau sự kiện “Siêu thứ Ba” giúp ông Biden trở lại dẫn đầu cuộc đua một cách ngoạn mục, ông Sanders đã cân nhắc đến việc “đi hay ở” trong cuộc đua năm nay. Và ông quyết định tiếp tục cuộc đua nhằm mục đích “lôi kéo ông Biden theo con đường thiên tả” - như lời ông lý giải trên Twitter.

Năm nay 79 tuổi, ông Sanders là một thượng nghị sĩ kỳ cựu đến từ bang Vermont. Ông là một trong những người theo đường lối thiên tả hiếm hoi còn sót lại của chính trị Mỹ. Sinh ra tại New York nhưng thời sinh viên và sau khi ra trường, ông tham gia hoạt động chính trị tại thành phố Chicago và vùng lân cận thuộc bang Illinois, với chủ trương dân quyền, dân chủ và chống chiến tranh.

Cuối thập niên 60, ông Sanders bắt đầu đặt chân đến bang Vermont để khởi đầu sự nghiệp chính trị. Năm 1971, ông tham gia đảng Liberty Union có nguồn gốc từ phong trào chống chiến tranh và đảng Nhân dân Mỹ. Từ năm 1972, ông bắt đầu tham gia tranh cử chức Thống đốc bang Vermont (2 lần vào năm 1972, 1976) và tranh cử thượng nghị sĩ bang này (cũng 2 lần vào năm 1972, 1974) nhưng tất cả đều thất bại.

Một năm sau thất bại trong cuộc đua chức Thống đốc bang Vermont 1976, đảng Liberty Union sa sút, nội bộ lủng củng khiến ông Sanders chán nản và quyết định rời khỏi đảng Liberty Union, đồng thời tạm xa lánh chính trị để đi làm... nhà văn.

3 năm sau, một người bạn thân và cũng là tâm phúc chính trị đã thúc giục ông Sanders quay trở lại chính trường với cuộc tranh cử chức Thị trưởng thành phố Burlington, bang Vermont năm 1980. Đó là một cuộc đấu được ví như giữa chàng David (Sanders) với gã khổng lồ là thị trưởng đương nhiệm rất giàu uy tín lẫn thành tích, quan hệ xã hội bao trùm, hầu như mọi ứng cử viên đều không dám đối đầu.

Ông đã “chẳng biết sợ là gì” khi lao vào cuộc đối đầu ấy và nhận được sự ủng hộ của một loạt ứng cử viên thuộc phái cấp tiến, thiên tả. Kết quả cuộc đấu “điên rồ” ấy là một chiến thắng nghẹt thở cho ông Sanders, chỉ hơn đối thủ vỏn vẹn 10 phiếu. Năm đó ông 39 tuổi và liên tục tái nhiệm suốt giai đoạn 1981-1989.

Bước sang thập niên 1990, ông Sanders bắt đầu giai đoạn chính trị mới. Ông đắc cử vào Hạ viện năm 1991 và đến năm 2007 trở thành thượng nghị sĩ đại diện bang Vermont. Từ đây, ông có điều kiện thúc đẩy tư tưởng chính trị thiên tả của mình. Ông được mệnh danh là “Vua sửa luật” vì là người đề xuất sửa đổi rất nhiều đạo luật đã lỗi thời ở Mỹ liên quan đến những vấn đề thiết thân của xã hội.

Ông cũng là người chống đối quyết liệt các chính sách kinh tế có lợi cho các nhà tư bản giàu có, đồng thời vận động thông qua các đạo luật nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động Mỹ, cải cách tiền lương, thực hiện công bằng xã hội.

Trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016, ông Sanders mang theo phong trào xã hội thiên tả và nhận được sự cổ vũ mạnh mẽ của tầng lớp trẻ và những người chán nản với chính trị bảo thủ, trở thành một hiện tượng rõ nét trong chính trị Mỹ. Ông Sanders chủ trương đả phá các định kiến cũ, vận động thay đổi những đường lối đã trở nên lạc hậu, thô cứng trong đời sống chính trị Mỹ. Tuy nhiên, phong trào thay đổi xã hội của ông đã phải dừng bước trước đối thủ quá mạnh khi đó là bà Hillary Clinton.

Kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ông Sanders tiếp tục đưa phong trào thay đổi xã hội vào chiến dịch vận động và nhận được sự ủng hộ của giới trẻ Mỹ. Cũng như kỳ bầu cử 2016, ông Sanders vượt lên trước các đối thủ trong những vòng đầu, sau loạt bầu cử sơ bộ tại các bang Iowa, New Hampshire và một chiến thắng vang dội ở bang Nevada vào tháng 2-2020.

Thế nhưng, biến cố định mệnh vẫn tiếp tục đeo bám ông với thất bại quyết định tại bang South Carolina, đánh dấu sự vùng dậy mạnh mẽ của đối thủ chính là ông Biden. Tương tự năm 2016, lần này sự trỗi dậy của ông lại “mất lửa” giữa chừng khiến phong trào thiên tả của ông tiếp tục dang dở.

“Cuộc bầu cử sơ bộ này đã chấm dứt. Nhưng chiến dịch tranh cử năm nay chỉ mới bắt đầu” - ông Sanders viết trong email gửi người ủng hộ để thông báo việc rút lui của mình.

Cuộc đua phức tạp mới chỉ bắt đầu

Việc ông Sanders dừng chiến dịch tranh cử làm cho cuộc đua sơ bộ trong đảng Dân chủ sớm ngã ngũ. Xem như ông Biden sẽ chắc chắn giành tấm vé chính thức của đảng Dân chủ ra tranh đua với Tổng thống Trump vào tháng 11 tới. Đồng thời, ông cũng sẽ đối mặt một chiến dịch tranh cử không bình thường và rất khó đoán trước.

Trước hết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề làm cho cuộc bầu cử năm nay trở nên không bình thường: Ít nhất 15 bang đã hoãn bầu cử sơ bộ và các ứng cử viên buộc phải hủy bỏ nhiều sự kiện vận động cử tri để tránh dịch bệnh lây lan. Sau loạt bầu cử sơ bộ “Siêu thứ Ba” hồi đầu tháng 3 vừa qua với lợi thế lớn thuộc về cựu Phó Tổng thống Biden, một loạt ứng cử viên trong đảng Dân chủ, đặc biệt là các nữ ứng cử viên, đã quyết định dừng cuộc chơi để bảo toàn nguồn lực, tránh lãng phí và rủi ro dịch bệnh.

Ông Joe Biden.

Chiến dịch tranh cử sơ bộ chỉ còn lại 2 đối thủ, mỗi người có ưu thế riêng nhưng ông Biden đã dẫn trước ông Sanders một khoảng cách khá xa. Khi dịch COVID-19 ngày càng bùng phát dữ dội ở Mỹ, buộc cả xã hội phải áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa nghiêm ngặt hơn để kiềm chế sự lây lan, cũng là lúc cơ hội rút ngắn khoảng cách với đối thủ của ông Sanders không còn nữa.

Với tình hình diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng COVID-19, giới phân tích cho rằng chưa biết cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ diễn ra như thế nào. Theo dự báo, nếu dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ được kiểm soát tốt, chấm dứt các ca nhiễm mới vào cuối tháng 6 thì khả năng cuộc bầu cử diễn ra bình thường. Nhưng nếu đại dịch kéo dài lâu hơn sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, thậm chí là cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.

Cũng giống như Tổng thống Trump, ông Biden hiện tại đang vận động tranh cử tại nhà do phải thực hiện cách ly xã hội phòng tránh dịch bệnh. Lần đầu tiên trong lịch sử, mọi hoạt động vận động cử tri, quảng bá hình ảnh, thông tin liên lạc, họp và làm việc với các cố vấn, nhân viên phục vụ chiến dịch đều được thực hiện trực tuyến hoặc truyền hình trực tiếp từ xa. Ông Biden đã tận dụng tầng hầm nhà riêng ở bang Delaware để lập một trung tâm truyền thông dã chiến phục vụ cho chiến dịch tranh cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có lợi thế vận động tranh cử nhưng cũng chịu áp lực vì đại dịch Covid-19.

Với tình thế vận động tại nhà như thế này, rõ ràng ông Biden đang gặp bất lợi rất lớn so với Tổng thống Trump. Nước Mỹ đang trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, mọi sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội lúc này không gì khác ngoài tình hình đại dịch và công tác chống dịch, đi kèm theo đó là những vấn đề khủng hoảng kinh tế, xã hội, thất nghiệp,... Trong sự ồn ào của cuộc chiến chống COVID-19, rất khó khăn cho ông Biden để tiếng nói của ông được mọi người chú ý, lắng nghe.

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại có lợi thế rất lớn là cả hệ thống cơ quan chính quyền phục vụ mọi hoạt động. Ông lập hẳn các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch. Và tiếng nói của ông đương nhiên là sự quan tâm hàng đầu trên các phương tiện truyền thông.

Là một chính khách lâu năm trong hệ thống chính quyền, ông Biden hiểu rõ rằng ông có rất ít khoảng trống để “đấu” ông Trump trong lúc này. Việc chỉ trích Tổng thống Trump trong cách điều hành cuộc chiến chống COVID-19 cũng là việc hết sức nhạy cảm, bởi Tổng thống Trump đang là tiếng nói hằng ngày để thông báo trước công chúng về tình hình cuộc chiến. Ông Biden hiểu rõ ông cần nên tránh đấu đá chính trị trong thời điểm khủng hoảng này.

Cơ hội để ông Biden tham gia, đóng góp tiếng nói của mình trong cuộc khủng hoảng đã được mở ra với cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hồi đầu tháng 4-2020 trong đó hai ông thảo luận về công tác ứng phó đại dịch của liên bang. Cuộc điện đàm là ý tưởng đề xuất bởi cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway. Cố vấn Conway đã đưa ra cho ông Biden lời khuyên hữu ích: chỉ nên ủng hộ, không nên đả kích tổng thống trong thời điểm này. Sau cuộc điện đàm, tổng thống đưa ra những nhận xét tích cực, như ấm cúng, bổ ích, có nhiều đề xuất tốt,...

Với tuyên bố dừng của ông Sander, cuộc đua phức tạp thật sự vừa mới bắt đầu.

Giới phân tích cho rằng, những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là thảm họa về kinh tế, xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ là yếu tố quyết định ai làm chủ Nhà Trắng năm nay. Nhiều người Mỹ hiện đang không hài lòng về cách Nhà Trắng ứng phó đại dịch, cho rằng những biện pháp ứng phó quá muộn đã khiến cho nước Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất toàn cầu. Khả năng kiểm soát, dập dịch hiện vẫn còn chưa rõ ràng.

Trong khi đó, Tổng thống Trump luôn phải chịu áp lực trước việc duy trì biện pháp cách ly xã hội để chống dịch với việc giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. Và ông đang đứng trước một quyết định mà ông cho là khó khăn nhất sự nghiệp chính trị của mình, đó là “nên hay không nên mở cửa lại nước Mỹ vào đầu tháng 5”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.