Bầu cử Tổng thống Peru: Cơ hội thứ hai cho ông Ollanta Humala?

Thứ Sáu, 29/04/2011, 19:45

Cuộc bầu cử tổng thống Peru diễn ra hôm Chủ nhật 10/4 đã cho kết quả 2 ứng cử viên đạt tỉ lệ phiếu bầu cao nhất bước vào vòng 2 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/6 tới đây. Cơ hội đang đặt ra cho cả 2 ứng cử viên Ollanta Humala và Keiko Fujimori - con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori đang bị giam giữ, nhưng xem ra ông Humala có vẻ nắm nhiều lợi thế hơn.

Theo kết quả kiểm phiếu không chính thức, tại vòng 1 diễn ra hôm 10/4, ông Ollanta Humala dẫn đầu với 31,7% phiếu, người về nhì chính là bà Keiko Fujimori với 23,5% phiếu. Từ thứ 3 đến thứ 5 gồm có cựu kinh tế gia Ngân hàng Thế giới Pedro Pablo Kuczynski (18,3%), cựu Tổng thống Alejandro Toledo (15,9%) và cựu Thị trưởng Lima Luis Castaneda (9,9%). Như vậy, bà Keiko Fujimori sẽ cùng ông Humala bước vào vòng đấu thứ 2 diễn ra vào ngày 5/6 tới đây.

Về khả năng giành thắng lợi của 2 ứng cử viên, đa phần báo chí đều phân tích lợi thế đang nghiêng về ông Humala. Tuy không giành được tỉ lệ quá bán theo quy định, nhưng ông Humala được đánh giá có nhiều khả năng giành chiến thắng trước bà Keiko. Humala, 48 tuổi, từng là đối thủ chính trị của ông Alberto Fujimori - cha bà Keiko Fujimori, từng làm cuộc nổi dậy đòi lật đổ ông Fujimori vào năm 2000, không lâu trước khi ông Fujimori phải bỏ trốn sang Nhật. Là một người dân tộc chủ nghĩa, Humala còn nổi tiếng là có khuynh hướng chính trị thiên tả. Không thân thiết lắm, nhưng Humala không từ chối quan hệ giao hảo với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và các lãnh đạo thiên tả trong khu vực như Evo Morales của Bolivia, Nestor Kirchner của Argentina và Lula da Silva của Brazil.

Sau khi thất bại trong cuộc đấu vòng 2 với Alan Garcia tháng 7/2006, Humala đã tìm cách liên kết lại với Đảng Cộng sản Peru - Tổ quốc Đỏ (Peru Communist Party - Red Fatherland) và Phong trào Cánh tả mới (New Left Movement) để tạo nên một liên minh đối lập đủ sức mạnh để buộc ông Garcia phải bảo đảm thực hiện đúng những lời hứa lúc tranh cử.

Nếu như ông Humala đã là một chính khách già dặn, giàu kinh nghiệm trên chính trường, thì Keiko Fujimori thuộc thế hệ trẻ, năm nay mới 36 tuổi (sinh năm 1975) và là khuôn mặt không xa lạ đối với người dân Peru. Người ta vẫn còn nhớ thời cha bà, ông Alberto Fujimori, lãnh đạo đất nước, Keiko chính là người phụ nữ túc trực bên cạnh ông, thay thế cho mẹ mình trong vai trò đệ nhất phu nhân (sau khi cha mẹ ly dị năm 1994).

So với ông Humala, Keiko không có nhiều "chiến tích", chủ yếu chỉ là các hoạt động từ thiện, nhân đạo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi trong các trại tế bần. Bà chỉ mới bước chân vào chính trị từ năm 2006, sau khi từ bỏ chuyện học hành ở nước ngoài trở về nước trước đó một năm, và được bầu vào Quốc hội Peru. Năm 2009, Keiko bắt đầu thu thập chữ ký ủng hộ để thành lập đảng chính trị của riêng mình, lấy tên là Fuerza 2011, và ra tranh cử với danh nghĩa đảng này.

Hai ứng cử viên Keiko Fujimori (trái) và Ollanta Humala.

Cũng có ý kiến lo ngại "lịch sử lặp lại" và ông Humala có thể bị bà Fujimori vượt qua vào giờ chót tại vòng 2. Humala từng tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2006 và cũng dẫn đầu ở vòng 1, nhưng bước vào vòng 2 lại chịu thất bại trước ứng cử viên Alan Garcia. Thất bại lần đó được giới phân tích cho là do Tổng thống Venezuela Hugo Chavez công khai lên tiếng ủng hộ ông, khiến cho nhiều người không thích ông Chavez quay sang chống lại ông Humala và bỏ phiếu cho ông Garcia.

Rút bài học kinh nghiệm từ thất bại đó, lần này ông Humala quyết không để cho lịch sử lặp lại bằng cách không dựa vào mối quan hệ với ông Chavez để làm tiền đề vận động tranh cử, thậm chí bày tỏ quan điểm "tránh xa" ông Chavez, mục đích là để tận dụng lá phiếu của cả những người không thích ông Chavez, mặc dù mối giao hảo giữa Humala-Chavez vẫn như trước, không hề thay đổi.

Điều bất lợi nữa của bà Keiko là việc bà vẫn chưa thể hoàn toàn thoát ra khỏi cái bóng "di sản" của cha mình, và chưa dứt khoát trong vấn đề đối xử với ông như thế nào một khi giành được thắng lợi. Sẽ rất khó cho Keiko trong cách xử sự với cha mình - ông Fujimori bị kết án 25 năm tù - vì bà từng hứa với cha là sẽ tiếp tục các chương trình "dân sinh, dân túy" mà ông thực hiện dở dang trước đây, đồng thời phải đối mặt với sự dèm pha hàng ngày rằng bà là con gái của một nhà độc tài, kẻ đã mang nhiều nợ máu với nhân dân Peru… Cho dù giành được quyền vào vòng 2 cuộc bầu cử, nhưng Keiko được giới phân tích đánh giá là "yếu nhất" trong các đối thủ của ông Humala. Người ta cho rằng, nếu để ông Toledo hoặc Kuczynski vào vòng hai chắc hẳn lịch sử năm 2006 sẽ lặp lại với ông Humala.

Peru là một trong những quốc gia nằm trong dãy núi lớn nhất châu Mỹ là dãy Andes, được thiên nhiên ban cho trữ lượng khoáng sản dồi dào, nhất là các mỏ đồng, vàng và bạc, nhờ đó nước này nghiễm nhiên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu các kim loại đồng, bạc, vàng hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, do giá cả các kim loại quý này trên thế giới tăng mạnh nên việc khai thác và xuất khẩu kim loại đã góp phần giúp cho nền kinh tế Peru phát triển ổn định và duy trì ở mức khá cao (khoảng 7%/năm) trong suốt nhiệm kỳ của ông Alan Garcia. Kinh tế đất nước phát triển khá, điều mà người dân Peru mong muốn nhất hiện nay là giữ vững ổn định về an ninh, chính trị trong nước.

Kế thừa tình trạng kinh tế khá ổn định như thế, đối với các ứng cử viên vào vòng hai sẽ là khôn ngoan nếu tiếp tục duy trì và đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên gần con số 10%, theo như dự báo của Ngân hàng Thế giới. Điều này xem ra không quá khó đối với ông Humala

An Châu (tổng hợp)
.
.