Bầu cử Tổng thống Peru: Quá khứ đeo bám con gái ông Fujimori

Thứ Tư, 20/04/2016, 14:45
Có thể xem cuộc bầu cử Tổng thống Peru năm 2016 là một màn đấu tay ba thú vị giữa hai người phụ nữ trẻ và một ông già trên 70 tuổi. Kết quả sơ bộ vòng bỏ phiếu thứ nhất hôm 10-4 cho thấy không ứng cử viên nào chiếm đủ số phiếu quá bán để giành chiến thắng ngay vòng đầu, cho nên cuộc bầu cử sẽ tiến hành vòng hai vào ngày 5-6 tới.

Theo kết quả không chính thức, bà Keiko Fujimori, 41 tuổi, con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori đang dẫn đầu với tỉ lệ 39,6% phiếu. Cuộc đua tranh vị trí thứ nhì đang diễn ra gay cấn giữa ông Pedro Pablo Kuczynski, 77 tuổi với bà Veronika Mendoza, 35 tuổi. Hai người này đang so kè nhau với số phiếu chênh lệch không lớn: ông Kuczynski được 21,5%, còn bà Mendoza 18,7%.

Nhưng đó là chưa tính đến 15% số phiếu mẫu chưa kiểm đếm, trong đó đa phần là phiếu bầu ở vùng nông thôn, nơi sự ủng hộ giành cho hai bà Fujimori và Mendoza rất mạnh. Theo thăm dò cử tri từ phòng phiếu, sự so kè giữa ông Kuczynski và bà Mendoza càng khít khao hơn.

Bà Keiko Fujimori mừng chiến thắng ở vòng 1.

Trong ba ứng cử viên vừa kể trên, bà Fujimori và ông Kuczynski theo đường lối chính trị trung hữu, chỉ riêng bà Mendoza thuộc thành phần thiên tả như Tổng thống đương nhiệm Ollanta Humala. Xét về quan điểm thực tế, người ta đánh giá nếu ông Kuczynski vào vòng hai với bà Fujimori hoặc thậm chí giành chiến thắng cuối cùng thì sẽ có lợi cho kinh tế Peru. Ông Kuczynski là một cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Ngân hàng Thế giới.

Giới phân tích tin rằng, với kinh nghiệm của một chuyên gia kinh tế làm việc tại Ngân hàng Thế giới, và quan điểm thiên về kinh doanh, thân thiện với giới đầu tư, ông Kuczynski được đánh giá cao hơn bà Keiko về phương diện điều hành kinh tế đất nước. Sự thân thiện của ông Kuczynski sẽ giúp lôi kéo nhà đầu tư quay trở lại Peru để giúp chấn hưng kinh tế đất nước.

Trong khi đó, Keiko là con gái duy nhất của ông Fujimori, người được cho là rất tàn bạo trong đối xử với những người xung quanh. Mẹ bà, bà Higuchi, đã ly hôn ông Fujimori vào năm 1994. Do nắm được những chứng cứ tham nhũng của chồng nên ông Fujimori nghi ngờ bà có thể sẽ tố cáo ông, thế là bà bị bắt rồi bị cảnh sát đặc vụ “biệt đội thần chết” của ông Fujumori tra tấn dã man.

Sau khi cha mẹ ly hôn, Keiko được bầu làm Đệ nhất phu nhân để tháp tùng cùng cha trong các chuyến công du trong và ngoài nước của ông. Khi đó Keiko mới 19 tuổi. Trong vai trò Đệ nhất phu nhân thay thế cho mẹ mình, Keiko luôn xuất hiện kề bên cha mỗi khi ông công du nước ngoài hoặc xuất hiện trước công chúng trong các sự kiện trọng đại của đất nước.

Sau khi ông Fujimori bị lật đổ vào năm 2000, Keiko tiếp tục ở lại Peru cho đến năm 2004, bà theo học tại Đại học Columbia và lấy chồng là Mark Villanella, một sinh viên người Mỹ học cùng trường. Tuy nhiên, năm 2005, Keiko bỏ dở chuyện học tại Mỹ, cùng chồng quay trở về nước khi Peru tiến hành thủ tục đòi dẫn độ cha bà từ Nhật Bản về nước (nhưng bất thành vì Nhật Bản kiên quyết bảo vệ ông Fujimori). Lúc này, Keiko đảm nhận vai trò chủ chốt trong đảng Fujimorista của cha khi ông vắng mặt (lưu vong ở nước ngoài kể từ năm 2000).

Uy tín của ông Fujimori trong nước vẫn còn mạnh, cho nên dù vắng mặt ông vẫn có thể ra ứng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2006. Tháng 4 năm đó, ông Fujimori định trở về nước để vận động tranh cử nhưng bị chính quyền Chile bắt giữ khi quá cảnh tại đây. Keiko trúng cử vào Quốc hội, tại nhiệm đến tháng 7-2011.

Ứng cử viên Pedro Pablo Kuczynski.

Ngày 7-4-2009, ông Fujimori bị Tòa án Peru ở Lima kết luận phạm tội lạm dụng nhân quyền và giết người trong 3 vụ việc: Vụ thảm sát ở Barrios Altos năm 1991, vụ thảm sát La Cantuta tháng 7-1992 giết hại 25 người, và vụ bắt cóc nhà báo đối lập Gustavo Gorriti và doanh nhân Samuel Dyer. Tổng cộng ông Fujimori bị Tòa tuyên mức án 25 năm tù.

Ngay sau khi tòa tuyên án, bà Keiko đã thay đổi quan điểm 180 độ, quay sang lên án cha mình. Bà từ bỏ đảng Fujimorista của ông để thành lập đảng mới mang tên Fuerza 2011. Sau khi Keiko thu thập được 1 triệu chữ ký cử tri ủng hộ (vượt mức quy định là 854.000), Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã chính thức công nhận đảng của bà. Keiko mời cựu Thị trưởng New York Rudy Giulianilàm cố vấn khi tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 2011.

Lần đó, ông Humala dẫn đầu, Keiko về nhì, ông Kuczynski về thứ ba. Mặc dù được Kuczynski ủng hộ để chống lại ứng cử viên thiên tả Humala, nhưng Keiko vẫn thất bại do ảnh hưởng từ vụ việc của cha bà vẫn còn quá lớn.

Trong cuộc bầu cử hiện tại, dù dẫn đầu tỉ lệ ủng hộ trong nhiều tháng liền, và hiện dẫn trước hai ứng viên Kuczynski và Mendoza ở vòng một, nhưng theo đánh giá chung của giới phân tích, lợi thế của bà Keiko là không bền vững, dễ bị tổn thương, và vì thế kết quả cuối cùng của vòng hai cũng sẽ rất khó đoán.

Cho dù đã đoạn tuyệt với cha và cương quyết không tha thứ cho ông vì quá khứ tội lỗi của ông, nhưng dân chúng Peru vẫn có cái nhìn nhiều chiều đối với Keiko. Người ta một mặt yêu thích ông Fujimori vì ông đã đánh bại lực lượng du kích Con Đường Sáng và khống chế thành công nạn lạm phát phi mã, nhưng đồng thời người ta cũng rất căm ghét ông vì những tội ác ông đã gây ra. Gần một nửa cử tri Peru khẳng định sẽ không bao giờ bỏ phiếu bầu cho bất cứ ai có liên quan đến ông Fujimori, trong đó có Keiko.

Mặc dù bà Keiko đang cố gắng “mềm hóa” hình ảnh của mình, khẳng định đoạn tuyệt với quá khứ tai tiếng do cha bà tạo nên, tuyên bố với các cử tri rằng sẽ không ân xá cho cha mình, cựu Tổng thống Fujimori, nhưng thành phần đối lập phản đối cha bà vẫn xuống đường biểu thị thái độ cứng rắn, không chấp nhận tái diễn chế độ thời ông Fujimori nếu Keiko đắc cử Tổng thống.

Ứng cử viên Kuczynski đang ra sức lợi dụng tử huyệt “quá khứ Fujimori” của bà Keiko để khoét sâu vào sự chống đối bà nhằm lôi kéo cử tri, để có thể giành phần thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 5-6 tới.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.