Bầu cử Tổng thống Pháp: Cuộc đua khó đoán định

Thứ Tư, 08/02/2017, 20:00
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ diễn ra vòng một cuộc đua. Mặc dù các ứng cử viên chính thức của các phái đã lộ diện, song cuộc đua vào Điện Elysée được dự báo khó đoán định khi những yếu tố bất ngờ nổi lên khiến tỷ lệ ủng hộ các đảng phái trong các cuộc thăm dò liên tục thay đổi.

Cách đây vài tháng, người dân Pháp vẫn nghĩ rằng bầu cử Tổng thống năm 2017 sẽ là cuộc đối đầu giống như năm 2012, tức là giữa cựu Tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy với Tổng thống thuộc đảng Xã hội (PS) sắp mãn nhiệm Francois Hollande.

Nhưng ít ai ngờ là trong cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu, cựu Thủ tướng Francois Fillon - một nhân vật luôn bị xếp sau trong các cuộc thăm dò dư luận - đã bứt phá và thậm chí phá vỡ những dự đoán lạc quan nhất, để trở thành đại diện phe bảo thủ ra tranh cử tổng thống vào tháng 5/2017. Ông Francois Fillon không chỉ đánh bại ông Sarkozy, mà còn hạ luôn cả Thị trưởng Bordeaux Alain Juppé khi giành chiến thắng áp đảo trong vòng hai cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu.

Trong khi đó, bên cánh tả, sau khi Tổng thống Hollande của đảng PS cầm quyền quyết định không tái tranh cử. Cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon thuộc PS, một nhân vật được coi là khá mờ nhạt, cũng đánh bại cựu Thủ tướng Manuel Valls, người được xem là có triển vọng nhất để trở thành ứng cử viên cánh tả Pháp tranh đua vào chiếc ghế tổng thống nước này tháng 4, tháng 5 tới.

Trong bối cảnh, cánh tả vừa suy yếu vừa bị chia rẽ, giới phân tích dự báo ứng cử viên lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm nay có thể là đại diện của cánh hữu Francois Fillon và đại diện của phe cực hữu là bà Marine Le Pen. Song, một lần nữa chính trường Pháp lại vấp phải yếu tố bất ngờ khi “cơ may đắc cử” của cựu Thủ tướng Fillon bị đe dọa nghiêm trọng sau những tiết lộ của báo chí Pháp về vụ “Penelopegate”, liên quan đến nghi vấn ông Fillon tạo việc làm giả cho vợ con để lĩnh tổng cộng gần 1 triệu euro. Cho dù đây là tiền của nhà nước cấp cho mỗi nghị sĩ để thuê trợ lý, nhưng việc lĩnh tiền mà không làm gì thì chẳng khác nào biển thủ công quỹ.

Từ một ứng cử viên sáng giá, tỷ lệ ủng hộ đại diện chính thức của phe cánh hữu và trung hữu trong cuộc đua vào Điện Elysée đã tụt giảm mạnh (còn 20%), thấp hơn cả ứng cử viên phe cực hữu Marine Le Pen (27%) và ứng cử viên tự do là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron (23%). Thậm chí trong nội bộ đảng Những người Cộng hòa (LR), ngày càng có nhiều người yêu cầu sử dụng kế hoạch B, ám chỉ việc thay thế ứng cử viên Fillon ngay lập tức. Cho dù tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng và không từ bỏ cuộc đua, giới phân tích cho rằng “cơ hội đắc cử” của cựu Thủ tướng Fillon là rất mong manh.

Ai sẽ thay Francois Hollande làm Tổng thống Pháp trong kỳ bầu cử 2017?.

Những diễn biến bất ngờ này liệu có lợi cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, giúp cho bà giành được chiếc ghế tổng thống không. Đó vẫn là một câu hỏi lớn và tùy thuộc vào khả năng huy động cử tri của bà. Bởi lẽ cho tới nay, bản thân bà Le Pen cũng đang bị cáo buộc về việc làm giả ở Nghị viện châu Âu (EP), nơi bà là nghị sĩ. EP đã yêu cầu lãnh đạo Mặt trận Quốc gia trả lại số tiền hơn 300.000 euro mà bà được cấp và sử dụng để trả lương hai trợ lý, nhưng hai người này không làm việc cho EP, mà là cho đảng của bà.

Ngoài ra, với tuyên bố mục tiêu của chiến dịch tranh cử là "trả lại tự do cho nước Pháp và tiếng nói cho người dân Pháp", trong 144 cam kết, nữ chính trị gia đề xuất nước Pháp rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm tuổi nghỉ hưu và tăng một số phúc lợi trong khi giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và thuế thu nhập...

Giới phân tích cho rằng chương trình tranh cử trên thiếu các nội dung chi tiết về kinh tế vĩ mô, không đặt ra mục tiêu nợ công hay thâm hụt ngân sách cũng như không đưa ra được hướng đi thuyết phục về làm cách nào để cân bằng giữa 2 nội dung cải thiện phúc lợi và cắt giảm thuế. Điều này được xem là yếu tố không thuận lợi cho bà Le Pen trong bối cảnh nhiều người dân phản đối quan điểm Pháp nên rút khỏi EU.

Những chỉ số tăng trưởng kinh tế không bền vững cùng tình trạng an ninh bất ổn của nước Pháp sau hơn 4 năm cầm quyền của PS cùng với những chia rẽ nội bộ nâu sắc do bất đồng về một số chính sách như Luật Lao động sửa đổi - một bộ luật đã làm dấy lên phong trào phản đối mạnh mẽ trong công luận với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn; đường lối phát triển kinh tế, một trong những vấn đề khiến PS vấp phải những bất đồng đến mức khó hàn gắn với các đồng minh cánh tả truyền thống như đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xanh (EELV), chính là những yếu tố gây bất lợi cho ứng cử viên Benoit Hamon trở thành Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh ông Fillon gặp rắc rối với pháp luật, bà Le Pen chưa có gì để khẳng định chắc chắn, cơ may của ông Macron đang gia tăng. Theo kết quả cuộc thăm dò do hãng BVA tiến hành, ứng cử viên Benoit Hamon chỉ giành được 16-17% số phiếu ủng hộ trong vòng một bầu cử diễn ra ngày 23-4, trong khi bà Marine Le Pen giành số phiếu cao nhất với 25%, ông Emmanuel Macron 21-22% và ông Francois Fillon được 20%.

Một cuộc thăm dò khác lại cho rằng ông Macron đã “vượt mặt” ông Fillon để lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống cùng với ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Và ở vòng hai, dù gặp đối thủ Macron hay Fillon, bà Le Pen đều bị đánh bại.

Mặc dù sau hai sự kiện nước Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)  và chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đặt ra những nghi vấn về tính chính xác của những cuộc thăm dò, song với những gì xảy ra với nước Pháp trong hai tuần qua khiến những dự báo về kết quả cuộc bầu cử tổng thống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không loại trừ khả năng, cuộc đua năm nay sẽ gây bất ngờ lớn, với khả năng lần đầu tiên nước Pháp có một vị tổng thống trẻ, chỉ mới 39 tuổi, đó là Emmanuel Macron.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.