Bầu cử nghị viện EU thêm rối vì Brexit

Thứ Hai, 20/05/2019, 17:33
Nếu một Nghị viện châu Âu mới bị chia rẽ, phân cực và không ổn định, với những yêu cầu mâu thuẫn với London, rất có thể, dù Brexit “đầu đã xuôi” ở Anh nhưng “đuôi không lọt” ở EU.

Sự kiện quan trọng

Thủ tướng Anh Theresa May đã kỳ vọng thỏa thuận bà đạt được với giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) hoặc một thỏa thuận đưa Anh rời khỏi EU thay thế thỏa thuận ban đầu sẽ được Quốc hội Anh thông qua trước khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra từ ngày 23 đến 26-5.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra và Anh, với tư cách một nước thành viên EU, vẫn phải tham gia cuộc bầu cử sắp tới. Mới đây, Brussels đã đồng ý kéo dài thời hạn London chia tay EU đến ngày 31-10-2019, song bà May muốn Brexit diễn ra sớm hơn.

Bà May rất lấy làm tiếc vì Anh không thể rời EU trong tháng 3 vừa qua theo đúng kế hoạch ban đầu và bà thừa nhận nhiều người đã cảm thấy thất vọng vì Anh vẫn sẽ tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, bà May hy vọng Quốc hội Anh sẽ chấp thuận kế hoạch Brexit trước khi các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu bắt đầu phiên làm việc đầu tiên vào tháng 7 tới.

Bầu cử Nghị viện châu Âu là kỳ bầu cử quan trọng nhất của Liên minh châu Âu (EU). Các cử tri sẽ tham gia bầu 751 đại biểu của Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của châu Âu thực hiện 3 quyền cơ bản là lập pháp, quyết định về ngân sách và giám sát các hoạt động của EU, đặc biệt là của Ủy ban châu Âu. Sau bầu cử, Nghị viện châu Âu mới sẽ bầu ra Chủ tịch Ủy ban châu Âu và bỏ phiếu về vấn đề ngân sách cho hoạt động của EU trong 5 năm tới.

Một cách trực tiếp, Brexit sẽ không tác động nhiều tới các cuộc bầu cử của EU bởi lẽ, các cử tri chịu tác động và chi phối nhiều hơn từ các vấn đề chính trị nội bộ và quan điểm cá nhân đối với các giá trị của EU.

Mặc dù Brexit đã khiến EU phải “đau đầu” trong mấy năm gần đây nhưng có lẽ Anh là đứa “con” duy nhất cho đến thời điểm này mà EU phải “trăn trở”. Phần lớn các đảng chủ lưu của châu Âu ngày càng ủng hộ EU một cách rõ ràng hơn, và gần như không còn bất kỳ đảng theo chủ nghĩa dân tộc nào kêu gọi trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU như họ đã từng làm trong năm 2016. Thay vào đó, họ yêu cầu EU phải được cải tổ để trở thành “châu Âu của các quốc gia”.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của người dân đối với EU đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào thời điểm EU đối mặt với nhiều thách thức.

Một tương lai chưa thể đoán định

Trong cuộc bầu cử lần này, tương quan lực lượng trong Nghị viện châu Âu cũng sẽ có sự xáo trộn nhất định. Nghị viện châu Âu gồm 751 ghế đóng vai trò quan trọng bởi sẽ cùng với Hội đồng Bộ trưởng các thành viên chính phủ đến từ tất cả 28 quốc gia thành viên phê chuẩn, sửa đổi hoặc bác bỏ các luật của EU. Họ cũng phải phê chuẩn Ủy ban châu Âu mới.

Các nhóm đảng trung hữu (đảng Nhân dân châu Âu - EPP) và trung tả (Xã hội chủ nghĩa & Dân chủ - S&D) có truyền thống chi phối Nghị viện châu Âu được dự báo sẽ mất một số lượng ghế đáng kể và sẽ không còn chiếm đa số tại Nghị viện châu Âu như trong suốt 40 năm qua.

Những đảng theo tư tưởng tự do (đảng Liên minh tự do và dân chủ châu Âu - ALDE) và đảng Xanh sẽ trở nên mạnh hơn, những người dân túy cánh hữu chỉ trích EU trong Liên minh châu Âu vì nhân dân và quốc gia (EAPN) - một liên minh mới được thành lập của ông Matteo Slavini (Phó Thủ tướng Italy) và bà Marine Le Pen (Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia của Pháp) sẽ trở nên mạnh hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh đó, việc đạt được đa số tại Nghị viện châu Âu sẽ khó và ít ổn định hơn; các đảng ủng hộ vai trò của nhà nước, mong muốn hạ thấp vai trò của EU và tăng thêm quyền lực cho các quốc gia thành viên sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong việc hoạch định chính sách. Hiện nay, EU đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó phải kể đến biến đổi khí hậu, nhập cư, sự hình thành lờ mờ của các cuộc chiến thương mại, cải tổ khu vực đồng euro, an ninh khu vực hay việc Hungary và Ba Lan có nhiều động thái bị cho là vi phạm luật pháp EU,...

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra hiện tại là liệu kết quả bầu cử EU lần này có góp phần vào định đoạt “số phận” của Brexit. Câu trả lời là có. Nghị viện châu Âu phải ký kết thỏa thuận Brexit (trong trường hợp thỏa thuận này được Quốc hội Anh thông qua). Hiện nay, Nghị viện châu Âu đang ủng hộ cách tiếp cận Brexit của Ủy ban châu Âu. Nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi với một nghị viện châu Âu mới, với quan điểm và cách tiếp cận mới về Brexit.

Nghị viện châu Âu sẽ có tiếng nói đáng kể trong việc thành lập Ủy ban châu Âu mới, cơ quan chịu trách nhiệm đàm phán mối quan hệ trong tương lai của EU và nước Anh. Nếu một Nghị viện châu Âu bị chia rẽ, phân cực và không ổn định, với những yêu cầu mâu thuẫn với London, rất có thể, dù Brexit “đầu đã xuôi” ở Anh nhưng “đuôi không lọt” ở EU.

Điều có thể coi là may mắn cho nước Anh đó là do vẫn tham gia bỏ phiếu EU nên nước Anh cũng sẽ có các nghị sỹ châu Âu của riêng mình. Họ sẽ phải từ bỏ chiếc ghế của mình sau khi Brexit xảy ra nhưng chắc chắn, ngày nào còn ở EU, họ sẽ vẫn có ảnh hưởng đáng kể đối với nghị viện châu Âu, thậm chí ảnh hưởng đó còn kéo dài cả nhiệm kỳ 5 năm. Họ có thể cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn ra một Ủy ban châu Âu mới và ủy ban này sẽ tiếp tục tồn tại rất lâu sau khi Anh (ít nhất là về mặt nguyên tắc) rời khỏi EU.

Hơn thế nữa, các nghị sĩ EU của Anh còn có thể được kêu gọi bỏ phiếu đối với các điều luật có khả năng ảnh hưởng tới mối quan hệ trong tương lai của Anh với châu Âu.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.