Bầu cử tổng thống Mỹ 2016:Ứng viên Jeb Bush dừng cuộc chơi

Chủ Nhật, 28/02/2016, 16:05
Thông tin gây chú ý nhất trong bản tin ngày 21-2 của báo chí quốc tế không phải là việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tiếp tục vượt xa các đối thủ trong cuộc đua sơ bộ trong đảng, mà chính là việc một ứng cử viên được dư luận đặc biệt quan tâm trong cuộc bầu cử năm nay – Jeb, người được kỳ vọng tiếp nối trang sử gia tộc Bush – đã phải dừng cuộc chơi do không còn cơ hội tiếp tục theo đuổi cuộc đua vào Nhà Trắng sau thất bại thê thảm ngay tại bang nhà South Carolina.

Đêm 20-2, Jeb Bush đã chính thức nói lời chia tay cuộc đua danh giá trong một bài phát biểu buồn bã, đầy nỗi thất vọng và chua chát. Ông thừa nhận một thực tế đau đớn: Nước Mỹ đã không quan tâm đến một tổng thống Bush thứ ba. Jeb đã rời cuộc chơi với kết quả xếp thứ 5 trong cuộc bầu cử sơ bộ bang South Carolina, với chỉ 8%, kém rất xa người về đầu là ông Trump, với 35% phiếu.

Có khá nhiều vấn đề được giới quan sát mang ra mổ xẻ sau thất bại của ông Jeb tại bang South Carolina. Tờ Guardian ngày 21-2 đưa ra nhận định rằng, các “trục trặc” trong chiến dịch tranh cử của ông Jeb đã xuất hiện từ trước khi ông chính thức tham gia cuộc đua. Việc xuất hiện trên kênh Fox News vào giờ cao điểm luôn là cơ hội cực tốt để khuyếch trương thanh thế bằng cái tên gia tộc nổi tiếng Bush. Nhưng vào một chiều tháng 5-2015, một tháng trước khi chính thức phát động chiến dịch tranh cử, Jeb đã đối diện với vấn đề lớn đã từng tạo nên tai tiếng cho người anh cựu Tổng thống.

Jeb Bush buồn bã tuyên bố dừng cuộc chơi.

“Biết điều mình biết ngay lúc này, nếu là ông liệu ông có cho phép xâm lược Iraq không?”. Câu hỏi của phóng viên Megyn Kelly khiến Jeb lúng túng, phải lắp bắp mấy lần mới trả lời được. Đây là câu hỏi mà ông đã chuẩn bị nhưng vẫn chưa thể trả lời ngay, mà phải hẹn 4 ngày sau mới đưa ra câu trả lời chính thức: không xâm lược Iraq.

Chưa bao giờ cái họ Bush trở nên “hai mặt” đến như thế. Danh tiếng Bush đã giúp Jeb đạt kỷ lục vận động tài chính 100 triệu USD ngay cả khi ông chưa bước vào cuộc đua, nhưng rồi cũng chính nó trở thành một trong những điểm trừ của ông trong mắt thành phần cử tri nổi loạn, chống bảo thủ truyền thống. Và chính họ đã gạch tên Bush, vì không muốn thêm một Bush nào nữa làm tổng thống.

Thất bại tại bang South Carolina chưa phải là hết đối với Jeb, nhưng điều ông nhìn thấy được để đi đến quyết định dừng cuộc chơi chính là ở chỗ ngay cả những người ủng hộ đảng Cộng hòa cũng đang quay lưng lại với gia tộc Bush. South Carolina lâu nay luôn được xem là bang của đảng Cộng hòa, vì tỉ lệ thắng phiếu của các ứng cử viên Cộng hòa tại bang này luôn rất cao.

Đặc biệt là, cho dù sau hai nhiệm kỳ Tổng thống với những cuộc chiến chống khủng bố đầy tai tiếng, ông George W. Bush vẫn nhận được tỉ lệ ủng hộ khá cao tại đây. Cử tri bang này có quan điểm tương đồng với ông W. Bush, và họ tin rằng Mỹ cần xâm lược Iraq để tiêu diệt khủng bố và những kẻ ủng hộ khủng bố tại đó. Nhưng với Jeb, tình hình lại khác.

Khi ông W. Bush lên diễn đàn tại South Carolina hồi trung tuần tháng 2-2016 để giúp em trai vận động lần cuối trước ngày bỏ phiếu 20-2, ông đã gây nên sự hứng khởi trong những cử tri ủng hộ ông. Nhưng khi Jeb lên diễn đàn, sự hứng khởi đã không như mong đợi. Theo giới bình luận, có sự khác biệt trong cái nhìn của cử tri dành cho Bush-anh và Bush-em. Jeb đã thể hiện mình không cùng quan điểm với anh trai về cuộc chiến Iraq, và điều này khiến cử tri không thích ông.

Mặt khác, thất bại của Jeb không hoàn toàn do vấn đề “gia tộc Bush”, mà còn những nguyên do khác, cả chủ quan lẫn khách quan. Jeb vận động chủ yếu dựa vào những thành tựu đạt được trong hai nhiệm kỳ làm Thống đốc bang Florida, và điều này sẽ khó lòng thuyết phục cử tri không chỉ ở South Carolina mà còn ở nhiều bang khác.

Jeb Bush đối đầu với Donald Trump trên diễn đàn tranh luận.

Hơn nữa, trong thất bại của Jeb còn có yếu tố khác bên ngoài bản thân ông. Đó là làn gió mới mang tên Donald Trump, đang làm dậy sóng cử tri đảng Cộng hòa, là những tay chơi kỳ cựu như Ted Cruz, Marco Rubio đang “rình rập” để tung chiêu giành giật lá phiếu cử tri, nhất là Rubio. Sự tấn công của Rubio vào các nhà tài trợ lớn trong chiến dịch đã rút rỉa khá nhiều số phiếu ủng hộ dành cho Jeb, khiến cho tỉ lệ ủng hộ ông tụt giảm rất nhanh trong vài tuần gần đây.

Và Rubio cũng là “mục tiêu giả” hết sức tai hại, thu hút sự tập trung của Jeb, để ông không thể dồn đủ lực chống chọi với Trump. Jeb đã rơi vào tình thế mất phương hướng, nên dễ dàng bị các đối thủ thay nhau “đánh” cho tơi tả.

Sau “hiệp đầu” thất bại, gần như bị các đối thủ hất văng khỏi đường đua, Jeb cố gắng quay trở lại đường đua bằng cách thay đổi câu khẩu hiệu thành “Jeb Can Fix It” (Jeb có thể sửa chữa nó) nhằm lấy lại sự ủng hộ của các bô lão, thành phần đảng viên kỳ cựu trong đảng Cộng hòa.

Câu khẩu hiệu của Jeb mang ý nghĩa là ông điều chỉnh sự trọng tâm tranh cử vào các thách thức thời đại cả đối nội lẫn quốc tế mà nước Mỹ đang đối mặt. Jeb mở màn sự trở lại bằng đòn công kích nhắm vào Trump, cho rằng ông Trump chỉ là một “ứng cử viên lộn xộn”, không thích hợp làm tổng thống. Và với sự trợ giúp của một “huấn luyện viên” về nói trước công chúng, Jeb đã trở lại cứng rắn hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, với quyết tâm giành lại những lá phiếu đã mất. Trong cuộc đối đầu cuối cùng giữa Jeb với Trump trên sân khấu diễn đàn, người ta có cảm giác chính Jeb chứ không phải Trump đang là người dẫn đầu cuộc đua.

Nhưng tiếc thay, tất cả đã quá muộn, và cũng không đủ liều lượng, không đủ lực để kéo Jeb trở lại đường đua một cách chắc chắn. Ông đã không thể gượng lại kịp để đuổi theo ngay cả Cruz và Rubio, nói gì đến Trump. Và đó chính là lý do Jeb đi đến quyết định đau đớn: Dừng cuộc chơi.

An Châu (tổng hợp)
.
.