Bỉ hy vọng hết khủng hoảng nhờ chính phủ lâm thời

Thứ Ba, 08/01/2008, 09:00
Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài suốt nửa năm qua tại Bỉ bắt đầu ghi nhận những bước chuyển biến tích cực, sau khi Thủ tướng Guy Verhofstadt hôm 19/12 đã đạt được thỏa thuận thành lập một liên minh cầm quyền quá độ (trong thời gian 3 tháng) với thành phần có tới 5 đảng phái khác nhau.

Bước đột phá này được thực hiện, sau khi đảng Dân chủ Thiên Chúa Flemish (FCD) - đứng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6 vừa qua - đã có được thỏa hiệp quan trọng với  các đảng phái chính trị hàng đầu.

Trước mắt, nhiệm vụ của chính phủ lâm thời được đánh giá là hết sức khó khăn khi phải tiến hành một loạt cải cách mang tính cấp thiết...

Thủ tướng đã gỡ bỏ được bế tắc của tình hình - đó là phát biểu của đại diện chính thức Văn phòng Thủ tướng trước các nhà báo về một sự kiện mà đa phần công luận tại Bỉ trước đó đều đánh giá là “không có khả năng”.

Sau một phiên đàm phán cuối cùng giữa các đảng phái kéo dài gần như suốt đêm, Thủ tướng Bỉ đã thỏa thuận được về việc thành lập một chính phủ liên minh mới, được coi là có thể giúp chấm dứt giai đoạn bế tắc về chính trị kéo dài suốt 192 ngày qua.

Nội các mới của Bỉ (tuyên thệ nhậm chức vào ngày 21/12 trước khi được Quốc hội thông qua 2 ngày sau đó) sẽ có thành phần bao gồm tới 5 đảng phái khác nhau. Ngoài các đại diện của đảng Tự do tại hai xứ Wallonia và Flanders, chính phủ mới còn có sự tham dự của các thành viên từ các chi nhánh của FCD và đảng Xã hội.

Cụ thể là nội các mới do Guy Verhofstadt đứng đầu sẽ bao gồm 14 bộ trưởng và 2 phó thủ tướng. Trong đó Phó thủ tướng đầu tiên - thủ lĩnh phe Tự do tại xứ Wallonia là Didier Reynders, hiện là Bộ trưởng Tài chính - sẽ phụ trách trực tiếp khối kinh tế - xã hội. Còn Phó thủ tướng thứ hai Yves Leterme (thủ lĩnh FCD) sẽ phụ trách việc cải tổ hiến pháp.

Thỏa thuận về việc thành lập một liên minh cầm quyền của 5 đảng có thể coi là một bước đi hiện thực đầu tiên trên con đường đưa nước Bỉ thoát khỏi tình trạng khủng khoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua.

Còn nhớ là rắc rối bắt đầu nảy sinh từ hồi tháng 6, sau khi FCD do Yves Leterme đứng đầu đã giành thắng lợi với đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội (81 trên tổng số 150 ghế), nhưng lại không đủ tỉ lệ để đứng ra thành lập chính phủ một đảng.

Suốt vài tháng sau đó, Leterme - người luôn ủng hộ cho quyền tự trị rộng lớn hơn cho khu vực phía bắc xứ Flanders (có 6 triệu dân) và phía nam xứ Wallonia (4 triệu dân) - đã thất bại hoàn toàn trong nỗ lực đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh.

Cần nói thêm là với đặc điểm địa lý - xã hội của mình, những khác biệt và mâu thuẫn giữa cộng đồng nói tiếng Hà Lan tại miền Bắc và cộng đồng nói tiếng Pháp tại miền Nam luôn là yếu tố phức tạp ảnh hưởng tới đời sống chính trị tại Bỉ.

Leterme thậm chí còn từ bỏ luôn cả chiếc ghế thủ tướng của chính phủ tương lai do thất vọng vì kết quả này.

Ngay sau đó, nhà vua Albert II của Bỉ đã giao phó nhiệm vụ thành lập một chính phủ chuyển tiếp cho Guy Verhofstadt - người đã hai lần là Thủ tướng Bỉ trước khi gặp thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua. Trước tình cảnh không lối thoát trong cuộc khủng hoảng, Verhofstadt lại một lần nữa phải đứng ra gánh vác vai trò “thủ tướng kỹ thuật”.

Với nhiều hạn chế về quyền lực trong vị trí tạm thời này, ông Verhofstadt đã gặp khó khăn trong việc giải quyết một loạt vấn đề của đất nước tồn đọng kể từ khi bắt đầu cuộc bầu cử Quốc hội.

Điều này khiến cho 3 tổ chức công đoàn lớn nhất tại Bỉ ngay từ giữa tháng 12 đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ tại Brussels với sự tham gia của 20 ngàn người nhằm phản đối tình trạng tăng giá điện và thực phẩm.

Những vấn đề kinh tế trên, theo ý kiến của những người biểu tình, chính là hậu quả của tình trạng “vô chính phủ” tại Bỉ suốt nửa năm qua, khi các chính trị gia hàng đầu tại hai xứ Wallonia và Flanders chỉ mải mê tranh cãi, liệu các khu vực của họ có được quyền độc lập lớn hơn hay không?

Cũng chỉ mới tuần trước, bản thân Ủy ban châu Âu (EC) cũng phải chính thức lên tiếng cảnh báo rằng, tình trạng “tê liệt về chính trị” đã có những ảnh hưởng không tốt đối với nền kinh tế của Bỉ.

Dù sao thì với bước ngoặt quan trọng này, nước Bỉ cuối cùng cũng có được một chính phủ để đứng ra giải quyết một loạt vấn đề xã hội - kinh tế tồn đọng, đầu tiên là phải thông qua được ngân sách dành cho năm 2008.

Phát biểu ngay sau khi thành lập chính phủ quá độ, Thủ tướng Verhofstadt đã cho biết, nội các mới do ông đứng đầu sẽ cố gắng tập trung thông qua được ngân sách mới, cũng như tạo lộ trình ban đầu cho việc cải cách kinh tế cũng như xây dựng hiến pháp mới.

Vấn đề về cơ cấu hành chính tương lai của Bỉ - được coi là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng kéo dài vừa qua - sẽ được ưu tiên giải quyết hàng đầu.

Theo thỏa thuận đạt được từ trước, chính phủ do ông Guy Verhofstadt đứng đầu sẽ hoạt động cho đến ngày 23/3/2008, trước khi trao lại quyền hành cho Liên minh giữa đảng Tự do và FCD do Yves Leterme đứng đầu. Thời điểm đó được đánh giá sẽ là một mốc quan trọng trong tiến trình giải quyết khủng hoảng chính trị tại Bỉ.

Các chính trị gia nói tiếng Pháp và những đồng nghiệp nói tiếng Hà Lan trong liên minh này sẽ phải hết sức nỗ lực để có thể giải quyết một mục tiêu khó khăn - đó là tìm giải pháp thỏa hiệp về vấn đề tự trị của hai xứ Wallonia và Flanders, điều mà họ đã không thể đạt được trong suốt nửa năm vừa qua

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.