Bi kịch chính trị của gia tộc Nehru – Gandhi

Thứ Tư, 30/07/2014, 17:45

Nehru - Gandhi là gia tộc có ảnh hưởng lớn đến chính trường Ấn Độ nói riêng cũng như đảng Quốc Đại nói chung. Tên tuổi của những thành viên trong gia tộc này không chỉ gắn liền với chế độ chính trị ở Ấn Độ từ những ngày đầu giành độc lập, mà cho đến ngày nay những người con của gia tộc này vẫn đang trở thành một phần không thể thiếu của chế độ chính trị ở Ấn Độ. Đó được coi như một sự nối tiếp đầy tự hào truyền thống cha ông đi trước bất chấp những bi kịch chính trị mà gia tộc này đã trải qua.

Sự nghiệp chính trị đã và đang mang lại một lịch sử đáng tự hào cho gia tộc Nehru - Gandhi, song cũng cướp đi của gia tộc này những người con ưu tú nhất. Tuy vậy, những người con của dòng họ này vẫn luôn mang trong mình nhiệt huyết chính trị và bản lĩnh kiên cường, với những Sonia Gandhi hay Rahul Gandhi đang tiếp tục làm rạng danh gia tộc Nehru - Gandhi.

BÀI 1: HỒI SINH SAU NHỮNG ĐAU THƯƠNG

Sự ra đi của những người con ưu tú

Đảng Quốc Đại Ấn Độ thành lập từ năm 1885, có sự nghiệp chính trị đồ sộ nhất trong lịch sử quốc gia này. Đây là lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân Anh và gắn liền với những nhân vật lịch sử trong dòng họ Gandhi danh tiếng nhưng cũng đầy thăng trầm.

Bắt đầu từ huyền thoại cách mạng Mahatma Gandhi, sự nối kết giữa dòng họ Gandhi với đảng Quốc Đại giàu truyền thống bắt đầu nảy nở. Nhưng phải đến đời Jawaharlan Nehru cầm quyền, triều đại chính trị Nehru - Gandhi mà người ta thường nói đến mới bắt đầu trong lịch sử đảng Quốc Đại nói riêng và lịch sử hiện đại Ấn Độ nói chung.

Nhưng điều cần chú ý là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru cùng các thủ tướng sau đó là Indira Gandhi (con gái ông), Rajiv Gandhi (cháu ngoại ông) và tất nhiên là cả cô cháu dâu gốc Italia đang rất nổi tiếng của ông hiện nay, Sonia Gandhi, đều không có quan hệ về huyết thống với nhà cách mạng lỗi lạc Mahatma Gandhi.

Dòng họ Gandhi bắt đầu gắn liền với đảng Quốc Đại từ khi con gái của Jawaharlan Nehru là Indira lập gia đình với Feroze Gandhi và lên làm thủ tướng Ấn Độ nối nghiệp cha. Từ đó, triều đại chính trị Nehru - Gandhi đã mở màn.

Hiện Mahatma Gandhi vẫn là linh hồn của đảng Quốc Đại và được người dân Ấn Độ hết mực tôn kính. Thế giới còn đánh giá cao sự nghiệp và nhân cách của ông. Trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến do BBC thực hiện năm 2000, Mahatma Gandhi đã được bầu là nhân vật vĩ đại nhất trong 1.000 năm qua. Huyền thoại cách mạng Ấn Độ là cha đẻ của tư tưởng cách mạng bất bạo động, phát triển một phương thức đấu tranh giành độc lập mới thông qua những hoạt động xã hội dựa trên các phương châm về sự dũng cảm, bất bạo động và chân lý.

Mahatma Gandhi tin rằng, sự bất bạo động và bất phục tùng của nhân dân là những phương pháp thích hợp nhất để đạt được các mục tiêu về chính trị và xã hội.

Cả bà Indira Gandhi và con trai Rajiv Gandhi đều là nạn nhân của những vụ ám sát.

Năm 1948, Mahatma Gandhi bị một tín đồ Hindu cuồng tín ám sát vì anh ta phản đối lòng khoan dung của ông đối với tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng. Ông đã sống để kịp chứng kiến giấc mơ Ấn Độ độc lập trở thành hiện thực, nhưng huyền thoại cách mạng của thế giới này đã nhắm mắt mà chưa thỏa mãn vì ông không ủng hộ kế hoạch phân chia giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1947.

Một trong những người bạn cách mạng sớm nhất của Mahatma trong đảng Quốc Đại là Motilal Nehru, người đã qua đời từ năm 1931. Đây cũng chính là sợi dây đầu tiên nối kết giữa dòng họ Gandhi danh tiếng với đảng Quốc Đại nhiều ảnh hưởng. Motilal Nehru là một luật sư ưu tú, hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ ngay từ thời kỳ đầu và trở thành Chủ tịch đảng Quốc Đại. Di sản chính trị ông để lại cho đảng là những nguyên lý hoạt động khi cầm quyền: chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa xã hội và chính sách đối ngoại không liên kết.

Năm 1929, con trai ông, Jawaharlal Nehru kế nhiệm cha trong cương vị này. Từ lúc ấy, Jawaharlal nổi bật trên chính trường trong hình ảnh một nhà lãnh đạo có tinh thần dân tộc và có mối quan hệ mật thiết với lãnh tụ tinh thần của dân tộc Ấn, Mohandas Gandhi. Năm 1947, Ấn Độ giành độc lập, Jawaharlal trở thành Thủ tướng và nắm giữ chức vụ cho đến khi ông mất năm 1964.

Hai năm sau ngày Jawaharlal Nehru qua đời, người con độc nhất của ông là bà Indira Gandhi (mang họ Gandhi sau khi kết hôn với chính khách Feroze Gandhi) đã nối được nghiệp cha khi trở thành nhân vật số 1 của đảng Quốc Đại và được bầu làm thủ tướng Ấn Độ, tại chức được 15 năm trong các giai đoạn 1966 - 1977 và 1980 - 1984. Lịch sử Ấn Độ dưới thời Indira đã trải qua nhiều biến thiên. Sự kiện nổi bật nhất trong thời kỳ bà cầm quyền là cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan nổ ra năm 1971 dẫn đến sự thành lập Nhà nước Bangladesh.

Một sự kiện gây tranh cãi khác là chiến dịch quân sự do Thủ tướng Indira Gandhi phát động nhằm chống lại việc những người Sikh đòi độc lập ở bang Punjab. Bà đã ra lệnh tấn công vào khu thờ tự linh thiêng nhất của các tín đồ đạo Sikh là Đền Vàng tại Amritsar năm 1984, làm 450 người thiệt mạng. Chỉ 5 tháng sau cuộc tấn công đẫm máu này, nữ Thủ tướng Indira Gandhi đã bị chính những vệ sĩ theo đạo Sikh của bà bắn chết.

Trong một đất nước đa sắc tộc thì việc sử dụng bạo lực để trấn áp chưa bao giờ là một cách hay, việc hòa giải mâu thuẫn ở đây là không hề dễ dàng. Đó chính là điều bà chưa làm được và phải chăng đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của vị thủ tướng này.

Nhiệt huyết chính trị vẫn chảy

Vụ sám sát bà Indira năm 1984 đã đẩy triều đại chính trị Nehru - Gandhi ở Ấn Độ lâm vào tình trạng rối loạn, mặc dù đảng Quốc Đại vẫn giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sau đó. Sự bất hạnh trong gia đình Gandhi tiếp tục diễn ra khi những người con bà Indira, vốn đều là các chính trị gia nổi bật ở Ấn Độ, lần lượt phải gánh chịu những kết cục bi thảm.

Indira Gandhi từng rất sai lầm khi đề bạt con trai út Sanjay Gandhi thâu tóm các vị trí chủ chốt trong chính phủ. Hành vi lạm quyền của Sanjay đã làm giảm uy tín của đảng Quốc Đại. Sau đó, Sanjay thiệt mạng trong một tai nạn máy bay năm 1980 khi ảnh hưởng chính trị đang lên.

Chủ tịch Đảng Quốc Đại Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi đại diện cho ước mơ hồi sinh của gia tộc Nehru – Gandhi.

Còn một người con khác của bà là Rajiv Gandhi thì trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Ấn Độ, miễn cưỡng bước vào chính trường chỉ vì khi ấy đảng Quốc Đại đang thiếu người dẫn dắt. Những nghi ngờ về khả năng chính trị của Rajiv nhanh chóng bị dẹp sang một bên khi ông tiếp quản chức vụ thủ tướng từ tay người mẹ quá cố. Ông đã đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực hòa giải dân tộc với người Sikh và đưa nền kinh tế Ấn Độ phát triển mạnh mẽ.

Nhưng nhân vật này cũng không tránh khỏi một kết thúc buồn. Trong khi Ấn Độ đang cần phải hiện đại hóa và giảm nhẹ bộ máy quan liêu hơn lúc nào hết, thì những nỗ lực cải cách của Rajiv lại rơi vào thất bại vì vụ bê bối Bofors liên quan đến hoạt động mua bán vũ khí. Vì vậy năm 1989, đảng Quốc Đại, đã tước bỏ vai trò lãnh đạo của ông trên chính trường Ấn Độ. Và vào lúc đang sẵn sàng trở lại với quyền lực thì Rajiv Gandhi bị ám sát bởi một kẻ đánh bom cảm tử năm 1991.

Sau khi Rajiv Gandhi bị ám sát, đảng Quốc Đại được đặt dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Narasimha Rao. Sau thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1996, quyền lãnh đạo đảng về tay Sitaram Kesri, một chính trị gia lão thành gắn bó với Indira Gandhi. Suốt trong giai đoạn này, vợ cố Thủ tướng Rajiv là Sonia Gandhi (hiện là Chủ tịch đảng Quốc Đại) tìm mọi cách đứng bên ngoài chính trường vì không muốn bà và các con lặp lại số phận thảm khốc của người chồng Rajiv Gandhi và người mẹ chồng Indira Gandhi.

Vào giai đoạn này, không còn ai trong dòng họ Gandhi đủ sức kế nghiệp những vị tiền nhân để lèo lái con tàu của đảng Quốc Đại. Do đó đảng chính trị có sự nghiệp đồ sộ nhất trong lịch sử Ấn Độ này đã bắt đầu một thời kỳ suy yếu trầm trọng. Trong khi ấy, nhiều đảng viên trung thành luôn mong đợi sự xuất hiện của một thành viên thuộc gia tộc Nehru - Gandhi trong cương vị lãnh đạo đảng. Nhưng từ sau thập niên 90, Ấn Độ không có một thủ tướng nào xuất thân từ dòng họ Gandhi. Mãi cho đến cuộc bầu cử năm 2004, đảng Quốc Đại và gia tộc Gandhi mới lại hồi sinh.

Sau nhiều lần, Sonia Gandhi chịu thuyết phục để tham gia tích cực vào các hoạt động của đảng Quốc Đại, chẳng bao lâu bà thấy mình đang ở ngay trung tâm quyền lực, buộc Kersi phải từ chức và chuyển giao chức vụ chủ tịch cho bà bắt đầu từ tháng 4/1998 trong sự đồng thuận của đảng. Trong suốt 16 năm qua, uy tín của Sonia trên chính trường và sự yêu mến của đại đa số dân nghèo Ấn Độ dành cho bà tăng lên theo thời gian.

Trước đây, liên minh cầm quyền luôn xoáy vào nguồn gốc ngoại quốc, sự thiếu kinh nghiệm chính trị và lối sống ẩn dật của bà để chỉ trích. Hiện nay, những cố gắng hòa đồng và sự cầu tiến của Sonia Gandhi đã làm những lời nói kia trở nên nhàm chán và lạc lõng.

Sơ đồ phả hệ gia tộc Negru – Gandhi.

Trong cuộc tổng tuyển cử toàn Ấn Độ năm 2004, bà được đề cử tranh chức thủ tướng. Đảng Quốc Đại và các đồng minh là nhóm lớn nhất tại Hạ viện ủng hộ bà, chưa xét tới sự ủng hộ của các đảng khác từ bên ngoài. Lúc đầu, mọi thành phần trong liên minh và các đảng cộng sản đều chấp nhận bà cho chức vụ thủ tướng. Song, đảng BJB và một vài nhóm Hindu bảo thủ tổ chức những cuộc tuần hành trên toàn quốc phản kháng việc "một người nước ngoài" đảm nhiệm chức vụ thủ tướng.

Dù muốn hay không, giới lãnh đạo đảng Quốc Đại vẫn ủng hộ Sonia Gandhi vì không thể tìm được gương mặt sáng giá hơn. Và bà cũng vậy, dù muốn hay không, Sonia cũng không thể chia tay chính trường vì không thể rũ bỏ trách nhiệm của dòng họ Gandhi đối với đảng Quốc Đại. Tháng 5/2004, Sonia Gandhi từ chối chức thủ tướng và đề cử tiến sĩ Manmohan Singh - một người thân cận của gia đình Gandhi.

Cũng trong kỳ bầu cử này, con trai của bà, Rahul Gandhi, đắc cử vào Quốc hội, đại diện cho thế hệ thứ năm của gia tộc Nehru - Gandhi bước vào chính trường Ấn Độ, bị cuốn vào vòng quay số phận một "đệ nhất danh gia".

Với tuổi trẻ đầy sung sức, hậu duệ chính trị mới nhất của dòng họ Gandhi này đang có cả một sự nghiệp chính trị ở phía trước, nhất là được tín nhiệm vị trí Phó chủ tịch đảng Quốc Đại để trở thành nhân vật số 2 trong đảng cầm quyền. Vì thế, Sonia Gandhi, sau những nỗi đau mà người khác có lẽ đã gục ngã, đang thức dậy với khao khát và niềm tin sẽ sát cánh với những người trong gia đình Gandhi đi tiếp trên con đường mà những người đi trước còn dang dở, khiến dòng họ Gandhi nổi tiếng một thời tìm thấy cơ hội để hồi sinh mạnh mẽ…

Trần Quân - Lê Nam (tổng hợp)
.
.