Bí mật “hậu trường” của hoàng gia Thái Lan

Thứ Tư, 31/03/2010, 18:25
Cuộc biểu tình của phe áo đỏ (ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra) gây khủng hoảng nghiêm trọng đời sống chính trị Thái Lan đang diễn ra không là vấn đề duy nhất nước này đang đối mặt. Những lời bàn tán nghe được ngày càng rõ dần về viễn cảnh gần liên quan đến đức vua Bhumibol Adulyadej (82 tuổi) mới là sự kiện trọng đại thật sự đối với Thái Lan…

Hình ảnh một vị vua

Khó có thể kể hết ảnh hưởng của Vua Bhumibol Adulyadej (tức Rama IX) đối với người dân Thái Lan như thế nào. Ông được xem là biểu tượng quyền lực duy nhất và cao nhất đối với tất cả người Thái. Dân chúng tự nguyện làm tất cả vì vua, hệt như thời phong kiến cách đây hàng ngàn năm.

Trong gần như tất cả ngôi nhà Thái, người ta đều thấy ảnh Vua Bhumibol. Mỗi đêm, tất cả kênh truyền hình tại Thái đều tường thuật bản tin về hoạt động của các thành viên Hoàng gia. Với người Thái, bản tin về chuyến viếng thăm một nguyên thủ quốc gia nước ngoài cũng không có giá trị bằng. “Người nước ngoài dường như không hiểu được hay cảm nhận được tình cảm của dân Thái dành cho Hoàng gia và Vua Bhumibol” - cựu Thủ tướng Anand Panyarachun nói.

Hàng chục năm qua, Vua Bhumibol Adulyadej đã thực hiện vô số chuyến kinh lý đến các vùng quê hẻo lánh, lặn lội xuống ruộng và ân cần thăm hỏi mọi người. Ông tạo ra hình ảnh quen thuộc cho chính mình: một gương mặt nhân hậu lúc nào cũng có quyển sổ ghi chép, cây bút sẵn trong tay và thái độ lắng nghe chân tình, như có lần ông nói: "Để làm vua, người ta phải là vua suốt cả ngày lẫn đêm".

Thập niên 60 thế kỷ trước, tướng độc tài Sarit Thanarat từng đưa ra mô hình cho xã hội Thái Lan: vương triều, tôn giáo và đất nước - theo cấu trúc kim tự tháp. Với Bhumibol, mô hình kim tự tháp này phải lật ngược, với đất nước được đưa lên hàng đầu.

Sau sự kiện thiên tai kinh hoàng 26/12/2004, Vua Bhumibol Adulyadej đã ra lệnh thành lập Tổ chức Hoàng gia Rajaparchanukroh chịu trách nhiệm chăm sóc tất cả trẻ em bị mồ côi bởi trận sóng thần. Tất cả bọn trẻ sẽ được nuôi cho đến khi vào đại học.

Triều đình Bhumibol cũng đóng góp 30 triệu baht (75.000 USD) cho chương trình cứu trợ nạn nhân sóng thần. Tại nhiều làng quê, người ta vẫn giữ thái độ kính trọng Vua Bhumibol đến độ không dám nhìn thẳng vào ông. Thay vào đó, họ trải khăn tay để vua bước lên và trân trọng đặt mảnh vải in dấu chân vua lên bàn thờ nhà mình.

Người ta còn nhớ rằng, khi vận động viên quyền Anh Somluck Khamsing giành được Huy chương Vàng đầu tiên cho Thái Lan tại Thế vận hội Atlanta năm 1996, anh đã nâng khung hình Vua Bhumibol chứ không phải chiếc cúp vàng. Vua Bhumibol là hiện thân của con người hiện đại. Ông thích nhiếp ảnh và từng là nhạc sĩ jazz lão luyện.

Cựu Thủ tướng Anand nói rằng, Hoàng gia Thái bắt kịp nhịp thay đổi của thời đại là nhờ Vua Bhumibol. Ông giúp đỡ các chính khách, đưa ra giải pháp khắc phục những vấn đề nóng hổi như lũ lụt, hạn hán hay nạn kẹt xe. Bhumibol cũng quan tâm đến các dự án phát triển tương lai đất nước.

Bhumibol đã đem lại hào quang cho Hoàng gia Thái - vương triều tưởng chừng đã sụp đổ từ cuộc đảo chính năm 1932. Lúc đó, người ta hoài nghi rằng, không biết Hoàng gia Thái có cầm cự nổi đến giữa thế kỷ XX hay không, nói chi tồn tại đến thế kỷ XXI.

Nhiều bi kịch cũng như làn sóng thay đổi thời đại đã diễn ra, qua các cuộc đảo chính và chế độ độc tài, qua những diễn biến căng thẳng của Chiến tranh lạnh, Vua Bhumibol đã đứng trên tất cả để tạo ra hình ảnh một vương triều chưa từng bị hoen ố hay dính vào vụ bê bối, tai tiếng nào.

Ông đi bất cứ nơi nào mình muốn, không quan tâm đến sự an nguy của bản thân. Tướng cảnh sát Vasit Dejkunjorn từng chịu trách nhiệm an ninh cho Vua Bhumibol từ năm 1970 đến 1981 đã bị bạc trắng đầu chỉ sau năm đầu tiên đảm trách việc này (lúc đó, Vasit mới 40 tuổi).

Hình ảnh vua Bhumibol Adulyadej luôn hiện diện trong đời sống người dân Thái Lan.

Trong một chuyến kinh lý của Vua Bhumibol năm 1979 đến Yala (nam Thái Lan), một vụ lộn xộn đã xảy ra, với 2 vụ nổ làm bị thương hàng chục người, ở địa điểm chỉ cách Vua Bhumibol 150m. "Sau khi người ta dọn dẹp hiện trường, ngài thực hiện ngay buổi diễn thuyết. Tôi không thấy có biểu hiện lo lắng nào trong giọng của ngài. Tôi đề nghị nên rời khỏi chỗ đó ngay nhưng ngài không nghe" - Vasit kể.

Tháng 5/1992, khi chứng kiến đất nước lâm vào tình trạng nội chính phức tạp (quân đội bắn những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bangkok), Vua Bhumibol đã triệu hồi Thủ tướng tự phong Suchinda Kraprayoon và thủ lĩnh phe đối lập Chamlong Srimuang vào cung điện, mời họ ngồi và thuyết giảng ngay trước ống kính truyền hình, yêu cầu ngưng hành động làm hại người dân và rằng bạo lực không được tiếp diễn nữa.

Đến nay, người dân Thái vẫn chưa quên cảnh tướng Suchinda bò trên tấm thảm đỏ, quỳ mọp dưới chân Vua Bhumibol. Năm 1973, ông cũng ra lệnh mở cổng Cung điện Chitralada, nơi ông sống, để các sinh viên tá túc và lánh đạn khi xảy ra chính biến...

Vấn đề kế vị

Vấn đề sức khỏe của Vua Bhumibol đang được nhiều người Thái nhắc đến với thái độ quan tâm đặc biệt. Năm 1995, Vua Bhumibol đã trải qua hai cuộc phẫu thuật nới một động mạch gần tim. Và gần đây, Vua Bhumibol cũng được chẩn đoán mắc khối u lành trong ruột kết, chưa kể bệnh trĩ, đau lưng và phổi.

Tháng 12/2009, trong dịp sinh nhật lần thứ 82, Vua Bhumibol Adulyadej đã phải nhập viện. Vấn đề sức khỏe của Vua Bhumibol khiến người ta không khỏi không xì xào về người kế vị. Vua có 1 con trai và 3 con gái: Thái tử Maha Vajiralongkorn; Công chúa Ubol Rattana (người có cậu con trai tử nạn trong trận sóng thần năm 2004); Công chúa Maha Chakri Sirindhorn (từng sang Việt Nam) và Công chúa Chulabhorn Walailak.

Thời gian gần đây, Thái tử Vajiralongkorn xuất hiện ngày càng nhiều trong các buổi lễ quan trọng, thay mặt cha mình. Tháng 11-2009, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Times of London, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã nói về một “thời kỳ mới”, hàm ý ủng hộ Thái tử Maha Vajiralongkorn (57 tuổi).

Năm 1972, Vua Bhumibol phong tước hiệu Somdech Phra Boroma Orasadhiraj Chao Fah Maha Vajiralongkorn Sayam Makutrajakuman cho Vajiralongkorn, có nghĩa Vajiralongkorn là thái tử và người kế vị chính thức. Vajiralongkorn tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia tại Canberra (Australia) và có thời gian tu nghiệp tại Mỹ và Anh.

Theo The Economist (18/3/2010), Vajiralongkorn không được lòng Hoàng gia và dân chúng bởi đời sống cá nhân có nhiều bê bối. Năm 2007, một đoạn video phát tán cho thấy cảnh người vợ thứ ba của ông cùng chồng ăn tối trong tình trạng quần áo "thiếu vải". Giới ngoại giao cũng thấy không ổn khi Vajiralongkorn ôm chú chó cưng Fu Fu kè kè trong những buổi chiêu đãi chính thức.

Thái tử Vajiralongkorn và người vợ thứ ba.

Trong ấn bản ngày 10/1/2002, tờ Far Eastern Economic Review (FEER) nói rằng, Vajiralongkorn có quan hệ làm ăn với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Lệnh cấm phát hành ấn bản trên lập tức được ban hành và Chính phủ Thái Lan thậm chí thu hồi visa của hai phóng viên Thái làm cho tờ FEER (Shawn Crispin và Rodney Tasker)...

Sau người vợ đầu Soamsavali Kitiyakara, Vajiralongkorn lập gia đình với diễn viên Yuvadhida Polpraserth. Đám cưới của họ diễn ra vào tháng 2/1994. Sau khi kết hôn, Yuvadhida Polpraserth được đổi tên thành Mom Sujarinee Mahidol na Ayudhaya - dấu hiệu cho biết cô là thường dân kết hôn với thành viên hoàng tộc. Hai năm sau, Mom Sujarinee dắt con bỏ trốn sang Anh và "vụ án tình" càng được chú ý khi đích thân thái tử buộc tội vợ quan hệ bất chính với tướng không quân Anand Rotsamkhan.

Vajiralongkorn cho người bắt cóc lại đứa con gái (rồi phong công chúa) trong khi vợ và các con trai bị tước passport ngoại giao. Tháng 2/2001, Vajiralongkorn lập gia đình lần thứ ba, với Srirasmi Akharaphongpreecha (cũng là thường dân). Cuộc hôn nhân của họ không được tiết lộ cho đến năm 2005...

Tương phản với Vajiralongkorn, Công chúa Maha Chakri Sirindhorn (sinh năm 1955) lại được nhiều người dân yêu kính nhất mực. Người ta gọi bà là "Phra Thep" (Công chúa Thiên thần). Sirindhorn nổi tiếng học rộng biết nhiều. Bà có bằng cử nhân lịch sử, thạc sĩ văn khắc cổ (tiếng Phạn và Campuchia), tiến sĩ giáo dục học. Am hiểu công nghệ thông tin, Sirindhorn thành thục tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa. Năm 2005, bà được UNESCO chọn làm đại sứ thiện chí...

Đó là lý do tại sao nhiều người Thái cầu nguyện để Sirindhorn được lên ngai vàng, hơn là Thái tử Vajiralongkorn (Hiến pháp Thái Lan 1972 cho phép phụ nữ có thể được lên ngai vàng). Một số sĩ quan quân đội cao cấp (thành phần có tiếng nói ảnh hưởng mạnh đối với đời sống chính trị Thái Lan) cũng tỏ ra ủng hộ Sirindhorn, người đứng vị trí thứ ba trong thứ tự kế vị vua cha Bhumibol Adulyadej.

Paul Handley, tác giả quyển tiểu sử nổi tiếng The King Never Smiles (Vị vua không bao giờ cười - bị cấm phát hành tại Thái Lan), nói rằng có rất ít khả năng Vua Bhumibol thay đổi người kế vị vào phút chót.

Thời điểm hiện tại, Vajiralongkorn đang can thiệp vào việc sắp xếp những vị trí then chốt trong quân đội đồng thời mở rộng mức độ ảnh hưởng của mình. Nếu Vajiralongkorn chính thức lên ngôi, khả năng cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở lại Thái Lan và thậm chí quay lại chính trường là điều có thể hình dung

Lê Thảo Chi (tổng hợp)
.
.