Biên phiên dịch cho ông Trump và những câu chuyện "cười ra nước mắt”
"Ngôn ngữ Trump"
Khi ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông đã làm một việc bất ngờ: đọc đúng theo văn bản. Đội ngũ soạn bài phát biểu này cho Tổng thống Donald Trump đã thở phào nhẹ nhõm. Một lần khác là khi ông Trump đọc diễn văn nhậm chức, ông nhìn theo máy nhắc chữ và bám sát tài liệu đã soạn sẵn. Những lần như thế chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Đối với cộng đồng biên phiên dịch trên thế giới, những lần được thở phào nhẹ nhõm như vậy cũng hiếm hoi dù họ đã quen và hiểu được cách xáo trộn ngôn ngữ tiếng Anh của ông Trump từ thời tranh cử tổng thống Mỹ. Trong mỗi dịp tương tác với các nhà lãnh đạo thế giới, họ thừa nhận đã phải "vò đầu bứt tai" để tìm ra cách truyền đạt lại những gì ông Trump nói, khi mà bài phát biểu của ông thậm chí còn khiến người nói tiếng Anh bản địa cũng phải "cứng họng".
Đó là chưa kể những lúc ông "tự biên tự diễn", không dựa vào tài liệu được chuẩn bị sẵn, hoặc khi ông đột ngột thay đổi chủ đề và nặng về lối nói tấn công trực diện thì đây thực sự là những "ca khó đỡ" cho biên phiên dịch. Việc sử dụng tiếng Anh “không giống ai” của ông Trump đang gây ra không ít phiền toái cho cộng đồng phiên dịch viên khắp thế giới.
Nhiều tình huống khó đỡ khi ông Trump không nói theo văn bản soạn sẵn. |
"Ca khó đỡ"
Cộng đồng biên phiên dịch Nhật Bản gọi những trải nghiệm "khó đỡ" trước những bài phát biểu thiếu mạch lạc của ông Trump là "cơn ác mộng". “Ông ấy không mấy khi nói một cách logic. Giới làm nghề chúng tôi thường đùa rằng nếu dịch theo đúng ngôn từ của ông ấy thì chẳng khác nào tự đưa mình vào những tình huống trớ trêu”, Giáo sư chuyên ngành biên phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo - bà Chikako Tsuruta, cũng là người thường phiên dịch tin tức về ông Trump cho các hãng CNN, ABC và CBS chia sẻ.
Làm phiên dịch cho truyền hình hơn 20 năm qua, bà Miwako Hibi tâm sự rằng "rất khó" để nắm bắt logic trong những phát biểu của ông Trump, nhất là khi ông có thiên hướng đề cập đến những tên riêng ngoài bối cảnh. Bà vẫn nhớ một vụ “thất kinh” khi dịch trực tiếp bài phát biểu đắc cử của ông Trump hôm 9-11-2016. Trong bối cảnh mà thông điệp không “ăn nhập” với lời nói, ông Trump lại liên hệ đến một cái tên riêng là "Reince" và từ "secretariat” mà không nói cụ thể đó là ai và là cái gì.
"Khi ông ấy đột nhiên nói “Reince là một siêu sao”, tôi đã phải bỏ câu này. Chỉ sau khi camera hướng về khuôn mặt của một người tên là Reince thì tôi mới nhận ra người ông Trump nói đến là ai, và tôi nhanh chóng dịch thêm cho khán giả, rằng đó là Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa”, bà Hibi nói.
Cũng may cho Hibi trong tình huống này là do trong tiếng Nhật có xu hướng bỏ chủ ngữ của câu đi. Vì vậy, bà cứ dịch từ "superstar", tức "siêu sao" trước, cho đến khi bà nắm bắt được nhân vật này là ai thì bà mới bổ sung cho phần dịch trước đó.
Bà Chikako Tsuruta, giáo sư chuyên ngành biên phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo chia sẻ khó khăn khi dịch cho ông Trump. |
Tuy nhiên, với từ "secretariat”, may mắn lại không đến khi sai lầm nghĩ rằng ông Trump dùng từ này như một cách thế từ để chỉ Reince. "Tôi đã dịch sai từ đó", bà Hibi thừa nhận. "Tôi không thể ngờ rằng ông ấy lại đang nói về một cuộc đua ngựa... Thực sự khó khăn để bám theo mạch suy nghĩ của ông ấy". Tính chất thiếu mạch lạc và bỏ qua bối cảnh không chỉ là căn nguyên duy nhất khiến giới phiên dịch đau đầu. Vấn đề còn là những ngôn từ ít mang tính ngoại giao.
Một trong những "pha" gần đây là cách dịch bình luận của ông Trump về phu nhân Brigitte Macron của Tổng thống Pháp khi ông tham dự lễ Quốc khánh Pháp. Biên dịch viên Pháp đã rất khó khăn tìm những từ ngữ thích hợp để dịch bình luận của ông Trump là “She’s in such good physical shape!” (tiếng Việt tạm hiểu là "Bà có dáng đẹp thế!") vì lo sợ người dân Pháp sẽ phản ứng. Khi viết bài, một số nhà báo thuộc khối các nước nói tiếng Pháp Francophone đã dịch bình luận này là “Vous êtes en grande forme”, một cách nói mang tính trang trọng và lịch sự hơn đối với đông đảo độc giả tiếng Pháp, nghĩa là "you are in great health" (tiếng Việt là "Bà rất khỏe mạnh").
Khi xuất hiện thông tin về việc ông Trump lý giải cho việc sa thải Giám đốc FBI James Comey, phiên dịch viên ở Nhật Bản đã phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: Làm thế nào để biên dịch từ "nut job" theo cách phù hợp cho bản tin phát sóng trên truyền hình. (Ông Trump nói "I just fired the head of the F.B.I. He was crazy, a real nut job"). Theo từ điển, "nut job" nghĩa là một người khùng.
Công cuộc lựa chọn từ phù hợp trong ngôn ngữ đích thực đã bắt đầu. Nếu chọn từ "atama ga warui" trong tiếng Nhật có nghĩa là "ngốc nghếch" lại không phù hợp để nói về một người có vị thế như James Comey xét về yếu tố văn hóa Nhật Bản. Cuối cùng, những phiên dịch viên Nhật Bản đã tìm đến từ "henjin", một từ được sử dụng phổ biến hơn trong tiếng Nhật để chỉ một người lập dị, kỳ cục.
Giới biên phiên dịch Anh -Nhật nhớ lại những lúc bị rơi vào tình trạng "chết đứng" trước cách nói rất tự nhiên khi đề cập giới tính và sắc tộc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Đó là vào năm 2017, một bản ghi âm từ năm 2005 bị rò rỉ, trong đó ông Trump có bình luận “lạ” về phụ nữ. Trong những trường hợp như thế, phiên dịch viên thường phải tìm đến giải pháp an toàn là vay mượn một từ ngữ thông dụng trong ngôn ngữ Nhật Bản để vừa diễn đạt đúng ý Trump mà vừa không gây phản cảm. Còn nếu vay mượn từ đồng âm trong tiếng Nhật thì khán giả sẽ không hiểu nổi.
Trao đổi những chiến lược xử lý cách dùng tiếng Anh "của riêng Trump" là chủ đề thảo luận phổ biến trong giới phiên dịch viên từ tiếng Anh sang tiếng Nhật. "Công việc của chúng tôi giờ liên quan đến cả việc đọc và nghiên cứu các loại từ điển về các cách diễn giải văn hóa chứ không đơn thuần là từ điển truyền thống", bà Tsuruta nói.
Ông Trump bình luận về phu nhân Tổng thống Pháp. |
Cái khó không của riêng ai
Câu chuyện tương tự ở Ấn Độ. Ở một nền dân chủ đông dân nhất thế giới và một đồng minh chiến lược chủ chốt của chính quyền Trump, các hãng báo chí và phát thanh truyền hình Ấn Độ đều phải sử dụng cách nói giảm nói tránh khi khai thác và sử dụng các bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump.
"Khó có thể hiểu được cách nói của ông Donald Trump, ngay cả khi ông nói bằng tiếng Anh. Việc chuyển nghĩa những lời nói khó hiểu ấy sang tiếng Hindi không hề dễ dàng", Anshuman Tiwari, biên tập viên tờ IndiaToday, một tạp chí tiếng Hindi của Ấn Độ cho biết.
Theo Tiwari, để xử lý những tình huống như thế, họ tránh trích dẫn lời ông Trump một cách trực tiếp và dùng biện pháp diễn giải, tóm ý, nhất là khi ông đột ngột thay đổi chủ đề hoặc nói lan man về một chủ đề nào đó.
Rajesh Pandey là người biên dịch các bài báo về ông Trump cho nhật báo Dainik Bhaskar xuất bản bằng tiếng Hindi lớn nhất của Ấn Độ. Do báo này cũng cung cấp nhiều tin tức nước ngoài từ báo chí và ấn phẩm của Mỹ cho một số báo trong nước, nên nhiệm vụ của biên phiên dịch là bám sát văn bản nhất có thể. "Chúng tôi không sử dụng thứ ngôn ngữ bóng bẩy mà cố gắng giữ sự thô mộc trong cách diễn đạt của ông Trump", ông Pandey nói.
Lối nói của ông Trump khác hẳn với người tiền nhiệm. "Ngôn ngữ của ông Trump không thuộc phong cách nào", Pandey nói. Vì vậy, thách thức khi xử lý ngôn ngữ của ông Trump làm bộc lộ tình thế tiến thoái lưỡng nan vốn đeo bám và ám ảnh nghề biên phiên dịch lâu nay - đó là có nên làm "trong sáng" ngôn ngữ của một diễn giả gây tranh cãi hay không.
Ông Trump nói những câu khiến người dịch gặp khó khăn. |
Đúng - sai
Một trong những vấn đề nổi cộm hơn cả trong các cuộc thảo luận của giới biên phiên dịch là ranh giới đúng sai khi dịch cho ông Trump. Renato Geraldes, phiên dịch chuyên nghiệp ở Brazil, đã tự hỏi liệu ông có thể sử dụng ngôn ngữ của mình ở mức độ nào để truyền đạt lại những bình luận mang tính xúc phạm đối với người dân nhập cư mà Trump đề cập trong suốt chiến dịch tranh cử.
Và đã có sự phân luồng ý kiến về cách thức biên phiên dịch cho ông Trump. Một số người cho rằng ngôn ngữ bốc đồng của ông cần phải được làm "dung hòa", làm cho uyển chuyển và trang trọng hơn. Trong khi số khác lại không ngần ngại khi cho rằng cần dịch "trần trụi" như những gì ông Trump nói. Luồng ý kiến này cho rằng cái khó không liên quan gì đến việc sử dụng ngôn ngữ của ông Trump. Theo họ, "ngôn ngữ Trump" đơn giản về ngữ pháp và từ vựng, đôi khi sử dụng lặp từ.
Thế nhưng, để dịch đúng những gì ông Trump nói thì biên phiên dịch phải "đóng vai Trump", điều mà họ cảm thấy không dễ dàng chút nào và không sẵn sàng làm vậy. Mặc dù những biên phiên dịch viên "cừ khôi" nhất thường được đánh giá là những người có khả năng lĩnh hội được quan điểm của người nói hoặc người viết nhưng họ đã phải "trả giá" để đạt được danh hiệu này.
Atsushi Mishima, phiên dịch cho truyền hình và là Phó Giáo sư Đại học Daito Bunka, cũng tâm sự rằng ông cảm thấy bị "giằng co" về cách thức phiên dịch cho ngôn ngữ của ông Trump. Mặc dù nhất trí rằng nhiệm vụ cơ bản của một phiên dịch viên là "nói đúng như chính họ là diễn giả", nhưng các yếu tố khác đôi khi lại chiếm ưu tiên cao hơn. "Nếu một từ nào đó bị cấm phát sóng thì tôi thường xử lý bằng cách giảm bớt tính chất nghiêm trọng của từ này đồng thời vẫn cố gắng giữ được sự tác động về mặt ngữ nghĩa của từ gốc. Khó có thể bỏ qua yếu tố khán giả", ông nói.
Học giả nghiên cứu dịch thuật Peter Newmark cho rằng biên phiên dịch viên có nhiệm vụ trung thành với diễn giả hoặc người viết chỉ khi ngôn ngữ của họ không mâu thuẫn với những sự thật về cuộc sống và đạo đức thông thường. Theo Newmark, ngôn ngữ của ông Trump thực sự khiến công việc biên phiên dịch rơi vào mâu thuẫn với quy tắc đạo đức của người làm nghề.
Để không bị đánh giá là dịch đúng hay sai, một số biên phiên dịch của Nga đã tìm cách biến cách nói của ông Trump nghe gần giống với cách nói của Putin. Tương tự, biên phiên dịch Ấn Độ cũng phải "vay mượn" lối nói hào sảng như thường thấy trong những truyện kể về trường ca Hindu cổ đại để thay thế cho ngôn từ của ông Trump. Bởi đây cũng là phong cách ngôn ngữ mà giới chính trị gia Ấn Độ ưa dùng.
Yêu cầu tính chất hợp lệ của "biên phiên dịch cho ông Trump" không phải là vấn đề đơn giản và cộng đồng biên phiên dịch thế giới đã mất vài năm vật vã để tìm "lối thoát" cho mình.