Bộ sậu an ninh quốc gia phi quy ước của ông Donald Trump

Thứ Hai, 21/11/2016, 18:30
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa có hai động thái đáng chú ý đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử ngày 8-11. Đó là việc đề cử tướng về hưu Michael Flynn vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia, và đặc biệt là cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuộc điện đàm đầu tiên với lãnh đạo nước ngoài.

Hai động thái này nói lên điều gì về Tổng thống Trump? Về chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump?

Không còn nghi ngờ gì nữa, “Tổng thống Trump” bây giờ đã trở thành cái tên định hình một nước Mỹ mới trên nhiều phương diện. Chuyện ông bổ nhiệm 2 vị trí đầu tiên trong bộ sậu cố vấn tương lai không có gì mới và cũng chẳng gây chú ý mấy, vì việc đưa người trong ban vận động vào bộ sậu Nhà Trắng vẫn thường thấy, ngay cả tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama cũng đã làm thế.

Cái mới đáng chú ý ở bộ máy chính quyền mới của ông Trump chính là một chính phủ “phi quy ước”, nghĩa là không giống bất kỳ chính phủ nào trước đây, mà ngược lại bao gồm những người chưa từng giữ vị trí dân cử nào, đặc biệt là các vị trí trong nội các an ninh quốc gia.

Báo chí Mỹ hôm 17-11 đã đưa tin, việc ông Trump lựa chọn tướng Flynn để đề cử vào vị trí Cố vấn An ninh quốc gia là một động thái đúng đắn nhưng cũng gây ra một số tranh cãi. Tướng Flynn được xem là một lựa chọn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ông Trump dựa trên những kinh nghiệm dồi dào mà ông có được trong thời gian phục vụ tại hai mặt trận đối ngoại ở Afghanistan và Iraq dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có động thái quan trọng là điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Là một cựu quan chức tình báo quân đội già dặn kinh nghiệm, giàu thành tích, trong giai đoạn 2012-2014, tướng Flynn nắm giữ vị trí Giám đốc DIA. Ông đã bị buộc phải rời khỏi chức vụ Giám đốc DIA vào năm 2014 vì ông đã gây nhiều quan ngại trong phong cách lãnh đạo. Trong thời gian công tác trong ngành tình báo, Flynn không chỉ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tình báo, mà còn để lại ấn tượng tốt, tạo được uy đối với Quốc hội. Tuy nhiên, Flynn đã khiến nhiều người bất bình khi sự chuyển hướng sang ủng hộ ông Trump và nhiều hoạt động khác hỗ trợ Trump.

Flynn đã khiến nhiều đồng nghiệp chưng hửng khi bất ngờ sang Moskva dự một bữa dạ hội gala do kênh truyền hình RT tổ chức, có sự tham dự của Tổng thống Putin. Sau đó, Flynn đã thừa nhận mình được trả tiền để thực hiện chuyến đi đó. Tiếp theo đó là hàng loạt hoạt động vận động ủng hộ Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Tướng về hưu Michael Flynn, ứng viên vị trí Cố vấn An ninh quốc gia.

Điều khiến nhiều người bất bình nhất chính là việc tướng Flynn là người của đảng Dân chủ nhưng lại ngả theo ứng cử viên của đảng Cộng hòa và xuất hiện trước cử tọa Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa hô vang khẩu hiệu “Hãy khóa bà ấy lại” - ám chỉ việc đánh bại bà Hillary Clinton.

Nhiều đồng nghiệp cũ, kể cả các sếp cũ của Flynn đều bực tức, phẫn nộ cho hành động thái quá của ông. Sự việc căng đến mức tướng Stanley McChrystal và Đô đốc Michael Mullen (cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân) đã đến gặp Flynn và yêu cầu ông “kiềm chế”. Đô đốc Mullen còn cảnh báo hành vi của Flynn có thể làm mất niềm tin của quân đội với Nhà Trắng.

Flynn không những không nghe theo các vị tướng về hưu mà còn tiếp tục gây thêm những xung đột với các nhóm, tổ chức xã hội khi quyết đi theo con đường của Trump. “Thành tích” quá khứ đó đang châm ngòi cho những tranh cãi xung quanh việc đề cử ông làm Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống đắc cử Trump, và có thể trở thành trở ngại lớn cho con đường phía trước của ông.

Xung quanh việc tuyển chọn nhân sự cho bộ sậu an ninh quốc gia cũng đã xảy ra những cuộc tranh chấp quyết liệt. Ngoại trừ vị trí Cố vấn An ninh quốc gia đã xác định người được đề cử, còn lại các vị trí khác, như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Giám đốc Tình báo quốc gia vẫn còn bỏ ngỏ.

Hai vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng đều là những cuộc tranh chấp giữa những đối thủ kỳ cựu trong đảng Cộng hòa. Trong đó, cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani quyết đấu cùng cựu Đại sứ John Bolton (thời Tổng thống George W. Bush) để tranh vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.

Giuliani từng tham gia tranh cử tổng thống bên đảng Cộng hòa vào năm 2008, được đánh giá có quan điểm đối ngoại gần với truyền thống đảng Cộng hòa hơn. Ông chủ trương việc Mỹ tăng cường quan hệ đối ngoại, gia tăng những nỗ lực chống khủng bố quyết liệt hơn nữa. Trong khi đó, Bolton là một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng kinh qua nhiều vị trí trong Bộ Ngoại giao, làm đại sứ ở một số nước thời Tổng thống W. Bush.

Hai ông Rudy Giuliani (ảnh trên) và John Bolton cùng tranh nhau vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.

Bolton có quan điểm đối ngoại cứng rắn hơn Giuliani, là người chủ trương áp dụng các biện pháp cấm vận cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân. Quan điểm cứng rắn của Bolton nhiều lúc lại gây khó chịu ở Washington. Chính vì thế, khi được Tổng thống W. Bush đề cử làm Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc vào năm 2005, Bolton đã không qua được vòng bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Tổng thống W. Bush đã phải lợi dụng lúc Quốc hội nghỉ gián đoạn để bổ nhiệm ông.

Một nguồn tin trong ban chuyển tiếp của ông Trump thừa nhận, nếu chọn lựa Bolton thì việc phê chuẩn tại Quốc hội sẽ vô cùng khó khăn, vì những gì ông đã thể hiện trong quá khứ.

Đối với vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nhiều khả năng sẽ được trao cho Jeff Sessions, Thượng nghị sĩ bang Alabama từ năm 1997, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Sessions là Thượng nghị sĩ đầu tiên được đề cử vào vị trí trong chính phủ, nằm trong bộ sậu an ninh quốc gia, được xem là một trong những chọn lựa “phi quy ước” của ông Trump.

Nhiều người dự báo, quan điểm thân thiện hơn với Nga và không mặn mà với NATO của Sessions có thể là trở ngại lớn cho việc phê chuẩn ông tại Quốc hội nếu ông được chọn đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Riêng vị trí Giám đốc Tình báo quốc gia được xem là khó khăn nhất. Hôm 17-11, Giám đốc Tình báo quốc gia đương nhiệm James Clapper đã tuyên bố sẽ từ chức vào đúng ngày ông Trump nhậm chức, ngày 20-1-2017. Chiếc ghế Giám đốc Tình báo quốc gia không thể để trống, và việc ông Clapper thông báo sớm việc rút lui của mình là để ông Trump có đủ thời gian chọn người thay thế.

Hiện tại, người ta thấy có một gương mặt sáng giá đang muốn thế chỗ ông Clapper. Đó là tướng về hưu Ron Burgess, cựu đồng cấp, đồng nghiệp và kế nhiệm tướng Flynn ở vị trí Giám đốc Cơ quan Tình báo quân đội (DIA).

Đối thủ tiềm năng của tướng Burgess ở DNI là cựu nghị sĩ Pete Hoekstra, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện (giai đoạn 2004-2007). Nhưng nhiều người trong cộng đồng tình báo cho rằng ông Hoekstra có lẽ thích hợp với vị trí Giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA) hơn.

Nhìn vào danh sách dự kiến cho bộ sậu an ninh quốc gia của ông Trump, dư luận dễ dàng nhận ra một “mô típ” mang đậm bản sắc Trump từ đầu mùa bầu cử: đảo lộn mọi dự báo truyền thống, không theo khuôn mẫu quy ước nào trước đây. Liệu đó có phải là cải cách hay không cũng còn tùy vào thực tế kiểm chứng khả năng mang lại hiệu quả tích cực, lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Trước mắt, người ta nhận ra một sự phá cách theo kiểu không thể đoán trước của Trump trong cách tuyển chọn nhân sự phục vụ trong bộ máy chính quyền mới của mình. Và cũng chính vì việc tuyển chọn người không theo khuôn mẫu nào trước đây mà quá trình chuyển tiếp chính phủ của Trump đang xảy ra khá nhiều vấn đề ồn ào, nổi cộm nhất là sự “bất hòa” trong nội bộ.

Như tin đã đưa, việc ông Chris Christie bị thay thế bởi Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence để điều hành ban chuyển tiếp, rồi sau đó là Chủ tịch Chiến dịch Steve Bannon được cho làm cố vấn cao cấp đã làm bùng phát dư luận xung quanh những xung đột nội bộ giữa các phe nhóm tranh giành quyền lực xung quanh Trump, và cả việc dùng người của ông.

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Tại sao ông Trump thích các lựa chọn phi quy ước hơn? Khi ông mới bắt tay vào công tác chuẩn bị bộ máy, trong dư luận xuất hiện những đồn đoán với những khuôn mặt “theo quy ước” cho các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, như Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Richard Haas và cựu Cố vấn An ninh quốc gia (thời Tổng thống George W. Bush) Stephen Hadley. Cho nên khi ông Trump thể hiện sự lựa chọn không “đúng hướng” thì người ta tìm cách lý giải.

Một trong những lý do được đưa ra là những lựa chọn truyền thống đã thể hiện quan điểm quá cứng rắn trong vấn đề an ninh quốc gia, bị giới chuyên gia đánh giá là sẽ không tốt cho chính sách an ninh quốc gia nếu họ được bổ nhiệm. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá việc chọn lựa người ngoài khu vực truyền thống phản ánh sự “cô độc” của ông kể từ khi tranh cử cho đến nay. Đảng Cộng hòa từng phát động một chiến dịch tẩy chay Trump, quyết tìm người thay thế ông, làm cho bầu không khí chính trị trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.

Ngay cả khi Trump lao vào cuộc quyết đấu cuối cùng trước ngày bỏ phiếu, sự ủng hộ của các trụ cột truyền thống trong đảng Cộng hòa cũng không chắc chắn, thậm chí là không đầy đủ. Nói như một cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, rằng “Nếu được Trump yêu cầu tham gia nội các thì hãy nhận lời đi, vì ông ấy đang rất cần người giúp sức”.

Ông Trump sẽ ngăn chặn Thế chiến thứ III?

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ đắc cử Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin được dư luận chú ý nhiều nhất, không chỉ bởi ý nghĩa của động thái đối ngoại đầu tiên trong giai đoạn chuyển tiếp mà còn bởi tầm quan trọng của cuộc đối thoại đó đối với chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia của nước Mỹ thời kỳ mới.

Theo thông báo của Điện Kremlin, cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Trump với Tổng thống Putin hôm 14-11 đã diễn ra khá thân mật. Hai bên đã đồng ý về tình trạng “hoàn toàn không hài lòng của mối quan hệ hai nước”.

Thông báo cũng cho biết, cả hai ông đã nhất trí ủng hộ những nỗ lực chung của cả hai nước trong việc “bình thường hóa các quan hệ và theo đuổi sự hợp tác mang tính xây dựng về nhiều vấn đề”, nhiều nhất có thể.

Theo The New York Times, hai vị tổng thống đã thảo luận và nhất trí nhiều vấn đề có liên quan đến hợp tác kinh tế, thương mại cũng như phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Nga Putin là một trong những nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới lên tiếng chúc mừng ông Trump ngay sau ngày bầu cử và cũng là một trong những lãnh đạo thế giới lên tiếng ủng hộ ông Trump trong suốt quá trình tranh cử của ông.

Với việc Trump thắng cử, dư luận ở nước Nga cũng tỏ ra khá lạc quan cho quan hệ song phương hai nước trong thời gian tới. Vì thế, cuộc điện đàm có ý nghĩa như hết sức quan trọng, được một số chuyên gia đánh giá như hành động “tháo ngòi nổ Thế chiến thứ III” của Tổng thống đắc cử Trump.

Cho dù còn nhiều rào cản để có thể có được mối quan hệ Nga - Mỹ tốt đẹp như ý muốn, nhưng dư luận thế giới vẫn lạc quan theo dõi từng động thái tiếp theo của cả ông Trump và bộ sậu chính quyền của ông, liệu có thật sự hướng tới mục tiêu tốt đẹp đó hay không.

 

An Châu (tổng hợp)
.
.