Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bị cách chức vì IS
Trong thông báo của mình, ông Obama chỉ dùng những từ ngữ hoa mỹ để ca ngợi những thành tích mà ông Hagel đã đạt được trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Nhưng báo chí Mỹ, trước tiên là tờ New York Times thông tin rằng, ông Hagel bị Tổng thống Obama ép phải từ chức từ hôm 21/11 vừa qua. Trước đó, giữa ông Hagel và Tổng thống Obama đã có 2 tuần thảo luận căng thẳng xung quanh chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Có vẻ như ông Hagel và Tổng thống Obama bất đồng quan điểm nghiêm trọng đến mức không thể dung hòa, và chính điều đó đã khiến ông Obama không thể tiếp tục trọng dụng ông Hagel – người cuối cùng của đảng Cộng hòa phục vụ trong nội các của ông Obama.
![]() |
Ông Chuck Hagel và Tổng thống Obama. |
Ông Chuck Hagel năm nay 68 tuổi, bắt đầu công việc tại Lầu Năm Góc từ tháng 2/2013 trong thời kỳ nước Mỹ đang áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” để tiết giảm chi tiêu, giảm bớt thâm hụt ngân sách, trong đó quân đội phải chịu áp lực cắt giảm mạnh nhất, nhưng phải chống chọi với những cuộc chiến mới. Ngay từ khi chưa nhậm chức, ông Hagel đã vấp phải sự phản đối từ ngay chính các thành viên đảng Cộng hòa trong Thượng viện. Vì vậy, các cuộc điều trần phê chuẩn chức danh của ông đã biến thành những cuộc tranh luận gay gắt xung quanh quan điểm phản chiến của ông (trước đây) và chính sách của ông Hagel khi tiếp quản Lầu Năm Góc. Là một người từng chủ trương phản đối cuộc chiến ở Iraq, Hagel đã khiến cho phái diều hâu ở Washington lo lắng vì quan điểm đó có thể khiến cho nước Mỹ gặp thất bại trong các cuộc chiến mới.
Như tờ Wall Street Journal nhận định, thế giới đầy biến động đã làm cho chiếc ghế của Hagel bị lung lay và bật ngã. Những thách thức mới không có tiền lệ, cộng với quan điểm phản chiến của chính Hagel đã làm cho ông rơi vào tình trạng “lạc nhịp” với Nhà Trắng trong chiến lược an ninh quốc gia mới. Hagel hầu như không đáp ứng được mong muốn của phái diều hâu là dùng không quân lẫn bộ binh đánh mạnh vào IS, trong khi phái bồ câu cũng lo ngại việc chuyển dịch mục tiêu chiến tranh.
Điều trái khoáy là Hagel lại làm nổi bật quá mức mối đe dọa từ IS, và trong khi Nhà Trắng đã công khai chủ trương không đưa bộ binh vào trực tiếp chiến đấu ở Iraq, thì đầu tháng 11, Hagel, cùng với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) tướng Martin Dempsey, tuyên bố việc đưa bộ binh vào trực tiếp chiến đấu là một “chọn lựa”. Ngoài ra, trong các lần điều trần trước Quốc hội, Hagel cũng tỏ ra không nắm được chiến lược chống IS, cho rằng Iraq là trọng tâm, Syria là địa bàn thứ yếu, trong khi thực tế Syria mới là địa bàn trọng điểm của IS.
Trong phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng sáng 24/11, ông Hagel cho biết ông vẫn sẽ tiếp tục điều hành công việc hàng ngày tại Lầu Năm Góc cho đến khi người kế nhiệm ông được Quốc hội thông qua. Dù Tổng thống Obama không nêu tên người dự kiến kế nhiệm ông Hagel, nhưng báo chí Mỹ điểm ra một số gương mặt sáng giá có thể thay thế ông. Đó là cựu Thứ trưởng Quốc phòng Michele A. Flournoy, người từng vì nhì trong cuộc đua đề cử chức Bộ trưởng Quốc phòng với ông Hagel đầu năm 2013; Robert Work, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;...
Cho dù ai là người thay thế ông Hagel trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thì người đó cũng phải đối mặt với những thách thức lớn mà ông Hagel đã gặp phải: Tìm cho ra chiến lược đánh bại IS một cách hiệu quả, và có chính sách phù hợp nhất ở Iraq, Afghanistan và Syria.