Bóng ma chiến tranh Iraq đeo bám cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016

Chủ Nhật, 31/05/2015, 16:15
Việc Ramadi - thủ phủ của tỉnh Anbar lớn nhất Iraq - rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không chỉ là một đòn mạnh giáng vào các lực lượng an ninh của Iraq, vốn được huấn luyện để giải phóng các vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng, nó còn bị coi là bước thụt lùi trong chính sách can thiệp ở nước ngoài của Mỹ. Một lần nữa Iraq lại trở thành một chủ đề trong cuộc đua tranh cử ở Mỹ.

Iraq - bước thụt lùi trong chính sách can thiệp ở nước ngoài của Mỹ

 Najib al-Jubouri, một nhà phân tích chính trị của Mỹ đã nhận định: Việc để mất Ramadi vào tay IS là dấu hiệu cho thấy Mỹ không có một chiến lược thích hợp để đánh bại IS tại Iraq, và các cuộc không kích của Mỹ đã không thể ngăn chặn được cuộc tấn công mà IS chuẩn bị công phu nhằm chiếm Ramadi. "Một lần nữa, các lực lượng an ninh của Iraq đã bỏ lại một số lượng lớn các trang thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp, bao gồm các phương tiện bọc thép, pháo, đạn dược và các vũ khí hiện đại khác. Nó giống như những gì đã xảy ra tại Mosul hồi tháng 6/2014".

Tổng thống Obama khẳng định sẽ tiêu diệt khủng bố IS.

Sau nhiều ngày phủ nhận việc để mất thành phố Ramadi vào tay IS, một quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, kể từ sau "thất bại to lớn" hôm 17/5 vừa qua, Mỹ hiện chỉ tập trung vào việc giành lại Ramadi, thậm chí Washington "đang rất thận trọng cân nhắc" chiến lược đối với Iraq.

Việc IS chiếm được Ramadi, thành phố lớn đầu tiên bị rơi vào tay IS kể từ khi Mỹ và các đối tác trong liên minh quốc tế thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào IS hồi tháng 8/2014, là một đòn giáng đau đớn vào cuộc chiến do Mỹ đi đầu nhằm chống lại các tay súng thánh chiến. Nó khiến dư luận quốc tế không khỏi nghi ngờ về chiến lược chiến tranh của Mỹ. Hôm 19-5 vừa qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu với kênh truyền hình MSNBC: "Mỹ thực sự chẳng có một chiến lược nào cả. Về cơ bản, Mỹ chỉ hành động theo từng ngày".

Trên trang mạng của tạp chí Chính sách Đối ngoại, chuyên gia Trung Đông Hassan Hassan cảnh báo việc để mất Ramadi "đánh dấu một giai đoạn mới đầy nguy hiểm của cuộc chiến", và cho rằng nó có thể gây ra "phản ứng dây chuyền trên các chiến trường ở cả Syria và Iraq". Chuyên gia này nhấn mạnh: IS là "một mối đe dọa to lớn và khủng khiếp", đặc biệt khi các tay súng thánh chiến đang nỗ lực sử dụng lợi thế của chúng ở Ramadi để phục vụ mục đích tuyên truyền.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Jubouri cho rằng các tay súng của IS có thể tiến xa hơn và xâm nhập vào thủ đô Baghdad của Iraq cũng như thành phố thiêng của người Shiite là Karbala ở miền Nam, bất chấp thực tế là mục tiêu quan trọng như vậy được coi là những giới hạn đỏ và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hàng nghìn nhân viên an ninh và các lực lượng dân quân hùng mạnh người Shiite.

Ông Jubouri nói: "Các tay súng cực đoan thường thực hiện một chiến dịch tấn công khủng bố nhằm vào mục tiêu đã định sẵn, sau đó chúng thâm nhập vào dân cư và các lực lượng bảo vệ tại đó, dần dần chúng giành quyền kiểm soát một số khu vực và sau đó tiến hành một cuộc tấn công nhằm chiếm nốt phần còn lại của mục tiêu. Đó là những gì đã xảy ra tại Ramadi, Mosul và nhiều thành phố, thị trấn khác trên khắp Iraq".

Đầu tháng này, IS tấn công tỉnh Salahudin và chiếm giữ một số khu vực của nhà máy lọc dầu lớn nhất ở tỉnh Baiji, cũng như 2 giếng dầu khác là Allas và Ajil ở thủ phủ Tikrit.

Mặc dù lực lượng an ninh và lực lượng dân quân người Shiite, được biết đến với tên gọi "Hashd Shaabi", khiến các tay súng của IS khó có thể chiếm thêm đất của Iraq, song việc giành lại quyền kiểm soát các thành phố và thị trấn bị IS chiếm giữ vẫn là một nhiệm vụ khó khăn do các phe phái của Iraq bị chia rẽ sâu sắc, khiến Iraq khó có thể đưa ra những quyết định quan trọng về việc làm cách nào để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Chính quyền Iraq cho tới nay đã không thể ban hành một đạo luật nhằm tập hợp những chiến binh người Sunni để thành lập lực lượng vệ binh quốc gia và từ đó hợp sức với các lực lượng an ninh do người Shiite chiếm đa số. Tuy nhiên, hàng nghìn thành viên của các bộ lạc đã tự thành lập lực lượng riêng để chiến đấu chống lại IS, thế nhưng họ chỉ nhận được sự hỗ trợ rất ít từ chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi.

Giảng viên chính trị Ameri khẳng định: "Với sự sụp đổ của Ramadi và việc Chính phủ Iraq không thể thành lập một lực lượng hợp pháp của người Sunni, chính quyền Mỹ buộc phải chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn, bất chấp thực tế là nhiều người dân của tỉnh Anbar sẽ coi lực lượng dân quân người Shiite đáng sợ chẳng kém gì những tay súng cực đoan người Sunni của IS".

Sai lầm đơn giản và… dễ hiểu!

Những thắng lợi mới đây của IS đã khiến người ta phải đặt dấu hỏi đối với chiến lược Trung Đông của Tổng thống Obama và một lần nữa đưa Iraq trở lại thành một chủ đề trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

12 năm đã trôi qua kể từ khi cựu Tổng thống George W. Bush xúc tiến cuộc chiến tranh Iraq mà không được người dân ủng hộ, và tới nay sức nóng của cuộc chiến này vẫn còn tiếp tục. Trong bối cảnh phiến quân thánh chiến đang kiểm soát được một số thành phố chính ở Iraq, thành viên các đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đang ra sức đổ lỗi cho nhau. Phe Dân chủ cho rằng việc lật đổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein một cách thiếu cân nhắc và thậm chí còn không được kiểm soát chặt chẽ là gốc rễ cho thảm cảnh hiện nay. Còn phe Cộng hòa đập lại rằng chính quyết định mù quáng của Tổng thống Obama (đảng dân chủ) phe Dân chủ về việc giảm bớt lực lượng quân đội Mỹ trong cuộc xung đột mà ông chưa bao giờ ủng hộ đã giúp cho IS sống dậy.

Dưới sức nặng từ các mối quan hệ chính trị và gia đình, ứng cử viên triển vọng của phe Cộng hòa, Jeb Bush cần rất nhiều nỗ lực để trả lời rõ câu hỏi rắc rối rằng liệu ông có lặp lại các hành động của anh trai mình hay không. Còn ứng cử viên chiếm ưu thế của đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng đang ở trong một tình thế đặc biệt tế nhị.

Việc bà đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc chiến Iraq và vai trò của bà, với cương vị Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama, trong việc thúc đẩy chiến lược hiện nay có nghĩa rằng bà đang bị trói buộc với các quyết định không được ủng hộ của cả hai chính quyền Bush và Obama.

Ngày 19/5 vừa qua, tại bang Iowa, bà Hillarry phát biểu: "Tôi đã mắc một sai lầm, một sai lầm đơn giản và dễ hiểu" khi đề cập tới sự ủng hộ một cuộc chiến mà người ta cho rằng đã khiến bà   thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, khi phải nhường vị trí ứng cử viên đảng Dân chủ cho ứng cử viên phản đối chiến tranh Obama. Nhà sử học chính trị Julian Zelizer ở Princenton nhận xét: "Lá phiếu đó đã xưa rồi. Điều quan trọng hơn là bà ấy sẽ xử lý thế nào với những thành tựu của chính quyền Obama".

Và những thành tựu đó cũng đang có vẻ ngày càng lung lay. Một liên minh lâu dài với Israel đang ở bên bờ vực tan vỡ; Iraq, Syria, Libya và Yemen đang nằm trong chảo lửa; và khắp nơi đang gia tăng những căng thẳng giữa người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite, giữa tôn giáo và thế tục, dân chủ và độc tài.

Nhận xét về chính sách Trung Đông hiện nay, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, nói: "Chúng ta chẳng có chiến lược gì cả. Cơ bản là chúng ta thường chọn cách chơi này".

Nhà Trắng đã hy vọng rằng năm 2015 sẽ chứng kiến mọi việc sẽ thay đổi, một thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể giúp làm chậm lại chương trình hạt nhân của Tehran và thậm chí có thể cả khuynh hướng ủng hộ các nhóm gây bất ổn. Thông qua các cuộc không kích hậu thuẫn các tay súng người Kurd ở miền Bắc Iraq và giúp cho các tay súng ở nước này giành lại được chỗ đứng của mình, Nhà Trắng đã hy vọng sẽ giành lại được thành phố Mosul vào cuối năm nay. Một chiến thắng tại "thủ đô" của IS sẽ tạo điều kiện cho một tuyên bố chiến thắng chính đáng và làm lắng xuống những lời chỉ trích nguy hiểm khi năm bầu cử sắp diễn ra.

Lịch sử chính trị nước Mỹ gắn liền với những tổn thất của chiến tranh. Năm 1968, Phó tổng thống Hubert Humphrey do liên quan tới việc sa lầy của Tổng thống Lyndon Johnson trong chiến tranh Việt Nam đã phải ngưng chiến dịch chạy đua tranh cử của mình, giúp cho nhân vật đảng Cộng hòa Richard Nixon bước chân vào Nhà Trắng. 40 năm sau, việc ông John McCain bảo vệ các hành động của Tổng thống Bush ở Iraq đã làm cho cán cân tranh cử nghiêng về ông Barack Obama...

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.