Brazil: Chính sách chống tham nhũng của Tổng thống Dilma Rousseff

Thứ Tư, 30/11/2011, 10:09
Mới chỉ sau 11 tháng lên cầm quyền, nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã cách chức, sa thải tới 5 vị bộ trưởng trong Chính phủ và cả Chánh Văn phòng Tổng thống sau khi báo chí đăng tải những thông tin tố cáo hành vi tham nhũng của họ. Cũng nhờ chính sách kiên quyết chống tham nhũng, uy tín của Tổng thống Rousseff đang ngày một lên cao.

Có lẽ tại bất kỳ một quốc gia nào, những xáo trộn trong giới chức lãnh đạo đất nước như trên hoàn toàn có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Tuy nhiên, tại Brazil, sự thay đổi được nhận thấy rõ nhất lại là chỉ số uy tín của tổng thống đã tăng lên tới mức chưa từng có 70%.

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do cuộc chiến chống tham nhũng đã trở thành một ý tưởng chung được cả nước ủng hộ. Tham gia vào cuộc chiến này không chỉ có các cơ quan hành pháp, báo chí, giáo hội mà là đông đảo người dân. Chiến dịch "trong sạch hóa", hay như tại Brazil vẫn mệnh danh là "dọn dẹp buổi sáng", còn được triển khai rộng khắp nhằm vào cả hàng ngũ các quan chức hạng trung, khiến rất nhiều quan chức tại các cơ quan thị chính phải từ chức hàng loạt.

Bà Rousseff trên thực tế đã "thừa hưởng" một bộ máy lãnh đạo đất nước do chiến hữu, đồng thời là người tiền nhiệm Luiz Inacio Lula da Silva gây dựng nên. Ngay từ khi còn là Chánh Văn phòng Tổng thống, bà cũng phần nào trực tiếp tham gia vào việc hình thành bộ máy mới này. Cho dù vậy, đương kim Tổng thống vẫn kiên quyết "dọn dẹp" bộ máy của chính mình. Khác với người tiềm nhiệm, bà Rousseff đã không bỏ qua bất cứ một thông tin nhạy cảm nào về các quan chức cao cấp nhất được công bố trên báo chí.

Theo số liệu của Tổ chức liên kết Công đoàn lớn nhất đất nước FIESP, Brazil đang là một quốc gia phải đương đầu với nạn tham nhũng khá nghiêm trọng. Chỉ riêng trong năm 2010, tổng số tiền tham nhũng (từ các khoản trích phần trăm, đưa hối lộ, bao che họ hàng thân thuộc cho tới đánh cắp tiền từ ngân sách quốc gia) tại các cơ quan nhà nước của Brazil đã lên tới 69,1 tỉ real (tiền Brazil), tức là gần bằng 2,3% GDP của cả nước. Cần biết là với số tiền khổng lồ trên, chính phủ có thể đầu tư xây dựng được 277 sân bay mới, hay tăng gấp đôi số sinh viên được nhà nước tài trợ học phí tại các trường đại học.

"Nạn nhân" đầu tiên trong cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng thống Rousseff lại chính là Chánh Văn phòng Tổng thống - ông Antonio Pelosi. Ông này đã không thể đưa ra lý giải rõ ràng về số tài sản cá nhân tăng lên rất nhanh chóng chỉ trong có vài năm. Tiếp đó là Bộ trưởng Du lịch được xếp vào loại "không thể đánh chìm" Pedro Novais, người đã có mặt trong Chính phủ liên minh suốt 5 nhiệm kỳ, trong thời gian đó đã kịp tích lũy cho mình một tài sản không nhỏ từ ngân sách quốc gia. 

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

Bộ trưởng Nông nghiệp Wagner Rossi bị buộc tội nhận hối lộ từ các doanh nhân để vận động hành lang cho quyền lợi của họ. Còn Bộ trưởng Giao thông vận tải Alfredo Nascimento lại kiếm thêm bằng cách tổ chức ra một "doanh nghiệp gia đình" tại một cơ quan thuộc bộ để bán các gói thầu xây dựng các tuyến đường sắt làm thiệt hại cho ngân sách quốc gia một số tiền lớn. Quan chức cỡ lớn cuối cùng vừa bị cách chức vào cuối tháng 10 vừa qua là Bộ trưởng Thể thao Orlando Silva, người bị cáo buộc đã dùng tiền ngân sách để chi cho chiến dịch tranh cử của riêng mình và cả của đảng mình. Những vụ từ chức cỡ lớn trên còn có tác động dây chuyền kéo theo hàng loạt sự ra đi của các quan chức cấp thấp.  

Các nhà quan sát ban đầu đã nhắc tới nguy cơ mạo hiểm từ chính sách "dọn dẹp" kiên quyết của bà Rousseff xuất phát từ nhiều nguyên do. Đầu tiên là các quan chức bị sa thải đều thuộc về các đảng phái trong liên minh cầm quyền. Thứ hai, thay vì nhận được sự ủng hộ của người dân, bà Rousseff ngược lại có thể bị "mất điểm", do phe đối lập rất có thể tận dụng những trường hợp này để triển khai chiến dịch vận động với khẩu hiệu chỉ trích nạn tham nhũng trong chính quyền.

Có điều tất cả các đảng phái trong liên minh cầm quyền đều không có phe nào rút lui khỏi chính phủ, cho dù trước đó cũng từng đưa ra lời cảnh báo. Nguyên nhân thật sự là do tất cả đều nhận thấy, toàn bộ người dân, giáo hội và giới thương gia đều hoàn toàn ủng hộ chính sách chống tham nhũng của chính quyền. Mọi người đều đánh giá tổng thống của họ đã thể hiện lòng dũng cảm đặc biệt qua việc đặt quyền lợi của người dân cao hơn quyền lợi của bản thân và liên minh cầm quyền.

Về phần mình, bà Rousseff chỉ giải thích rằng, đấu tranh chống tham nhũng chỉ là một "nguy cơ mạo hiểm nghề nghiệp" đối với mình. Đương kim Tổng thống cũng tỏ ra không đồng ý với từ "dọn dẹp buổi sáng" như báo chí vẫn dùng. "Việc dọn dẹp thường được mọi người tiến hành từ 6 đến 8 giờ sáng - bà Rousseff phát biểu - trong khi hoạt động trên cương vị tổng thống giám sát việc chi tiêu ngân sách quốc gia là việc không bao giờ được gián đoạn".

Chưa thể nói gì nhiều về hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng tại Brazil, nhưng chí ít trong con mắt của người dân, bà Rousseff đã được nhìn nhận như một vị thủ lĩnh công tâm sẵn sàng hành động vì lợi ích của đất nước, vì xã hội chứ không vì liên minh cầm quyền của mình. Bà tỏ ra sẵn sàng đương đầu với cuộc bầu cử năm 2014 sắp tới với những "vụ bê bối cỡ lớn" như trong thời gian vừa qua

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.