Brazil: Cuộc chiến sống còn của bà Dilma

Thứ Tư, 31/08/2016, 17:00
Người “đàn bà thép” của Brazil đã bắt đầu cuộc chiến mới vào sáng 29-8 (giờ địa phương). Đây là cuộc chiến sống còn đối với bà Rousseff, bởi nó quyết định sinh mệnh chính trị của bà, đồng thời còn có thể chặn đứng cái bà gọi là “đảo chính tư pháp” nhằm lật đổ bà.

9 giờ sáng ngày 29-8, bà Rousseff cười tươi vẫy tay chào khoảng 200 người ủng hộ đang tụ tập trước khi bước vào tòa nhà Thượng viện. Bà Rousseff bước vào Thượng viện với tư thế ung dung, bình tĩnh để đối mặt với các nghị sĩ đang “đằng đằng sát khí” chuẩn bị luận tội bà.

Đi bên cạnh là cựu Tổng thống Lula da Silva, được mời đến Thượng viện với tư cách là nhân chứng và người có liên quan. Ông cùng cảnh ngộ với bà Rousseff, cũng đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền do những chương trình an sinh xã hội mà ông triển khai vì lợi ích đa số dân nghèo Brazil nhưng đụng chạm lợi ích của những nhóm người thuộc giới trung lưu và thượng lưu.

Trong bài phát biểu dài 40 phút mở màn cho nỗ lực tự bào chữa tại nghị viện, bà Rousseff khẳng định mình vô tội. Bà gọi tổng thống tạm quyền Michel Temer, người chủ trương luận tội bà, là “kẻ tiếm quyền”, và động cơ luận tội bà là một cuộc “đảo chính tư pháp”, cảnh báo rằng lịch sử sẽ phán xét nghiêm khắc đối với những kẻ âm mưu phế truất một lãnh đạo được dân bầu một cách dân chủ dựa trên những cáo buộc giả dối.

Bà gọi những lời buộc tội nhắm vào bà và phiên luận tội được tổ chức tại thượng viện là những hành động, lời nói vô đạo đức, đi ngược lại với tinh thần dân chủ. Bà cho rằng phiên luận tội bà được tổ chức không chỉ nhằm lật đổ bà bằng con đường tư pháp, mà còn nhằm mục đích quan trọng khác của những kẻ gian trá nhằm chặn đứng và đi đến hủy bỏ cuộc điều tra chống tham nhũng mang tên Lava Jato (Rửa xe).

Cuộc điều tra đã khiến cho hàng chục chính khách, bao gồm quan chức chính phủ và nghị sĩ đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm, trong đó có những người thuộc chính phủ do bà lãnh đạo, và có cả những người thuộc thành phần chủ trương luận tội bà, như cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha.

Cuộc luận tội bà Rousseff là một trong những sự kiện hiếm hoi xảy ra trên chính trường Brazil. Trước bà, Tổng thống Fernando Collor de Mello cũng từng bị luận tội vào năm 1992, và ông De Mello đã chọn phương án từ chức để tránh phiên bỏ phiếu luận tội cuối cùng. Nhưng bà Rousseff thì khác. Bà không chọn phương án như ông De Mello.

Ngày 28-8, phát biểu trước báo giới trước khi bước vào phiên luận tội, bà đã khẳng định sẽ chiến đấu đến giây cuối cùng của phiên luận tội ở Thượng viện. Báo chí đánh giá lời khẳng định đầy quyết tâm của bà Rousseff thể hiện bản chất của một người cánh tả theo chủ nghĩa Marxist, đó là không chùn bước trước khó khăn.

Rousseff tuyên bố trước báo chí rằng, thời kỳ độc tài quân phiệt thống trị Brazil, bà đã từng bị tù tội, bị tra tấn dã man, nhưng ý chí kiên cường của người chiến sĩ cánh tả Marxist trong bà đã không cho phép bà lùi bước. Bây giờ, trước cáo buộc “lạm quyền” do thành phần chống đối bà đưa ra để luận tội mà mục đích cuối cùng là phế truất bà khỏi cương vị Tổng thống Brazil, bà nhất quyết không chịu lùi bước.

Rousseff đã thề quyết tâm bảo vệ đến cùng lẽ phải và chân lý đúng đắn, đẩy lùi tham nhũng và bè phái chính trị vì lợi ích của một nhóm cá nhân. Nhưng xem ra, cuộc chiến mà bà tiến hành đang hết sức khó khăn, là một cuộc chiến không cân sức, trong đó phần thắng của bà hết sức mong manh.

Bà Dilma Rousseff.

Tiến trình luận tội bà Rousseff bắt đầu từ tháng 5-2016, bà Rousseff bị tạm ngưng chức sau khi Thượng viện bỏ phiếu với 55/21 phiếu đồng ý luận tội bà. Ngày 10-8, Thượng viện tiếp tục bỏ phiếu thông qua nghị quyết tổ chức phiên luận tội bà. Theo quy định của Hiến pháp Brazil, phải cần đến 54 trên tổng số 81 thượng nghị sĩ, và quyết định theo đa số phiếu.

Theo dự kiến, cuộc bỏ phiếu cuối cùng để quyết định phế truất bà Roussef hay không sẽ diễn ra trong ngày 30-8 hoặc có thể kéo dài sang ngày 31-8. Đây sẽ là thời điểm căng thẳng cả trong nghị trường lẫn bên ngoài đường phố. Cuộc luận tội bà Rousseff vốn đã là một sự kiện gây tranh cãi không chỉ trong chính trường và xã hội Brazil.

Ngày 29-8, khi phiên luận tội bà bắt đầu khai diễn, hàng trăm người đã biểu tình để ủng hộ bà; cách đó không xa, hàng trăm người khác cũng biểu tình giương biểu ngữ “Fora Dilma” (Dilma hãy ra đi). Nếu bà Rousseff bị phế truất trong phiên bỏ phiếu cuối cùng, thì đây sẽ là một bước lùi lớn của nền dân chủ trên thế giới, là sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản thực dụng, của thủ đoạn chính trị gian trá trước đạo đức xã hội, dân chủ, sự trung thực và lương tri chân chính.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.