Brexit: Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố không từ chức

Thứ Năm, 03/10/2019, 16:45
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ không từ chức để tránh phải tuyên bố trì hoãn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, dự kiến vào ngày 31-10 tới. Trong bối cảnh đảng Bảo thủ cầm quyền và đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ông khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện công việc với niềm tin đó là trách nhiệm.

Tuy nhiên, cho đến nay một giải pháp để phá vỡ tình thế bế tắc Brexit dường như vẫn chưa tìm ra, khi yêu cầu của ông Johnson về việc từ bỏ chính sách bảo hiểm cho biên giới Ireland vẫn không được chấp nhận.

Việc Quốc hội Anh thông qua luật yêu cầu chính phủ xin gia hạn Brexit nếu không đạt thỏa thuận với EU đang là thách thức rất lớn với mục tiêu của vị lãnh đạo luôn ủng hộ Anh rời EU. Liên tiếp gặp thất bại trong các bước đi nhằm thúc đẩy Brexit, Thủ tướng Johnson được cho là đang ở tình thế khó khăn, trong đó có nguy cơ phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm nếu quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ do ông thành lập.

Hiện Quốc hội Anh đã ra luật - mang tên nghị sĩ Hilary Benn của Công đảng, gọi là "Đạo luật Benn" - buộc Thủ tướng Boris Johnson phải đạt thỏa thuận Brexit với EU trước 19-10. Nếu không, ông Johnson sẽ phải xin EU cho gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020. Điều mà các nhà bình luận không thể dự báo được là bản thân ông Johnson cho đến ngày 27-9 vẫn cương quyết nói Anh chia tay EU vào ngày 31-10 tới.

Rất có thể một thỏa thuận Brexit mới của Anh sẽ được đưa ra sớm nhất vào tuần tới. để kịp thời gian cho các chính phủ EU khác xem xét trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 17 và 18-10. Kế hoạch này sẽ đưa ra những giải pháp về vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland hậu Brexit, vốn là tranh cãi gây cản trở các cuộc đàm phán "li dị" suốt 2 năm qua.

Một người phản đối Brexit vẫy cờ EU bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh.

Gần đây nhất, ngày 26-9, Hạ viện Anh họp lại sau phán quyết của Tòa án Tối cao Anh cho rằng quyết định đình chỉ Quốc hội của Thủ tướng Boris Johnson là vi hiến, một tuyên bố có thể khiến chính phủ của ông Johnson sụp đổ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây chỉ là một trong những diễn biến quan trọng có thể đẩy nước Anh vào tình trạng bất ổn trong những ngày tới với một loạt hậu quả chính trị. Giữa vô số những điều không thể dự đoán, 4 kịch bản có thể được đưa ra cho tương lai nước Anh.

Kịch bản thứ nhất có thể là sự kết hợp của một Brexit không thỏa thuận và chính quyền tiếp tục do đảng Bảo thủ lãnh đạo, mặc dù không nhất thiết nằm dưới sự cầm quyền của Thủ tướng Johnson. Trong khi ông Johnson nhấn mạnh rằng Anh phải rời EU vào ngày 31-10, rất có khả năng kết quả Brexit không thỏa thuận diễn ra muộn hơn thời hạn này.

Lý do Anh có thể trì hoãn rời EU sau tháng 10 một phần là do Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Benn" - buộc Thủ tướng Boris Johnson phải đạt thỏa thuận Brexit với EU trước 19-10. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa nước Anh rời EU vào ngày 31-10, nhiều khả năng ông Johnson sẽ lựa chọn từ chức sau chưa đầy 100 ngày cầm quyền thay vì chịu sức ép yêu cầu EU tiếp tục gia hạn.

Trong trường hợp được gia hạn, ông Johnson hay nhà lãnh đạo nào đó của đảng Bảo thủ có thể tiếp tục các nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận ra đi sửa đổi mà có thể được Quốc hội thông qua. Nếu không có sự đột phá nào như vậy diễn ra trong năm 2020 thì Brexit “không thỏa thuận” có thể là lựa chọn mặc định đối với EU khi một hoặc cả hai bên kết luận rằng các cuộc đàm phán đã ở mức giới hạn cuối cùng. Lập trường của EU gồm 27 nước thành viên đã trở nên cứng rắn hơn.

Kịch bản thứ hai có thể là sự ra đi không thỏa thuận dưới chính quyền không thuộc đảng Bảo thủ - có khả năng nhất là Công đảng hoặc có thể là chính phủ đoàn kết dân tộc lâm thời. Do các đảng đối lập phản đối mạnh mẽ Brexit “không thỏa thuận”, nên kịch bản này ít có khả năng xảy ra hơn so với kịch bản một, tuy nhiên nó vẫn có thể diễn ra nếu quan hệ giữa Anh với EU tan vỡ.

Dù có hay không một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019, lý do giải thích tại sao đảng Bảo thủ có thể mất quyền điều hành trong những tuần tới là do ông Johnson không có được sự ủng hộ đa số trong Quốc hội. Nếu ông từ chức trước hoặc sau ngày 31-10, hay thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, một chính quyền không thuộc đảng Bảo thủ có thể được thành lập và ngay sau đó có thể diễn ra một cuộc tổng tuyển cử nếu Brexit được gia hạn đến năm 2020.

Kịch bản thứ ba là chính quyền do đảng Bảo thủ nắm quyền nhưng lần này đưa ra một Brexit “có thỏa thuận” hoặc cuộc trưng cầu dân ý thứ hai. Về bề ngoài, kịch bản này có vẻ hợp lý hơn so với kịch bản 2 bởi các chính trị gia đối lập từ các đảng lớn nhất (Công đảng, đảng Dân tộc Scotland và đảng Dân chủ Tự do) ủng hộ hoặc một sự ra đi nhẹ nhàng hơn - chẳng hạn thông qua “mô hình Na Uy”, có nghĩa là Anh vẫn giữ quyền tiếp cận đầy đủ thị trường chung - hoặc vẫn ở lại EU.

Kịch bản này có thể diễn ra không chỉ thông qua việc ông Johnson từ chức hoặc thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà còn thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Với kịch bản này, điều có khả năng nhất là Anh vẫn ở lại EU, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý lần hai hoặc có khả năng hủy bỏ cái gọi là Điều khoản 50. Công đảng - đảng đối lập lớn nhất - có khả năng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần hai theo hướng này và nếu họ nắm quyền và có được sự ủng hộ của các đảng đối lập khác, trong đó có đảng Dân chủ Tự do, thì kịch bản này có khả năng được hiện thực hóa.

Kịch bản thứ tư là sự kết hợp của chính quyền đảng Bảo thủ và thỏa thuận rút khỏi EU được sửa đổi. Dư luận cho rằng kịch bản này là không khả thi nhưng cũng không thể loại bỏ hoàn toàn. Vấn đề then chốt trong tương lai là thủ tướng, dù là ông Johnson hay người kế nhiệm, có thể sửa đổi thỏa thuận bị chỉ trích rộng rãi của cựu Thủ tướng Theresa May để được Quốc hội thông qua. Nếu được như vậy thì giai đoạn đầu của Brexit có thể hoàn thành và Anh bắt đầu thời kỳ quá độ ít nhất 1 đến 2 năm.

Theo kịch bản này, một cuộc tổng tuyển cử có khả năng sẽ sớm diễn ra.

Giới phân tích cho rằng quyết định của Tòa án Tối cao Anh hôm 24-9 đã “tiêm thêm liều thuốc bất ổn” vào chính trường Anh, vốn đang rất khủng hoảng và một loạt hậu quả mới liên quan đến việc quản lý đất nước trong tương lai đang là nguy cơ tiềm ẩn.

Quang Nguyễn
.
.