Brexit và ván cờ của ông Boris Johnson
Hành động của Thủ tướng Anh cho thấy quan hệ giữa nội các của ông với Quốc hội đang xấu đi chưa từng thấy và đây cũng là một ván cược lớn của ông Johnson cùng đảng Bảo thủ trong kế hoạch rời bỏ không gian kinh tế-chính trị của Lục địa già vốn đã gây tranh cãi nhiều tháng qua.
Mặt khác, sự leo thang sức ép của nội các ông Johnson cũng cho thấy khả năng chính trường nước Anh sẽ phải chứng kiến một cuộc rối loạn mới, với kịch bản tổng tuyển cử lần thứ 3 trong 5 năm.
Trước đó, hôm 28-8, chính trường Anh đã rúng động sau tin nội các của Thủ tướng Boris Johnson đã đề nghị Nữ hoàng Elizabeth II tạm ngưng hoạt động của Quốc hội Anh trong tháng 9-2019. Như vậy là chỉ vài ngày sau khi các nghị sĩ trở lại làm việc trong tháng 9 và vài tuần trước khi đến hạn chót của Brexit, Quốc hội Anh sẽ tạm ngưng hoạt động.
Theo lịch hằng năm thì kỳ họp của Quốc hội bắt đầu từ ngày 10-9, nay sẽ bị lùi xuống ngày 14-10. Như vậy, Hạ viện Anh đứng trước nguy cơ không thể ra luật cản trở tiến trình Brexit đưa Anh ra khỏi EU đúng hạn. Động thái này của ông Johnson đã kích động sự giận dữ trong toàn bộ chính giới Anh, không chỉ những thành phần thân châu Âu, phản đối Brexit không thỏa thuận mà cả nhiều nhân vật trong chính đảng Bảo thủ của ông. Thủ lĩnh Công đảng đối lập, Jeremy Corbyn thậm chí tuyên bố ông sẽ thảo luận về một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của ông Johnson.
Ván cược mạo hiểm
Thủ tướng Boris Johnson đã nhấn mạnh rằng đây chỉ là một thủ tục bình thường, với mục đích hoàn toàn chỉ để cho chính phủ của ông có thêm thời gian chuẩn bị cho một chương trình nghị sự trong nước mới chứ không phải để thúc đẩy các kế hoạch Brexit của ông vượt qua một quốc hội với phần đông phản đối viễn cảnh của một Brexit không thỏa thuận đầy rủi ro.
Động thái của ông Johnson diễn ra chỉ 1 ngày sau khi các đảng đối lập tuyên bố hợp tác tìm cách thay đổi hiến pháp để cản trở Brexit không thỏa thuận. Hàng nghìn người biểu tình đã đổ xuống đường phố tại London, Manchester, Edinburgh và nhiều thành phố khác, trong khi một thỉnh nguyện thư trên mạng phản đối quyết định này đã thu thập được hơn 1,3 triệu chữ ký chỉ trong vài giờ vào tối 28-8.
Trong cuộc tuần hành lớn nhất, đám đông đã tập trung gần tòa nhà quốc hội ở London và hô vang khẩu hiệu “chấm dứt hành động này” và phất những lá cờ EU. Thực ra, giới phân tích đã nhìn nhận rằng đây là một ván cược đã được tính toán của ông Johnson, vị thủ tướng được lựa chọn vào nhiệm sở chỉ với sự ủng hộ của 160.000 thành viên trong chính đảng ông sau một cuộc khủng hoảng vị trí lãnh đạo xuất phát từ những chia rẽ nội bộ xung quanh vấn đề Brexit.
Khi nhậm chức tháng 7-2019, tân Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ đưa "xứ sở sương mù" ra khỏi EU trong mọi hoàn cảnh vào thời hạn chót 31-10 nhằm tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân với kết quả 52% số người ủng hộ ra đi hồi năm 2016. Ông Johnson giờ đây phải chịu sức ép để hoàn thành cam kết đó.
Một phiên họp Quốc hội Anh. |
Rạn nứt
Sự phản đối chính trị đối với động thái của ông Johnson đã gia tăng đến mức nghiêm trọng.
Quyết định “treo” Quốc hội của chính phủ đã vấp phải sự phản đối của cả một số nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền. Cựu Thủ tướng Phillip Hammond, một nhân vật tên tuổi của đảng Bảo thủ viết trên Twitter: “Việc Quốc hội bị ngăn cản không được yêu cầu chính phủ giải trình vào một thời điểm khủng hoảng quốc gia như thế này là một sự vi phạm hiến pháp!”.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Dominic Grieve phát biểu với BBC: “Đây là một nỗ lực nhằm điều hành đất nước mà không có quốc hội”. Ông nhấn mạnh động thái này là “chưa từng có tiền lệ” và rằng ông Johnson có thể sẽ phải “hối tiếc về điều đó”. Ông Grieve còn đe dọa rằng ông cùng một số thành phần “nổi dậy” khác của đảng Bảo thủ trong Quốc hội, những người muốn ngăn cản Brexit không thỏa thuận, sẽ ủng hộ một cuộc vận động bất tín nhiệm để lật đổ ông Johnson.
Ở phe đối lập, hôm 27-8, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã tổ chức cuộc họp giữa các đảng đối lập Anh nhằm tìm giải pháp ngăn chặn khả năng nước này rời châu Âu mà không đạt được thỏa thuận vào ngày 31-10. Sau nhiều tuần không tìm được tiếng nói chung, có vẻ như cuộc họp giữa Công đảng, đảng Dân chủ Tự do, đảng Xanh, các đảng độc lập của Scotland và xứ Wales đã diễn ra một cách hiệu quả.
Sau cuộc họp, các đảng đối lập cho biết sẽ hợp tác nhằm thông qua điều luật bắt Thủ tướng Anh Boris Johnson phải yêu cầu đẩy lùi hạn chót Brexit, tương tự như đối với người tiền nhiệm là bà Theresa May hồi đầu năm. Có 2 giải pháp được đưa ra thảo luận: Thứ nhất, nghị viện thông qua một đạo luật bắt buộc Thủ tướng Anh phải xin gia hạn Brexit, có nghĩa là trì hoãn việc Anh rút khỏi EU; thứ hai là khởi động thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, trong trường hợp đó thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn có thể sẽ trở thành quyền Thủ tướng Anh.
Hiện hơn 70 nghị sĩ quốc hội đã xúc tiến một nỗ lực pháp lý nhanh chóng tại Tòa án Tối cao Scotland nhằm ngăn cản ông Johnson treo Quốc hội. Về phần mình, bà Nicola Sturgeon - lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) - đề nghị các đảng đối lập họp ngay trong tuần tới để đề ra kế hoạch ngăn chặn bước đi của ông Johnson.
Thủ tướng Johnson và những thành phần cứng rắn có cùng chủ trương về Brexit trong Quốc hội đã nhấn mạnh rằng sự tạm ngừng hoạt động này không liên quan gì đến việc Anh ra khỏi EU, đồng thời nói rằng đây chỉ là một hoạt động bình thường. Thực vậy, Quốc hội vẫn luôn bị đình chỉ trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần, trước khi nữ hoàng đọc bài diễn văn chính thức đề ra chương trình nghị sự của chính phủ.
Ông Johnson dự kiến bài phát biểu này sẽ diễn ra vào ngày 14-10, song sự “tạm ngưng” hoạt động của cơ quan lập pháp mà ông sắp xếp trước ngày đó lại kéo dài bất thường và nó diễn ra trong bối cảnh Anh đang bế tắc trong cuộc khủng hoảng.