Bức tranh tương lai EU: Đoàn tàu còn lâu mới chạy về đích

Thứ Sáu, 06/10/2017, 10:50
2 ngày sau cuộc bầu cử lịch sử ở Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu gây ấn tượng, trong đó ông phác họa bức tranh tương lai cho Liên minh châu Âu (EU) thời kỳ hậu Brexit với liên minh CDU/CSU và bà Angela Merkel tiếp tục cầm quyền ở Đức.

Câu chuyện bây giờ không còn dễ dàng như trước, bởi ở Đức hiện đã có đảng cực hữu AfD trong Quốc hội, sẽ là một tiếng nói đáng ngại đối với bất kỳ chính sách nào đụng chạm đến quyền lợi dân tộc Đức.

Đường chân trời... xa lắc

Trong bài phát biểu dài gần 2 giờ tại Đại học Sorbonne hôm 26-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mô tả châu Âu hiện nay đang cần một cuộc “khởi động lại”. Macron nói, châu Âu cần sự hợp tác sâu hơn, chặt chẽ hơn nữa trong các vấn đề hệ trọng của châu lục, như người tị nạn, bảo vệ biên giới, thuế doanh nghiệp, chia sẻ tình báo (chống khủng bố) và ổn định tài chính.

“Con đường duy nhất để bảo đảm tương lai của chúng ta là xây dựng lại một châu Âu có chủ quyền, thống nhất và dân chủ” - Macron nhấn mạnh. Ông cho rằng, từ năm 2020, châu Âu phải có “một lực lượng can thiệp chung, một ngân sách quốc phòng chung, và một học thuyết hành động chung”.

Trong quá trình vận động tranh cử, Macron đã đưa việc cải cách châu Âu thành chủ đề trọng tâm của chiến dịch, và ông đã cùng bà Merkel thường xuyên nói chuyện về ước muốn chung của Pháp và Đức là dẫn đầu tiến trình thống nhất, hòa nhập EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Bà Merkel vốn ưa thích duy trì vai trò như bấy lâu nay của nước Đức, với sự hợp tác của các nước đầu tàu trong khối là Pháp và Anh. Mô hình này đã có từ 60 năm qua. Nhưng hiện nay, thời thế đã đổi khác, nước Anh không còn trong khối để đóng vai trò “xây dựng sự đồng thuận chung và triển khai thực hiện các ý tưởng”.

Mặt khác, bản thân bà Merkel cũng đang phải đối mặt với việc đảng cực hữu dân túy AfD giành được trên dưới 90 ghế trong Quốc hội Đức, trở thành một tiếng nói có trọng lượng trong nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề cải cách EU, tiến tới hòa nhập sâu hơn, và điều này chắc chắn sẽ đụng chạm đến mục tiêu, chủ trương, đường lối của AfD, khó nhận được sự đồng thuận từ đảng này.

Khi Macron đặt vấn đề tại một hội nghị cấp cao EU hôm 29-9, nhìn chung các lãnh đạo trong EU đều nhận thức được nhu cầu đưa EU tiến lên phía trước bằng những bước nhảy vọt chứ không chỉ là “đi”. Nhưng tham vọng, dù chân thành của Tổng thống Macron, đang vấp phải một thực tế gay gắt, có nguy cơ “chẳng ai thèm nghe anh nói”. Đó là vì châu Âu hiện tại đang đối mặt nhiều vấn đề nan giải, như căng thẳng giữa Đông và Tây, cuộc vật lộn để vực dậy nền kinh tế chung sau gần một thập kỷ khủng hoảng tài chính.

Trong bối cảnh nhiều rủi ro như thế, nhiều lãnh đạo ở châu Âu đang e ngại tham gia vào các dự án mới với nhiều tham vọng, vì vẫn còn đắn đo trước ý kiến chung của công chúng liệu có chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát đất nước mình hay không. Bên cạnh đó, sức mạnh của thái độ chống EU đã được thể hiện rõ nhất qua cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đưa nước Anh ra khỏi EU (Brexit).

Sáng kiến “tầm nhìn tương lai châu Âu” của Macron đã nhận sự ủng hộ nhiệt tình của bà Merkel, nhất là kế hoạch cải cách EU hậu Brexit dựa trên cơ sở sự hợp tác chặt chẽ giữa Pháp - Đức. Bởi lẽ, trong sáng kiến của Macron, nước Đức vẫn đứng ở trung tâm, là đầu tàu, động cơ phát triển của cả châu lục.

Nhưng ngoài bà Merkel, hầu hết các lãnh đạo khác của EU đều tỏ ra không nhiệt tình hưởng ứng. Chủ tịch EU Donald Tusk đưa ra cái nhìn thận trọng trong việc áp dụng các sáng kiến cải cách EU. Ông cho rằng, cần áp dụng giải pháp thực hiện từng bước để giải quyết các vấn đề thực sự của EU hơn là chạy theo những mục tiêu quá cao và xa vời.

Các lãnh đạo khác thì hoài nghi tính khả thi của kế hoạch cải cách của Macron. Thủ tướng Lithuania Dalia Grybauskatie đã viết trên Twitter: “Chân trời mới của châu Âu đã được vẽ ra. Điều quan trọng là phải tránh cái bẫy ảo tưởng”. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với phóng viên báo chí rằng điều trước tiên là các nước cần cải cách nền kinh tế của chính mình. “Chúng ta đang nói đến cái đích cuối cùng nhưng không làm rõ được là chúng ta đạt đến nó bằng cách nào”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda: Một châu Âu “đa tốc độ” có thể gây hiệu ứng “Brexit nhiều hơn”.

Ngay chính bà Merkel, người lên tiếng hoan nghênh nhiệt liệt sáng kiến cải cách của ông Macron, cũng không vội vàng chấp nhận ngay tất cả các đề xuất cải sách mà Tổng thống Pháp đưa ra. Bà lưu ý những sự khác biệt về quan điểm của các đảng phái chính trị ở Đức trong một số vấn đề. Trong đó, một số đối tác liên minh mà bà sẽ cần đến trong vài tháng tới như đảng Xanh (Greens) và Dân chủ Tự do (FDP) sẽ không đồng tình một số đề xuất của Macron.

Chẳng hạn, đảng FDP đã lên tiếng phải đối đề xuất lập một quỹ tiền tệ chung cho EU với tên gọi là Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) trên cơ sở chuyển đổi Quỹ cứu nợ khẩn cấp (ESM) được hình thành trong quá trình giải quyết khủng hoảng nợ công Hy Lạp. Alexander Lambsdorff, nghị sĩ châu Âu thuộc đảng FDP lập luận rằng, châu Âu không hề mạnh lên bằng việc hình thành những “hũ tiền” mới.

Vả lại, việc thành lập một quỹ tiền tệ như ông Macron đề xuất có nguy cơ tạo ra sự không công bằng, đem tiền của nước giàu có hơn “bù đắp” cho những nước nghèo hơn.

Một vài đầu tàu mạnh có kéo nổi cả đoàn tàu?

Bài phát biểu của Tổng thống Pháp tại Đại học Sorbonne là một sự lặp lại bài phát biểu cũng của chính ông trình bày vào đầu tháng 9. Đại thể nội dung nhấn mạnh đến việc một số quốc gia “đầu tàu châu Âu” sẽ dẫn dắt tiến trình hội nhập sâu rộng tại EU, đồng thời đề xuất các kế hoạch bao gồm việc hình thành một ngân sách chung cho khu vực Eurozone đặt dưới sự giám sát của một bộ trưởng tài chính và nghị viện mới của châu Âu, sau khi tiến hành thay đổi cơ cấu quy mô lớn.

Sáng kiến của Tổng thống Emmanuel Macron khi ấy nhận được sự ủng hộ từ phía bà Angela Merkel vì bằng “bầu sữa chung”, lãnh đạo EU có thể viện trợ các nước thành viên gặp khó khăn trong thực hiện cải cách kinh tế. Thủ tướng Angela Merkel cho rằng, “một châu Âu với các tốc độ phát triển khác nhau là điều cần thiết, nếu không chúng ta (EU) sẽ chết”.

Nếu chỉ có như vậy mà gọi các đề xuất của Tổng thống Macron là những sáng kiến “có tính đột phá” thì không phải, vì vào đầu tháng 3-2017, Ủy ban châu Âu đã công bố cuốn Sách Trắng với mục tiêu tìm ra hướng đi chung cho khối 27 nước, do Chủ tịch Ủy ban Jean-Claude Juncker phụ trách, đưa ra 5 kịch bản tương lai của châu Âu ở ngưỡng cửa 2025.

Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục lãnh đạo nước Đức nhiệm kỳ thứ tư, nhưng lực đã yếu đi phần nào so với trước.

Trong đó, kịch bản thứ ba được gọi là “dành cho những ai muốn đi xa hơn”, hay nói cách khác là “châu Âu đa tốc độ”. Tức là khối 27 nước sẽ vẫn tiếp tục tồn tại như hiện nay, nhưng mở ra khả năng cho những thành viên nào có mong muốn phối hợp nhiều hơn trong một lĩnh vực như quân sự, an ninh nội địa hay các vấn đề xã hội.

Cụ thể là các nước có thể lập một lực lượng cảnh sát hay công tố chung để điều tra về các tội phạm hình sự xuyên biên giới, các cơ sở dữ liệu về an ninh được kết nối cho phép thông tin được trao đổi mau chóng. Hay phương tiện giao thông công cộng kết nối mạng được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia thành viên sẽ đi đến các thỏa thuận về pháp lý và kỹ thuật.

Khái niệm về một “châu Âu đa tốc độ” thật ra đã được cựu Thủ tướng Đức Willy Brandt đề cập lần đầu tiên vào năm 1974, 1 năm sau khi Anh gia nhập EU. Kiểu phác họa này đã phản ánh đúng phần nào thực trạng của EU lúc đó. Với các chính sách về đồng euro, khu vực đường biên tự do đi lại, các vấn đề nội khối, bản quyền và những nguyên tắc tài khóa...

EU đã hình thành liên minh mềm dẻo giữa các quốc gia theo đuổi mục tiêu hội nhập ở các tốc độ khác nhau. Sự ra đời của không gian tự do đi lại Schengen và Khu vực đồng tiền chung châu Âu cho thấy rõ nhất mô hình một châu Âu “đa tốc độ” đã sớm được thực hiện.

Thế nhưng kịch bản thứ ba về “châu Âu đa tốc độ” hiện nay lại trở thành tâm điểm của mâu thuẫn nội khối. Ngay trong tiến trình chuẩn bị bản tuyên bố Roma hồi đầu tháng 3-2017, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã biểu tỏ thái độ bất mãn vì Slovakia cùng các quốc gia trong nhóm 4 nước Đông Âu Hungary, Séc, Ba Lan, Slovakia lo ngại sẽ là “những toa tàu cuối” không chóng thì chầy sẽ bị “đầu tàu” bỏ xa và rồi sẽ tách khỏi đoàn tàu.

Một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu thúc đẩy ý tưởng châu Âu “đa tốc độ” để đối phó với tình trạng trì trệ hiện nay ở cựu lục địa, cũng như những hệ lụy từ Brexit.

Tại Diễn đàn kinh tế khu vực, vốn được xem là “Diễn đàn Davos phía Đông” diễn ra tại Krynica (Ba Lan), Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong bài phát biểu hôm 5-9 đã cảnh báo: Một châu Âu “đa tốc độ” có thể gây hiệu ứng “Brexit nhiều hơn” và gây sụp đổ EU. Ba Lan cùng một số nước thành viên Đông Âu như Séc, hiện chưa gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đã quan ngại rằng, 19 quốc gia thuộc Eurozone có thể hội nhập một cách nhanh chóng, sâu rộng và bỏ họ lại phía sau.

Tổng thống Andrzej Duda cũng cho rằng, EU sẽ mất đi tính công bằng khi một số quốc gia có “tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn và có khả năng đưa ra những quyết định quan trọng lớn hơn” lại có thể đưa ra những quyết định về chính sách phát triển của các quốc gia khác.

Theo các nhà quan sát, trên thực tế, dù ủng hộ “châu Âu đa tốc độ” hay không, thì EU hiện nay trong một số lĩnh vực, đã vận hành theo nhóm. Ngay từ ngày 9-3, các lãnh đạo châu Âu có kế hoạch triển khai lập ra một cơ quan công tố châu Âu phụ trách chống tham nhũng (tại các quỹ châu Âu).

Tờ Il Giornale của Italy cho rằng, nguyên tắc phát triển “đa tốc độ” của châu Âu - qua đó phân biệt mức độ hội nhập của từng nước thành viên khác nhau, sẽ không giúp khu vực này thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện tại.

“Động thái này không khác gì đưa thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Châu Âu phải thay đổi từ cái cốt lõi, phải cần một hệ thống quy tắc hoàn toàn mới. Với việc phân biệt mức độ hội nhập của các thành viên, họ sẽ chỉ tiếp tục chia rẽ nhau thay vì cùng nhau đi về phía trước”.

Giờ đây, một nước Đức - đầu tàu “hướng nội” nhiều hơn sau cuộc bầu cử quốc hội cuối tháng 9 vừa qua sẽ tạo ra rủi ro mới cho châu Âu. Điều này cũng có nghĩa là bức tranh “tầm nhìn tương lai châu Âu” của Tổng thống Macron cũng sẽ “ít tươi sáng” hơn vì đoàn tàu còn lâu mới chạy về đến đích.

An Châu - Hiếu Thảo (tổng hợp)
.
.