Bulgaria: Đứng ngoài “dòng chảy” vẫn trôi vào bế tắc

Thứ Năm, 18/12/2014, 14:35
Trong tuyên bố của Tổng thống Nga V. Putin phát đi từ thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến dư luận sững sờ về quyết định hủy dự án xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Nam” cung cấp khí đốt cho một số nước châu Âu, có một chủ thể được nhấn mạnh là nguyên nhân chính - Bulgaria.

Theo lời ông Putin, Bulgaria "đang hành xử như một quốc gia lệ thuộc vào thế lực bên ngoài" khi quyết định không cấp phép cho dự án “Dòng chảy phương Nam” đi qua lãnh thổ nước này, trong khi từ dự án này, Bulgaria đáng ra đã có thể nhận được khoảng 400 triệu euro mỗi năm thông qua việc trung chuyển khí đốt cho Nga. Việc để cho EU chi phối ngay cả trong dự án hợp tác với đối tác truyền thống có thể sẽ khiến chính quyền Sofia sẽ đi vào ngõ cụt.

Chính sách "Giữa đôi dòng nước"

Nhằm mục đích đa dạng hóa các tuyến đường xuất khẩu khí đốt từ Nga đến các khu vực Trung và Nam Âu, Nga đã bắt tay xúc tiến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” đi qua Biển Đen từ năm 2012. Hệ thống đường ống dẫn này sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu mà không cần phụ thuộc vào vai trò trung chuyển của nước láng giềng Ukraina đang chìm sâu nào khủng hoảng. Dự án này có thể sẽ giúp tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu thêm 25%.
Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev.

Hệ thống đường ống “Dòng chảy phương Nam” dự kiến gồm 2 nhánh: Nhánh thứ nhất sẽ đi qua Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovania, Áo, Italia và Croatia; Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ ở nhánh thứ hai. Dự án này sẽ giúp Moskva giảm sự phụ thuộc vào nước trung chuyển khí đốt là Ukraina, nước từng có tranh chấp với Nga qua các năm 2006, 2009 và những thương lượng căng thẳng mới đây làm gián đoạn việc cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu.

Tuy nhiên, dự án trị giá khoảng 40 tỉ USD đã vấp phải một loạt khó khăn. Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU), đã ra lệnh đình chỉ việc xây dựng đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Nam” vì lo ngại dự án này sẽ tạo cho Nga vừa có vai trò là nhà cung cấp khí đốt vừa là chủ của hệ thống đường ống dẫn khí đốt. Cuộc khủng hoảng Ukraina đã biến cuộc tranh cãi về vấn đề pháp lý đối với dự án “Dòng chảy phương Nam” thành một vấn đề chính trị và điều đó tác động việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao sao cho EU luôn giữ thế "trên kèo". Thế là Ủy ban châu Âu đã gây sức ép buộc các nước thành viên phải rút khỏi dự án “Dòng chảy phương Nam” của Nga.

Áo, Hungary và Serbia - hai nước đầu tiên là thành viên của EU và nước thứ ba đang là ứng cử viên gia nhập liên minh, cách đây không lâu đã thẳng thừng tuyên bố, họ quyết tâm xây dựng những đoạn đường ống khí đốt cho "Dòng chảy phương Nam" đi qua nước họ bất chấp sự phản đối của EU cũng như Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Bulgaria lại tuyên bố sẽ phải chờ sự cho phép của Brussels.

Đó là vào tháng 6, Bulgaria đã phải đình hoãn việc xây dựng tuyến đường ống qua lãnh thổ nước mình theo yêu cầu của EC vì EC cho rằng dự án này vi phạm luật cạnh tranh và chính sách đa phương hóa nguồn cung năng lượng nhằm giảm dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt từ Nga. Nên nhớ rằng, khu vực Trung và Nam Âu vốn phụ thuộc tới 1/3 nhu cầu khí đốt từ Nga. Ngoài mặt thì có vẻ "mạnh mồm" nhưng lợi ích kinh tế khiến Bulgaria cũng phải nao núng.

Dự án này ngoài việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ổn định cho nhiều nước châu Âu, còn giúp các nước ở dọc tuyến đường ống dẫn khí có được những khoản tiền phí trung chuyển lớn và công ăn việc làm cho người dân. Riêng đối với Bulgaria, việc hủy bỏ dự án này có thể khiến Bulgaria mất đi nhiều lợi ích, trong đó, riêng nguồn thu ngân sách từ phí trung chuyển khí đốt sẽ đem lại cho Sofia 400 triệu euro/năm.

Thế nên sau tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Nga, Tổng thống Bulgaria Plevneliev và người đồng cấp Áo Heinz Fischer đã ra lời kêu gọi EC xem xét lại các định chế, cũng như phía Nga cần tích cực nối lại dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt gắn với các quy định của EU. Hai vị tổng thống phát biểu rằng, họ đơn giản xem đây là một hình thức đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt tới châu Âu, nếu việc xây dựng tuyến đường ống trên tuân thủ các điều khoản luật pháp của EU thì không có lý do gì để dự án phải bị trì hoãn.

Bị giới truyền thông ra sức cật vấn, Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev ngày 2/12 đã phủ nhận trách nhiệm của Sofia liên quan đến quyết định của Nga về việc ngừng dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Theo ông Plevneliev, "Dòng chảy phương Nam" không chỉ là dự án giữa Nga và Bulgaria mà là giữa Nga với EU.

Như một cách biện hộ giúp thành viên "non trẻ" Bulgaria, Phó chủ tịch EC Kristalina Georgieva cho biết, quyết định của Nga càng buộc EU phải tìm các nguồn cung năng lượng mới. "Quyết định của Nga ngừng dự án “Dòng chảy phương Nam” và cách thức họ ngừng dự án này cho thấy tầm quan trọng của việc EU phải đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng", bà Georgieva nói.
Dòng người biểu tình tháng 12/2013 phản đối mức giá điện, nước, ga tăng cao.

7 năm chưa ra khỏi tấm lưới khủng hoảng

7 năm sau khi gia nhập EU, Bulgaria vẫn là nước nghèo nhất trong khối liên minh 28 nước và luôn dẫn đầu về… nạn tham nhũng. Cựu Phó thủ tướng Bulgaria Zinaida Zlatanova từng nói: Gia nhập EU không chỉ là nhận sự hỗ trợ về kinh tế mà còn vì những giá trị của dân chủ, an ninh và thịnh vượng, là những giá trị chuẩn mực tạo lập nên nền tảng của EU. Tuy nhiên, ban lãnh đạo EU đã gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình xóa nạn tham nhũng ở Bulgaria do bị giới hạn quyền can thiệp đến công việc nội bộ của các nước thành viên, vì vậy hồi đầu năm nay, trong một báo cáo của EU đã nhìn nhận rằng, tham nhũng là một vấn đề thật sự nan giải ở "đất nước hoa hồng".

Theo John O'Brennan - giảng viên về chính trị châu Âu tại Đại học Quốc gia Ireland, khi Bulgaria gia nhập EU, các chính trị gia nhận thức được những vấn đề còn tồn tại. Tuy nhiên, họ lo ngại Bulgaria và Romania sẽ giống với Ukraina, hiện đã rơi xuống vị trí 144 trong bảng xếp hạng minh bạch của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International). Đây là thứ hạng "đội sổ" trong số các nước châu Âu.

Suốt tháng 9/2013, trên mạng xã hội Ukraina lan truyền bài viết "Bulgaria đang chết ra sao trong vòng tay EU", kể về tình hình nước này sau khi là thành viên của EU. Tác giả bài viết vừa dùng những lời đúc kết đầy tính trào lộng để miêu tả một thực tế phũ phàng: "Vâng, chúng tôi vào EU nhưng EU thì không đến với chúng tôi. Chúng tôi vẫn có chính quyền tham nhũng như trước, cũng với những quan chức tham lam và hủ bại như trước, trong khi EU thì có vô số luật lệ và tiêu chuẩn của EU. Dường như họ cũng rót cho chúng tôi những món tiền nhỏ cho phát triển, nhưng chúng lại nhanh chóng chui vào túi các quan chức, nếu được đầu tư vào dự án nào thì đằng sau dự án đó là bóng dáng của những cá nhân hoặc nhóm được hưởng những đặc quyền…

Năm 2013, Bulgaria mất 60% việc làm, dân số từ 9 triệu (năm 1989) hiện chỉ còn 7 triệu và đang tăng trưởng âm... Mùa đông vừa qua, khi nhận được hóa đơn tiền điện, nhiều người về hưu đã phải xuống đường vì tiền điện đắt gấp đôi lương hưu và nếu trả hóa đơn đó, họ phải nhịn đói suốt tháng... Và người Bulgaria phải tự cứu mình bằng cách tháo chạy khỏi đất nước! Những người trẻ, giỏi, tài năng đang chạy khỏi đây, bỏ lại những ông già bà cả ở làng quê... EU cho chúng tôi những gì: được miễn visa để đến đó làm lao động phổ thông!...".

Theo Tổ chức Thống kê kinh tế - tài chính, kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng phát vào năm 2008, Bulgaria là quốc gia thể hiện khả năng yếu kém nhất trong lĩnh vực tạo dựng công ăn việc làm cho người dân. Từ năm 2008 đến nay gần 430.000 người dân Bulgaria bị thất nghiệp. Hơn 1/2 trong tổng số người thất nghiệp sống ở mức dưới nghèo. Hậu quả từ sự nghèo đói, thất nghiệp và giá điện, nước, ga… tăng cao đã khiến hàng loạt cuộc biểu tình với quy mô lớn liên tục bùng phát trên toàn đất nước Bulgaria. Chính các cuộc biểu tình đã đặt dấu chấm hết cho chính phủ đảng cánh hữu của Thủ tướng Boyko Borisov.

Báo cáo mới của EC cho thấy gần 1/2 dân số trong tổng số 7,3 triệu người Bulgaria đối mặt với cuộc sống nghèo đói và phân biệt xã hội. Điển hình trong tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 12% - mức cao nhất kể từ năm 2005. "Nguyên nhân khiến mức thu nhập theo hộ gia đình sụt giảm và gánh nặng ngân sách xã hội gia tăng chính là do trong vòng 4 năm, 1/2 triệu người Bulgaria rơi vào cảnh thất nghiệp" - nhà kinh tế Georgi Angelov thuộc Viện Xã hội mở tại Sofia nhận định.

Ngoại trừ nguồn hỗ trợ từ EU, gần 1/2 ngân sách quốc gia của Bulgaria được dành cho chi tiêu xã hội. Trong đó, cuộc khủng hoảng việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới những lao động trình độ thấp bởi chỉ 15,5% người Bulgaria có trình độ giáo dục cơ bản. Trái ngược với tình cảnh ế ẩm, hoang vắng tại các cửa hàng tạp hóa, thực phẩm, những hàng quán chơi cá cược lại đông nghịt người, chủ yếu là thanh niên. Các cửa hàng bán bia kèm dịch vụ xem bóng đá luôn tấp nập khách hàng rảnh rỗi vì… thất nghiệp tới đặt cược cho các trận đấu. Đây là cách bóng đá giúp người thất nghiệp kiếm được chút tiền một cách nhẹ nhàng!

Đến đầu mùa hè vừa rồi, cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Ngân hàng Corporate Commercial, được xem như trung tâm đời sống chính trị - tài chính của Bulgaria. Ngân hàng này có tài khoản của hầu hết các bộ và doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Bulgarian Energy Holding. Corporate Commercial cũng có cổ phần tại một số tờ báo lớn và hai đài truyền hình dưới quyền kiểm soát của Delyan Peevski, cổ đông lớn nhất của ngân hàng, cũng là người nắm giữ cổ phần chính của công ty viễn thông lớn nhất Bulgaria.

Tháng 3/2013, gần 15.000 người người Bulgaria đã rầm rộ xuống đường biểu tình chống lại Peevski sau khi ông này được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia với khẩu hiệu "Nói không với tham nhũng", "Nói không với mafia". Cuộc biểu tình kéo dài tới vài tháng sau đó, thậm chí còn kêu gọi Thủ tướng Oresharski từ chức. Khi người dân không còn niềm tin vào thể chế thì bất kỳ một động thái nhỏ nhặt nào cũng bị suy diễn theo chiều hướng xấu nhất, một tin đồn vô căn cứ cũng có thể bùng lên làn sóng hoảng loạn.

Ngày 20/6, hàng người dài dằng dặc trước Ngân hàng Corporate Commercial tuyệt vọng khi nghe thông báo tiền mặt cạn kiệt và phải cầu cứu Ngân hàng Trung ương Bulgaria. Người gửi tiền ồ ạt rút tiền khỏi Corporate Commercial sau khi có tin Peevski bất đồng với Tsvetan Vassilev - cổ đông lớn của ngân hàng này. Nhiều tờ báo lớn buộc tội Vassilev, thông qua nhiều công ty con, đã vay khoảng 698 triệu USD từ Corporate Commercial trong khi  Peevski rút toàn bộ tài khoản của công ty ra khỏi ngân hàng. Theo lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Bulgaria, sự sụp đổ này là do "mối thù truyền kiếp giữa cổ đông lớn và một người gửi tiền lớn".

Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 17 năm buộc Chính phủ Bulgaria phải mở rộng gói tín dụng trị giá 2,3 tỉ USD dành cho hai ngân hàng First Investment và Corporate Commercial. Cho đến nay, Ngân hàng Corporate Commercial vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại trong khi ngân hàng này đang cố gắng loại bỏ những vấn đề dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Ngân hàng Trung ương Bulgaria.

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn đang tác động mạnh đến nền kinh tế Bulgaria. Mặc dù thời gian qua, nước này đã tiến hành cải cách kinh tế và luật pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của EU.

Tiến độ cải cách ì ạch cũng như thất bại trong chống tham nhũng, đặc biệt trong việc chống các băng tội phạm có tổ chức của Sofia là một trong những yếu tố khiến các định chế tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF chưa thật sự muốn trợ giúp Sofia trong quá trình cải cách để phát triển. Do vậy, những bế tắc trên chính trường sẽ chỉ khiến quốc gia vùng Balkan này tiếp tục lún sâu vào những khó khăn mới.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.