CIA gia tăng tuyển mộ nhân viên thông thạo ngoại ngữ

Chủ Nhật, 27/11/2005, 08:32
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vừa tung ra một chương trình ráo riết tuyển lựa những nhân viên mới là những người thạo tiếng Arab, Triều Tiên và một số ngôn ngữ đang được coi là trọng tâm trong chương trình đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ.

Theo lời Giám đốc CIA Porter Goss, nếu như 5 tháng trước đây những chuyên gia thông thạo tiếng Arab hay Triều Tiên phải chờ rất lâu khi xin gia nhập hàng ngũ CIA, nếu họ có thân nhân ở nước ngoài, thì giờ đây, thời gian chờ đợi câu trả lời dứt khoát đã được rút ngắn đáng kể.

Ông Goss đã quyết định cải cách triệt để công nghệ tuyển cán bộ để trong thời gian ngắn nhất hoàn thành kế hoạch tăng thêm 50% số lượng các nhà phân tích và nhân viên chiến thuật công tác ở nước ngoài.

Theo ông Betsy Davis, Phó giám đốc phụ trách công tác cán bộ trong CIA, những vấn đề liên quan tới an ninh nội bộ mà trước đây để giải quyết chúng phải cần tới 18 tháng, thì nay chỉ cần vài tuần là xong. Năm 2004, Ủy ban điều tra vụ khủng bố 11/9/2001 đã phê phán CIA về việc thiếu các chuyên gia ngôn ngữ và sự kéo dài quá trình dẫn tới cho phép các nhân viên mới được tuyển mộ tiếp cận với thông tin mật.

Bộ phận an ninh nội bộ của CIA từ lâu đã lo ngại rằng thông qua những ứng cử viên có các quan hệ ở hải ngoại có thể bị lộ những thông tin mật nên đã mất nhiều thời gian kiểm tra các mối quan hệ đó trước khi đưa ra lời giới thiệu nhận hay không nhận những ứng cử viên này.

Bản thân Giám đốc Goss cũng có chung nỗi lo ngại đó, nhưng theo ông, nếu kéo quá dài thời gian kiểm tra thì CIA có thể bị mất điều quý giá hơn là các ứng cử viên giỏi. Theo lời ông Goss, ông lo lắng tới chuyện những tên khủng bố có thể sát nhân hơn là chuyện một tên khủng bố nào đó có thể đọc được những thông tin mật.

Tuy nhiên, theo ông Davis, ngay cả sau khi hệ thống tuyển mộ nhân viên mới của CIA đã được cải tiến rồi, từ khi nộp đơn xin gia nhập CIA tới khi bắt đầu vào làm việc chính thức cũng phải mất tới 9 tháng. Dẫu vậy, điều này cũng không làm giảm bớt đáng kể số lượng các ứng cử viên muốn xin vào CIA trong "hội chợ tuyển dụng" mới được tổ chức tại một số khu của Trường Đại học Tổng hợp Virginia.

Trả lời câu hỏi, từ 100 ứng cử viên nộp đơn trong một ngày thì bao nhiêu người có thể trở thành gián điệp, ông Davis đáp: "Tất cả những ai mà tôi kịp xử lý đơn xin gia nhập". Đây có thể coi là những bước biến đổi lớn nếu so với những gì đã hình thành hơn 10 năm trước, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và CIA gần như không nhận ai vào làm những công việc bí mật nữa...

Chương trình tuyển dụng mới của CIA đang được quảng cáo rầm rộ với hơn 800 hoạt động một năm và với hơn 200 nhân viên chỉ chuyên làm việc xét chọn các ứng cử viên. Lý lẽ tuyên truyền được cân bằng giữa các lời hứa về một công việc khá béo bở với lời đảm bảo để các ứng cử viên không lầm lẫn giữa CIA với những gì nhìn thấy trong các xuất phẩm của Hollywood.

"Tính trung thực buộc chúng tôi phải rũ bỏ huyền thoại,- ông Goss nói - Gia nhập CIA, quý vị sẽ không trở thành các James Bond, và sau 5 năm sẽ không có xe Aston Martin mà đi với mỹ nữ trên bờ biển Riviera đâu!" (Aston Martin là mác xe của điệp viên 007 trong hai tập phim "Goldfinger" năm 1964  và "Thunderball" năm 1965)... Ông Goss cũng đã ra lệnh xem xét lại lịch thuyên chuyển nhân viên vì nhiều khi các nhân viên bị buộc phải rời nơi công tác sang địa điểm khác khi họ đang có đà làm việc tốt ở nơi cũ. Giám đốc CIA cũng có thể đồng ý với việc tăng lương cho các nhân viên và kéo dài thời gian mỗi kỳ công tác (thường là ba năm) ở nước ngoài của họ.

Mặc dù chính sách cán bộ của CIA là thông tin tối mật ở Mỹ nhưng theo ông Steven Aftergoot, chuyên viên của Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, mỗi năm CIA tuyển mộ thêm chừng 2 nghìn người.

CIA có nhiều trung tâm phản gián ở hải ngoại

Theo báo The Washington Post số ra ngày 18/11, CIA hiện đang có nhiều Trung tâm phản gián chống khủng bố (CTICs) ở gần 25 quốc gia tại châu Âu, Trung Đông và châu Á. Tại CTICs, các nhân viên CIA cùng các cán bộ an ninh nước sở tại phối hợp tìm kiếm các phần tử khủng bố. CTICs không phải là các nhà tù bí mật của CIA tại 8 quốc gia mà mới đây từng khiến dư luận xôn xao. CTICs chỉ là một bộ phận của quá trình thay đổi một cách căn bản sứ mệnh của CIA, được cựu Giám đốc George Tenet khởi xướng sau ngày 11/9/2001 và vẫn đang tiếp diễn cho tới hôm nay.

Theo một thông tin mới được tiết lộ hồi giữa năm nay, một trong những CTICs ở châu Âu được đặt tại Paris dưới cái tên Alliance Base do CIA cùng đối tác là cơ quan an ninh Pháp DGSE thành lập từ năm 2002. Chỉ huy Trung tâm này là một vị Tướng An ninh Pháp nhưng kinh phí lại chủ yếu do bộ phận chống khủng bố của CIA cấp. Trung tâm này là một trong những đề án độc đáo về sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo vì nhân viên của Trung tâm không chỉ trao đổi thông tin mà còn cùng nhau tiến hành các điệp vụ bí mật. Ngoài các sĩ quan tình báo Mỹ và Pháp, tại Alliance Base còn có các điệp viên của Anh, Đức, CanadaAustralia. Nhiệm vụ của đề án này là theo dõi trên quy mô toàn thế giới sự đi lại của những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố và tổ chức các chiến dịch truy bắt chúng

Thái Thu Oanh (Theo báo Mỹ "USA Today" số ra ngày 22/11)
.
.