Các Thượng tướng trong Quân đội Trung Quốc

Thứ Tư, 04/01/2006, 11:35

Quân hàm cao nhất trong Quân đội Trung Quốc là nguyên soái. Trung Quốc cũng từng có cả các vị đại tướng. Hiện nay, Quân đội Trung Quốc có tới 52 vị Thượng tướng. Một nửa trong số này làm công tác chính trị.

Theo số liệu do tờ "Động hướng" số tháng 11/2005 (bản dịch của TTXVN) đưa ra, 50 vị Thượng tướng Trung Quốc được phong lên mức quân hàm này từ thời ông Giang Trạch Dân làm Tổng Bí thư. Đương kim Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã phong quân hàm Thượng tướng cho hai người: đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân Trương Định Phát và Tư lệnh Bộ đội Pháo binh (tức lực lượng tên lửa chiến lược) Tĩnh Chi Viễn.

Tuyệt đại đa số các vị Thượng tướng Trung Quốc đều nhập ngũ từ những năm 50 của thế kỷ trước. Vị Thượng tướng cao niên nhất sinh năm 1934, đó là Chính ủy Đại quân khu Thành Đô, Trương Chí Kiên (người tỉnh Sơn Tây) và Tư lệnh lực lượng Cảnh sát vũ trang, Dương Quốc Bình (người tỉnh Hồ Bắc). Có khá đông các vị Thượng tướng Trung Quốc sinh năm 1945, thí dụ như Chính ủy Đại quân khu Tế Nam, Lưu Đông Đông (người Hồ Bắc), Tư lệnh Cảnh sát vũ trang, Ngô Song Chiến (người Hà Nam)...

Đối với người phương Đông nói chung và người Trung Quốc nói riêng, quê quán của con người được xét tới là một trong những yếu tố quan trọng. Vì vậy, xét thành phần quê quán của các Thượng tướng cũng có thể giúp hiểu rõ hơn về Quân đội Trung Quốc.

Địa phương có nhiều vị Thượng tướng nhất là tỉnh Sơn Đông (12 Thượng tướng). Giang Tô là tỉnh có nhiều Thượng tướng thứ hai ở Trung Quốc: 6 vị. Hà Nam có 5 vị. Ba tỉnh có 4 Thượng tướng là Hà Bắc, Hồ Bắc và Liêu Ninh. Tỉnh Hồ Nam có 3 vị. Những tỉnh có 2 vị Thượng tướng là Sơn Tây, Cát Lâm, Thượng Hải, Vân Nam. Thiểm Tây, Quý Châu, Chiết Giang, An Huy, Tứ Xuyên và Hắc Long Giang mỗi tỉnh có một vị Thượng tướng.

Các quân, binh chủng khác nhau cũng có số lượng Thượng tướng khác nhau. Pháo binh Trung Quốc có 3 Thượng tướng. Quân chủng Hải quân có 4 Thượng tướng. Ba Thượng tướng hiện đang phục vụ trong Quân chủng Không quân. 42 thượng tướng còn lại đều thuộc Lục quân. Theo nhận xét của tờ "Động hướng", chiến tranh hiện đại thường diễn ra ở khu vực ven biển và hình thức chiến đấu chủ đạo hay xảy ra trên không. Vì vậy rất cần nhấn mạnh vai trò của Hải quân và Không quân trong cơ cấu đội ngũ các vị Thượng tướng.

Quân đội Trung Quốc đưa ra ba tiêu chí A, B và C đánh giá chuyên môn nghiệp vụ của các Thượng tướng. Cụ thể như sau:

- Loại A: Có 24 Thượng tướng ở Trung Quốc được xếp vào loại này. Họ thực sự xuất thân từ những sĩ quan tác chiến, chỉ huy tham mưu, đảm đương công tác huấn luyện, hoặc trưởng thành từ các vị trí chiến đấu cũng như từ phi công, lái tàu chiến, thuyền trưởng...

- Loại B: Chủ yếu là những Thượng tướng trưởng thành từ đội ngũ các sĩ quan thuộc các binh chủng phục vụ tác chiến, như quân giới, tình báo, giáo dục, hậu cần. Có 4 Thượng tướng được xếp vào loại này: đó là Thượng tướng Tào Cương Xuyên, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng; Thượng tướng Hùng Quang Khải, phụ trách công tác tình báo; Thượng tướng Do Hỷ Quý, phụ trách công tác cảnh vệ, bảo vệ các vị lãnh đạo Trung ương và Thượng tướng Trịnh Thân Hiệp, một nhà khoa học, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự Trung Quốc.

- Loại C: 24 Thượng tướng được xếp vào loại này. Đó chủ yếu là các vị tướng xuất thân từ các sĩ quan chuyên làm công tác chính trị, như chính trị viên ở các đơn vị, các sĩ quan chính trị trong các cơ quan chính trị, tổ chức nhân sự, tuyên truyền văn hóa tư tưởng, các sĩ quan làm việc tại Tổng cục Chính trị

P.V.
.
.