Các chính trị gia sau khi rời chính trường

Thứ Tư, 17/01/2007, 11:00

Hoạt động ưa thích của các chính trị gia về hưu là tham gia các tổ chức phi chính phủ với các hoạt động từ thiện hoặc phát triển mối quan hệ giữa các nước… Tư vấn hay giảng dạy cũng là những công việc đem lại thu nhập cao cho những cựu quan chức.

"Bà đầm thép" Margaret Thatcher, nhà tư vấn về hưu

Sau khi gia nhập đảng Bảo thủ (Anh), Margaret Thatcher lần lượt trở thành nghị sĩ năm 1959, sau đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1970-1974), trước khi được bầu là chủ tịch Đảng. Trở thành Thủ tướng năm 1979, bà cho áp dụng hình thức tư nhân hóa cho các nhà máy lớn thuộc sở hữu nhà nước và cắt giảm các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên sau đó, "bà đầm thép" cũng phải đối mặt với sự mất lòng dân của chính sách thuế khóa của mình và từ nhiệm vào năm 1990.

Sau khi rời khỏi chính trường, Margaret Thatcher đã sáng lập Hiệp hội mang tên mình với mục đích xúc tiến sự phát triển quan hệ giữa châu Âu và Mỹ và sự phát triển của chế độ dân chủ tại Đông Âu.

Bà đã là nhà tư vấn địa chính trị cho Hãng thuốc lá đa quốc gia Phillip Morris, nhằm xâm nhập vào thị trường châu Á: lương hãng này trả cho bà ước tính khoảng 500.000 USD một năm từ năm 1992 đến 1995.

Năm 2002, theo ý kiến của các bác sĩ, bà thực sự về hưu.

Nelson Mandela.

Nelson Madela, cựu tổng thống Nam Phi, trong cuộc chiến chống AIDS

Sinh năm 1918, Nelson Mandela là thành viên của Đại hội dân tộc Phi (Africain National Congress) và trở thành người đứng đầu tổ chức này vào năm 1962. Là một chiến sĩ đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông bị kết án chung thân và phải trải qua 27 năm tại một trại lao động khổ sai trước khi được chính phủ của ông De Klerk trả tự do.

Cùng với Tổng thống De Kleck, ông đã được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1993 và được bầu làm Tổng thống Nam Phi trong cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên năm 1994.

Nelson Madela đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, chống đói nghèo và bệnh tật nhất là bệnh AIDS. Năm 2003, ông kiên quyết lên án chính sách quốc tế của Mỹ, đồng thời cáo buộc Tổng thống Georges Bush không thèm đếm xỉa đến Liên Hiệp Quốc.

Năm 2005, ông công bố rộng rãi trước công chúng về cái chết của người con trai vì căn bệnh HIV/AIDS, nhằm báo động cho bộ tộc của mình về căn bệnh chết người này.

Lech Walesa.

Lech Walesa, cựu Tổng thống Ba Lan, giảng viên chính trị và lịch sử

Là một thợ điện trẻ, Lech Walesa thúc đẩy những cuộc bãi công và tham gia và tổ chức công đoàn Solidarnosc Ba Lan năm 1980, rồi trở thành Chủ tịch tổ chức. Là một chiến sĩ Công giáo, ông được chính Giáo hoàng Jean Paul II ủng hộ trong cuộc đấu tranh của mình.

Ông nhận được giải Nobel Hòa bình năm 1983, trước khi được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Ba Lan trong đợt bầu cử tự do năm 1990. Bị thất bại trước Aleksander Kwasniewski năm 1995, Lech Walesa đã tuyên bố rút lui khỏi chính trường.

Tuy nhiên, năm 2000, Walesa lại tiếp tục ứng cử nhưng chỉ nhận được 1% phiếu bầu. Vì vậy ông quyết định rút lui vĩnh viễn khỏi diễn đàn chính trị quốc gia. Hiện tại, vị cựu Tổng thống đang thực hiện một công việc ưa thích, đó là giảng về lịch sử và chính trị trong nhiều trường đại học ở Trung Âu cũng như tại các hội nghị lớn.

Helmut Kohl.

Helmut Kohl, cựu thủ tướng Đức, cố vấn của Kirch

Được bầu là Chủ tịch đảng Cơ Đốc - Cộng hòa Đức (CDU) năm 1973, Helmut Kohl đã kế vị Helmut Schmidt ở vị trí Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 1982, và tái đắc cử vào năm 1987.

Năm 1998, ông Helmut Kohl được bầu là công dân danh dự của châu Âu (giải trước đó đã được trao cho Jean Monnet năm 1976). Năm 1999, CDU phải đối diện với nhiều lời buộc tội về tài chính bất minh, liên quan đến việc bán xe tăng cho Arập Xêút và đảng Xã hội của ông Gerard Schoeder lên thay.

Từ năm 1999 đến 2002, Helmut Kohl trở thành cố vấn của ông trùm tư bản truyền thông Đức, Leo Kirch: ông đã nhận được 300.000 USD cho những lời khuyên của mình. Helmut Kohl cũng đã viết hồi ký thủ tướng, xuất bản vào giữa năm 2004 và 2005.

John Major.

John Major, cựu Thủ tướng Anh, Giám đốc Hiệp hội Ditchley

John Major được bầu vào Nghị viện Anh trong nhóm các đảng viên đảng Bảo thủ năm 1979. Ông chiếm giữ rất nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ Anh trước khi được chỉ định là Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 1989. John Major trở thành Chủ tịch đảng Bảo thủ vào năm 1990 và kế vị "bà đầm thép" trong cương vị Thủ tướng.

Ông rời khỏi vị trí đứng đầu nhà nước sau chiến thắng bầu cử của đảng viên đảng Lao động Tony Blair năm 1997.

John Major trở thành thành viên Ủy ban Cố vấn châu Âu của Tập đoàn Carlyle Europe năm 2001, trước khi rời khỏi vị trí của mình 3 năm sau đó. Vị cựu Thủ tướng Anh này đã nhận được 150.000 euro cho 28 ngày làm việc thường niên.

Hiện tại, ông đang là Chủ tịch Hiệp hội Ditchley, một tổ chức tư nhân của nước Anh hoạt động với mục đích phát triển các mối quan hệ quốc tế giữa Anh và Mỹ

Quỳnh Hoa (tổng hợp)
.
.