Các nguyên thủ quốc gia tự nguyện cắt giảm tiền lương cá nhân

Thứ Hai, 23/07/2018, 21:14
Tân Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador có kế hoạch tự cắt giảm lương cá nhân đến mức 60% khi ông bắt đầu nhậm chức vào tháng 12-2018. Ứng cử viên cánh tả hiện được hưởng mức lương vào khoảng 5.707 USD/tháng và không có quan chức nào ở nước này nhận lương cao hơn ông.

Lopez Obrador còn thông báo dinh tổng thống Los Pinos sẽ trở thành một trung tâm văn hóa! Tuy nhiên, Lopez Obrador chắc chắn không phải là nguyên thủ quốc gia đầu tiên tuyên bố cắt giảm lương cá nhân.

Động thái được cho là thu phục lòng dân - theo giáo sư Philipp Koeker, Đại học Leibniz (Đức), học giả chuyên nghiên cứu về các mức lương tổng thống ở châu Âu. Những khoản tiền phụ cấp và công tác phí tạo nên sự chênh lệch trong tiền lương chính thức cho nên không dễ biết chính xác tổng thu nhập của vị trí thủ tướng hay tổng thống. Tuy nhiên, rõ ràng là mức lương cơ bản của các nguyên thủ trên thế giới có khoảng cách đáng kể. 

Tổng thống Uruguay Jose Mujica tại nhà riêng, năm 2014.
Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.

Thủ tướng Singapore được cho là có thu nhập cao nhất với hơn 2 triệu USD/năm. Thủ tướng Anh Theresa May được khoảng 143.462 bảng Anh, trong khi con số của thủ tướng Đức Angela Merkel là 242.000 USD. Khi nắm quyền lãnh đạo Uruguay từ năm 2010 đến 2015, Jose Mujica được coi là tổng thống nghèo nhất thế giới - với chỉ 22.000 USD/năm - sau khi tự cắt giảm đến 90% lương tháng cá nhân.

Jose Mujica lái chiếc ô tô Volkswagen Beetle cũ và chọn sống trong căn nhà nông thôn thay vì dinh tổng thống. Evo Morales, Tổng thống Bolivia, giảm mức lương xuống còn 1.300 USD/tháng sau khi nắm quyền lực năm 2005.

Năm 2015, Tổng thống Brazil lúc đó là Dilma Rousseff do dính líu vụ bê bối liên quan đến công quỹ cho nên lương của bà bị cắt giảm 10% - tức xuống còn khoảng 90.000 USD/năm. Tổng thống Nga Vladmir Putin tuyên bố mức thu nhập cá nhân là 18,73 triệu rúp (khoảng 302.201 USD) trong năm 2017.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chỉ nhận… 1USD/năm.
Tổng thống John F. Kennedy thuộc về một trong những gia tộc chính khách giàu có bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 20.

Tân Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết ông có ý định tự cắt giảm tiền lương cá nhân đến một nửa - tức vào khoảng 131.618 USD để đóng góp cho Quỹ Nelson Mandela. Cựu doanh nhân và nằm trong số những người giàu nhất Nam Phi, Cyril Ramaphosa được cho là sở hữu khối tài sản trị giá đến hơn 400 triệu USD. Lương tổng thống ở Nigeria là 70.000 USD trước khi Muhammadu Buhari và phó tổng thống của ông đồng ý cắt giảm 50% lương khi họ bắt đầu nắm giữ nhiệm kỳ vào năm 2015.

Trong thập niên 1980, cựu tổng thống Burkina Faso là Thomas Sankara nhận lương hằng tháng chỉ là 450 USD. Andrej Kiska, tổng thống đương nhiệm quốc gia Trung Âu Slovakia, tự nguyện hiến tặng toàn bộ tiền lương cho một tổ chức từ thiện. Năm 2013, vị trí Tổng thống Slovakia nhận lương hơn 9.000 USD - mức được coi là cao nhất ở Trung và Đông Âu lúc đó, theo phân tích của giáo sư Philipp Koeker.

Tổng thống Mỹ Donald Trump theo gương một số tổng thống khác của nước này khi tự nguyện tặng tiền lương cá nhân cho tổ chức từ thiện và tuyên bố chỉ nhận... 1USD/năm. Trước đó, 2 Tổng thống Mỹ là Herbert Hoover và John F. Kennedy cũng có động thái tương tự. Nói chung, các Tổng thống Mỹ kiếm được khoảng 400.000 USD/năm.

Thực ra, sự “hy sinh” khoản lớn tiền lương của 2 cựu Tổng thống Mỹ đều có nguyên do. Trước khi nhậm chức tổng thống, Herbert Hoover sở hữu khối tài sản không nhỏ từ lĩnh vực khai mỏ. Còn John F. Kennedy thuộc về một trong những gia tộc chính khách giàu có bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 20. Cả 2 tổng thống đều tặng tiền lương cho tổ chức từ thiện.

Tân Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador.

Để so sánh, Thủ tướng Canada nhận lương 340.000 CAD (257.601 USD) năm 2015, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nhận lương 198.700 USD - theo báo cáo của CNN Money hồi tháng 8-2016. Tổng thống Hollande tự nguyện cắt giảm 30% lương cá nhân khi nhậm chức năm 2012.

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron đối mặt với làn sóng chỉ trích thậm tệ khi ông nhận mức lương tăng thêm 10% vào năm 2015. Đáp lại, Cameron tuyên bố đó là “quyền lợi đúng đắn được hưởng do tính chất công việc”.

Di An (tổng hợp)
.
.