Các nữ chính khách quyền lực nhất thập niên đầu thế kỷ XXI

Thứ Hai, 11/01/2010, 14:20
Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, chính trường thế giới đã nổi lên một số gương mặt phụ nữ quyền lực nhất, nắm trong tay chức trách lãnh đạo cấp cao của một quốc gia. Họ có học vị cao, có năng lực xuất sắc hơn người, nhưng trong một thế giới vẫn còn nghiêng hẳn về nam giới, con đường phấn đấu đi lên của họ chẳng đơn giản chút nào.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (2005 đến nay)

Angela Merkel sinh năm 1954 tại Hamburg, là con của mục sư Horst Kasner đến từ tỉnh Brandenburg, Cộng hòa Dân chủ Đức. Thông minh, học giỏi, Angela đã lấy bằng Tiến sĩ Vật lý tại Đại học Leipzig khi mới 24 tuổi (năm 1978). Angela Merkel tham gia chính trường rất muộn do bà mải mê việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên sau khi nước Đức thống nhất (1990), Merkel dễ dàng giành được ghế trong Quốc hội, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên rồi Bộ trưởng Môi trường và An toàn hạt nhân trong nội các của Thủ tướng Helmut Kohl. Tháng 9/2005, bà Merkel trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức. Tháng 9/2009, bà Merkel tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.

Thành công của bà chủ yếu nhờ vào các chính sách cải cách kinh tế, xã hội hiệu quả, nhất là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, cũng như các chính sách đối ngoại hài hòa, cân bằng quan hệ với Nga và các đồng minh ở phía tây, đồng thời đóng vai trò tích cực trong các vấn đề lớn toàn cầu.

Nước Đức của bà Merkel "lớn" hơn, "mạnh" hơn thời những người tiền nhiệm. Vì thế, bà tiếp tục đứng đầu danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới" của tạp chí Forbes năm thứ 4 liên tiếp (2006, 2007, 2008 và 2009).

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice (2005-2008)

Để bước lên đỉnh vinh quang, nắm trong tay quyền hành nhất nhì nước Mỹ, bà Rice đã phải phấn đấu cật lực từ thuở còn bé cho đến khi đã thăng tiến lên chức giáo sư và được trọng dụng trong bộ máy chính quyền. Thú vị ở chỗ, con đường bà chọn ban đầu hoàn toàn không dính dáng gì đến tương lai chính trị sau này.

Lấy bằng Tiến sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Denver khi mới 26 tuổi, Rice tiếp tục phấn đấu để trở thành Giáo sư trợ giảng rồi Phó giáo sư Đại học Stanford. Một chi tiết đáng chú ý là: khi làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ (từ năm 1977), dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, Rice theo đảng Dân chủ, nhưng 5 năm sau đã chuyển sang đảng Cộng hòa vì bất đồng với Tổng thống Carter.

Tài năng xuất sắc của Condoleezza Rice bắt đầu được chú ý đến vào năm 1985, tại một hội nghị về kiểm soát vũ khí ở Đại học Stanford, nơi bà đang giảng dạy. Brent Scowcroft, Cố vấn An ninh quốc gia thời Tổng thống Gerald Ford là người đã phát hiện ra C.Rice. Khi ông George H. W. Bush bước vào Nhà Trắng, Scowcroft trở lại làm Cố vấn An ninh quốc gia vào năm 1989, và yêu cầu bà Rice tham gia Hội đồng An ninh quốc gia chuyên trách về Liên Xô.

Trong nhiệm kỳ thứ I của Tổng thống George W.Bush (Bush-con), bà Rice tiếp tục được giao cho làm Cố vấn An ninh quốc gia, và thay thế ông Colins Powell làm Bộ trưởng Ngoại giao trong nhiệm kỳ II (2005-2009). C.Rice 2 năm liền (2004-2005) đứng đầu danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới" của tạp chí Forbes.

Tổng thống Argentina Cristina Kirchner (2007 đến nay)

Năm nay 56 tuổi, Cristina Fernandez de Kirchner là nữ Tổng thống thứ 2 nhưng là nữ Tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử Argentina. Thông minh, mạnh mẽ, Cristina thuyết phục được mọi người nhờ các hoạt động quyết liệt vì quyền lợi phụ nữ và quyền công dân.

Thêm vào đó là uy tín của chồng bà, ông Nestor Kirchner. Vợ chồng nhà Kirchner được báo chí Argentina và quốc tế xưng tụng là "cặp uyên ương quyền lực", là một "Peron" và "Evita" mới của Argentina. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm trong điều hành đất nước mà Cristina Kirchner đã vấp phải một số trục trặc trong 3 năm điều hành đất nước, khiến cho tỉ lệ ủng hộ mình giảm đáng kể.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (đương nhiệm)

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không xa lạ với chính trường thế giới vì bà từng là đệ nhất phu nhân Mỹ, còn chồng bà, ông Bill Clinton, là một trong những Tổng thống xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Và hơn thế, trước khi làm Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary đã có 8 năm làm Thượng nghị sĩ.

Với phong cách không mạnh bạo, không "hét ra lửa" như bà Condoleezza Rice, nhưng bà Hillary Clinton có cách thể hiện sức mạnh ngoại giao mới phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Obama là mềm mỏng, đối thoại để lôi kéo đối phương về phía mình. Giới phân tích gọi đây là đường lối "ngoại giao mềm", là một thứ "quyền lực mềm" dễ khiến người ta bị ru ngủ và sa vào bẫy.

Trong danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới" năm 2009 của tạp chí Forbes, bà Hillary Clinton hạng 36.

Cựu Tổng thống Indonnesia Megawati Sukarnoputri (2001-2004)

"Đóa hoa trong giông bão" là ngôn từ mà báo chí một thời dùng để mô tả Megawati Sukarnoputri, con gái của cố Tổng thống Indonesia Sukarno - người đã lãnh đạo nhân dân Indonesia gianh độc lập năm 1945.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh (PDI-P) trong giai đoạn sôi động cuối thế kỷ XX, bà Megawati là một trong những đại biểu xuất sắc của phái cải cách Indonesia (cùng với các ông Abdurrahman Wahid và Amien Rais) đấu tranh nhằm kết liễu chế độ độc tài của ông Suharto (người đã lật đổ ông Sukarno năm 1967).

Bà Megawati được tạp chí Forbes xếp hạng 8 trong danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới" năm 2004 (và đã rời khỏi danh sách này năm 2008).

Tổng thống Chile Michelle Bachelet (tháng 11/2006 đến nay)

Xếp hạng 22 trong danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới" năm 2009 của Forbes là Tổng thống Chile Michelle Bachelet, 58 tuổi. Bachelet là con của Thiếu tướng Không quân Chile Alberto Bachelet Martínez, gốc gác di cư từ Pháp. Tướng Bachelet là một trong những quan chức trong chính quyền Tổng thống Salvador Allende.

Sau đảo chính 11/9/1973, tướng Bachelet bị bắt và tra tấn đến chết, còn mẹ con bà Bachelet phải sống lưu vong ở Australia rồi sau đó đến Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức. Tại đây, Bachelet theo học Đại học Karl Marx (nay là Đại học Leipzig), sau đó học Y khoa tại Đại học Humboldt Berlin. Trở về Chile năm 1979, Bachelet tiếp tục học y khoa và lấy bằng bác sĩ vào năm 1983.

Xu hướng chính trị thiên tả của bà Bachelet xuất phát từ thời gian sinh sống ở CHDC Đức. Trước khi lên làm Tổng thống Chile, bà Bachelet đã được Tổng thống Ricardo Lagos bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế (năm 2000) rồi Bộ trưởng Quốc phòng Chile.

Chính trong giai đoạn làm Bộ trưởng Quốc phòng này bà Bachelet đã xây dựng một hình ảnh đầy thân thiện, thu phục tình cảm nhiều người bằng chính sách hòa giải dân tộc, khoan dung cho những lỗi lầm quá khứ mặc dù gia đình mình cũng là nạn nhân. Đây chính là nguyên nhân giúp bà giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 12/2005.

Chủ tịch đảng Quốc đại (Ấn Độ) Sonia Gandhi

Không nắm giữ chức vụ chính quyền nào, từ chối cả chức Thủ tướng Ấn Độ, Sonia Gandhi vẫn được xem là người phụ nữ quyền lực nhất Ấn Độ. Quyền hành của bà Sonia không chỉ thể hiện qua cơ cấu tổ chức chính quyền mà đó là quyền lực của một người lèo lái con thuyền chính trị Quốc đại.

Mặc dù là người gốc nước ngoài (bà là người Italia theo chồng nhập tịch Ấn Độ), Sonia vẫn một lòng chung thủy "thương chồng phải gánh giang sơn nhà chồng". Sau khi cả mẹ chồng (cố Thủ tướng Indira Gandhi) và chồng (cố Thủ tướng Rajiv Gandhi) đều qua đời do bị ám sát, Sonia đã một mình chèo chống cả cơ nghiệp nhà chồng trong khi các con (Rahul và Priyanka) còn chưa đủ sức thay cha và bà nội. Trớ trêu thay, "gốc nước ngoài" lại chính là nhược điểm lớn nhất đã năm lần bảy lượt cản trở con đường chính trị của bà Sonia.

Bà Sonia Gandhi từng được xếp hạng 3 trong danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới” của tạp chí Forbes năm 2004, hạng 6 năm 2007 và 2008, và hạng 13 năm 2009.

Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo (2001-2010)

Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo là nữ tổng thống thứ 2 của nước này (người trước là bà Corazon Aquino). Điều thú vị là cả Aquino và Arroyo đều lên làm Tổng thống sau khi người tiền nhiệm bị hạ bệ bởi một cuộc nổi dậy của quần chúng. Bà Arroyo từng là bạn học của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Đại học Georgetown, nơi bà lấy bằng Cử nhân kinh tế trước khi lấy chồng và trở về Philippines sinh sống và làm việc. 

Năm nay 62 tuổi, bà Arroyo sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của mình vào ngày 30/6/2010. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí hồi tháng 11/2009, bà Arroyo đã tuyên bố sẽ không ra tranh cử tổng thống nữa mà chỉ muốn làm một nghị sĩ Quốc hội.

Thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko Prime minister

Mặc dù chỉ đứng hạng 47 trong danh sách "100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới" năm 2009 của tạp chí Forbes, song Thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko lại là cái tên khá quen thuộc với bất cứ ai quan tâm chính trường thế giới, nhất là chính trường Ukraina - điểm nóng trong cuộc chiến cân bằng Đông-Tây trên bản đồ địa chính trị thế giới những năm qua.

Được mệnh danh là "Nữ hoàng cách mạng Cam", bà Tymoshenko không chỉ đẹp và đầy nữ tính, với búi tóc dân dã lừng danh, mà còn là một chính khách nhiều màu sắc, đa dạng và hết sức phức tạp.

Từng 2 lần làm Thủ tướng, thân phương Tây, thế nhưng, "thức lâu mới biết đêm dài", Tymoshenko đã dần nhận ra rằng, không ai hơn được "láng giềng gần" - đó là nước Nga ngay sát sườn phía đông, mà một phần đáng kể dân Ukraina vẫn dùng tiếng Nga. Liên minh Cam vì thế mà tan vỡ mãi mãi để Tymoshenko quay sang liên minh với Viktor Yanukovich, được đánh giá là thân Nga hơn.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraina sắp tới (17/1/2010), bà Tymoshenko đăng ký ra ứng cử để hoàn tất giấc mộng quyền lực đeo đuổi bấy lâu nay

An Châu-Văn Trương (tổng hợp)
.
.