Cái “bắt tay lịch sử” của Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel

Thứ Hai, 10/10/2016, 18:20
Cùng với lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đến Israel dự đám tang cựu Tổng thống Israel Simon Peres hôm 30-9. Ông cũng chỉ “ghé” thăm Israel trong thời gian rất ngắn để dự đám tang và trở về Palestine ngay, không lưu lại thêm.

Sự kiện đặc biệt gây chú ý tại lễ tang ông Peres không phải là việc có nhiều lãnh đạo thế giới đến viếng, chính là việc ông Abbas sang Israel dự lễ tang, và ông còn đi xa hơn một bước - tiến đến bắt tay chia buồn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Kèm theo đó là một câu nói đã được ông Abbas phát ra khi hai vị lãnh đạo Palestine - Israel bắt tay nhau được các phóng viên báo chí ghi âm được: “Đã lâu lắm rồi phải không?”.

Ngay sau đó, cái bắt tay của Tổng thống Abbas với Thủ tướng Netanyahu được báo chí thế giới loan tin khá đậm với những mỹ từ mô tả đẹp đẽ. Người ta gọi đó là cái “bắt tay lịch sử” và câu nói của ông Abbas cũng được diễn giải như một lời nhắc nhở đối với ông Netanyahu về việc hai người “đã lâu không gặp” - trên cả phương diện cá nhân lẫn chính trị - ngầm ý ám chỉ việc hai bên đoạn tuyệt đàm phán hòa bình từ rất lâu. Không ai nhớ chính xác đã bao lâu rồi hai nhà lãnh đạo Palestine và Israel không gặp nhau trên bàn hội nghị đàm phán cũng như trong các chuyến thăm, các cuộc hội nghị ngoại giao.

Dư luận báo chí cũng như các nhà lãnh đạo trên thế giới đều khen ngợi ông Abbas vì đã đến dự đám tang ông Peres trong khi các nhà lãnh đạo Arập khác thì không đến dự. Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài điếu văn viếng ông Peres, đã khen ngợi ông Abbas có hành động vượt lên trên định kiến và lòng thù hận để đến viếng một người có công kiến tạo hòa bình. Ông đã làm một việc mà các nhà lãnh đạo Arập khác đã không làm. Và xa hơn một chút, các nhà ngoại giao quốc tế còn đánh giá hành động của ông Abbas có thể giúp ích cho việc khởi động lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vốn đã “chết” từ mấy năm nay.

Mohammed al-Madani, một cố vấn của ông Abbas cho biết, không chỉ đơn thuần là hành động xã giao, việc đến viếng ông Peres còn mang một ý nghĩa khác, đó là thúc đẩy quan hệ quốc tế cho Palestine nhằm mục tiêu xa hơn là làm cho thế giới ngày càng công nhận Palestine với tư cách một nhà nước độc lập với Israel. Với góc nhìn này, việc ông Abbas đến viếng đám tang Peres và cái bắt tay với Thủ tướng Netanyahu được nhiều người đánh giá là hành động của một nguyên thủ quốc gia đích thực.

Ở Israel, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, Simon Peres được nhiều người biết đến và kính trọng do những việc ông đã làm cho đất nước Israel và cho hòa bình trong khu vực và thế giới. Peres đã có công lao to lớn trong tiến trình đàm phán dẫn đến ký kết Hiệp ước hòa bình Oslo năm 1993. Kết quả đó đã được quốc tế ghi nhận và vinh danh bằng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1994 cho Peres cùng Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Tổng thống Palestine Yasser Arafat.

Cái bắt tay lịch sử giữa ông Mahmoud Abbas và ông Benjamin Netanyahu.

Nhưng ở Palestine và các quốc gia Arập khác, Peres, Netanyahu hay bất cứ nhà lãnh đạo Israel nào khác đều bị xem là “những con diều hâu giết người”. Mặc dù được ca ngợi là nhà kiến tạo hòa bình, nhưng Peres bị người Palestine và Arập xem là kẻ thù, “kẻ giết người” vì ông từng lãnh đạo quân đội Israel, là người có công xây dựng quân đội Israel hùng mạnh và thúc đẩy việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan và Jerusalem.

Người ta cũng còn nhớ hành động của ông hồi năm 1996, khi đó ông phát động một chiến dịch quân sự tấn công lực lượng Hezbollah ở Liban, và quân đội Israel đã pháo kích trúng một cơ sở tị nạn do Liên Hiệp Quốc quản lý làm hàng chục người Liban tị nạn chết.

Chính vì thế, khi Abbas đến viếng Peres, người Palestine trong nước đã vô cùng phẫn nộ và thành phần chống đối Abbas trong lực lượng Hamas ở Gaza và ngay trong nội bộ đảng Fatah có cơ hội công kích ông. Họ cáo buộc ông phản bội người Palestine khi không chỉ viếng một “kẻ thù” mà còn bắt tay một “kẻ thù” khác, ý ám chỉ Thủ tướng Netanyahu.

Những hành động của Abbas trong suốt tiến trình đám phán hòa bình với Israel do Mỹ đóng vai trò trung gian trong những năm trước đây đã không đi đến đâu, chủ yếu là do Israel cố chấp không chịu dừng xây dựng các khu định cư chiếm đất của người Palestine, đồng thời đồng minh Mỹ lại o ép ông Abbas phải thuận theo những điều kiện chỉ có lợi cho Israel. Chính vì vậy người dân Palestine đã không còn tin tưởng vào bất cứ hành động hay lời nói nào của Israel liên quan đến đàm phán hòa bình, họ vẫn xem Israel là “kẻ thù” vì những hành động giết hại, tàn sát người Palestine cứ liên tục diễn ra. Từ đó, việc ông Abbas có hành động thể hiện thái độ “lịch sự” với lãnh đạo Israel bị xem là quay lưng với những nỗi thống khổ do Israel gây ra cho người dân Palestine.

Ngay khi lễ tang ông Peres đang diễn ra, ở Bờ Tây sông Jordan, bạo lực tiếp tục xảy ra và máu của người Palestine tiếp tục đổ. Một người Palestine dùng dao tấn công một binh sĩ Israel tại chốt chặn Qalandiya nối giữa thành phố Ramallah với Jerusalem và bị bắn chết.

Làn sóng công kích, chỉ trích Tổng thống Abbas không chỉ lan rộng trong các vùng lãnh thổ Palestine mà còn lan khắp các quốc gia Arập. Đặc biệt là tại Liban, nơi có nhiều “nợ máu” với Israel, một số tờ báo và trang tin điện tử, Facebook đã đăng những lời công kích, những hình ảnh châm biếm ông Abbas, xem ông là kẻ cộng tác với “kẻ thù” Israel.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.