Campuchia với quyết tâm tổng tuyển cử

Thứ Năm, 23/11/2017, 20:38
Ngày 16-11, Tòa án Tối cao Campuchia đã ra phán quyết giải thể đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập theo đơn kiện của Bộ Nội vụ nước này. Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen tuyên bố cuộc tổng tuyển cử năm 2018 vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Để phản đối quyết định trên, Mỹ tuyên bố cắt toàn bộ viện trợ cho cuộc tổng tuyển cử tại Campuchia vào năm 2018.

Giải thể đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP)

Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) ngày 18/11 đã gửi thông báo đến 6 chính đảng, đề nghị sớm cung cấp các thông tin và thủ tục cần thiết cho việc nhận số ghế trống của đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập tại Quốc hội và Hội đồng xã - phường vừa bị Tòa án Tối cao ra phán quyết giải thể vào ngày 16-11.

Thông báo trên đã đến tay 5 đảng gồm: đảng Funcinpec (FP); đảng Liên minh vì dân chủ (LDP); đảng Khmer phát triển kinh tế (KEDP); đảng Khmer hết nghèo (KAPP); đảng Quốc tịch Campuchia (CNP). Tuy nhiên, NEC chưa gửi được thông báo tới tay đảng Cộng hòa dân chủ do trụ sở đảng này đóng cửa.

Đã có 3 đảng tuyên bố sẵn sàng nhận số ghế nghị sỹ bị trống là FP, CNP và KEDP. Trong khi đó, LDP và KAPP tuyên bố không nhận số ghế trống này. Người phát ngôn của đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền, ông Sok Eysan cho biết CPP sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ số ghế nghị sĩ mà LDP và KAPP không nhận.

Tối 16-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia (TVK) kêu gọi nhân dân tôn trọng phán quyết của tòa về việc giải thể CNRP. Ông cho rằng quyết định này là nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định xã hội Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cũng khẳng định việc tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 25-2-2018 và bầu cử Quốc hội vào ngày 29-7-2018 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch đề ra.

Ông Hun Sen cũng đã phát đi lời kêu gọi các thành viên CNRP gia nhập CPP (chậm nhất là 14 ngày nữa) để tiếp tục phụng sự nhân dân và đất nước. Ông cho rằng ngoài 118 thành viên cao cấp của CNRP bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm, các thành viên khác của CNRP có thể gia nhập CPP hoặc đảng khác và có quyền tự do hoạt động chính trị.

Song song với lời kêu gọi, Thủ tướng Hun Sen cũng cảnh báo các thành viên của đảng đối lập cần tuân thủ pháp luật, nếu có hành vi sai trái sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Ngay sau phán quyết, Thượng viện, Quốc hội, các bộ, ban, ngành, các tướng lĩnh lực lượng vũ trang, các địa phương của Campuchia đều lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa án Tối cao và kêu gọi nhân dân giữ yên lặng theo lời kêu gọi của Thủ tướng Hun Sen. Đảng FUNCINPEC, đảng Quốc tịch Khmer, và đảng Thanh niên Campuchia cũng lên tiếng ủng hộ phán quyết của này.

Dự kiến, Campuchia sẽ tổ chức bầu cử Thượng viện vào ngày 25-2-2018. Đây là cuộc bầu cử Thượng viện lần thứ 4 tại nước này. Được thành lập năm 1999, Thượng viện Campuchia có 61 ghế, song chỉ có 57 Thượng nghị sĩ được bầu và 2 Thượng nghị sĩ là do Quốc vương Norodom Sihamoni chỉ định trong khi 2 Thượng nghị sĩ còn lại do Hạ viện chỉ định. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất được tổ chức hồi tháng 1-2012, đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen đã giành được 46 ghế.

Cho đến nay, các lãnh đạo CNRP ở trong nước đều tuyên bố không có kế hoạch tổ chức biểu tình phản đối phán quyết của tòa, mặc dù Phó Chủ tịch CNRP Mua Sochua đang ở nước ngoài hôm 13-11 kêu gọi người ủng hộ tập trung phản đối việc giải thể CNRP. Theo luật pháp Campuchia, phán quyết của Tòa án Tối cao là phán quyết cuối cùng và bị đơn không có quyền kháng cáo.

Thủ tướng Hun Sen đã thể hiện một lập trường cứng rắn chống lại những cáo buộc của Mỹ trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2018. Ảnh: AP.

Căng thẳng với Mỹ

Liên quan tới việc Mỹ tuyên bố cắt viện trợ bầu cử, hồi tháng 4-2017, Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh thông báo sẽ tài trợ 1,8 triệu USD để hỗ trợ Campuchia tổ chức cuộc bầu cử địa phương trong năm nay và tổng tuyển cử vào năm sau. Sau đó Tòa án Tối cao Campuchia quyết định giải thể CNRP theo đề nghị của Chính phủ. Ngày 17-11, Mỹ tuyên bố cắt toàn bộ viện trợ cho cuộc tổng tuyển cử tại Campuchia vào năm 2018.

Đáp lại tuyên bố trên của phía Mỹ, Thủ tướng Hun Sen, đã thể hiện một lập trường cứng rắn chống lại những cáo buộc của Mỹ trước thềm cuộc tổng tuyển cử 2018 với lời khẳng định bản thân “không hề lo ngại”.

Trước đó một tháng, các chuyên gia nhận định, tình hình chính trị Campuchia đang bước vào bước ngoặt mới sau khi ông Kem Sokha bị bắt vì hành vi phản quốc. CNRP chịu sự chi phối của nước ngoài, đã hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia là hành vi vi phạm Điều 6 mới, Điều 7 của Luật Chính đảng và CNRP là đối tượng bị Tòa án Tối cao giải thể theo Điều 44 mới của Luật Chính đảng.

Như vậy, đảng đối lập bị giải thể là có cơ sở luật pháp vững chắc và trường hợp này không phải là trường hợp cá biệt đối với Campuchia. Nhiều nước trên thế giới cũng giữ lập trường như vậy, trong đó có cả Mỹ.

Quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đang trở nên xấu đi trong những ngày gần đây sau một loạt những hành động trả đũa giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 14/9 cho biết rất ngạc nhiên trước lời cáo buộc của Mỹ là Phnom Penh không còn hợp tác trong việc tiếp nhận những tội phạm mang quốc tịch Campuchia mà Mỹ trục xuất, đồng thời cho rằng việc Washington ban hành lệnh cấm thị thực đối với giới chức cấp cao của chính quyền Phnom Penh là vô lý.

Đáp trả về mặt ngoại giao với Mỹ, ngày 15-9, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh ngưng hợp tác trong một chương trình tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như yêu cầu các thiện nguyện viên của tổ chức Peace Corps đang làm việc tại xứ Chùa Tháp rời đất nước này về Mỹ.

Chính quyền do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo trong những tuần gần đây còn đóng cửa nhật báo tiếng Anh Cambodia Daily, với cáo buộc báo này trốn thuế, và ít nhất 19 đài phát thanh, cùng lý do những đài này vi phạm hợp đồng với Nhà nước Campuchia khi cho phát nhiều chương trình của hai đài Mỹ VOA và RFA (Á châu tự do).

Trong tuyên bố được phát trên truyền hình nhà nước, Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi kiềm chế sau khi CNRP bị giải thể, đồng thời nêu rõ cuộc tổng tuyển cử sắp tới "sẽ diễn ra bình thường".

Huyền Hoa
.
.