Căng thẳng Đức-Thổ Nhĩ Kỳ khi nào hạ nhiệt?

Thứ Ba, 26/09/2017, 14:08
Vài ngày nữa, cử tri Đức sẽ đi bầu lại quốc hội. Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ quyết định ai là thủ tướng kế tiếp của Đức. Điều kỳ lạ là càng đến sát ngày bầu cử, người ta lại càng thấy mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng. Những tính toán riêng của mỗi bên sẽ chỉ lắng xuống khi cuộc bầu cử ở Đức kết thúc.

Trả lời phỏng vấn báo Passauer Neuen Presse ngày 16-9, Thủ tướng Angela Merkel nói rằng, Đức sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc hạn chế các mối quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ để gây áp lực lên đối tác NATO này của Đức buộc họ thả các công dân Đức bị giam giữ vì lý do chính trị.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn trên, bà Merkel nói rằng, Đức sẽ hạn chế việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel của đảng Dân chủ Xã hội chủ trương trung tả, người đang theo sau phe bảo thủ trong các cuộc thăm dò ý kiến, trước đó đã nói rằng tất cả các mặt hàng vũ khí chính xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tạm ngưng.

Ngoài ra, hai bên cũng đã ban hành cảnh báo công dân của mình đến nước kia. Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác thương mại và điểm đến du lịch lớn cho du khách Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep T. Erdogan.

Trên đây là phản ứng cứng rắn mới nhất của bà Merkel nhắm vào chính quyền Ankara trong một chuỗi những căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong hơn 1 năm qua.

Trước đó vào tối ngày 3-9, trong cuộc tranh luận duy nhất trên đài truyền hình với lãnh đạo đảng đối lập Xã hội Dân chủ, ông Martin Schulz, Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà sẽ thảo luận với các đối tác trong Liên minh châu Âu để cùng tìm ra đồng thuận ngưng đàm phán về thủ tục kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo giới quan sát, lập trường của bà Merkel gây bất ngờ. Thủ tướng Đức đã đưa ra cùng một quan điểm so với ông Martin Schulz. Theo giới phân tích, việc sử dụng “con bài” Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tranh luận tay đôi tối 3-9, bà Merkel đã khiến đối thủ “không còn đảo ngược được thế cờ”.

Nếu như trước đó, bà Merkel còn tỏ ra thận trọng trước nhiều lần “sinh sự” của Ankara trong khi đối thủ của bà lại tỏ ra cứng rắn và lấy được lòng của một bộ phận cử tri cực hữu thì giờ bà đã đứng hẳn về phe đối lập, coi như giành nốt số phiếu bầu từ những người dân Đức vốn rất không hài lòng với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Có thể nói cho đến nay bà Merkel gần như thành công trong việc sử dụng vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ cho việc vận động tái cử của mình. Nhưng tại sao đây lại là vấn đề “ăn khách” trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm nay? Từ gần một năm qua, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức nói riêng và với châu Âu nói chung rơi vào cảnh “cơm không lành canh không ngọt”.

Lý do là vì châu Âu chỉ trích Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp mọi tiếng nói đối lập, nhất là sau vụ đảo chính hụt hồi tháng 7-2016. Sở dĩ Đức lên tuyến đầu là vì có hàng trăm người Thổ Nhĩ Kỳ (bị Ankara cáo buộc là nghi can đảo chính) đâm đơn xin tị nạn tại Đức. Thay vì bác đơn, Berlin chấp thuận xem xét cho tị nạn.

Chưa hết, theo tạp chí Der Spiegel, mùa xuân vừa qua, chính quyền Ankara còn đề nghị Berlin phong tỏa tài sản của các tổ chức và những thành viên thuộc phong trào của Gulen. Danh sách này có tên của 80 người và các tổ chức. Vào cuối tháng 5-2017, Berlin đã bác bỏ đòi hỏi này và cho rằng không có một động cơ chính đáng nào có thể dẫn đến việc các cơ quan chức năng Đức phải ra tay can thiệp.

Việc Berlin liên tục từ chối các đòi hỏi đã làm Ankara tức giận và cáo buộc Đức bảo vệ những kẻ mà Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là những tên tội phạm hoặc khủng bố.

Những động thái trên của Đức đã khiến chính quyền Ankara “lên máu” và tìm mọi cách để trả đũa. Ngoài việc bắt giữ và cầm tù nhiều công dân Đức với cáo buộc “quân phản loạn”, chính quyền Ankara còn kêu gọi những người Đức gốc Thổ đừng bỏ phiếu cho đảng của bà Merkel, cho đảng Xã hội Dân chủ và cả đảng Xanh.

Tuy không đưa ra hướng dẫn cụ thể là nên bầu cho ai, Ankara rõ ràng muốn gây áp lực lên các cử tri Đức gốc Thổ, ước tính khoảng 3 triệu người. Lời kêu gọi này bị xem như một sự can thiệp không chính đáng của Ankara vào cuộc vận động tranh cử tại Đức. Bị Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và nhiều chính trị gia phản đối mạnh là “can thiệp vào công việc nội bộ”, ngày 19-8, trong một phát biểu trên truyền hình, ông Erdogan dành một loạt những lời lẽ thô bạo hiếm thấy để đáp trả lãnh đạo ngoại giao Đức.

“Ông là ai mà dám ăn nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ như vậy?” - đây là câu hỏi thiếu lịch sự mà Tổng thống Recep Erdogan gửi đến Ngoại trưởng Đức.

Ngoài Đức, Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm căng với Hà Lan trong khối EU cũng do liên quan tới cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 ở Ankara. Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ có thể “chẳng có gì phải sợ” các nước châu Âu, và thậm chí cả Mỹ, là vì chính quyền của Tổng thống Erdogan nắm trong tay nhiều lá bài mà những nước kia đang cần. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên một liên minh thuế quan EU, thành viên NATO, sở hữu sức mạnh quân sự chỉ thua Mỹ.

EU đang bị ràng buộc với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một số lượng lớn những thỏa thuận chính trị, quân sự và kinh tế, đặc biệt về di dân. Vì Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những cửa ngõ của những người di cư từ Trung Đông qua châu Âu nên nếu Ankara mở toang cánh cửa biên giới thì đồng nghĩa với việc các nước châu Âu sẽ vất vả.

Gần đây, EU đã phải trả tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lại lời cam kết của Ankara trong việc ngăn chặn làn sóng di dân tràn vào liên minh này thông qua ngả nước mình. Chưa kể chính quyền Ankara luôn biết đi “bằng hai chân” không như Ukraine, với một chân trong NATO, chân kia chơi với Nga.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị từ chối vào khối EU thì vẫn còn cửa vào các liên minh khác mà Nga là thành viên.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.