Căng thẳng trong quan hệ EU - Italia

Thứ Bảy, 19/09/2009, 15:30
Quan hệ giữa Roma và Bruxelles một lần nữa lại trở nên căng thẳng. Nguyên nhân vẫn là vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Ngày 1/9 vừa qua, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, đã có phản ứng gay gắt với Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) vì cho rằng cơ quan này đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Italia và châm ngòi cho những cuộc bài bác chính phủ của phe đối lập tại nước này.

Tình hình căng thẳng tới mức, ông Berlusconi còn đe dọa sẽ phong tỏa sự vận hành của Hội đồng châu Âu, thậm chí còn yêu cầu một số ủy viên châu Âu từ chức vì đã không kiểm soát được những người phát ngôn của họ, để có những phát ngôn bừa bãi.

Nguyên nhân gây ra những phản ứng cực độ từ phía Italia bắt đầu từ một lá thư được phát đi ngày 31/8 của phát ngôn viên của EC, Denis Abbott, về vấn đề người tị nạn nhập cư trái phép vào Italia. Trước đó, ngày 30/8, Cảnh sát Italia đã trục xuất một tàu chở 75 thuyền nhân từ Lybia xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Italia. EC khẳng định, lá thư trên chỉ là một yêu cầu về thông tin.

Trong thư, ông Abbott nhấn mạnh rằng những người tị nạn trên có quyền được đưa vào bờ để tìm hiểu nhân thân và biết đâu họ đang cần một sự bảo vệ quốc tế nào đó. Quan điểm này đã từng được Jacques Barrot, Ủy viên châu Âu về vấn đề nhập cư, đưa ra ngày 15/7 tại một hội nghị của châu Âu. Theo đó, một quốc gia không thể từ chối một yêu cầu xin tị nạn mà không cần kiểm tra trước.

Về phía mình, Thủ tướng Berlusconi cho rằng chỉ có Chủ tịch EC và người phát ngôn riêng của nhân vật này mới được phép phát đi những thông báo nhắc nhở các quốc gia thành viên trong khối Liên minh châu Âu (EU).

Một số nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Thủ tướng Berlusconi đã ra điều kiện với ông José Manuel Barroso, đương kim Chủ tịch EC và đang là ứng cử viên cho  nhiệm kỳ thứ hai, rằng nếu muốn nhận được sự hậu thuẫn của Italia ông Barroso phải cam kết tiến hành cải tổ chính sách thông tin trong cơ quan hành pháp châu Âu, đại loại để tránh những phát biểu như kể trên. Ông Berlusconi cho biết sẽ nêu vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo khối tại Bruxelles vào cuối tháng 10 tới.

Thực lòng mà nói, sự tức giận của Thủ tướng Berlusconi lần này phần nào xuất phát từ những chỉ trích trước đó của EC đối với những sáng kiến của ông như việc ban hành luật mới về chống nhập cư trái phép. Tháng 7/2009, cơ quan hành pháp châu Âu cũng chỉ rõ rằng họ sẽ xem xét lại tính tương thích của một số điều luật của Italia với luật của khối.

Để đáp trả những đe dọa trên, nhiều thành viên trong chính phủ của ông Berlusconi khi đó đã tố cáo sự bất lực của các cơ quan chức năng EU trước nạn nhận cư bất hợp pháp và việc để những quốc gia có biên giới giáp biển Địa Trung Hải không được hưởng một sự bảo hộ cần thiết trước vấn nạn trên. "Châu Âu đã bỏ mặc chúng tôi (...) khi không có hành động gì. Chính cơ quan này phải chịu trách nhiệm khi để vấn đề nhập cư bùng phát"- đại diện Italia tại EU, Andrea Ronchi, phát biểu hôm 3/9 tại Il Corriere della Serra. "Nhập cư trái phép là vấn đề của cả châu Âu. EU đã có nhiều tuyên bố về vấn đề này (...) nhưng lại chưa bao giờ đề ra các biện pháp giải quyết khi một nhóm những người nhập cư bất hợp pháp thâm nhập lãnh thổ của khối"- Ngoại trưởng Italia, Franco Frattini, nhận định sau cuộc thảo luận mới đây với đại diện của Thụy Điển, quốc gia hiện là chủ tịch luân phiên EU.

Trong một phát biểu hôm 3/9, EC khẳng định những căng thẳng giữa cơ quan này với Italia đã có phần dịu bớt. Về phần mình, Ủy viên Barrot từ chối mọi bình luận và bác bỏ mọi sự cáo buộc về thái độ không biết nhận lỗi của mình. Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận một phần lỗi khi để xảy ra sự phản ứng mạnh mẽ từ phía các quốc gia thành viên trước nhu cầu chia sẻ "trách nhiệm" mà với EU là việc tiếp đón người tị nạn.

Italia đang phải đối mặt với nạn nhập cư nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Lên tiếng bênh vực cho phát ngôn viên của mình, ông Jacques Barrot cho rằng: "Khi đề cập tới những vấn đề của các quốc gia thành viên, Italia cũng như các nước khác, chúng tôi phải yêu cầu một số giải thích. Đây là trách nhiệm của chúng tôi". Trong khi đó, Chủ tịch khối Xã hội tại châu Âu, Martin Schulz, thì cho rằng sự phản ứng thái quá của Thủ tướng Berlusconi cho thấy những tình cảm chống châu Âu của ông mới sâu sắc làm sao!

Sự cố trên đã khơi mào cho những tranh cãi mới về tính cần thiết phải có những biện pháp và cải tổ trong EU. EC dự định sẽ tăng cường trợ giúp đối với Italia, Malta, Hy Lạp, Síp và Tây Ban Nha trong việc đối phó với nạn nhập cư lậu.

Theo báo Figaro (5/9/2009), trong vài tuần tới, EU sẽ xem xét đề xuất một số dự thảo luật trình nghị viện khối nhằm tại sự hài hòa trong thủ tục xin tị nạn ở tất cả các nước thành viên để làm sao chỉ tiếp nhận những người tị nạn đang thực sự cần một sự bảo vệ quốc tế.

Đại diện Thụy Điển cho biết, EU sẽ đưa ra những chuẩn mực mới về tiếp nhận người tị nạn. Và Bruxelles cũng đề xuất một chương trình tự nguyện chung của khối nhằm tiếp đón những người tị nạn rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nhất là những người sống tạm bợ tại các trại tị nạn ở Cộng hòa Tchad, Jordani hay Kenya.

Italia, đang phải đối mặt với vấn đề nhập cư trái phép lớn nhất trong lịch sử, đã tỏ ra hết sức cứng rắn trong chính sách nhập cư của mình, trong đó một số biện pháp đã gây ra tranh cãi căng thẳng giữa nước này với EU. Tháng 8/2009, Chính phủ Italia đã ban hành quy định mới theo đó người bị phát hiện cư trú bất hợp pháp tại Italia sẽ bị phạt tới 10.000 euro

N.Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.