Canh bạc Hiến pháp của Thủ tướng Italia Matteo Renzi

Thứ Ba, 29/11/2016, 14:25
Italia đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 4-12 về việc đồng ý hay không đồng ý cải cách Hiến pháp do Thủ tướng Matteo Renzi đề xuất, trong đó sửa đổi nhiều quy định liên quan đến quyền hạn của Nghị viện và các đảng phái chính trị. Italia đang đứng trước khả năng khủng hoảng chính trị nếu kết quả trưng cầu dân ý bác bỏ việc sửa đổi Hiến pháp.

Trong phát biểu mới nhất trước công chúng Italia liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý ngày 4-12, Thủ tướng Matteo Renzi đã lặp lại lời tuyên bố mang tính chất “hăm dọa” rằng ông sẽ từ chức nếu kết quả trưng cầu là phiếu “Không” thắng thế. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Renzi cảnh báo rằng hệ thống chính trị Italia hiện tại đang trong tình trạng “mục ruỗng” và hệ thống đó sẽ được chuyển giao cho những ai sẽ kế vị ông sau cuộc trưng cầu.

Như vậy, theo dự báo, nhiều khả năng ông Renzi sẽ gặp thất bại trong cuộc bỏ phiếu ngày 4-12 tới. Theo quy định của Hiến pháp Italia, sau khi Thủ tướng Renzi từ chức như cam kết, thì Tổng thống Sergio Mattarella sẽ chọn một người đứng đầu chính phủ lâm thời sẽ phụ trách điều hành đất nước cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử mới. Ông Renzi vẫn là Chủ tịch đảng Dân chủ.

Thủ tướng Italia Matteo Renzi.

Trước mắt, người ta thấy có hai người có thể được nhắm đến để thay thế ông Renzi đảm đương vị trí thủ tướng lâm thời, đó là Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan và Bộ trưởng Văn hóa Dario Franceschini.

Lời cảnh báo của Thủ tướng Renzi thể hiện quan điểm nhất quán của ông về việc cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp Italia. Đó là chính trị Italia cần phải có sự thay đổi tận gốc để không còn tái diễn tình trạng trì trệ. Kể từ khi được Tổng thống Giorgio Napolitano bổ nhiệm làm Thủ tướng Italia đến nay, tuy đã thực hiện được nhiều lời hứa đưa ra trước đó, nhưng ông Renzi vẫn cho rằng còn nhiều việc mình chưa thể thực hiện được do những khó khăn chính trị, và ông cho rằng cần phải có sự thay đổi tận gốc để tạo bước đột phá mới.

Những sửa đổi Hiến pháp mà ông Renzi đưa ra tập trung xoáy mạnh vào những thay đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn cho đảng cầm quyền thông qua các luật điều hành đất nước, đồng thời làm yếu đi quyền hành của Thượng viện. Những người phản đối dự thảo Hiến pháp sửa đổi, cả bên hữu khuynh lẫn tả khuynh, kể cả trong đảng cầm quyền của ông Renzi. Những người này cho rằng, nếu sửa đổi Hiến pháp theo hướng như ông Renzi đề xuất có thể sẽ làm suy yếu hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực ở Italia.

Trong khi đó, những người ủng hộ sửa đổi Hiến pháp cho rằng Italia phải tạo thuận lợi hơn cho việc thông qua các đạo luật sau hàng chục năm Quốc hội đã thể hiện không có khả năng thông qua những cải cách lớn và mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị.

Phân tích về khả năng thành công của Thủ tướng Renzi, nhiều người cho rằng sẽ rất khó nếu căn cứ vào các cuộc thăm dò ý kiến công chúng. Kể từ tháng 10-2016 đến nay, ít nhất hơn 20 cuộc trưng cầu dân ý đã được tiến hành và đều cho kết quả phía nói “Không” luôn chiếm ưu thế so với phía nó “Có”, nhưng cũng có đến gần một nửa số phiếu chưa thể hiện quan điểm ủng hộ hay chống.

Cụ thể, kết quả thăm dò dư luận do hãng Corriere della Sera công bố hồi tháng 10-2016 cho thấy 23% dân chúng ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, 25% phản đối và 52% chưa quyết định hoặc không phản hồi ý kiến. Trong khi đó, hãng EMG công bố kết quả với 31% ủng hộ, 36% phản đối và 33% chưa quyết định.

Danh hài Beppe Grillo và đảng M5S của ông là trở ngại lớn cho Thủ tướng Renzi trong việc thông qua các cải cách kinh tế, chính trị.

Theo nhận định chung, do tính chất phức tạp của những cuộc thăm dò và bỏ phiếu bầu cử ở Italia nên sẽ rất khó đoán trước kết quả cuối cùng. Sự giằng co giữa lá phiếu “Không” và “Có” thôi đã hứa hẹn một khả năng bất phân thắng bại giữa hai phe, trong khi gần một nửa số phiếu chưa quyết định sẽ là một ẩn số lớn. Đây chính là “khoảng trống” mà Thủ tướng Renzi đang muốn khai thác thông qua các phát biểu mang tính chất “hăm dọa” vừa qua của ông.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, lời cảnh báo về một tương lai “khủng hoảng chính trị nếu trưng cầu thất bại” của Thủ tướng Renzi sẽ khó lòng tạo nên sự chuyển biến trong ý kiến của cử tri Italia. Chuyên gia phân tích Wolfango Piccoli của tổ chức Teneo Intelligence cho rằng, viễn cảnh khủng hoảng không còn có thể khiến người dân Italia lo sợ được nữa, vì người ta đã quá quen với tình trạng chính trị rối ren trong những năm cao điểm khủng hoảng tài chính cách đây vài năm.

Giới quan sát nhận định, việc sửa đổi Hiến pháp được xem là canh bạc lớn của Thủ tướng Renzi, mà mục tiêu cuối cùng của nó là ngăn chặn ảnh hưởng mạnh của đảng dân túy Phong trào Năm Sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo và tỉ phú công nghệ Gianroberto Casaleggrio khi thông qua các quyết sách cải cách kinh tế, chính trị của đảng cầm quyền.

Trong cuộc bầu cử gần đây nhất, M5S đã giành tới 25% số phiếu ủng hộ của cử tri. Tỉ lệ này đã giúp cho M5S có được quyền quyết định cục diện chính trị trong Quốc hội. Lãnh đạo đảng, danh hài Grillo đã từ chối đàm phán để đi đến thỏa hiệp với đảng cầm quyền, từ đó việc thông qua các dự luật cải cách của Thủ tướng Renzi luôn lâm vào thế bế tắc.

Theo giới phân tích, nếu tình trạng bế tắc chính trị giữa hai phe tả và hữu khuynh không được giải tỏa thì sau kỳ bầu cử sắp tới, Italia có nguy cơ cũng rơi vào bế tắc nghiêm trọng như từng xảy ra tại Tây Ban Nha. Bằng cách sửa đổi Hiến pháp và sau đó sẽ thông qua luật bầu cử mới, ông Renzi muốn giáng cho đảng M5S một đòn trí mạng.

Theo phân tích, nếu Hiến pháp sửa đổi được thông qua, chỉ có một viện trong Quốc hội là có thực quyền, và đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ngay lập tức có quyền thành lập chính phủ mới. Theo tính toán của ông Renzi, tình hình thực tế hiện nay cho thấy đảng Dân chủ của ông đang có nhiều ưu thế, và vì thế người giành chiến thắng không ai khác ngoài ông. Khi đó ông sẽ lại tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

An Châu (tổng hợp)
.
.