Canh bạc chưa dứt của ông Netanyahu
Ngày 1/3 vừa qua, ông Netanyahu đã đặt chân đến Mỹ trong chuyến đi đơn phương theo lời mời riêng của Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Ngày 2/3, ông Netanyahu đã có bài phát biểu đầu tiên trước cử tọa hội nghị thường niên của tổ chức Ủy ban Các sự vụ công cộng Israel tại Mỹ (AIPAC). Trong bài phát biểu tại AIPAC, ông Netanyahu nhấn mạnh “tiếng nói của người Do Thái giờ phải được cất lên”, và tuyên bố ông sẽ dùng tiếng nói đó tại Quốc hội Mỹ để gióng lên “lời cảnh báo” về “mối đe dọa từ quả bom hạt nhân của Iran”.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Trước chuyến đi, ông Netanyahu đã tuyên bố rằng ông đến Mỹ để phản đối thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) với Iran, và bài phát biểu của ông trước Quốc hội Mỹ sẽ là “canh bạc cuối cùng”. Chính phủ Israel đã làm đủ mọi cách để ngăn cản tiến trình đàm phán tiến tới ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tháng 2/2015, Chính phủ Israel đã cố tình rò rỉ thông tin về các thỏa hiệp trong đàm phán với Iran cho báo chí Israel đăng tải nhằm mục đích phá hỏng tiến trình đàm phán. Hành động này sẽ dẫn đến việc hạn chế chia sẻ những thông tin nhạy cảm trong tương lai. Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước báo chí tại Nhà Trắng hôm 2/3 đã nói rằng, việc cố tình rò rỉ thông tin nhạy cảm như thế là một “sự phản bội lòng tin” của đồng minh.
Theo các nguồn tin, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 3/3, ông Netanyahu dự định vận động Quốc hội Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran để gây áp lực buộc nước này ngừng vĩnh viễn chương trình hạt nhân. Một lệnh trừng phạt mới được áp đặt vào thời điểm hiện nay sẽ khiến cho Iran nổi giận vì bị phương Tây bội ước, từ đó tiến trình đàm phán sẽ bị phá hỏng.
Để thuyết phục Quốc hội Mỹ trừng phạt Iran, ông Netanyahu dự định trình bày chi tiết nội dung thỏa thuận, những nhượng bộ mà các nhà đàm phán Mỹ và các cường quốc P5+1 đã đưa ra cho Iran, và dùng những thông tin đó để lập luận rằng các thỏa thuận đang tạo cho Iran cơ hội để tiếp tục phát triển công nghệ hạt nhân và có năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, cũng trong phát biểu trước báo chí tại Nhà Trắng hôm 2/3, Tổng thống Obama đã đưa ra một “điều kiện”, nếu Iran sẵn sàng đồng ý đóng băng ít nhất 10 năm các hoạt động hạt nhân nhạy cảm, và từng bước thu gọn lại những gì hiện hữu, thì một thỏa thuận hạt nhân có thể đạt được. Và nếu những việc đó có thể được kiểm chứng cụ thể hơn, thì Iran có thể thuyết phục mọi người rằng mình không có vũ khí hạt nhân, khi đó một hiệp ước cuối cùng có thể được ký kết.
Trong một động thái được cho là nỗ lực nhằm giảm nhiệt căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dịu giọng khi nói với chương trình “This Week” của Đài ABC rằng: “Thủ tướng Israel được chào mừng đến phát biểu tại Mỹ”; đồng thời ông Kerry cũng nhấn mạnh mối quan hệ “gần gũi hơn” giữa 2 nước trong giai đoạn hiện nay, xét về vấn đề an ninh.
Ngay trong phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng của Tổng thống Obama cũng đã chứa đựng sự giảm nhiệt căng thẳng, khi ông nói rằng “trục trặc hiện nay sẽ không hủy hoại vĩnh viễn quan hệ Mỹ-Israel”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước báo chí tại Nhà Trắng. |
Bản thân ông Netanyahu cũng không muốn căng thẳng leo thang quá mức cần thiết. Thực tế, chuyến đi Mỹ và bài phát biểu trước Quốc hội của ông Netanyahu không chỉ gây tranh cãi giữa ông với Nhà Trắng mà còn tạo ra khá nhiều rắc rối cho chính những người Do Thái mà ông nhân danh để thực hiện những hành động quyết liệt này. Hầu như toàn bộ các nghị sĩ đảng Dân chủ, nổi bật như Nita M. Lowey (bang New York, John Yarmuth (bang Kentucky), Alan Lowenthal, Brad Sherman (bang California)… đã lên tiếng bày tỏ bất bình với cách ông Netanyahu đến Mỹ và phát biểu.
Họ cho rằng, ông Netanyahu đang vượt lằn ranh giới hạn khiến họ cảm thấy khó xử và muốn xa lánh ông. Các nghị sĩ Do Thái tại Mỹ nói rằng, thay vì tổ chức họp kín với đại diện cả hai đảng phái để trình bày vấn đề, đằng này ông Netanyahu đã ra trước công chúng làm ầm ĩ lên.
Trong khi đó tại quê nhà Israel, không phải ai cũng ủng hộ việc ông Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Nhiều chuyên gia, nhà phân tích cho rằng, mối bận tâm mà ông Netanyahu đặt ra là chính xác và hợp lý, nhưng nhiều người vẫn chỉ trích ông về cách ông đặt vấn đề quá ồn ào. Thậm chí các chính khách đối lập còn cho rằng, bài phát biểu của ông Netanyahu không thể khiến Iran ngừng chương trình hạt nhân.
Ông Netanyahu không chỉ gây tranh cãi ở Mỹ mà còn đang tạo ra một sự phân hóa chính trị ngay trong nước đối với động thái chưa từng có tiền lệ của mình.
Cũng tham gia phát biểu tại Hội nghị AIPAC, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power nhấn mạnh: Quan hệ Mỹ-Israel sẽ tồn tại vượt qua những trở ngại, bất đồng quan điểm nhất thời hiện nay trong chính sách đối với Iran và nhiều vấn đề khác. Điều này có nghĩa rằng, cuộc cãi vã hiện nay giữa ông Netanyahu với Tổng thống Obama sẽ sớm hạ nhiệt. Nhưng bất đồng quan trọng nhất, chính sách đối với Iran, thì vẫn sẽ tồn tại.