Mỹ đưa bộ binh vào Syria:

Canh bạc mạo hiểm của Tổng thống Obama

Thứ Hai, 09/11/2015, 16:00
Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo quyết định đưa bộ binh vào tham chiến tại Syria, với lý do "hỗ trợ cuộc chiến chống IS".

Giới bình luận đánh giá động thái này là một sự "xào bài lại" của ông Obama với hy vọng mong manh là cứu vớt uy tín đang bị sứt mẻ do thất bại trong cả 2 việc: đánh bại IS và lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng đây cũng đồng thời được xem là một canh bạc đầy mạo hiểm, vì có khả năng Mỹ sẽ lún sâu hơn vào cuộc chiến Syria, trong đó có cả việc đụng độ với quân đội Nga và Iran, Hezbollah đang có mặt tại đây.

Theo thông báo nói trên, ông Obama sẽ đưa khoảng "ít hơn 50 lính đặc nhiệm” vào Syria. So với quân số 3.500 người mà Tổng thống Obama đã đưa trở lại Iraq cho đến nay thì con số đó có vẻ quá ít ỏi, và như thế khó có thể tạo nên khả năng chiến đấu trực tiếp. Nhiệm vụ quan trọng của nhóm đặc nhiệm này chính là làm cố vấn quân sự cho các nhóm phiến quân Syria "ôn hòa" để chống IS một cách hiệu quả. Tuy nhiên, một tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết, nhóm đặc nhiệm này sẽ hành động phối hợp với các lực lượng vũ trang người Kurd chống IS ở vùng biên giới Bắc và Đông Bắc Syria.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định: "Các lực lượng này không có nhiệm vụ chiến đấu". Nhưng định nghĩa về khái niệm "chiến đấu" đã thay đổi kể từ khi Mỹ triển khai chiến dịch chống IS tại Iraq và sau đó tại Syria. Tháng 5-2015, các biệt kích Delta Force đã bí mật vào Syria trên những chiếc máy bay trực thăng Black Hawk và V-22 Osprey để giết chết một thủ lĩnh IS cùng 12 tay súng thuộc hạ của y.

Bên cạnh việc triển khai lính đặc nhiệm, Tổng thống Obama cũng cho phép triển khai các chiến đấu cơ A-10 và F-15 đến Căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay A-10 có khả năng hỗ trợ chiến đấu ở cự ly gần cho lực lượng trên mặt đất, còn F-15 thì có thể trực tiếp tham chiến từ trên không.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo đưa lính đặc nhiệm vào Syria.

Hôm 30/10, Tổng thống Obama đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, và sau đó ông đã yêu cầu các "cố vấn" được cử sang Syria thảo luận trực tiếp với chính quyền Baghdad về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên trách để tăng cường hoạt động "tìm và diệt" các lãnh đạo IS tại Iraq. Ngoài ra, ông Obama còn ra lệnh tăng cường hỗ trợ quân sự cho Jordan và Liban.

Lầu Năm Góc muốn xây dựng một "tường lửa" để bảo vệ các lực lượng do Mỹ ủng hộ - bao gồm lực lượng người Kurd và phiến quân Syria đối lập chống Tổng thống Assad - nhằm tạo điều kiện cho các tay súng này nắm giữ các khu vực lãnh thổ mà họ lấy được từ tay IS hoặc Chính phủ Syria. Việc đưa quân đội trực tiếp vào Syria - dù chỉ là một nhóm 50 người - được giới chuyên gia đánh giá là hành động đi ngược lại lời hứa mà Tổng thống Obama đã tuyên bố bấy lâu nay, đó là "không có dấu giày Mỹ trên đất Syria".

Lần gần đây nhất người ta nghe ông Obama nhắc đến lời hứa này là vào tháng 9-2013, khi ông đứng trước sự chọn lựa có nên can thiệp quân sự hay không để ngăn ông Assad sử dụng vũ khí hóa học. Obama đã phát biểu trên truyền hình trước toàn thể người dân Mỹ: "Tôi sẽ không để cho dấu giày Mỹ in trên đất Syria. Tôi sẽ không theo đuổi một hành động không có hồi kết như đã xảy ra ở Iraq và Afghanistan".

Có hai ý nghĩa trong động thái trái ngược này. Thứ nhất, động thái này mang dáng dấp là một nỗ lực "cạnh tranh" chiến lược với nước Nga, sau khi Moscow đã triển khai gần 2.000 binh sĩ, chủ yếu là cố vấn và chuyên gia kỹ thuật, phi công chiến đấu, cùng với hàng chục chiếc máy bay ném bom "chất lượng cao" như Su-24, Su-34 hỗ trợ Tổng thống Assad một cách hiệu quả trong hơn một tháng qua.

Trong khi đó, Mỹ vì ngại bị cuốn sâu vào nội chiến Syria nên đã bỏ ra 500 triệu USD thực hiện một chương trình huấn luyện và cung cấp vũ khí cho phiến quân đối lập ở Syria không chỉ để chiến đấu chống IS mà còn chống cả Chính phủ Syria. Đáng buồn là chương trình đã thất bại, vì trong hàng trăm tay súng Syria đối lập được huấn luyện chỉ có vài người còn chiến đấu thật sự, còn hầu hết đều đã "quy hàng" và giao nộp vũ khi cho IS để được yên thân.

Giới bình luận cho rằng Tổng thống Obama đã nhìn thấy việc Mỹ "đứng ngoài" cuộc chiến Syria quá lâu và đã để cho Nga và Iran chớp lấy cơ hội nhảy vào hỗ trợ đồng minh. Vì vậy ông Obama quyết định xét lại lời hứa "không để dấu giày trên đất Syria" bằng việc đưa quân đặc nhiệm Mỹ vào Syria.

Thứ hai, truyền thông Mỹ cho việc đưa đặc nhiệm bộ binh vào Syria là động thái tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực ngoại giao của Ngoại trưởng John Kerry nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho Syria theo quan điểm của Mỹ - đối ngược lại với giải pháp theo cách của Nga.

Trong cuộc họp báo chiều 30/10, Ngoại trưởng Kerry đã cùng với đồng nghiệp người Nga Sergei Lavrov thông báo kết quả hội nghị Vienna về Syria diễn ra cùng ngày, theo đó, các quốc gia thuộc các phe nhóm lợi ích khác nhau đã tạm thời đồng ý với ý tưởng đưa ra một lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, sau đó một bản Hiến pháp mới sẽ được soạn thảo và thông qua với sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, tiếp theo sau là bầu cử Quốc hội, bầu cử Tổng thống mới. Và lệnh ngừng bắn sẽ không áp dụng đối với cuộc chiến chống IS.

Tuy nhiên, thời hạn cho giải pháp ngừng bắn, việc sửa đổi Hiến pháp và cả các cuộc bầu cử vẫn còn mù mờ, chưa thể nhìn thấy trong tầm mắt, chưa kể liệu các bên trực tiếp liên quan như Chính phủ Syria và phe đối lập có đồng ý chấp nhận hay không, trong đó ít nhất là đối với quan điểm "Assad phải ra đi" của phương Tây.

Lính đặc nhiệm Mỹ sẽ vào Syria để hỗ trợ phiến quân đối lập Syria.

Trong khi đó, với việc cho phép "dấu giày Mỹ trên đất Syria", ông Obama còn đang chơi một canh bạc đầy mạo hiểm, rủi ro cao. Theo chuyên gia Aaron David Miller, Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, với việc đưa đặc nhiệm vào Syria để phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Syria chống IS, Tổng thống Obama đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng và bực bội, vì trong số các nhóm phiến quân mà Mỹ sẽ hợp tác có nhóm Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) trực thuộc đảng Công nhân Kurd (PKK) - lực lượng chống Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đòi độc lập, thành lập Nhà nước Kurdistan.

Trong vài tuần gần đây, YPG là lực lượng chiến đấu chống Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới Syria. Hiện chính quyền Mỹ đang tìm cách trấn an Ankara với lập luận rằng hành động quân sự mới của Mỹ là nhằm "bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ".

Một nguy cơ lớn hơn chính là các đặc nhiệm Mỹ ở Syria có nhiều khả năng đụng độ với quân đội Nga đang có mặt tại đây. Mặc dù đã có thỏa thuận "tránh đụng độ" trên không với Nga, nhưng Lầu Năm Góc đã không thông báo cho phía Nga biết về sự hiện diện cũng như nơi trú đóng của nhóm đặc nhiệm Mỹ tại Syria. Nga không chỉ không kích IS mà còn cả một số nhóm phiến quân chống Chính phủ Syria ở những vị trí chiến lược cần ném bom, vì vậy nguy cơ là các máy bay ném bom Nga sẽ ném bom nhầm vào những vị trí có lính đặc nhiệm Mỹ, gây ra tình huống đụng độ ngoài ý muốn giữa Mỹ và Nga tại Syria.

Để tránh rủi ro, chuyên gia Miller đưa ra lời khuyên đối với Tổng thống Obama khi chơi canh bạc bộ binh trên đất Syria: "Hãy để mắt tới IS, đưa lực lượng của mình tránh đường Nga và củng cố thành tích của mình sau khi Nga đã gia tăng thành tích của họ”.

Nói chung, Miller cho rằng bộ binh Mỹ nên chơi ván bài khôn ngoan là vừa "núp bóng" vừa "song hành" cùng quân đội Nga trong chiến dịch "song kiếm hợp bích" chống IS là an toàn nhất.

An Châu (tổng hợp)
.
.