Nỗi lo "ngoại giao chiến binh sói" của Trung Quốc ở Biển Đông
- Tại sao Biển Đông làm căng thẳng quan hệ Mỹ -Trung?
- Khi các quốc gia cùng phản đối yêu sách Biển Đông của Trung Quốc
Những yêu sách vô lý
Hãng AP ngày 7-6 đăng tải một bài viết cho hay, nhìn vào những phát triển gần đây ở Biển Đông, có thể thấy rõ Trung Quốc đang ra sức "đấu" với các quốc gia láng giềng trong vấn đề Biển Đông. Theo tờ báo này, Bắc Kinh đã lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành để tiến hành các hoạt động đơn phương, trái pháp luật trên Biển Đông.
Lấy ví dụ về tàu West Capella của Malaysia bị một tàu khảo sát của Trung Quốc đi cùng tàu bảo vệ bờ biển áp sát, gây khó dễ khi đang tiến hành thăm dò tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, hãng CNN viết: "Bắc Kinh tuyên bố họ đang tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Nhưng trong nhiều năm, các tàu Trung Quốc đã bị buộc tội săn lùng tàu của các nước. Vụ việc với tàu West Capella đã được vệ tinh của Viện Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) ghi lại qua hình ảnh chụp từ vệ tinh".
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo. Ảnh: Getty. |
Chiến lược "ngoại giao chiến binh sói"
Hãng tin Berna News bình luận, đây là lần đầu tiên, Indonesia - quốc gia luôn giữ quan điểm trung lập và không tham gia bất kỳ tranh chấp nào trên Biển Đông - lên tiếng về vấn đề này. Trước đó, hôm 26-5, Jakarta đã gửi công hàm ngoại giao lên LHQ trong đó bác bỏ đường 9 đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như yêu sách quyền lịch sử đối với gần như tất cả các tuyến đường thủy ở khu vực Biển Đông.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia trong một lần trả lời phỏng vấn chỉ rõ, Jakarta sử dụng công hàm ngoại giao này để chỉ ra rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc đã vượt qua các ranh giới thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Và như tờ Channel News Asia viết, công hàm ngoại giao của Indonesia là công hàm mới nhất trong một loạt các công hàm từ các quốc gia thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sau công hàm của Malaysia hồi tháng 12 năm ngoái.
Tháng 4 vừa qua, sau khi một tàu hải giám Trung Quốc đâm và đánh chìm một tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam cũng đã gửi công hàm ngoại giao cho LHQ, tái khẳng định chủ quyền không thể thay đổi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như những quyền lợi của Việt Nam tại EEZ trên Biển Đông.
Lâu nay, Biển Đông là một trong những khu vực gây tranh cãi nhất trên thế giới bởi các yêu sách vô lý của Bắc Kinh nhằm ôm trọn Biển Đông. Các tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế và được coi là không hợp lệ trong phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực ở The Hague năm 2016. Tuy vậy, từ năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường hiện thực hóa tham vọng lãnh thổ bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo trên các rạn san hô và bãi cạn ở Biển Đông, sau đó quân sự hóa chúng bằng các đường bay, bến cảng và các trạm radar.
Indonesia và Trung Quốc bắt đầu có mâu thuẫn về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Bắc Natuna. ảnh: Reuters. |
"Bắc Kinh có lịch sử lâu dài về việc quấy rối các tàu của các quốc gia khác ở Biển Đông, chủ yếu là từ Việt Nam và Philippines và đôi khi từ Malaysia và Indonesia. Gần đây, sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh COVID-19 làm trỗi dậy cái gọi là "ngoại giao chiến binh sói" của Bắc Kinh", hãng CNN viết.
Con dao hai lưỡi
Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông làm tổn hại danh tiếng quốc tế của chính họ. Bên cạnh đó, kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng đã bị suy giảm. Tại cuộc họp của Quốc hội vào tháng 5, lần đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc đã không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm - một dấu hiệu cho thấy họ lo ngại về hiệu quả kinh tế giảm.
Đồng thời, căng thẳng đang gia tăng với Mỹ và châu Âu về vai trò của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự bùng phát ban đầu của dịch bệnh COVID-19 và liệu nó có cho thế giới đủ thời gian để đối phó với đại dịch hay không đang khiến cho Trung Quốc càng đứng trước nguy cơ bị tẩy chay. Vì thế, theo nhiều học giả chuyên nghiên cứu về chính sách của Trung Quốc nhận định: "Có thể Trung Quốc đang muốn gia tăng gấp đôi tài hùng biện và thực hiện nhiều chương trình nghị sự dân tộc, trong đó bao gồm cả việc cố gắng kiểm soát Biển Đông để đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề COVID-19."
Biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines phản đối những hành động gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông. ảnh: AP |
Còn Indonesia trong quá khứ đã nổ súng vào các tàu cá Trung Quốc không rời khỏi vùng biển của nước này và hành vi cứng rắn của Tổng thống Widodo vào tháng 1 cho thấy ông sẽ không ngồi yên trong khi Bắc Kinh di chuyển vào quần đảo Natuna.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro khác. Mỹ đã tăng cường tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, nắm giữ một nửa số lượng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2020. Washington cũng đang nỗ lực để hỗ trợ trực tiếp các quốc gia ASEAN như việc chuyển giao cho hải quân Malaysia lô máy bay không người lái giám sát đầu tiên hồi tháng 5.
Và gần đây, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã thực hiện cái gọi là "hoạt động hiện diện" gần các giàn khoan đang bị tàu Trung Quốc theo dõi. "Mỹ ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc theo đuổi hợp pháp lợi ích kinh tế của họ", Phó Đô đốc Bill Merz, chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ tuyên bố hồi đầu năm.