Cặp “bông hồng thép” trong nền tư pháp Romania

Thứ Năm, 20/08/2015, 17:35
Đó là biệt danh mà công luận ở Romania đặt cho 2 nữ viên chức cao cấp, đang lãnh đạo các cơ quan tư pháp trọng yếu Romania là Tòa án Tối cao (ICCJ) và Cơ quan Bài trừ tham nhũng quốc gia (DNA). Sự phối hợp ăn ý giữa họ đã đem lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, đưa những nhân vật cộm cán nhất trong guồng máy nhà nước ra trước ánh sáng công lý.

Người đi tiên phong trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng chính là công tố viên cao cấp, bà Laura Codruta Kovesi 42 tuổi,  Giám đốc DNA với câu tuyên ngôn bất hủ "không có vùng cấm với tội tham nhũng ở bất cứ cấp nào".

Bà từng là nhà cựu vô địch bóng rổ châu Âu năm 1989 lúc còn là học sinh trung học. Sau khi tốt nghiệp Khoa Luật Trường đại học Tổng hợp Babes-Bolyai (UBB) năm 1995, từ một công tố viên chốn tỉnh lẻ ở Sibiu, Kovesi đã lần lượt thăng tiến trong sự nghiệp  nhờ vào năng lực và uy tín.

Năm 1998, khi mới 25 tuổi L. Kovesi đã là Trưởng Chi cục Sibiu của Cục Điều tra tội phạm có tổ chức và khủng bố (DIICOT), trực thuộc Bộ Tư pháp Romania. Sau đó, bà là công tố viên cao cấp của ICCJ ở thủ đô Bucharest. Tháng 5-2013, luật sư L. Kovesi được Tổng thống Traian Basescu bổ nhiệm là người đứng đầu DNA.

Ẩn đằng sau giọng nói bình thản và nụ cười nhã nhặn của Giám đốc DNA Kovesi là một nghị lực sắt đá, cương quyết không khoan nhượng với tội danh tham nhũng. "Giới công tố viên chúng tôi không bao giờ nản chí, sẵn sàng đối mặt với bọn tội phạm...”.

Giám đốc DNA Laura Kovesi không khoan nhượng trước bất cứ hành vi nhũng lạm nào.

Năm 2014, bà Kovesi đã được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng Người phụ nữ can đảm nhất thế giới, thể hiện qua vai trò mang tính quyết định trong việc cải cách tư pháp và bài trừ tham nhũng ở Romania.

Còn nữ luật gia Livia Doina Stanciu 59 tuổi được Quốc hội Romania bầu làm Chủ tịch ICCJ năm 2009, là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan tư pháp tối cao này. Cũng tương tự như người đồng nghiệp L. Kovesi, trong hơn 30 năm qua, bà Stanciu lần lượt được giao các chức vụ quan trọng trong hệ thống tư pháp nhà nước.

Trên cương vị là Chủ tịch ICCJ,  bà Stanciu đã khẩn trương bắt tay vào việc, khiến những vụ án tham nhũng liên quan đến giới chính khách cao cấp tăng lên đáng kể, bà đã cho lật lại những vụ tham nhũng lạm trước đây tưởng như đã bị "chìm xuồng"... Điển hình là việc truy tố cựu Thủ tướng Adrian Nastase, vị chính khách cộm cán được liệt vào hàng "bất khả xâm phạm" vào tháng 7/2012, rồi đưa ông này ra xét xử với bản án 2 năm tù giam, đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử tư pháp Romania.

Chủ tịch ICCJ Livia Stanciu tại văn phòng làm việc.

Trong những năm gần đây, cặp "bông hồng thép" đã cùng nhau phối hợp để lập hồ sơ truy tố hàng chục cựu bộ trưởng và nhiều vị dân biểu thuộc lưỡng viện Quốc hội, cũng như giới quan tòa biến chất về tội danh tham nhũng, kịp thời đưa ra xét xử với những bản án thích đáng.

Sự kiện mới nhất trong sự phối hợp hành động của cặp đôi này giống như một "trái bom công phá nền chính trị Romania", như bình luận của giới quan sát am hiểu vào đầu tháng 7 vừa qua, cả Giám đốc DNA L. Kovesi lẫn Chủ tịch ICCJ L. Stanciu đều gửi công văn chính thức đến Ban lãnh đạo Quốc hội, nhất quyết yêu cầu cơ quan lập pháp tối cao phải bãi miễn quy chế ưu đãi miễn trừ, tạo thuận lợi cho việc lập thủ tục tố tụng đối với vị Thủ tướng Victor Ponta.

Các tội danh mà Thủ tướng V. Ponta bị cặp "bông hồng thép" cáo buộc là giả mạo giấy tờ tài liệu, gian lận tài chính, tẩy rửa tiền và đồng lõa trong việc trốn thuế. Nếu bị đưa ra xét xử, ông V. Ponta phải giã từ vị trí người đứng đầu nội các đầy quyền lực của mình.

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.