Kết quả vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp:

Cặp song đấu Macron-Le Pen vẽ lại đường phân ranh chính trị

Thứ Tư, 26/04/2017, 13:45
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra hôm 23-4 đã mau chóng xác định được 2 ứng cử viên bước vào vòng 2 (sẽ diễn ra vào ngày 7-5) là Emmanuel Macron của phong trào chính trị “En Marche” theo đường lối trung dung và người về nhì nổi tiếng bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN), đúng như kịch bản mà dư luận báo chí và giới quan sát đã dự báo.

Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử cho biết, ông Emmanuel Macron dẫn đầu cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 23,9%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với bà Marine Le Pen, người đạt 21,4%. Cựu Thủ tướng Francois Fillon về thứ ba, đạt 20,01% và ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon về thứ 4 với 19, 58%. Với kết quả này, hai người bước vào vòng 2 cuộc bầu cử không ai khác bà Le Pen và ông Macron.

Ông Macron vươn lên dẫn đầu cuộc bỏ phiếu sau khi đã để bà Le Pen vượt mặt trong các cuộc thăm dò cuối cùng trước bầu cử là một điều khiến những người chống lại xu hướng cực hữu dân túy thở phào nhẹ nhõm, coi như tạm thời chặn được đà thăng tiến của trào lưu này. Tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vẫn còn một vòng nữa, và tất cả đều còn ở phía trước.

Cử tri Pháp ủng hộ bà Marine Le Pen trong ngày bầu cử.

Với tỉ lệ thắng phiếu thấp của ứng cử viên dẫn đầu cuộc đua, cả việc người từng là ứng cử viên sáng giá nhất là ông Fillon về đích thứ ba với khoảng 20% phiếu, đồng thời chứng kiến sự vươn lên rõ nét của ứng cử viên phi truyền thống Mélenchon nói lên một điều rằng, cử tri Pháp đang chán ngán chính trị truyền thống sáo rỗng và kém hiệu quả. Người mà dân Pháp cần hiện nay là một sự thay đổi mạnh mẽ, sẽ đem lại sự đột phá nào đó và bầu sinh khí mới cho đời sống Pháp.

Sau sự kiện Brexit và với việc tỉ phú Donald Trump thắng cử lên làm Tổng thống Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp là sự kiện mới nhất góp thêm vào dòng chảy những sự thay đổi chính trị phi truyền thống, hất văng tất cả những nhân vật bảo thủ, đại diện cho lề thói cũ. Kết quả cuộc bầu cử hôm 23-4 ở Pháp - lần đầu tiên hai đảng tả và hữu truyền thống bị loại ngay vòng đầu, để một người hoàn toàn mới đại diện cho một phong trào chính trị cũng mới hoàn toàn lên dẫn đầu - được mô tả là mang tính lịch sử, thể hiện sự cự tuyệt của công chúng đối với tầng lớp chính trị cầm quyền bấy lâu nay.

Cặp song đấu Macron-Le Pen vào vòng chung kết còn đánh dấu sự vẽ lại đường phân ranh chính trị, không còn theo lối cũ là tả - hữu nữa mà đã chuyển sang hình thái đối chọi mới giữa quan điểm tự do, ủng hộ toàn cầu hóa với chủ nghĩa dân tộc “bế quan tỏa cảng” (đóng cửa biên giới). Le Pen tự mô tả chiến dịch tranh cử của mình là cuộc đấu trí giữa “những người yêu nước” (ám chỉ đảng FN) với “những nhà toàn cầu hóa” mà Macron là một đại diện tiêu biểu.

Bà Le Pen hiện còn một cơ hội không nhỏ cho vòng 2: tỉ lệ ủng hộ bà tại khu vực nông thôn ngày càng tăng do quan điểm chủ nghĩa dân tộc yêu nước, chống lại sự bất công của toàn cầu hóa. Lá phiếu của người dân nông thôn là cơ sở quan trọng góp phần giúp Le Pen rượt đuổi Macron sát nút ở vòng 1.

Kết quả ở vòng 1 là minh chứng rõ ràng cho sự tiến bộ không ngừng của đảng FN và phong trào dân túy của cánh hữu kể từ khi bà Marine Le Pen tiếp quản lãnh đạo đảng này vào năm 2011 từ chính người cha của bà, ông Jean-Marie Le Pen, nhà sáng lập đảng. Le Pen giương cao ngọn cờ chống người nhập cư và hứa sẽ xóa sổ cái bà gọi là “chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan” tại Pháp.

Trong khi người ủng hộ Macron vẫy cờ EU trong các cuộc tụ họp cử tri, thì Le Pen bảo với cử tri của mình rằng “EU sẽ chết”. Le Pen đưa ra thông điệp muốn rời khỏi đồng tiền chung Euro, trở lại sử dụng đồng franc truyền thống của Pháp, rời khỏi thỏa thuận Schengen và đóng cửa biên giới với các nước xung quanh.

Thông điệp trung tâm của chiến dịch tranh cử của Le Pen là câu khẩu hiệu đã được cha bà giương cao từ khi thành lập đảng năm 1972 cho đến nay: “Giữ nước Pháp cho người Pháp!”. Tất cả những thứ như công ăn việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội đều phải ưu tiên cho người Pháp.

Trong khi đó, Macron có lợi thế vô cùng lớn, đó là sự hậu thuẫn vô tiền khoáng hậu của nhiều đảng phái chính trị khác nhau, bất kể người của họ vừa bị bại dưới tay Macron. Thủ tướng Bernard Cazeneuve, thuộc đảng Xã hội, đã đứng ra vận động trong khắp các đảng phái chính trị khác ủng hộ Macron nhằm ngăn chặn bà Le Pen lên cầm quyền, vì e ngại các chính sách cực hữu của bà này.

Cựu Thủ tướng Francois Fillon, ứng cử viên đảng Les Republicains về vị trí thứ ba, cũng tuyên bố ủng hộ Macron, cho rằng đảng FN “có lịch sử bạo lực và không khoan dung”, đồng thời chương trình kinh tế - xã hội của đảng này cũng có thể đưa nước Pháp đi đến phá sản.

Macron là một hiện trượng mới nổi lên trong thời gian rất ngắn, tuổi đời còn rất trẻ, năm nay mới 39 tuổi, nhưng đã dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, từng làm việc trong ngân hàng đầu tư và làm cố vấn cho Tổng thống Francois Hollande trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và mới từ chức vào năm 2016.

Macron không theo đảng phái nào, ông tự phát động một phong trào chính trị mang tên “En Marche” (Tiến lên) cách đây vài tháng. Phong trào chính trị này không thiên về phía nào, tả hay hữu, và đưa ra lời hứa sẽ làm cuộc “cách mạng” triệt để trong hệ thống chính trị “trống rỗng” của nước Pháp.

Hai ứng cử viên vào vòng 2, Marine Le Pen và Emmanuel Macron.

Phát biểu trước đám đông cử tri đầy nhiệt huyết ở Paris, Macron nói về phong trào chính trị mới của mình: “Trong một năm chúng tôi đã làm thay đổi bộ mặt chính trị nước Pháp”, và tuyên bố rằng mình sẽ là “tổng thống của những người yêu nước” để chống lại “mối đe dọa dân tộc chủ nghĩa”.

Cuộc bầu cử ngày 23-4 được xem là kỳ bầu cử căng thẳng nhất tại Pháp trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần II. Trước ngày bỏ phiếu, không khí chính trị ở Pháp luôn căng thẳng và hồi hộp. Những lùm xùm quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cho đến nay vẫn chưa kết thúc và FBI hiện vẫn đang điều tra để làm rõ chân tướng vụ việc, nhưng thông tin báo chí và dư luận ồn ào về “bàn tay nước Nga” can thiệp vào tiến trình vận động tranh cử, thậm chí vào kết quả kiểm phiếu, theo hướng có lợi cho ông Trump đã tác động lên tâm lý chính trị chung ở Pháp.

Trước ngày bầu cử, những “tiếng trống gõ ầm ĩ” trên khắp mặt báo, đài truyền hình và mạng Internet về “mối đe dọa” đến từ Nga, về nguy cơ “bàn tay nước Nga” sẽ lại thò vào cuộc bầu cử để tạo hiệu ứng “phá bĩnh” như từng xảy ra ở Mỹ. Bên cạnh đó, bóng ma khủng bố đã phủ bóng đen trên toàn nước Pháp sau một loạt vụ việc khủng bố đẫm máu xảy ra trong vòng hai năm qua khiến hàng trăm người chết.

Khủng bố tiếp tục là mối đe dọa thường trực với hàng loạt lời cảnh báo được các cơ quan tình báo đưa ra và nhiều âm mưu tấn công bị phát hiện. Rồi sát ngày bầu cử, nước Pháp lại một phen lên ruột với vụ tấn công trên đại lộ Champs Elysée khiến  một cảnh sát thiệt mạng. Thật may, ngày bầu cử vòng 1 đã trôi qua một cách yên ắng, không có một sự cố nhỏ nào xảy ra, kể cả chuyện “bàn tay nước Nga” hay sự ra tay của bóng ma khủng bố.

Trước khi vòng hai cuộc bầu cử diễn ra, nhiều ý kiến nhận định đều không đưa ra dự đoán chắc chắn nào cho cặp đấu ngang ngửa nhau về nhiều mặt. Có thể bà Marine Le Pen sẽ thắng để lần đầu tiên sau nhiều đợt “về nhì” bước lên sân khấu làm người “về nhất”.

Nhưng cũng có thể Emmanuel Macron sẽ thắng theo kịch bản mong muốn của rất nhiều người ở Pháp để viết nốt câu chuyện có hậu về một hiện tượng chính trị mới tại Pháp, để khẳng định chắc chắn sự ra đời của một phong trào chính trị hoàn toàn mới có thể đưa nước Pháp tiến lên phía trước mà không cần phải hy sinh EU hay đồng tiền chung euro.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.