Catherine Ashton - người phụ nữ quyền lực của châu Âu

Chủ Nhật, 20/12/2009, 16:45
Châu Âu thống nhất lại xuất hiện một nữ chính trị gia đầy quyền lực mới, sau khi bà  Catherine Margaret Ashton được bầu làm Đại diện cao cấp của Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại và chính sách an ninh - vị trí được coi là Bộ trưởng Ngoại giao, một "phái viên hòa bình" của cả châu Âu đối với phần còn lại của thế giới.

Ngoài không ít những bất ngờ khá thú vị xung quanh đề cử trên, cương vị của bà Ashton còn được nhiều nhà quan sát đánh giá là có trọng lượng và nhiều thực quyền hơn cả chiếc ghế chủ tịch châu Âu mang nặng tính hình thức cũng mới được bầu...

Với việc bổ nhiệm bà Catherine Ashton, EU có vẻ như đã trả lời cho câu hỏi đầy vẻ phân vân trước đây của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger: "Tôi cần phải gọi cho ai tại châu Âu trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quốc tế?". Giờ đây, người đại diện hàng đầu của cả châu Âu sẽ là nữ Nam tước Catherine Margaret Ashton, trước đây từng là nhà hoạt động phản chiến, sau đó trở thành một chính trị gia có uy tín của Công đảng tại Anh và của cả EU.

Bắt đầu từ ngày 1/12/2009, bà Ashton (53 tuổi, cũng là cựu đại diện thương mại của EU)  chính thức đảm nhiệm vị trí đại diện cao cấp của EU về đối ngoại và chính sách an ninh. Sự lựa chọn trên của EU đã gây bối rối cho các nhà phân tích, chưa kể không ít những chỉ trích thậm chí phản đối quyết liệt vì nhiều lý do khác nhau.

“Điệp viên ảnh hưởng” của Moskva?

Trong khi quan chức đứng đầu mới của châu Âu là Herman Van Rompuy còn đang phải bù đầu trong việc thành lập một bộ máy dưới quyền mình và xa hơn nữa là xác định rõ những đặc quyền cụ thể thì tại văn phòng của bà Ashton -  thực chất là một mô hình kết hợp cả cơ quan ngoại giao và quốc phòng của châu Âu - đã ngay lập tức phải bắt tay giải quyết những vấn đề cấp thiết trên thực tế nằm trong trọng tâm chính sách đối ngoại của EU: xác định xu hướng quan hệ của EU với Nga và Ukraina, mở rộng NATO, tham vọng hạt nhân của Iran, cuộc chiến tại Afghanistan, đặc biệt là bước tích hợp tiếp theo trong nội bộ của chính EU để có thể tìm được tiếng nói chung của tất cả 27 quốc gia thành viên v.v...

Việc bà Ashton nhanh chóng được xếp vào hàng ngũ của những "quý bà trên sân khấu chính trị" - ngang hàng với Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - ngay lập tức đã gây ra nhiều ý kiến chỉ trích và phản đối, ngay cả tại quê hương của bà.

Đầu tiên là thủ lĩnh Nigel Farage của đảng Độc lập Anh (được mệnh danh là đảng của những người hoài nghi với tiến trình thống nhất châu Âu) đã gọi những thủ lĩnh mới được bầu của EU là "những chú lùn trong vườn rau".

Nhưng mũi dùi thực sự của Farage lại nhằm chính vào người đồng hương Ashton của mình. "Nữ Nam tước Ashton thật xứng đáng với vai trò mới - Thủ lĩnh đảng Độc lập mỉa mai - Bà chưa bao giờ có được một việc làm nên hồn và chưa bao giờ được bầu vào một vị trí đáng kể ngay trong nước".

 Farage sau đó còn viết một báo cáo chính thức gửi cho người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, buộc tội "tân Ngoại trưởng" của EU hồi còn hoạt động cho tổ chức hòa bình có tên "Phong trào giải trừ hạt nhân" (CND - Campaign for Nuclear Disarmament) đã từng nhận tiền của Moskva và có quan hệ chặt chẽ với nhiều đảng cộng sản tại châu Âu!!?

Cũng theo lời của Farage, các cuộc kiểm toán hồi cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước đã không thể làm rõ nguồn gốc 38% số ngân sách hàng năm của CND. Trong khi bản thân Ashton do tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế từng là người phụ trách tài chính của phong trào trên.

Tuy nhiên, người tiền nhiệm của Ashton tại CND là Dan Smith đã giải thích rằng, phần ngân sách trên là từ những khoản đóng góp rất nhỏ của người dân Anh, thông thường chỉ là vài bảng mỗi người. Nhưng nói chung, tất cả những nghi ngờ liên quan đến bà Ashton chỉ dựa trên những đánh giá mang tính phỏng đoán.

Theo họ, Moskva vào hồi những năm 70-80 đã cung cấp nhiều khoản tài chính lớn cho các tổ chức hòa bình tại Tây Âu, mà CND chắc hẳn không phải là một ngoại lệ. Nhưng cương vị mới của Ashton chỉ thực sự có thể bị lung lay, nếu như có được những bằng chứng xác đáng dưới dạng tài liệu, điều được đánh giá là gần như không thể. 

Bộ nhiệm bất ngờ

Công bằng mà nói, cương vị nặng nề mới được giao phó cũng là một bất ngờ thực sự đối với chính bà Ashton. Bà thậm chí còn không chuẩn bị kịp một bài diễn văn ngay sau quyết định trên. Nguyên nhân của bất ngờ trên hoàn toàn có thể giải thích.

Thủ tướng Anh Gordon Brown cho tới những thời khắc cuối cùng vẫn hy vọng đưa được người tiền nhiệm Tony Blair của mình vào chiếc ghế tổng thống EU. Nhưng đến khi hiểu rằng, ứng cử viên Blair của họ không thể thành công vì nhiều lý do, người Anh buộc phải hài lòng với vị trí quan trọng thứ hai tại EU.

Do một trong những điều kiện của Hiệp ước Lisbon là nguyên tắc cân bằng trong phân chia ghế, trong đó có cả giữa nam và nữ, bà Ashton đã nhận được lời đề nghị từ chính Thủ tướng Anh. Thông tin này bà Ashton nhận được khi đang ngồi trên taxi tới ga tàu để về nghỉ cuối tuần với gia đình.

Những bí quyết thành công

May mắn chỉ đến với người có khả năng - những yếu tố ngẫu nhiên trong sự nghiệp không thể nào gạch bỏ những ưu điểm và tiềm năng thực sự của nhân vật đứng thứ hai trong hàng ngũ lãnh đạo EU. "Nhiều người đã đánh giá không đúng về bà Ashton - một chính trị gia tại Anh nhận xét - Bà ấy bước chân vào chính trị không phải với những nắm đấm. Những thứ bà ấy mang theo là sự thuyết phục và lôi cuốn. Đó chính là bí quyết thành công của bà".

Trong Công đảng, Catherine Ashton dù chỉ là một chuyên gia kinh tế nhưng đã đảm trách thành công nhiều vấn đề cụ thể trong lĩnh vực y tế, giáo dục và tư pháp. Còn trong vai trò thủ lĩnh phe Công đảng tại Thượng viện, bà Ashton từ năm 2008 đã thực sự chiếm được lòng tin của Thủ tướng Gordon Brown, sau khi đã khôn khéo điều hành thông qua được Hiệp ước Lisbon tại Quốc hội sau quá trình tranh luận căng thẳng kéo dài tới 76 tiếng. Bà Ashton cũng nổi tiếng là người thẳng thắn, không e ngại công khai những gì mình nghĩ về các đồng nghiệp trong đảng.

Nhân vật quyền lực thứ hai trong EU theo quy định sẽ được hưởng mức lương gần 200 ngàn euro mỗi năm, cộng thêm gần 50 ngàn euro cho các chi phí công tác và trách nhiệm khác. Với cương vị mới, bà Ashton sẽ có quyền trực tiếp điều hành 130 đại sứ quán của EU trên khắp thế giới với đội ngũ không dưới 5.000 nhà ngoại giao, đảm trách việc phân phối khoản ngân sách 10 tỉ euro mỗi năm giúp đỡ các nước đang phát triển.

Nếu như chiếc ghế của Ashton được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua vào tháng 1/2010, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của châu Âu thống nhất vào tháng 4-2010 còn phải chính thức soạn thảo và đệ trình một văn kiện quan trọng nhằm xác định tương lai của ngành ngoại giao châu Âu.

Những người ủng hộ Ashton đều nhất trí cho rằng, bà hoàn toàn có thể đảm đương được nhiều nhiệm vụ khó khăn khác của EU trong giai đoạn tới. Bản thân Ashton cũng đang rất quyết tâm "thể hiện" khả năng để chứng minh mình không phải là "chú lùn" trên một sân khấu chính trị rộng lớn như EU.

"Trong những năm tháng sắp tới, tôi muốn khẳng định mình hoàn toàn phù hợp với công việc này - "tân Ngoại trưởng EU" phát biểu - Tôi hy vọng những kinh nghiệm đã có của mình sẽ giúp chứng minh tôi là sự lựa chọn tốt nhất"

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.