Câu chuyện khăn quàng cổ của tân Tổng thống Zimbabwe

Thứ Ba, 31/07/2018, 10:54
Một phụ kiện thời trang ngẫu nhiên đang giúp Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa - chính thức tuyên thệ nhậm chức hôm 24-11-2017 - chinh phục thêm cảm tình của người dân ngoài cam kết thay đổi đất nước tốt đẹp hơn so với người tiền nhiệm Robert Mugabe.

Kể từ khi dự Diễn đàn kinh tế Davos hồi tháng 1-2018, ông Mnangagwa luôn xuất hiện với chiếc khăn quàng cổ thể hiện màu cờ Zimbabwe. Thế nhưng, ông Mnangagwa quấn khăn không nhằm mục đích bảo vệ phần cổ trước thời tiết lạnh giá ở thành phố Davos của Thụy Sĩ mà đằng sau đó là câu chuyện khác...

Emmerson Mnangagwa (cũng thường được người dân gọi là ED) đăng video clip trên nền tảng xã hội Twitter, tuyên bố một cách tự hào: “Zimbabwe đang mở cửa cho doanh nghiệp”. Hiện nay, có thể nói chiếc khăn quàng cổ có cuộc sống riêng của nó - bên ngoài Diễn đàn Davos - và thậm chí có hashtag riêng là #Edscarf. Hình ảnh chiếc khăn quàng cổ của Mnangagwa muốn nói lên rằng đất nước Zimbabwe cần phải đổi mới, thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng sản xuất hàng hóa nội địa xứng tầm thế giới.

Tổng thống Emmerson Mnangagwa với chiếc khăn quàng cổ.

Dưới thời cựu Tổng thống Robert Mugabe, chi tiêu chính phủ đạt đến con số lớn khủng khiếp chủ yếu do chính sách kinh tế yếu kém cùng nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan chức, trong đó 90% ngân sách được sử dụng để trả lương cho nhân viên nhà nước và chỉ một phần rất nhỏ được sử dụng vào mục đích tái đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế. Thêm vào đó, việc in hàng loạt tiền quốc nội để chi trả các món nợ nước ngoài càng khiến cho đồng tiền Zimbabwe rớt giá thảm hại dẫn đến thảm họa siêu lạm phát ở nước này.

Cô Celia Rukato phát biểu với báo chí: “Mọi người nên biết rằng tổng thống đang mang chiếc khăn quàng cổ. Điều đó hết sức ấn tượng với chúng tôi”. Celia Rukato cho biết chiếc khăn chính là một trong những sản phẩm đầu tiên mà cô và mẹ là Hesphina Rukato sản xuất sau khi họ thành lập công ty khởi nghiệp vào năm 2014. Chiếc khăn được bán tại một cửa hiệu nhỏ nằm trong sân bay quốc tế Harare của Zimbabwe. Chiếc khăn cũng là sản phẩm thành công cho thấy hai mẹ con “tự hào là công dân Zimbabwe”.

Chiếc khăn gợi nhớ đến phong trào truyền thông xã hội gọi là #ThisFlag chống đối vai trò lãnh đạo đất nước của Tổng thống Robert Mugabe vào năm 2016. Phong trào được phát động bởi mục sư Evan Mawarire đã khiến Mugabe giận dữ. Mawarire đăng lên một video lên nền tảng xã hội Facebook với hình ảnh ông quấn lá cờ Zimbabwe vòng quanh cổ đồng thời giải thích màu sắc của lá cờ.

Celia Rukato và chiếc khăn biểu tượng Zimbabwe; chiếc khăn của Celia Rukato trở thành mặt hàng bán chạy.

Mawarire nói: “Người ta nói với tôi rằng màu xanh lục thể hiện thực vật và cây trồng. Nhưng, tôi không nhìn thấy bất cứ cây trồng nào trên đất nước tôi. Màu vàng là khoáng sản bao gồm kim cương, platinum, chrome nhưng tôi không biết có bao nhiêu thứ này đã rời khỏi đất nước. Tôi cũng không biết những ai đã bán chúng và được trả bao nhiêu tiền. Màu đỏ là màu máu đổ ra để giành lấy tự do”.

Trước khi Robert Mugabe bị phế truất, các cửa hàng trong nước đều bị cấm bán lá cờ nếu có sự cho phép từ chính quyền. Trong những ngày biểu tình chống đối Robert Mugabe mãnh liệt chưa từng có trước khi ông này bị phế truất, lá cờ hiện diện khắp mọi nơi trên cổ của rất nhiều người dân Zimbabwe, không phân biệt đảng phái chính trị mà họ ủng hộ.

Sau khi chiếc khăn quàng cổ được Emmerson Mnangagwa mang tại hội nghị Davos, nó trở thành biểu tượng của Zimbabwe ở nước ngoài. Đối với 2 mẹ con Rukato, sự thành công không ngờ của chiếc khăn càng thôi thúc họ nhanh chóng hoàn thành tham vọng tiếp theo là sáng tạo trang phục quốc gia cho Zimbabwe.

Hesphina Rukato chia sẻ: “Một trong những kế hoạch mà chúng tôi theo đuổi trong nhiều năm qua là tạo ra một bộ quốc phục cho Zimbabwe như phần đông các nước khác đã có. Chiếc khăn quàng cổ chỉ mới là một trong những sản phẩm mà chúng tôi đầu tư nghiên cứu thiết kế”.

Không chỉ được dùng làm biểu tượng cho Zimbabwe ở nước ngoài, chiếc khăn còn mang màu sắc chính trị trong nước do sự yêu thích sản phẩm của Mnangagwa. Người dân thường nhìn thấy Mnangagwa quấn chiếc khăn quanh cổ tại gần như mỗi cuộc vận động tranh cử của đảng cầm quyền Zanu-PF.

Hiện nay, chiếc khăn quàng cổ của 2 mẹ con Rukato được sử dụng rất phổ biến tại Zimbabwe và mang về lợi nhuận không nhỏ cho họ.

Diên San (tổng hợp)
.
.