Châu Âu chia rẽ hậu Brexit

Thứ Năm, 01/03/2018, 17:38
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ) đã không đạt được kết quả gì khi lãnh đạo 27 nước thành viên chia rẽ sâu sắc trước yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống ngân sách mà nước Anh bỏ lại khi rời “ngôi nhà chung”.

Bất đồng này một lần nữa đẩy EU vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi các cuộc đàm phán chưa ngã ngũ cũng chỉ vì những tính toán hơn thiệt mà chưa bên nào chịu bên nào.

Chia rẽ vì vấn đề ngân sách

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của 27 nhà lãnh đạo EU không có Anh diễn ra vào ngày 23-2 tại Brussels tập trung vào giai đoạn then chốt trong lộ trình cho một liên minh nhỏ hơn và thống nhất hơn sau khi nước Anh rời khỏi EU. Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu cơ bản đều nhất trí quan điểm EU sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho mục đích ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như duy trì chương trình Eramus +, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục các định hướng về gắn kết xã hội, chính sách nông nghiệp chung, đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo và phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn EU.

Song, kết thúc hội nghị, các lãnh đạo EU đã không thống nhất được một cách cụ thể các nước sẽ phải đóng góp nhiều hơn bao nhiêu cho ngân sách chung để lấp đầy khoảng trống 12-15 tỉ euro do nước Anh để lại sau khi rời EU. Chỉ có 14 hoặc 15 nước chấp nhận tăng mức đóng góp cho ngân sách chung, trong khi còn gần một nửa số quốc gia thành viên vẫn chưa quyết định hoặc là phản đối. Đức, Tây Ban Nha và Pháp tuyên bố sẵn sàng chi thêm thì các nước đóng góp ròng khác là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo lại phản đối.

Một trong những bất đồng khác chưa giải quyết được tại hội nghị lần này là cách thức chọn người đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC). Lãnh đạo các quốc gia không đồng ý để Nghị viện châu Âu (EP) được quyết định chọn chủ tịch cơ quan hành pháp EU sau khi ông Jean Claude Juncker  mãn nhiệm vào năm 2019.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố Hội đồng không thể đảm bảo trước là sẽ đề cử một trong những "ứng cử viên chính" của EP như trường hợp ông Junker năm 2014. Trong khi các nghị sĩ đánh giá cách làm trên là dân chủ thì lãnh đạo các quốc gia EU lại cho rằng phương thức này chỉ phản ánh ý chí của các nhóm chính trị ở Brussels và điều này gây phương hại đến chủ quyền của các quốc gia.

Những cố gắng của EU nhằm vượt qua cú sốc sau khi thiếu đi một thành viên quan trọng đã vấp phải những vấn đề muôn thuở mà khối này luôn phải đối mặt trong suốt 6 thập niên tồn tại là tiền và chủ quyền. Nhiệm vụ lấp khoảng trống về tài chính do Brexit để lại trong ngân sách nhiều năm của EU từ năm 2020 hiện có nguy cơ gây ra những mâu thuẫn nghiêm trọng hơn khi một số gợi ý rằng tới đây, mức đóng góp cần tăng lên tới 1,1 hoặc 1,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với 1% GDP của giai đoạn 2014-2020.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni tại Hội nghị lãnh đạo các nước thành viên EU ở Brussels (Bỉ).

Quan hệ rạn nứt

Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Anh Theresa May đã có một cuộc họp quan trọng về Brexit, với những thành viên chủ chốt trong nội các Anh tại Chequers. Tuy nhiên, hiện hai phe ủng hộ Brexit "cứng" và Brexit "mềm" trong nội các vẫn chưa có đến thỏa hiệp với nhau hay không.

Trong khi Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh David Davis cho rằng các bộ trưởng sẽ phải "đóng kín cửa ngồi với nhau" để đi đến được quyết định thống nhất với nhau về tương lai quan hệ Anh-EU sẽ mang hình hài như thế nào thì Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trước đó nói với các quan chức Đức là chiến lược Brexit của Anh vẫn là "một mớ hỗn độn".

Giải pháp Brexit mà Thủ tướng May hướng tới đó là mối quan hệ thương mại mang danh "quản lý sự khác biệt". Theo cách tiếp cận này, hoạt động kinh tế giữa Anh và EU có thể được chia thành 3 giỏ: liên kết hoàn toàn, tức là Anh sẽ phải theo các quy định của EU; "thừa nhận lẫn nhau" là khi cả hai bên cùng nhất trí với nhau về những mục tiêu chung nhưng mỗi bên có thể lựa chọn những quy định riêng của mình; Anh có thể từ bỏ các quy định EU và làm bất cứ điều gì Anh muốn.

Cái hay của cách tiếp cận này là đoàn kết các thành viên nội các lại với nhau. Những người ủng hộ Brexit "mềm" như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond sẽ chỉ ra các lĩnh vực (đáng kể là lĩnh vực sản xuất) mà Anh có thể phải liên kết hoàn toàn với EU và có thể bảo vệ nền kinh tế; những người ủng hộ Brexit "cứng" như Ngoại trưởng Johnson sẽ chỉ ra các ngành (chủ yếu là ngành dịch vụ) là những ngành mà Anh có thể lựa chọn đặt ra những quy định của riêng mình.

Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là kế hoạch này gần như bị 27 nước EU phản đối vì họ không chấp nhận để Anh dễ dàng được vào thị trường đơn lẻ chung những phần mà Anh muốn, nhưng lại không tham gia những phần còn lại. Giới phân tích chỉ ra rằng 27 nước EU hiện nay chia rẽ ý kiến đối với vấn đề tương lai nào cho mối quan hệ Anh-EU hơn là giai đoạn đầu của đàm phán Brexit.

Theo phân tích, một số chính phủ không thấy thoải mái với quan điểm cứng rắn của người Đức, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC), đồng thời nêu ra hoạt động thương mại của Anh với EU lớn gấp 8 lần của EU với Canada. Anh và EU muốn một mối quan hệ gần gũi hơn với nhau trong một số lĩnh vực như an ninh, chính sách đối ngoại và nghiên cứu. Nhóm những nước có quan điểm này gồm Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha, Italy, Croatia, Hungary, Ba Lan và có thể là cả Tây Ban Nha.

Mặc dù vậy, để chinh phục được những quốc gia EU này là điều không hề dễ dàng và bà May sẽ phải có những nhượng bộ đáng kể trong mấy tháng tới nếu như hướng "quản lý sự khác biệt này" được thực hiện. Theo giới phân tích, bà May sẽ phải cố gắng nhẫn nhịn và chấp nhận một số vấn đề liên quan đến cơ chế. Bà cần linh hoạt hơn đối với những "ranh giới đỏ" do bà đặt ra như chấp nhận quyền thực thi pháp luật của Tòa án Tối cao châu Âu đối với Anh trên một số lĩnh vực.

Bà cũng sẽ phải đưa ra đề xuất hệ thống nhập cư dễ dàng thuận lợi cho các công dân của EU hơn là so với những người đến từ các quốc gia ngoài EU khi đến xin nhập cư vào Anh cũng như phải đóng góp tiền cho một số dự án của EU.

Đây chắc chắn sẽ là những yêu cầu khó khăn đối với bà May, làm sao thực hiện những nhượng bộ này mà không vấp phải sự phản kháng từ những người thuộc phe ủng hộ Brexit "cứng" trong đảng Bảo thủ khi trên thực tế, ngày 21-2 vừa qua, bà May đã nhận được thư kiến nghị từ 62 nghị sĩ đảng Bảo thủ yêu cầu Anh phải giữ được "toàn quyền quyết định về các quy định" cho thời hậu Brexit.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.